0. Nàng tiên cá
Ngày 12 tháng 4 năm 2013, thứ Sáu, trời nhiều mây.
Tôi không ngờ là sẽ bắt gặp anh ta.
Đây vốn dĩ là một buổi chiều hết sức bình thường. Vì là thứ Sáu, nên tôi cho nhân viên được nghỉ về nhà sớm, ai có hẹn thì đi hẹn, ai có con thì đón con. Còn tôi đến trung tâm thể hình. Hôm nay chạy 5 cây chỉ mất có 26 phút, nhanh hơn 2 phút so với tuần trước. Huấn luyện viên rất hài lòng, tôi cũng thế. Quan hệ giữa chúng tôi dường như đã ấm lên. Chỉ có điều, bầu không khí ấy chẳng duy trì được bao lâu. Trong lúc giúp tôi kéo dãn cơ, anh ta lại đặt tay lên đùi tôi.
Anh ta bảo: “Cơ bắp đã săn chắc lên nhiều.”
Tôi đáp: “Ồ, thật sao?”
Tay anh ta lại nhích lên vài phân: “Kiên trì, lượng mỡ thừa của em sẽ càng ngày càng thấp.”
“Vâng.” Tôi đứng dậy, “Đã đủ để đánh dập sống mũi của anh chưa?”
Mặt anh ta bỗng chốc đỏ gay, khiến người khác cảm thấy thật buồn cười. Khi tôi ném cái đích đấm bốc trở lại, hắn ta vẫn không dám nhìn tôi, nét mặt tỏ vẻ hậm hực.
Tôi biết hắn ta coi tôi là loại đàn bà ấy: độc thân, lắm tiền, nhiều tuổi, nhìn thấy cơ bụng và mông cong của hắn là muốn hồi xuân, tầm dăm ba buổi học là có thể bế tôi lên giường.
Hắn ta im lặng không nói gì.
Được thôi, mặc kệ hắn ta. Huấn luyện viên đáng kính à, anh cứ tiếp tục nghĩ như vậy đi. Nhưng mà bây giờ, mời anh giơ chiếc đích đấm bốc(1) lên một cách nghiêm chỉnh. Bởi vì trước khi hoàn thành cái chuyện ấy, tôi cần phải bảo đảm thể lực và kỹ năng của mình ở trạng thái tốt nhất đã.
Tập với đích đấm 20 phút, tập với bao đấm quả lê(2) 20 phút. Kết thúc buổi tập, huấn luyện viên mời tôi đến kí vào sổ theo dõi huấn luyện một cách nho nhã, cái biểu cảm của hắn ta thật khiến tôi tức cười.
Tắm táp xong, sấy khô tóc, tôi đi giải quyết bữa tối bằng món salad ở “Lotus Coffee”. Trong lúc đang lăn tăn nên đi mát-xa hay trở về nhà, tôi chợt nhìn thấy tấm áp-phích treo trước cổng một nhà hát nhỏ.
Bối cảnh màu lam hơi ngả lục, được trang trí bởi bóng nước, thủy tảo và san hô. Trung tâm bức ảnh là một cô gái hình tượng hoạt hình với mái tóc đỏ, đang ôm một chú cá vàng nhỏ, ngồi trên một mỏm đá, nhìn về phía lâu đài cổ ở ven biển. Nửa thân dưới của cô ấy là một chiếc đuôi cá cuộn tròn, đang thả mình đong đưa theo làn sóng.
Kịch cổ tích âm nhạc: “Nàng tiên cá”
Nàng. Tiên. Cá.
Tôi dùng cà phê đánh chìm ba chữ ấy trong kẽ răng. Người phục vụ đang thu dọn bát đũa ở bàn đối diện nhìn tôi một cách hiếu kỳ. Tôi nhắm mắt lại, cảm giác những giọt nước ngày càng to đang ngưng tụ trên hàng lông mi.
Vé vào cổng 80 Tệ. Nhà hát không hề lớn, chỉ chứa được mấy chục người. Tôi ngồi ở hàng ghế sau cùng, nhìn lên tấm rèm sân khấu màu tím sẫm, suy đoán xem rốt cục đáy biển ẩn sau tấm màn ấy sẽ trông như thế nào.
Bên trong nhà hát đã có một vài khán giả ổn định chỗ ngồi, chờ đợi tiết mục mở màn. Đa số là bố mẹ dẫn theo con cái đến xem. Mùi thơm của bỏng ngô quyện với tiếng ồn ào, huyên náo của bọn trẻ con, như kéo nơi đây ra khỏi mặt biển. Tôi thở dài, tưởng tượng những chiếc mang cá đang nhẹ nhàng khép lại đằng sau tai.
Một cô bé mặc chiếc váy len màu xanh lá đứng dậy khỏi ghế ngồi, phấn khích ngắm nhìn những ngôi sao biển, vỏ sò và bạch tuộc được treo trên sân khấu.
“Mẹ ơi, nhìn kìa, Patrick Star!”
Bà mẹ của cô bé vội kéo con mình ngồi xuống ghế: “Suỵt! Không được làm ồn, vở kịch sắp bắt đầu rồi.”
Người phụ nữ ấy chạc tuổi tôi, bề ngoài nho nhã, đeo một cặp kính gọng đen giản dị. Cô ấy vừa nói, vừa ngó nghiêng xung quanh, xem con gái của mình có đang che khuất tầm nhìn của ai không. Ánh mắt của tôi và cô ấy giao nhau giữa không trung, cô ấy mỉm cười như ngỏ lời xin lỗi, tôi cũng cười, rời ánh mắt đi.
Sau đó, tôi bắt gặp anh ta.
Dương Lạc ôm một phần bỏng ngô lớn và chai Coca, đang chen qua khán giả ngồi ở hàng ghế số 4, tiến sát về phía người phụ nữ đeo kính đen kia. Trán anh ta lấm tấm mồ hôi, khuôn mặt tròn nhơm nhớp dầu. Xem ra, anh ta di chuyển rất khó khăn. Ở khe giữa ghế ngồi và đùi, Dương Lạc không thể không hóp cái bụng phệ của mình lại, vừa ra sức không để Coca vãi ra ngoài, vừa gật đầu xin lỗi những khán giả đang thu chân lại để nhường đường cho anh ta.
Mái tóc lưa thưa, thân thể biến dạng của Dương Lạc cuối cùng cũng được đoàn tụ cùng vợ con. Người phụ nữ đeo kính đen kia có vẻ đang phàn nàn, còn đứa bé thì lại rất vui, đưa tay vào bịch lấy bỏng ngô nhét vào miệng, đồng thời chỉ về phía con sao biển khổng lồ màu vàng cho anh ta xem.
Khuôn mặt Dương Lạc bộc lộ triệt để dưới ánh đèn sân khấu. Anh ta nhìn về hướng tay cô bé đang chỉ vào những con sao biển, làm ra bộ kinh ngạc một cách thái quá. Vào khoảnh khắc ấy, trong kí ức tôi hiện lên rõ nét một khuôn mặt góc cạnh, cặp mắt tít lại cùng nụ cười ấp áp thời thiếu niên.
Tôi ẩn mình trong bóng tối, nhìn cách anh ta hùa theo những động tác khua chân múa tay của cô con gái, cảm giác như lưỡi dao sắc bén của tháng năm đang cứa lên cơ thể mình đầy đau đớn. Đến khi ánh đèn sân khấu vụt tắt, người phụ nữ đeo kính đen mới kéo hai bố con họ ngồi xuống, vở kịch “Nàng tiên cá” sắp bắt đầu.
Nàng tiên cá chống cằm, mê mẩn lắng nghe chị mình kể về cảnh sắc ở trên mặt biển.
Nàng tiên cá ra sức kéo hoàng tử ra bờ biển.
Mụ phù thủy nói: “Cô sẽ biến thành bong bóng trên biển.” Sắc mặt nàng tiên cá tái nhợt: “Tôi không sợ!”
Nàng tiên cá tỉnh dậy trong cơn đau đớn tột cùng, chiếc đuôi cá của cô đã hóa thành một đôi chân mỹ lệ. Trước mặt cô, là ánh mắt đong đầy sự quan tâm của chàng hoàng tử.
Tôi cầm lấy chiếc túi da, nhanh chóng đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi trong những tiếng trách móc.
Tôi chỉ biết bỏ chạy. Vì tôi sợ anh ta sẽ nói với cô con gái của mình rằng: “Bố đã từng là chàng hoàng tử kia.”
Nhưng, khi bước tới trước cánh cổng, tôi vẫn không kìm được mà quay đầu nhìn về phía vũ đài trên kia. Nàng tiên cá và hoàng tử đang tung tăng nhảy múa cùng nhau. Chiếc váy trắng được dệt từ lụa và sợi kéo. Đôi chân đẹp mê hồn, vạt váy tung bay.
Trời xẩm tối. Tôi lái chiếc xe của mình phóng như bay trên con đường quốc lộ, ánh đèn đô thị dần bày ra trước mắt. Thi thoảng, tôi lại bắt gặp cảnh đứa con đang nắm tay bố mẹ nó, nhảy tung tăng trên đường. Không biết bọn họ hạnh phúc tới đâu, nhưng có một điều tôi rõ hơn cả, đó là nỗi khổ của mình cũng như con đường quốc lộ trước mắt kia, đều không thấy điểm cuối.
Những nàng tiên cá ơi, quãng đường các bạn đến với thiên đàng không tới 300 năm. Còn mỗi giọt nước mắt của tôi, thì lại tăng thêm từng ngày.
Tôi nắm chặt lấy vành vô lăng, dồn lực xuống bàn chân. Chiếc xe màu đen nhanh chóng hòa mình vào màn đêm.
Nàng tiên cá xinh đẹp, xin hãy cất tiếng hát cho mỗi nụ cười trên không trung.
Em bé mồ côi bị câm của tôi ơi, đừng sợ, thành phố này, chính là đại dương của em.
1. Cô bé mất tích
Ngày 22 tháng 5 năm 1994, Chủ nhật, trời quang.
Tôi hận Tô Triết. Đúng, tôi hận nó.
Tối hôm nay, khi tôi giảng cho nó về phương trình bậc nhất hai ẩn, nó gần như không nghe, cứ ngồi nghịch cái món đồ chơi ngu xuẩn đó. Chỉ là một chiếc xe có thể biến hình thành người máy thôi mà, tôi không hiểu sao nó lại đắt đến thế. Nhưng bố mẹ hiển nhiên không nghĩ vậy. Khi họ mua cho Tô Triết món đồ chơi đó, dường như không hề nhận thức được rằng bố phải tháo dỡ mấy cái kính xe hơi mới đủ tiền mua thứ đồ chơi rách ấy. Được thôi, nó là con trai của họ mà, nụ cười của nó có thể làm tiêu tan mọi nỗi khổ trong lòng họ.
Sau bữa tối, khi chuẩn bị đi làm bài tập thì mẹ bắt tôi kèm Tô Triết học. Tôi không bằng lòng, nhưng rồi vẫn đồng ý. Mẹ để ý tới thái độ của tôi, hỏi tôi làm sao thế. Tôi bảo con còn rất nhiều bài tập cần làm. Mẹ liền bực mình: “Mới lớp 10 mà đã lắm bài tập thế à, cô giáo mày định hành cho học sinh mệt c.hết đúng không?”
Tôi đáp: “Mẹ, con lớp 11 rồi.” Mẹ tôi ngớ người, ồ một tiếng rồi quay đi rửa bát.
Tôi không hề muốn dạy kèm Tô Triết, nó cũng chẳng muốn học, toàn bộ tâm trí tối nay của nó đã dồn hết vào món đồ chơi mới kia. Tôi ngồi bên cạnh bàn học, yên lặng nhìn nó đang loay hoay lắp cái món đồ nhựa kia, miệng còn lồng thêm tiếng cạch cạch.
“Bỏ xuống đi, đến giờ học rồi.”
“Ừm.” Cạch cạch cạch cạch.
“Nhanh lên, tao còn phải làm bài tập nữa.”
“Vâng.” Cạch cạch cạch cạch.
“Bỏ xuống!”
Tô Triết giật nảy mình. Nó nhìn tôi, từ từ đặt món đồ chơi nửa người nửa xe kia xuống bàn, ánh mắt liếc nhìn về phía quyển sách đang mở.
Tôi bắt đầu giảng cho nó nghe về phương trình bậc nhất hai ẩn, vừa giảng vừa ghi ví dụ ra nháp. Tô Triết từ đầu đến cuối không chịu ngẩng đầu, ánh mắt rời rạc, rõ ràng là nó chẳng hề lắng nghe. Giảng giải xong xuôi, tôi hỏi nó nghe có hiểu không thì nó gật đầu. Tôi bảo được, rồi đưa cho nó một câu hỏi: “Làm đi.” Tiếp đó, tôi mở cặp sách của mình ra. Tôi vẫn còn hai đề Đại số, hai đề Hình học và một đề tiếng Anh cần làm, nếu tiếp tục lãng phí thời gian, thì tôi đừng nghĩ tới chuyện đi ngủ trước nửa đêm.
Tôi bò ra bàn để làm bài tập, còn Tô Triết thì cứ ngồi đực ra nhìn tờ giấy nháp, không chịu đặt bút viết.
“Sao thế?”
Nó cắn môi không nói gì, cuối cùng cũng rặn ra được một câu: “Chả sao cả.”
“Tại sao không làm?”
Biểu cảm của Tô Triết bắt đầu trở nên nũng nịu.
Tôi vô cùng bực: “Không phải lúc nãy mày nói hiểu rồi à?”
Tô Triết cúi đầu. Từ góc độ của tôi có thể nhìn thấy hàng mi dài và cặp má phính ra của nó. Bất chợt, tôi trở nên yếu lòng.
“Tao giảng lại lần nữa, lần này mày phải nghe cho đàng hoàng.”
Tô Triết ngẩng khuôn mặt nhỏ bé của nó lên, làm ra bộ nghiêm túc và chăm chú.
Nhưng, nó chẳng diễn được bao lâu đã lộ ra nguyên hình. Tôi còn chưa giảng xong được một câu, nó lại chống cằm lên tay, dùng đầu bút chì chọc vào con robot biến hình kia, miệng lẩm bẩm: “Autobot, biến hình, xuất phát……”
Tôi tức mình, lấy quyển sách cầm trên tay hất văng món đồ chơi rách kia đi. Trong tiếng la thất thanh của Tô Triết, “Bumblebee” bay lên, đập vào tường, vỡ thành trăm mảnh.
Tôi giật mình, nhìn Tô Triết đang lao về phía món đồ chơi vỡ tan tành kia. Trong nháy mắt, mẹ tôi đã xông vào phòng.
“Thế này là thế nào?”
Lập tức, mẹ liền nhìn thấy con robot biến hình đang nằm vỡ vụn. Khuôn mặt mẹ lập tức trở nên méo mó.
“Đứa nào làm?”
“Chị!” Tô Triết vừa khóc, vừa chỉ tay về phía tôi, “Là chị ấy làm!”
Tôi vô thức thu mình lại. Tôi không muốn bao biện, cũng chẳng thể bao biện. Quả nhiên, một giây sau, ngón tay của mẹ véo chặt lấy tai tôi.
“Mày có biết cái này bao nhiêu tiền không hả? Vừa mua về đã phá hỏng! Mày không tiếc tiền, thì cũng phải biết thương bố mày chứ……”
“Được rồi!”
Bố bước vào. Ông ấy cau mày nhìn mẹ, rồi lại nhìn Tô Triết đang khóc thút thít không ngừng.
“Bỏ tay ra.” Bố ngồi xổm xuống, cầm lấy một cánh tay của con robot, nhìn ngắm một lượt.
“Sao lại làm chị con giận?”
“Đâu có!” Tô Triết gân cổ cãi, “Con đang làm bài mà!”
“Mày không nghe giảng.” Tôi xoa tai, “Nên tao mới……”
“Ừm. Con đi làm bài tập đi.” Bố nhìn lên đống đề thi trên bàn, “Hôm nay không phải kèm em học nữa. Tô Triết, đi theo bố ra ngoài.”
Mẹ trợn mắt nhìn tôi, chạy về phía bố rồi bĩu môi bảo: “Anh cứ chiều nó!”
Tôi im lặng quay người lại, cầm bút lên. Tai vẫn còn đang nóng bừng, tôi cố gắng tập trung tinh thần, nhìn vào một câu Hình học.
“Lần sau nếu em không nghe lời, thì con hãy từ từ dạy dỗ.” Bố bước đến bên cửa, rồi lại quay người bảo, “Đừng động chân tay, nó là em con mà.”
Tôi vâng một tiếng, không quay đầu lại, nước mắt tuôn trào.
Trong suốt một tiếng đồng hồ tiếp theo, tôi chỉ làm được có đúng một câu. Đề bài là, cái con robot biến hình kia có thể đổi được mấy đôi giày thể thao màu trắng? Câu trả lời là 8.
Ở một căn phòng khác, mới đầu vẫn còn tiếng khóc của Tô Triết và tiếng than phiền của mẹ, sau đó, những âm thanh ấy dần tắt hẳn. Điều này chứng tỏ thời gian không còn sớm nữa. Có lẽ mẹ đã ôm Tô Triết trên giường và ngủ say. Bọn họ cứ cố chấp cho rằng Tô Triết không thể thức khuya, bởi như vậy sẽ cản trở việc nó trở thành một cậu thanh niên cao lớn. Còn tôi, chỉ biết thầm hi vọng có thể làm xong đống bài tập này, để có thể ngủ một giấc ngắn ngủi trước khi đến trường vào ngày mai.
Nhưng mà, hết cơn buồn ngủ ngày đến cơn buồn ngủ khác ập đến, ánh mắt đã khóc trước đó của tôi càng thêm đau mỏi. Sau nỗ lực làm xong bài tập Toán, tôi gần như không thể ngóc đầu lên được nữa. Trước khi đối phó với tờ đề cuối cùng, tôi cần phải rửa mặt bằng nước lạnh để sốc lại tinh thần cái đã.
Tôi khẽ mở cánh cửa phòng, đi xuyên qua hành lang đến nhà vệ sinh. Bố vẫn chưa ngủ, ngồi trên băng ghế nhỏ đặt trước cửa, trên tay nâng món đồ chơi đó và đang nỗ lực để gắn cánh cửa xe. Nhìn thấy tôi, bố hạ giọng hỏi một câu: “Làm xong bài tập rồi à?”
Tôi lắc đầu, cẩn thận đi vòng qua cái lọ đang phát ra mùi keo nồng nặc, tiến thẳng vào nhà vệ sinh.
Tôi nhanh chóng rửa mặt. Sự kích thích của nước lạnh hòa với mùi thơm nhè nhẹ của xà phòng đã khiến tôi tỉnh táo lên nhiều. Tôi lau khô mặt, tiện tay với lấy chiếc giày thể thao màu trắng đang phơi ở ban công cửa sổ xuống. Tôi cần phải đảm bảo rằng đôi giày này sẽ khô trước khi trời sáng. Mặc dù nó đã rất cũ rồi, nhưng tôi chỉ có duy nhất một đôi này thôi, chỉ có thể đi nó vào buổi lễ chào cờ sáng mai.
Ngay sau đó, đầu óc tôi như muốn nổ tung.
Những nét vẽ màu xanh thẫm chằng chịt trên mặt giày đã ố vàng. Hơn nữa, do giày còn ẩm, nên những nét vẽ ấy bị loang lổ ra xung quanh. Đồng thời, một mùi hương quen thuộc xộc thẳng vào mũi tôi.
Là mực viết.
Tôi có thể tưởng tượng ra cảnh Tô Triết cầm lấy ruột bút để bóp, nhỏ từng giọt mực lên đôi giày trắng của mình, khuôn mặt còn nở nụ cười hoặc phẫn uất hoặc khoái chí. Kì lạ thay, tôi không hề tức giận, bởi đầu óc tôi lúc này chỉ toàn một câu hỏi: Ngày mai mình phải làm sao đây?
Một người kéo cờ, đi đôi giày “trắng” loang lổ mực, dưới ánh mắt của hàng trăm học sinh toàn trường, cầm lấy mép quốc kì tiến đến dưới cột cờ.
Hơn nữa, trong số đó còn có ánh mắt của cậu ta.
Tôi phải làm sao đây?
Tôi xách đôi giày, nhanh chóng trở về phòng. Khi đi qua người bố, có lẽ ông ấy sẽ ngẩng đầu lên nhìn tôi, hoặc là không.
Ở góc phòng có một tấm bảng đen, nó được dùng để tôi dạy học cho Tô Triết. Dưới bảng còn có vài mẩu phấn mà tôi lấy trộm từ trường về.
Hi vọng sẽ có tác dụng. Tôi vừa nghĩ, vừa cố gắng dùng phấn để tô lên vết mực.
Nhưng mà, mặt giày phủ đầy lớp phấn trắng vẫn lộ ra vết mực xanh thẫm rõ mồn một. Tôi ném phấn đi, quay về nhà vệ sinh để lấy kem đánh răng. Bố nhìn tôi chạy qua chạy lại một cách khó hiểu.
“Con làm gì thế?”
Tôi không có tâm trạng để đáp lại. Tôi đang phải cứu vớt lấy đôi giày trắng.
Cuối cùng, sau khi chiếc giày trắng ấy được kem đánh răng và bụi phấn bao trọn lấy triệt để, tôi mới bình tĩnh lại đôi chút. Tôi thậm chí đã nghĩ, chưa biết chừng đôi giày cũ này sau đây sẽ còn trắng như mới nữa kia. Nhưng mà, khi tôi nhìn thấy lớp kem đánh răng ọp ẹp, lại bắt đầu lo lắng không biết nên giải thích sao với mẹ vào sáng mai.
Còn chưa tìm ra cớ, tôi lại đột nhiên nghĩ nếu ngày mai trời mưa thì tốt biết bao. Buổi lễ chào cờ nhất định sẽ bị hủy, thế thì tôi sẽ không cần phải lo lắng rằng mình sẽ bị mất mặt trước toàn trường nữa.
Thế là, tôi mặc kệ vụ kem đánh răng, bắt đầu cầu nguyện với ông trời. Cầu cho ông trời đổ mưa vào sáng mai, không cần quá lâu, đến khi vào tiết tự học là được.
Sau đó, tôi òa khóc.
Tôi không biết trên thế gian này còn có cô bé nào giống như mình hay không, ôm lấy đôi giày nực cười, một lớp kem đánh răng, vài mẩu phấn và một tờ đề tiếng Anh chưa hoàn thành, sống c.hết để cầu cho ngày mai trời sẽ mưa.
Khóc xong, tôi đã bình tĩnh lại. Lúc này, tôi gạt đống bài tập sang một bên, lôi ra cuốn nhật kí, viết lại những điều vừa nói bên trên, chờ đợi một cơn mưa mà có lẽ sẽ không ập đến.
Khương Ngọc Thục mở nắp vung ra, mắt kính bị hơi nước làm mờ. Dù cho không nhìn rõ món ăn trong nồi, nhưng mùi thơm của sườn lợn, đậu cô-ve và đậu phụ vẫn phả vào mặt cô. Khương Ngọc Thục cầm chiếc muôi, nếm thử mùi vị của nước canh rồi hài lòng tắt bếp.
Cô ấy bước ra ban công, mở cửa sổ. Trời âm u cả ngày, nhưng vẫn không chịu đổ mưa. Đến khi xẩm tối, trời mới hơi nổi gió, làm tăng thêm cái se lạnh của tiết trời cuối xuân đầu hạ. Dưới tòa nhà có một vài người lớn tuổi đang nô đùa cùng con cháu, một số bà nội trợ đang khẩn trương thu gom quần áo được phơi trên dây. Khương Ngọc Thục rướn người ra, nhìn xuống phía dưới tòa nhà. Hai cậu học trò, một cao một thấp, đang đổi chác những tấm thẻ bài cho nhau.
Hôm nay bọn chúng tan học sớm. Khương Ngọc Thục lấy từ trong tủ lạnh ra một quả cà chua, rửa sạch sẽ, xắt thành từng lát nhỏ, rắc đường trắng lên trên. Bữa tối đơn giản coi như đã xong. Cô ấy tháo tạp dề ra, rửa tay, nhón lấy một miếng cà chua trên đĩa, vừa ăn vừa đi tới phòng khách, ngồi lên ghế so-fa.
Cô ấy mở ti-vi, nhìn lên chiếc đồng hồ được treo ở phòng khách. 5 giờ 10 phút chiều. Lúc này, có lẽ Khương Đình đang trên đường trở về nhà cùng với đám bạn trong lớp. Có thể nó sẽ dừng ở quán ăn vặt ven đường để làm mấy xiên đậu hũ hoặc trứng gà rán gì đó — Hi vọng sẽ không ảnh hưởng đến bữa tối của con bé.
Khương Ngọc Thục lười biếng ngả lưng lên chiếc ghế so-fa, cầm lấy cái điều khiển ti-vi để chuyển kênh. Tầm này, các kênh truyền hình đều đang phát quảng cáo, chỉ có một kênh đang chiếu phim dài tập. Khương Ngọc Thục kiên nhẫn xem một lúc, cảm thấy không thể hứng thú nổi. Nếu như Tôn Vĩ Minh ở đây, có lẽ anh ta sẽ ôm lấy chiếc ti-vi để xem bộ phim “Sorry Baby”.
Nghĩ tới anh ta, Khương Ngọc Thục lại cảm thấy khó chịu, cầm lấy điều khiển, chuyển sang kênh đài địa phương. Một tiết mục âm nhạc, với sự xuất hiện của nhóm nhạc Đài Loan mang tên “Thích khách”. Khương Ngọc Thục chưa hề nghe qua nhóm nhạc này, nhưng bài hát đó đã được chiếu đi chiếu lại trên ti-vi mấy ngày nay, có lẽ Khương Ngọc Thục đã từng nghe nhạc của họ. Khương Ngọc Thục ngẩng đầu nhìn đồng hồ, 5 giờ 26 phút. Vài phút nữa thôi là Khương Đình sẽ về tới nhà.
Cô ấy đứng dậy khỏi ghế so-fa, kéo lê đôi dép đến bên chiếc bàn được đặt ở kệ ti-vi. Trên bàn có một cuốn sổ sách đang mở. Khương Ngọc Thục đóng cuốn sổ lại, bỏ chiếc máy tính và hộp kính vào trong túi. Sau đó, cô thu xếp lại đồ đạc trên bàn một cách ngăn nắp, chừa ra phần không gian đủ để cho cô con gái làm bài tập.
Xong xuôi đâu đấy, Khương Ngọc Thục lại ngước lên nhìn đồng hồ. 5 giờ 35 phút. Cô quay trở lại phòng bếp, đeo tạp dề, mở nắp vung ra. Sườn ninh đậu hũ và đậu cô-ve không còn bốc hơi ngùn ngụt nữa, nhưng hãy còn nóng. Khương Ngọc Thục do dự một hồi, rồi lại bật bếp lên, vặn nhỏ lửa để hâm lại đồ ăn. Còn cái đĩa cà chua trộn đường kia thì đã nhũn nhoét, chảy ra thứ nước màu hồng tươi. Khương Ngọc Thục bưng chiếc đĩa để lên bàn, xới hai bát cơm, sắp hai đôi đũa — Mọi thứ đã chuẩn bị xong.
5 giờ 40 phút. Khương Đình đáng nhẽ đã phải về từ 10 phút trước. Con bé đi đâu được nhỉ?
Khương Ngọc Thục nhún vai, trong lòng cười thầm vì mình cứ chuyện bé xé to. Trẻ con mà, đâu phải chiếc đồng hồ được lắp ráp tinh xảo, làm sao có thể chính xác tới từng giây từng phút được. Nhưng mà, nếu theo thói quen của Khương Đình, về muộn như thế này quả thực không bình thường.
Dù cho chỉ mới 10 phút.
Tiếp sùng sục bên trong nồi sắt mỗi lúc một to. Khương Ngọc Thục đứng dậy đi vào phòng bếp, lấy xẻng lật đảo đều thức ăn. Nước canh còn lại không đủ. Cô nhìn ra ngoài cửa sổ, trời bắt đầu xẩm tối, tiếng gió cũng lớn dần, liền đi tới cửa sổ rồi thò đầu ra ngó.
Dưới lầu đã không còn ai, chỉ nhìn thấy chiếc dây phơi quần áo đang trơ trọi đung đưa trong gió. Cô lại ngó xuống chân tòa nhà, hy vọng cô con gái mặc bộ đồng phục xanh có thể xuất hiện trên cung đường bắt buộc phải đi qua nếu muốn về nhà.
Ngay sau đó, cô nhìn thấy một bộ đồng phục xanh, cũng nhìn thấy bóng dáng của một cô bé.
Có điều, cô bé đó chỉ xuất hiện nửa người dưới tầm mắt của cô ấy. Nửa giây sau, cơ thể cô bé bị kéo lùi lại, chân phải giãy giụa một cách bất lực, như thể bị ai tóm lấy tóc hay cổ áo, biến mất khỏi mặt bên của tòa nhà.
Tại khoảnh khắc ấy, con ngươi của Khương Ngọc Thục như muốn trồi ra ngoài. Sau đó, cô chớp mắt, dưới chân tòa nhà lại trở nên trống không. Cô ngừng suy nghĩ độ vài giây, bắt đầu hoài nghi về độ chân thực của cảnh tượng mình vừa nhìn thấy ban nãy. Nhưng, một cảm giác bất an mãnh liệt ập thẳng vào tim. Cô không kịp do dự nữa, xoay người lao khỏi phòng bếp, mở cửa, phóng như bay xuống lầu.
Vừa lao ra khỏi hành lang, Khương Ngọc Thục liền trượt chân, chiếc dép lê bên phải văng ra ngoài, toàn thân đổ nhào xuống nền xi-măng thô ráp. Cô không thèm quan tâm đến khuỷu tay bị trầy xước, càng không có tâm trí để xỏ lại dép, trong đầu chỉ còn lại một ý nghĩ: Khương Đình, con gái tôi, bị người ta bắt cóc rồi.
Một người phụ nữ tóc mai rối mù, trên má còn lấm lem đất, đeo chiếc tạp dề, đi một bên dép, thất tha thất thểu chạy về phía chân tòa nhà cách đó mười mấy mét. Rẽ qua mép tường là ra một miếng đất trống rộng lớn được vây quanh bởi mấy tòa dân cư, bọn họ có lẽ vẫn chưa ra khỏi tầm mắt. Khương Ngọc Thục nhìn chằm chằm vào góc vuông được tạo bởi ban công xi-măng và bức tường ngoài, cảm thấy tim mình như sắp nhảy ra khỏi cổ họng. Ai ngờ, vừa rẽ qua chân tòa nhà, cô liền đâm sầm vào một ai đó. Ánh mắt của Khương Ngọc Thục bị che lấp hoàn toàn bởi một màu xanh mặt hồ, đồng thời nghe thấy một giọng nói lanh lảnh.
“Mẹ, mẹ đang làm gì thế?”
Khương Ngọc Thục ngồi bệt xuống đất, thở hổn hển, ngơ ngác nhìn Khương Đình đang lấy tay ôm ngực đứng đối diện, dường như con bé không nhận ra mẹ mình.
“Mau đứng dậy nào.” Khương Đình đỡ Khương Ngọc Thục, “Mẹ đi đâu mà lại hớt ha hớt hải thế…… Mẹ, dép mẹ đâu rồi?”
Khương Ngọc Thục run rẩy bò dậy, ánh mắt không lúc nào rời khỏi khuôn mặt cô con gái: “Con…… Sao con lại ở đây?”
“Á?” Khương Đình ngơ ngác, “Con về nhà đấy như, không lẽ con nên ở đâu?”
Lúc này Khương Ngọc Thục mới hoàn hồn, cười như mếu rồi xua tay: “Giời ạ, mẹ nhìn thấy…… Cứ nghĩ là…… Ây da bỏ đi, không sao là tốt rồi.”
“Mẹ đang nói gì thế?” Khương Đình càng thêm khó hiểu, cô bé quan sát mẹ mình một lượt, hét toáng lên, “Mẹ ngã đấy à? Mẹ không sao chứ?”
“Không sao, tại mẹ vội quá.” Đột nhiên, khuôn mặt Khương Ngọc Thục biến sắc, “Mau về nhà!”
Khương Đình dìu Khương Ngọc Thục đang đi khập khiễng, rẽ qua bờ tường, nhanh chóng đi về phía tòa nhà đơn nguyên 1. Tới chân tòa nhà, Khương Đình tìm thấy chiếc dép còn lại của mẹ. Khương Ngọc Thục vừa xỏ lại dép, vừa giục Khương Đình mau chóng đi lên lầu. Hai mẹ con vừa lên tới tầng ba, liền ngửi thấy một mùi khét càng ngày càng nồng nặc.
Món sườn ninh đậu hũ và đậu cô-ve coi như đã vứt đi. Khương Ngọc Thục không can tâm, vốn định nhặt mấy miếng không quá cháy để gom lại ăn, nhưng sau một hồi lục lọi đáy nồi thì cô đành phải bỏ cuộc. Khương Đình chạy vào buồng ngủ tìm lọ thuốc đỏ sát trùng. Khương Ngọc Thục đổ thức ăn vào thùng rác, nghĩ một hồi rồi lấy từ trong tủ lạnh ra vài quả trứng.
Bôi thuốc xong, hai mẹ con bắt đầu dùng bữa. Khương Đình có vẻ đói, cơm trắng, trứng chiên và cà chua trộn đường đều được con bé ăn một cách ngon lành. Khương Ngọc Thục thấy vậy mà không cầm được lòng, xoa đầu con bé như để an ủi. Không ngờ, vừa với tay ra, vết thương trên cổ tay bị cọ vào, khiến cô đau đớn kêu lên xuýt xoa.
Khương Đình lập tức buông đũa xuống, nâng tay mẹ lên, thổi vào chỗ vết thương, miệng còn lẩm nhẩm như dỗ trẻ con: “Không đau, không đau đâu.”
Khương Ngọc Thục vừa thấy ấm áp lại vừa buồn cười, lấy đũa gõ vào đầu Khương Đình một cái: “Con coi mẹ là đứa trẻ mấy tuổi vậy?”
“Mẹ vẫn còn nói được nữa.” Khương Đình bĩu môi, “Bao nhiêu tuổi rồi mà vẫn còn hớt ha hớt hải.”
“Tại mẹ cứ tưởng……” Khương Ngọc Thục lắc đầu, “Bỏ đi, chắc là mẹ nhìn nhầm.”
“Mẹ nhìn nhầm cái gì cơ?” Khương Đình gắp một miếng cà chua bỏ vào miệng, “Mẹ nhìn thấy gì à?”
“Một cô bé, chạc tuổi con, tóc dài, cũng mặc áo màu xanh.” Khương Ngọc Thục cau mày, chỉ tay ra ngoài cửa sổ, “Trông như bị ai kéo đi vậy.”
“Á?” Khương Đình tròn mắt ngạc nhiên, ngơ ngác nhìn mẹ.
“Đáng sợ chưa?” Khương Ngọc Thục nghĩ lại mà rùng mình, “Lúc ấy làm mẹ hết hồn, cứ tưởng con xảy ra chuyện gì.”
“Sau đó thì sao?”
“Sau đó thì mẹ gặp con.” Khương Ngọc Thục xoa mặt cô con gái, “Ngốc à, nếu con thực sự bị người ta bắt cóc thì mẹ biết sống làm sao?”
Khương Đình cúi đầu, chậm rãi nhai miếng cà chua trong miệng, khuôn mặt dường như đang suy nghĩ điều gì: “Con không phải vẫn ổn hay sao?”
“Đúng vậy.” Khương Ngọc Thục ngáp một cái, “Xem có tí sổ sách mà mắt mũi hoa hết cả — Mẹ già rồi.”
Khương Đình không đáp lại, miệng ngậm cơm, ánh mắt nhìn vào đâu đó trên dĩa thức ăn.
Sau bữa tối, Khương Ngọc Thục giục cô bé về phòng làm bài tập, còn mình sau khi rửa sạch đống bát đũa, quay trở về bàn sách ở phòng khách để tiếp tục công việc. Một tiếng sau, sổ sách quý này của Công ty trách nhiệm hữu hạn khai thác ngô Đại Hữu đã được hoàn thành. Khương Ngọc Thục đi vào bếp để rót nước, phát hiện trên mặt kính cửa sổ toàn là vết nước.
Cô ấy mở cửa sổ, tiếng mưa dày đặc cuốn theo luồng khí lạnh ẩm ướt vào trong phòng. Khương Ngọc Thục hít thở sâu, cảm nhận được hương vị đặc trưng của mùa xuân. Cô cầm cốc nước chanh lên, nhấp từng ngụm nhỏ, đánh mắt nhìn ra cơn mưa như trút nước ngoài kia.
Ở cái tiết trời khô hanh này, một cơn mưa sảng khoái thật là đáng quý. Khương Ngọc Thục thậm chí còn có thể tưởng tượng ra cảnh những lá cây và nụ hoa sẽ nhanh chóng đâm chồi nảy lộc ra sao. Cô ngẩng đầu nhìn lên bầu trời đen như mực, ở nơi xa xôi tối tăm ấy, nước mưa trông như những sợi bạc không giữ nổi thân mình mà trút xuống, xem chừng không có dấu hiệu dừng lại. Thế nhưng, cảnh tượng khiến con người ta cảm thấy vui vẻ này không duy trì được bao lâu. Cốc nước trên tay còn chưa uống hết, Khương Ngọc Thục đột nhiên nhớ ra cửa sổ buồng ngủ vẫn chưa đóng, liền tức tốc lao ra khỏi phòng bếp.
Khương Đình ngồi trước bàn học, đang nghiêng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ. Nước mưa đang vã xối xả vào mặt kính, một vũng nước nhỏ đọng lại trước hiên nhà, chiếc giường đơn kê sáp tường cũng bị ướt. Khương Ngọc Thục vội trèo lên giường, với tay lên đóng cửa sổ, đồng thời phát hiện ra ga giường đã bị ướt một góc.
“Sao con không để ý gì hết vậy!” Khương Ngọc Thục xoay người trách móc, “Mưa to thế này mà không biết đóng cửa sổ hay sao?”
“Ơ?” Khương Đình như vừa tỉnh dậy khỏi cơn mơ, “Con không để ý.”
“Không hiểu con đang nghĩ gì nữa!” Khương Ngọc Thục lột ga giường, cuộn tròn lại rồi ném xuống đất, lôi từ trong tủ quần áo ra một chiếc ga sạch, “Trước khi ngủ tự mà thay lấy!”
Nói đoạn, Khương Ngọc Thục liếc nhìn về phía bàn học, phát hiện ra trên vở bài tập của Khương Đình chỉ vọn vẹn có vài dòng chữ, cô liền bực tức, “Hơn một tiếng đồng hồ, con đã làm gì hả? Chỉ viết được có bằng này thôi sao?”
“Con……”
“Mải đọc truyện hay nghe nhạc?”
Khương Ngọc Thục lật tìm trên bàn sách, không nhìn thấy cuốn sách truyện hay chiếc máy nghe nhạc nào, điều đó khiến cô càng thêm tức giận.
“Rốt cuộc là con đang làm gì thế hả?”
Khương Đình không nói gì cả, cầm bút lên, bắt đầu làm ra vẻ đang ghi chép. Khương Ngọc Thục cũng không có tâm trạng để mắng nhiếc con bé, chỉ dặn dò một câu “Tranh thủ thời gian” rồi đi ra khỏi phòng ngủ.
Bỏ chiếc ga giường ẩm vào máy giặt xong, Khương Ngọc Thục lấy tay day huyệt thái dương đang đau âm ỉ rồi ngồi xuống ghế so-fa. Cô không biết tại sao mình lại cáu kỉnh đến thế, luôn có cảm giác bị chuyện gì đó làm cho bất an. Nghĩ đi nghĩ lại, Khương Ngọc Thục quy cho là tại phen thất kinh hồi chập tối. Cô vẫn còn nhớ cái cảm giác nhìn thấy cô con gái bình yên vô sự đứng trước mặt, Khương Đình cứ như là một món bảo bối mất rồi lại có vậy.
Nói ra, con bé quả thực đã mất rồi lại có.
Khi mang thai con bé, Khương Ngọc Thục và Tôn Vĩ Minh vẫn còn tình cảm với nhau. Anh ta luôn hy vọng sẽ sinh được một đứa con trai, còn Khương Ngọc Thục thì lại thầm mong đó là một cô con gái. Lý do rất đơn giản, đợi khi con bé lớn lên, có thể mặc váy hoa cho con bé, tết tóc cho con bé, trang điểm cho con bé thành cô búp bê xinh đẹp, điều đó thật thú vị biết bao. Nhưng mà, khi mang thai đến tháng thứ bảy, Khương Ngọc Thục bị ngã khi đang trên đường về nhà sau khi tan ca. Bác sĩ nói khả năng không giữ được đứa bé, sau khi Tôn Vĩ Minh biết đứa bé là con gái thì cũng khuyên cô ấy nên từ bỏ. Khương Ngọc Thục thì sống c.hết đòi sinh đứa bé ra. Khương Đình sinh ra chỉ có 2 cân 6 lạng, không khác gì chú mèo con trụi lông, không cả đủ sức để mà khóc. Sau đúng nửa tháng nằm trong lồng kính, con bé mới chính thức giữ được cái mạng của mình.
Vì đứa bé bị sinh non, từ nhỏ đã yếu ớt lắm bệnh, mười mấy năm nay, Khương Ngọc Thục gần như không dám lơ là con bé. Cô ấy dồn toàn bộ tâm trí lên người đứa con gái bé bỏng, đến mức khi chuyện Tôn Vĩ Minh ngoại tình xôn xao cả lên thì Khương Ngọc Thục vẫn chẳng hề hay biết.
Kết cục đương nhiên là ly hôn, cả hai bên đều không để lại cho nhau cơ hội. Khương Ngọc Thục không thể chịu được cảnh chồng mình lăng nhăng, còn quyết tâm của Tôn Vĩ Minh thì đến từ việc đứa bé trong bụng người đàn bà ấy không phải là con trai. Nhưng anh ta lại không hề từ bỏ quyền nuôi con. Khi ấy, Tôn Vĩ Minh vừa mới được đề bạt lên làm Bí thư Đoàn của nhà máy, nếu nói về điều kiện kinh tế và địa vị xã hội thì đều mạnh hơn Khương Ngọc Thục. Nhưng dù có c.hết, Khương Ngọc Thục cũng phải giành lại được con bé. Cô ấy không chỉ nói mồm. Khi phán quyết cuối cùng được tuyên bố, cô ấy đặt con dao và chai thuốc sâu trước mặt Tôn Vĩ Minh, chỉ nói đúng một câu “Tôi cần Đình Đình” rồi không nói gì thêm. Tôn Vĩ Minh bị dọa cho c.hết đứng, ngoan ngoãn kí vào biên bản ly hôn, để lại căn nhà và con gái cho cô ta.
Và như thế, căn nhà ba người giờ chỉ còn hai, Tôn Đình nay đổi thành Khương Đình. Cũng may là con bé ngoan ngoãn, hay tâm sự với mẹ. Sự ra đi của người cha, không khiến Khương Đình đau buồn quá lâu, con bé cũng rất nhanh thích nghi với sự thay đổi trong họ của mình. Mỗi dịp lễ Tết hay sinh nhật Khương Đình, Tôn Vĩ Minh sẽ dẫn con bé đi chơi. Sau này anh ta lập gia đình, có con trai, không còn gặp Khương Đình nhiều như trước đây nữa. Có lẽ trong thâm tâm anh ta, con mang họ Tôn hay mang họ Khương, quả thật không giống nhau.
Khương Đình thì lại chẳng hề bận tâm. Khi bố đến thăm, con bé rất vui, còn không đến thăm, thì vẫn cứ cười hi hi ha ha như mọi ngày. Về điều này, Khương Ngọc Thục rất cảm kích cô con gái. Bất kể là do tính cách hay con bé cố tình, điều đó đều khiến Khương Ngọc Thục cảm thấy giảm bớt được phần nào gánh nặng. Nỗi tiếc nuối vì một gia đình không trọn vẹn và áp lực kinh tế luôn đeo bám dường như chẳng thấm vào đâu mỗi khi cô đứng trước mặt đứa con gái lạc quan, hiểu chuyện này.
Nghĩ đến đây, trái tim Khương Ngọc Thục trở nên mềm yếu. Cô đứng dậy bước vào phòng bếp, pha một cốc sữa, bưng đến bên bàn học của Khương Đình. Khương Đình quay lưng về phía cô, vùi đầu làm bài tập. Khương Ngọc Thục xoa đầu con bé. Khương Đình dừng bút, ngước cằm lên, dùng đỉnh đầu cọ nhẹ vào tay Khương Ngọc Thục, đồng thời bắt chước tiếng mèo kêu.
“Meo.”
Khương Ngọc Thục không nhịn nổi cười.
Hai mẹ con đúng 11 giờ tối lên giường đi ngủ. Căn buồng của Khương Đình nhanh chóng trở về vẻ tĩnh mịch. Nhưng Khương Ngọc Thục thì lại bắt đầu khó vào giấc. Một phần vì vết thương trên cổ tay vẫn còn đau âm ỉ, phần còn lại là vì cảm giác bất an không hề thuyên giảm dù cho hai mẹ con đã làm lành với nhau. Cô cảm giác có một tảng đá đè nén lên ngực mình, muốn khiêng nó đi nhưng lại không biết tảng đá ấy đặt ở chỗ nào. Lại thêm tiếng mưa rả rích không ngừng ngoài cửa sổ, càng khiến con người ta cảm thấy buồn bực. Cứ như vậy, Khương Ngọc Thục lục xục suốt cả đêm cho đến khi trời hửng sáng, sau khi mơ màng thiếp đi thì tiếng chuông đồng hồ báo thức vang lên.
Dù rất mệt mỏi nhưng Khương Ngọc Thục vẫn miễn cưỡng bò dậy để chuẩn bị bữa sáng cho cô con gái. Kì lạ là, hình như Khương Đình cũng không ngủ ngon. Gọi đến lần thứ hai, con bé mới rệu rã ngồi dậy, hai mắt thâm quầng. Khương Ngọc Thục đem bữa sáng đặt lên bàn, trông thấy Khương Đình ngơ ngác nhìn ra ngoài cửa sổ trong khi miệng vẫn đang ngậm bàn chải đánh răng, trông như người mất hồn.
“Con nhìn gì thế?” Khương Ngọc Thục đặt mạnh đĩa thức ăn xuống bàn, “Nhanh lên! Sắp muộn học rồi!”
“Ơ.” Khương Đình lúc này mới tỉnh lại, luống cuống chải răng, “Trời sáng rồi.”
Quả thực, không biết trận mưa lớn kia đã tạnh từ lúc nào. Ngoài cửa sổ bây giờ, trời quanh mây đãng, không khí trong lành, còn nghe thấy cả tiếng chim hót véo von trên cành cây.
Khương Ngọc Thục không có tâm trạng để thưởng thức cảnh sắc sau cơn mưa. Cô ấy giục con gái ăn xong bữa sáng, thu xếp sách vở, bản thân thì tranh thủ đi rửa mặt mũi chân tay, trang điểm nhẹ, vội vội vàng vàng dắt Khương Đình ra khỏi cửa.
Xuống đến tầng 1, Khương Ngọc Thục mới phát hiện ra mình quên đem theo sổ sách. Cô không kịp trách bản thân bất cẩn, bảo con gái nhanh chóng ngồi lên xe buýt để tới trường, sau đó quay người trở về phòng.
Cầm lấy cuốn sổ, cô ra khỏi cửa lần nữa. Bóng dáng Khương Đình lúc này đã khuất xa. Khương Ngọc Thục nhanh chóng đi ra bên ngoài tiểu khu, vừa rẽ qua chân tường, hiện ra trước mắt cô là một bãi đất trống kẹp giữa hai tòa nhà. Đột nhiên cô có giảm giác họng mình bỏng rát, như bị ai đó bóp cổ vậy.
Cùng lúc đó, cô tìm ra được tảng đá đang đè nén lên ngực mình, cảm giác bất an đeo bám cô cả đêm qua cũng trở nên sáng tỏ.
“Chiều tối hôm qua, là mình nhìn lầm, hay quả thực có một cô bé bị bắt cóc?”
Một cách bản năng, Khương Ngọc Thục quay đầu nhìn về phía góc tòa nhà. Dưới chân tòa nhà là một bãi cỏ, sau một đêm được nước mưa tưới mát, cỏ xanh mọc lên mơn mởn, trên lá còn đọng lại những giọt sương.
Cô ấy nhìn thấy rõ, ở giữa đám cỏ xanh um tùm, có một chiếc hộp bút nằm lay lắt.