Chết cũng không nhận sai là trải nghiệm như thế nào?

Một hôm nọ, lãnh đạo và tất cả các thầy cô trong trường mỗi người đều nhận được một bức thư nặc danh giống y như nhau. Đọc xong bức thư đó ai cũng bàng hoàng và hoảng hốt cực độ.

Toàn bộ nội dung bức thư là một tấm sớ dài tố cáo các loại tội trạng của ông viện trưởng lớn tuổi vẫn luôn được mọi người kính trọng ở học viện chúng tôi. Từ việc nhân cách suy đồi đến việc dựa vào quyền lực mà xâm phạm nhiều nữ nghiên cứu sinh, cướp đoạt thành quả nghiên cứu của người khác,…Nhưng trong ấn tượng của mọi người thì viện trưởng là một người hiền hòa và nhân từ. Cho nên ai cũng đứng ra bênh vực ông, nói bức thư nặc danh đó là ăn không nói có, ác ý bôi đen viện trưởng.

Mấy ngày sau, người ta điều tra ra người gửi thư tố cáo là một giảng viên trong trường.

Nghĩ lại thì cách làm người của thầy có hơi đặc biệt. Mặc dù có một số sinh viên cực kỳ kính trọng thầy nhưng cũng không ít giáo sư bất mãn về cách làm việc của thầy, đôi lúc bọn họ còn công khai chế nhạo ngoài miệng.

Ví dụ như quy định của học viện là mỗi tiết bắt buộc phải điểm danh nhưng thầy chỉ làm tầm 7 8 lần rồi thôi. Lý do là không muốn bắt ép sinh viên, ai muốn học thì tự giác đến nghe; Đợt đó có một sinh viên bảo vệ luận án không tốt nên thầy muốn châm chước một chút. Thấy những giảng viên khác tỏ ra khó chịu thì thầy châm biếm ngược lại, “Bản thân viết luận văn như phân chó mà còn không biết xấu hổ đi làm khó sinh viên.”; Lúc học viện mở cuộc họp thì thầy không kiêng nể ai cũng không quan tâm người ta nghĩ gì, cứ chỉ ra hết mấy vấn đề còn tồn đọng trong học viện. Về lâu về dài thì đương nhiên là có một số giảng viên và lãnh đạo trong học viện nhìn thầy không vừa mắt.

Thầy làm nghề giáo được mấy chục năm rồi, đã từng xuất bản một số tác phẩm chuyên ngành và luận văn chuyên sâu, cũng có chút địa vị trong giới học thuật. Nhưng vì cách đối nhân xử thế không mềm dẻo linh hoạt, tính cách lại cố chấp nên đến bây giờ thầy vẫn dừng lại ở học hàm Phó Giáo Sư.

Sau khi bị điều tra ra, thầy không biện minh mà cũng chả thẻm chối.

Vì để thể hiện sự bao dung độ lượng của mình nên viện trưởng không muốn làm khó thầy. Ý của viện trưởng là, “Chỉ cần anh thành tâm nhận sai, viết một bản kiểm điểm thì chuyện này xem như xong, tôi sẽ không truy cứu nữa.”

Nhưng nói kiểu gì thầy cũng kiên quyết không nhận sai.

Sau đó thầy bị đình chỉ để tiếp nhận điều tra. Ngay lập tức trên mạng có người tẩy trắng cho viện trưởng, đồng thời chỉ trích, lên án thầy bôi nhọ nhân phẩm người khác. Thậm chí có một số người còn đổ dầu vào lửa nói thầy thường xuyên tỏ ra bản thân vượt trội hơn người khác, hay tạo chủ đề để nổi tiếng và phát ngôn nhiều câu nói gây sốc nhằm thu hút sự chú ý của sinh viên; Luận văn của thầy đa số là dùng ngôn ngữ thông thường để biểu đạt, rất ít sử dụng từ ngữ mang tính học thuật; Mà chuyện tố cáo lần này nhất định là do thầy ác ý phỉ báng nhằm hạ bệ viện trưởng và tìm hướng leo lên cái ghế cao hơn.

Trong 2 năm, thầy không được lên lớp một buổi, vị trí giảng viên bị đe doạ nghiêm trọng, tất cả những danh tiếng gom góp trước đó cũng có thể bị hủy hoại bất cứ lúc nào. Dù vậy nhưng thầy vẫn không thay đổi quan điểm và thái độ, ở nhà rảnh rỗi thì xem như nghỉ phép, tranh thủ nghỉ ngơi, bồi dưỡng sức khỏe.

Khi mọi chuyện được tra rõ mọi người lại “ồ” lên một lần nữa.

Viện trưởng xác thực là đã từng dùng quyền lực để cưỡng ép nữ nghiên cứu sinh và cướp đoạt thành quả nghiên cứu học thuật của thầy. Sau khi viện trưởng bị đuổi việc, thầy quay trở lại vị trí cũ làm giảng viên của một chuyên ngành “không hot” tại một học viện cũng “không hot” mấy.

Tin tức về chuyện này rất nhanh bị áp xuống, đa số sinh viên chỉ biết học viện mới đổi viện trưởng và có một giáo viên đi dạy lại sau 2 năm bị đình chỉ.

Những người từng nịnh nọt viện trưởng cũ nay lại bận rộn nịnh nọt viện trưởng mới. Còn những người giữ thái độ trung lập, không phán xét, không nói mò thì vẫn bình thường, chuyện ta ta làm, chuyện người kệ người.

Sau khi trải qua chuyện này, giọng điệu lúc giảng bài của thầy vẫn không khác xưa là mấy, thẳng thắng, cứng rắn không kiêng nể ai. Bộ dáng cứng đến nỗi khiến người ta nghĩ rằng trên đời này không gì có thể đánh bại thầy, làm thầy thay đổi.

Thầy giảng về Lỗ Tấn, về Nho Đạo, về tinh thần hiệp nghĩa của Mặc Gia, về những nhà văn vẫn dựng thẳng sống lưng mà sống trong thời loạn. Thầy vẫn mặc chiếc sơ mi quen thuộc, mang đôi giày lười vừa giản dị vừa sạch sẽ. Giữa tiết học thầy sẽ lấy đàn nhị ra kéo một đoạn để mọi người thả lỏng, giảm bớt căng thẳng.

Tất nhiên, ẩn bên trong khí chất mọt sách đó vẫn là một tâm hồn còn cứng và nhọn hơn cả một đấu sĩ lâu năm.

Tôi nghĩ, “chết cũng không nhận sai” như thế này chính là phong phạm cần có của một người đọc sách.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *