Không ít lần chúng ta đã được nghe những câu như “Con trai là không được khóc nhè”, “Con trai gì mà sợ ma”, “Con trai gì mà thích màu hồng” hay “ đàn ông mà lương thấp hơn đàn bà”, “ đàn ông mà rửa bát, nấu ăn”. Có thể nói, có rất nhiều nam giới đang bị mắc kẹt trong những tư tưởng vô lý về nam tính dù là trẻ em hay đã trưởng thành.
Vậy nam tính độc hại (toxic masculinity) là gì? Cùng chúng mình đi qua chủ đề này và xem bản thân bạn cũng như mọi người xung quanh có đang bị dính lời nguyền nam tính không nhé!
Có rất nhiều khái niệm về nam tính độc hại xuất hiện trong nghiên cứu cũng như trong đời sống. Một số nhà nghiên cứu đã đồng ý rằng nam tính độc hại gồm 3 thành phần cốt lõi:
– Mạnh mẽ- nghĩa là đàn ông thì phải mạnh mẽ về thể chất, chai lì về cảm xúc, hưng hăng trong hành vì.
– Sự chống đối- điều này liên quan đến tư tưởng cho rằng nam giới nên từ chối bất cứ điều gì được coi là nữ tính như thể hiện cảm xúc, chấp nhận sự giúp đỡ.
– Quyền lực- là đàn ông phải đạt được quyền lực và địa vị để nhận được sự tôn trọng.
“Cái hộp” chứa chứa nam tính độc hại là một cái “hộp” nhỏ hẹp và cứng nhắc, để ngồi vừa trong chiếc hộp này phái nam luôn phải cố gắng biến đổi bản thân theo những điều như:
– Chịu đựng đau đơn trong im lặng
– Không được dựa dẫm vào người khác
– Không có nhu cầu gì
– Không thể hiện cảm xúc gì
– Không làm những hành động tỏ ra yếu đuối.
– Nam tính độc hại cũng đã đưa ra những tiêu chuẩn về một người đàn ông đích thực như trụ cột gia đình, cơ bắp lực lưỡng, khả năng giường chiếu, hiểu phụ nữ, biết uống bia rượu,..
Vào thời phong kiến ở Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn của Nho giáo. Theo đó nam giới được trao trọng trách phải là quân tử, phải làm việc lớn, nam giới mạnh mẽ là điều hiển nhiên không có gì bàn cãi được. Tại Bắc u, dưới nền văn hoá Viking và vô số cuộc chinh phạt quy mô lớn người dân nơi đây rất coi trọng sức mạnh. Có lẽ chẳng còn gì thất bại hơn việc một người đàn ông gầy gò, hiền lành và không yêu thích chiến tranh.
Ngoài ra, nam tính độc hại cũng đến từ giáo dục gia đình. Trong cuộc sống thường nhật, chắc hẳn chúng ta vô tính thấy những hình ảnh như: những cậu bé không được phép thể hiện mình yếu đuối hoặc nếu chúng khóc sẽ bị trêu chọc là “đồ con gái!”. Dù là bé trai hay bé gái đi chăng nữa thì những lời nói vô ý này không những tạo cho các bé cái nhìn rập khuôn về tính nam mà những cậu bé ấy sẽ lớn lên trong áp lực vô hình, phải thể hiện mình “bình thường”, mình nam tính.
Nam tính độc hại để lại một hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trước hết chính là ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của chính bản thân mỗi người nam giới bằng nhiều cách khác nhau như: lạm dụng rượu bia, thuốc lá, các môn thể thao mạo hiểm,… để chứng minh sự nam tính của bản thân. Điều này không chỉ gây hại cho bản thân người sử dụng mà còn đối với người xung quanh.
Thứ hai ảnh hưởng đến tinh thần nam giới. Đặc biệt chính là cảm xúc thấy hiểu của bản thân. Cảm xúc duy nhất được thừa nhận theo “tiêu chuẩn” của nam tính độc hại là sự giận dữ. Nếu có bất kỳ cảm xúc nào khác xuất hiện thì sao? Đàn ông sẽ tự nói với chính mình rằng chúng không nên tồn tại, chúng ủy mị và yếu đuối. Và họ chọn cách kìm nén chúng lại. Nhưng có một sự thật rằng, cảm xúc bị kìm nén sẽ không bao giờ mất đi, một ngày nó đó chúng sẽ tìm cách bùng phát một cách tiêu cực độc hại và bạo lực hơn. Họ từ chối những cơ hội để thừa nhận sự yếu đuối hay tính đa dạng của những trạng thái cảm xúc bên trong mình và điều này tạo ra rào cản rất lớn để một cá nhân có thể chấp nhận và thấu hiểu cảm xúc của chính mình. Đồng nghĩa với việc từ chối bản thân để theo đuổi những giá trị nằm bên ngoài mình.
Đối với những người xung quanh. Nam tính độc hại dạy rằng đàn ông sử dụng bạo lực để có được sự tôn trọng. Nắm đấm và sức mạnh trong tư tưởng nam tính độc hại là một. Họ từ chối đối thoại hay chọn lựa những giải pháp liên quan đến ngôn từ vì với họ trò chuyện là thứ gì đó rất đàn bà và yếu đuối. Và bạo lực là điều duy nhất mà những kẻ bị đóng khung trong tư tưởng nam tính độc hại dùng để giải quyết tất cả những mâu thuẫn và áp dụng cho mọi tình huống mà những người đàn ông này cảm thấy sự nam tính của mình đang bị đe dọa. Điều này thể hiện qua không chỉ những hành động bạo lực cực đoan như chiến tranh, xả súng, hay giết người trong cơn giận giữ. Mà nó còn khéo léo được nuôi dưỡng ở gia đình trong mối quan hệ vợ chồng, việc nuôi dạy con cái và biến nó thành một vòng lặp không hồi kết.
Nam tính độc hại góp phần cấu thành nên một xã hội gia trưởng đáng kể. Nó khiến cho đàn ông có tuổi thọ ngắn hơn phụ nữ, có nhiều khả năng tử vong do tự tử và trên thực tế có nhiều kẻ phạm tội vì bạo lực là nam giới hơn phụ nữ (và chính những kẻ phạm tội ấy hầu hết cũng từng là nạn nhân của bạo lực). Nam tính độc hại dạy cho đàn ông rằng họ được định nghĩa bằng năng lực trong việc chiếm đoạt phụ nữ, và một cách phổ biến để đàn ông khẳng định sự thống trị của họ là thông qua tấn công và quấy rối tình dục .Những người đàn ông như vậy cũng có nhiều khả năng cưỡng hiếp phụ nữ nếu họ thù địch với phụ nữ, họ muốn thống trị bằng tình dục hoặc họ cảm thấy mình có quyền trên cơ thể của người phụ nữ.
Cùng với phong trào nữ giới, thúc đẩy quyền bình đẳng giới, vấn đề nam tính độc hại cũng đã trở thành mối quan tâm lớn của xã hội. Vậy chúng ta phải có những biện pháp gì hạn chế vấn đề này?
Đầu tiên là tự nâng cao nhận thức bởi nhận thức chính là khởi nguồn của tất cả. Chính bản thân của mỗi người phải hiểu sâu, rõ ràng và chính xác vấn đề này mới có thể chuyển hoá được thành hành động thiết thực và có ích.
Thứ 2, không nên áp đặt định kiến của mình lên người khác. Mỗi người đều mang một nét ngoại hình, suy nghĩ, cá tính khác nhau vậy nên không thể nào bắt người khác giống mình, sống rập khuôn theo khuôn mẫu nam tính.
Thứ 3, ngừng nói những lời nói như “đàn ông lên”, “đồ đàn bà”, “đồ õng ẹo” cũng như thay đổi và mở rộng định nghĩa về sự nam tính ( Vẫn khuyến khích đàn ông khỏe mạnh và cứng rắn, nhưng bên cạnh đó là sự cởi mở và chân thành.)
Có một thực tế phải thừa nhận rằng ít nhiều gì đàn ông đều phải chịu những thứ áp lực vô hình từ những khuôn mẫu nam tính chuẩn mực. Sau cùng thì việc đề cập đến tác động tiêu cực của tính nam độc hại không phải là để lên án hay chỉ trích mà là để nhận thức thêm về những áp lực mà nam giới phải chịu đựng, như cách mà Chimamanda Ngozi Adichie từng nói “Cho tới tận bây giờ, điều tệ hại nhất mà chúng ta gây ra cho đàn ông bằng cách luôn khiến họ phải cảm thấy thật khó khăn, đó là chúng ta bỏ mặc họ với những cái tôi mỏng manh.”