TƯỞNG LÀ “GIỎI”, HÓA RA LÀ “DỞ”

Ở đời, có 2 việc càng giỏi thì cuộc sống sẽ càng dở. Bài viết này, mình sẽ vào thẳng vấn đề, không lòng vòng, cũng như không dùng lời hoa mỹ. 

Sẽ có người:

– Một, là GIỎI đưa ra lời nói không cần dùng não. 

– Hai, là GIỎI trong việc tìm lý do để đổ thừa.

(hay người ta vẫn thường nói đùa rằng: sao có nhiều người tự đặt cho mình họ “Đổ” tên “Thừa” vậy.)

Chúng ta thường luôn coi nhẹ 2 thứ trên, coi nó rẻ như không và cực kì hiếm khi để ý đến, đó là sức nặng của lời nói phát ra từ miệng và thói quen đổ thừa một cách tai hại. 

1. Giỏi nói mà không cần dùng não. 

Từ thời xa xưa, người ta đã được dạy rằng “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” hay chậm vài giây trước khi phán quyết. Bởi “bút sa là gà c.h.ế.t”, lời nói tuy không được lưu lại trên giấy như chữ viết, nhưng nó được tâm thức người nghe lưu lại còn k.i.n.h kh.ủ.n.g hơn, vì đi kèm với nó còn có cảm xúc, giọng điệu và cả thái độ. 

Năm tôi đi du học ở Mỹ,  tình cờ nghe một bạn kia chê bạn nữ nọ là mập thù lù, rồi ngồi buôn dưa lê, đưa ra những lập luận kiểu như chắc là chỉ biết ăn rồi nằm, lười biếng nhớt thây, muôn vàn lời nói có mùi “thúi quắc” bay ra rả trong không khí. (Cái mà chúng ta quen với vấn nạn bodyshaming)

Tôi thắc mắc không hiết họ có nghĩ tới hậu quả của việc mình nói không? Hay là não chắc chỉ có gắn để trưng, để trang trí cho người khác thấy mình có đủ đầy các bộ phận?

Hay chuyện cãi nhau trong tình yêu cũng vậy! 

Còn yêu còn thương lời nói hoa mỹ luôn hiện diện, có khi sến súa lãng mãn đủ kiểu. Mà tới khi hết yêu hết thương, thì lời nói bỗng sắc như d.a.o găm, cái miệng dẻo queo ngọt lịm giờ thành con d.ao s.ắ.c n.h.ọ.n như muốn x.u.y.ê.n thấu đối phương một cách tận cùng.

Cũng không hề nghĩ rằng khi mình làm vậy thì người kia họ sẽ ra sao? Rồi những hậu quả gì đáng tiếc có thể xảy ra không?

Albert Einstein từng cho rằng suy nghĩ là một công việc khó khăn, nên ít có ai chịu suy nghĩ.

Thấy cũng đúng!

Suy nghĩ làm mình nhức đầu mệt óc. Cái gì nhảy ra liền trong đầu, thì lấy ra nói ra rả như những nhà diễn giả đại tài, mà cái này không phải là đại tài, hên lắm thì dính một vài lần nói hay, còn lại đa phần đúng hơn là đại hoạ.

Lời nói phát ra từ miệng, chính là một trong những thước đo của sự hiểu biết về bản thân, về sự văn minh trong tư duy của mỗi người. Mình đẹp người, đẹp nết thì lời nói cũng nên phải đẹp, mà để nói lời hay ý đẹp thì não phải thông. Nghĩa là trở nên là thông minh, sáng suốt, và thông thái hơn, mà để vậy thì phải dùng não để tư duy, tập thói quen suy nghĩ, để mình trở nên đẹp hơn trong lời nói.

Thiết nghĩ là việc ai cũng nên làm. 

2. Giỏi đổ thừa một cách tai hại

Có lần tôi về Việt Nam chơi hè, gặp một chú tài xế xe grab là một người đứng tuổi, nhưng ăn mặc thì rất chỉnh chu và tươm tất. Tình cờ, chú cũng có con gái đi du học xứ trời Tây, rồi sau một hồi nói chuyện qua lại, chú tâm sự với tôi rằng chú thấy buồn: “buồn cho một số bộ phận trong xã hội ít khi nào chịu mình thừa nhận những lỗi lầm của mình”.Cứ thích đùn đẩy cái xấu, cái trách nhiệm lên người khác để thân mình khoẻ, chú cố tình nói tránh là một số bộ phận vì có nỗi niềm riêng.

Tôi cũng hiểu điều đó.

Theo cá nhân tôi thì đã thấy quá nhiều. Chú nói mà làm mình cũng cảm thấy nhột nhột, bởi mình cũng nhiều lần tìm lý do để đổ thừa cho cái không tốt của bản thân, hay việc không tốt mà bản thân từng làm. 

– “Đi làm trễ à” – tại kẹt xe, bể bánh, đau bụng, nhức đầu, chứ thiệt ra là ngủ quên rồi dậy chuẩn bị không kịp. 

– Người yêu trách móc –  thì đùng đùng trách ngược lại: “tại sao anh/cô không hiểu tôi”, chứ ai tự nhận mình sai bao giờ. 

– “Sao làm quài không có dư” – trách công việc trả lương bèo, chứ có khi nào thừa nhận mình xài phung phí. 

– Mình dở, mình không cố gắng, làm biếng –  đổ thừa do tại “công việc bận bịu, do tại nhà xa không đi tập được”, đủ kiểu đổ thừa chứ có dám nhận mình bày đặt tỏ vẻ.

– Còn đi làm, teamwork mà lỡ bị chê cả nhóm thì mạnh ai đi đổ cái lỗi lên đầu người khác, miễn là mình đừng bị vạ lây là chơi tới bến. Nghĩ thiệt buồn. 

Lớn hết rồi mà chơi kì ghê! Có làm, có nhận.

Nhận rồi phải sửa, vậy mới là cách hành xử văn minh có học. Chứ có học mà đụng đâu đổ thừa đó, coi sao được??? Tật nó xấu, mà không có ích nữa; nên thôi, nếu có như vậy, từ nay hãy sửa thói quen… 

Sửa 1 ngày chưa được thì 10 ngày, không nữa thì vài tháng tới vài năm. Sửa tới khi nào từ họ “Đổ” tên “Thừa”, thành họ “Thừa” tên “Nhận”, là cuộc sống tự khắc sẽ đẹp hơn, mình sẽ tự tin hơn, cũng không phải áy náy nếu như có chuyện gì không đáng phải xảy ra. 

Chúng ta giỏi cái gì thì giỏi, chứ riêng tôi thấy mình cũng từng giỏi 2 cái này, và rồi cuộc sống của tôi cũng từng cũng lên bờ xuống ruộng theo nó luôn. 

Nên tôi đã quyết tâm thay đổi, dù đôi khi thỉnh thoảng có nghĩ tới, mà nhờ có tập suy nghĩ, nên kịp thời không buông lời nói bậy, không đổ thừa một cách tai hại. 

Hiện tại, chính bản thân cảm nhận thấy cuộc sống của tôi trở nên tốt hơn chút, đẹp hơn chút, và cũng thông thái hơn chút. 

Lời nói thể hiện con người bạn. Trách nhiệm thể hiện khí chất của bạn. Tôi thì sợ những cái tai hại do nói năng thiếu suy nghĩ và đổ thừa trách nhiệm lắm rồi. 

Lớn rồi, thì chỉ đừng lớn về mặt thể chất…

Tinh thần, tư duy, & trách nhiệm cũng phải lớn theo, bạn nhé! 

Thân ái,

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *