3.
Ngày 30 tháng 3 năm 2013. Trời nhiều mây chuyển quang.
Chi đội cảnh sát hình sự thành phố Sở Nguyên.
Thẩm Thư đã triển khai điều tra đối với công ty bán buôn thiết bị an ninh được đứng tên Tôn Bảo Bảo, rất nhanh chóng đã thu được thông tin quan trọng từ một kênh của Văn phòng Cảnh sát tỉnh: Tôn Bảo Bảo khi còn sống là con gái nuôi của nguyên Phó tổng đội trưởng Hứa Vệ Đông của Tổng đội Cảnh sát hình sự Văn phòng Cảnh sát tỉnh, hiện đang là ủy viên của Ủy ban Hiệp thương Chính trị.
Điều này khiến Thẩm Thư có chút ngạc nhiên, tuy cậu ấy đã sớm dự liệu rằng Tôn Bảo Bảo có lai lịch không hề đơn giản, nhưng việc cô ấy có quan hệ với nguyên Tổng đội trưởng của Văn phòng Cảnh sát tỉnh, vẫn nằm ngoài dự đoán. Huống gì Hứa Vệ Đông còn là một cán bộ lâu năm mà cậu ấy khá kính trọng.
Theo kể lại của người trong cuộc, Tôn Bảo Bảo đã từng được một số cán bộ cơ sở của Tổng đội cảnh sát hình sự thuộc Văn phòng Cảnh sát tỉnh nghe danh, khi đó Hứa Vệ Đông còn giữ chức Phó tổng đội trưởng, ông ấy chủ động dẫn Tôn Bảo Bảo đến một bữa tiệc nhỏ rồi giới thiệu cô ấy với mọi người. Theo lời Hứa Vệ Đông, bố đẻ của Tôn Bảo Bảo và ông ấy là bạn học cùng trường cảnh sát, từng là những nhân viên có công lao trên mặt trận an ninh ở tỉnh Quý Châu, không may trong một lần truy bắt tội phạm đã hy sinh, ông ấy nghĩ đến tình nghĩa bạn bè, nên đã nhận Tôn Bảo Bảo làm con nuôi, trong mắt ông ta cô ấy còn thân thiết hơn cả con gái ruột. Sau đó không lâu, Tôn Bảo Bảo đã mở một cửa hàng đối diện với Văn phòng Cảnh sát tỉnh, chuyên kinh doanh trang thiết bị an ninh, làm ăn phát đạt, tài lộc dồi dào.
Nhưng mà kết quả điều tra của điều tra viên cho thấy, bố đẻ của Tôn Bảo Bảo đến nay vẫn sống khỏe mạnh, là một công nhân đã về hưu, giờ sống bằng nghề làm thuê, chưa từng học qua trường cảnh sát, càng chưa bao giờ lập công nhận thưởng trên mặt trận an ninh. Hứa Vệ Đông lúc đó đã nói dối. Mục đích nói dối của ông ta không nói cũng hiểu.
Cái từ “con gái nuôi” này đã bị lạm dụng, thiếu đi một chút ý vị tình thân giữa cha và con gái, nhiều thêm một chút hơi thở mập mờ giữa phụ nữ và đàn ông, có thể coi là một ví dụ điển hình cho sự tiến hóa và diễn biến của ngôn ngữ nhân loại. Các điều tra viên không phải người rừng, tất nhiên cũng đã từng nghe đến cái nội hàm trong từ “con gái nuôi” này.
Điều này đã đẩy Hứa Vệ Đông lên hàng đầu, trở thành một thành trì mà các điều tra viên không thể vòng qua cũng không được phép vòng qua.
Thẩm Thư, Nhĩ Lượng Lượng, Khả Hân và tôi đều có chút e ngại với điều đó, không biết nên bắt đầu từ đâu. Cái tên Hứa Vệ Đông này, từng tồn tại như một vị thần ở mặt trận an ninh của tỉnh. Ông ta đi lên từ một điều tra viên cơ sở nhất, rồi đảm nhiệm các chức vụ đồn trưởng đồn cảnh sát, Giám đốc Sở Cảnh sát huyện, Đội trưởng đội Hình sự thành phố, Phó tổng đội trưởng Tổng đội Cảnh sát hình sự Văn phòng tỉnh, có thể nói là mỗi bước đi đều để lại dấu chân, luận về kinh nghiệm cảnh sát phong phú, cả tỉnh không có ai hơn ông ấy. Ông ấy đã từng chủ trì phá những vụ án như [Vụ án cướp nhà băng 429], [Án mạng liên hoàn 51], [Vụ đánh bom trên cầu 1229], cái nào cũng được coi là những vụ án kinh điển. Khi Thẩm Thư mấy người họ còn đang ngồi trên ghế nhà trường, thì Hứa Vệ Đông đã nổi danh ở trong giới cảnh sát rồi.
Dù trong thâm tâm các điều tra viên không mốn điều tra Hứa Vệ Đông, nhưng trách nhiệm và sứ mệnh của người cảnh sát, khiến họ bắt buộc phải đối mặt với sự thật, đối mặt với bản thân vụ án.
Hồ sơ ghi chép, Hứa Vệ Đông năm nay 64 tuổi, cao 1m83, cường tráng, nặng gần 100kg. Đặc điểm vóc dáng có độ trùng khớp cao với đặc trưng nghi phạm được suy luận ra từ dấu chân máu để lại hiện trường.
Nếu nghi phạm là người bình thường, điều tra sẽ rất dễ, cảnh sát chỉ cần trực tiếp thu thập dấu chân trần của người đó, rồi đem tiến hành đối chiếu với dấu chân ở hiện trường là xong. Nhưng đối phương lại là Hứa Vệ Đông, vấn đề vốn dĩ đơn giản đã trở nên vô cùng phức tạp, hành động của cảnh sát đã bị trói buộc tay chân.
Nhìn trước ngó sau ít nhất có ba nguyên nhân: Một là Hứa Vệ Đông từng là lãnh đạo cấp cao trong hệ thống cảnh sát hình sự của tỉnh, các điều tra viên có phần nể sợ ông ấy, ngộ nhỡ kết quả điều tra chứng minh ông ấy không liên quan đến vụ án, thì công tác của đội, thậm chí là của Sở Cảnh sát thành phố Sở Nguyên sẽ rơi vào bị động; Hai là trước khi vụ án được sáng tỏ, các điều tra viên không muốn đối đầu trực tiếp với ông ấy, ai cũng biết, kinh nghiệm điều tra hình sự của Hứa Vệ Đông vô cùng phong phú, các điều tra viên không thể tin rằng nếu như ông ấy muốn giết người, lại có thể để lại một lỗ hổng rõ ràng như vậy ở hiện trường; Ba là Hứa Vệ Đông giữ chức ủy viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị, trước khi điều tra phải bôi trơn rất nhiều mối quan hệ và các vấn đề pháp luật khác.
Không thể trách Thẩm Thư mấy người họ khiếp sợ quyền uy, dù gì tình trạng ở tỉnh Tùng Giang đã vậy, các điều tra viên chỉ có thể triển khai công tác ở trong phạm vi quyền hạn và phạm vi quy tắc.
Thẩm Thư đến giờ vẫn chưa tiết lộ cho tôi rằng cậu ấy đã xin ý kiến những ai, báo cáo lên những đâu về vấn đề này, tôi chỉ biết là, mãi đến một tuần sau, Thẩm Thư mới phát đi chỉ lệnh bí mật trong một phạm vi nhỏ: Sử dụng thủ đoạn kín đáo để thu thập được dấu chân trần của Hứa Vệ Đông, “Thà bại chớ lộ” — Dù hành động có thất bại, cũng tuyệt đối không để ông ta phát giác.
Nhưng để có được dấu chân trần của Hứa Vệ Đông không hề đơn giản. Ngày nào ông ấy cũng đến Hội nghị Hiệp thương Chính trị để làm việc, phê duyệt văn kiện, nghe báo cáo, xuống các cơ sở để điều tra nghiên cứu, đều như cơm bữa. Thế nhưng, một số hoạt động giải trí và thể thao của ông ấy đã bị hủy mà không rõ nguyên do, mỗi tuần hai lần đi bơi, một lần massage toàn thân, một lần massage chân, từng là những hạng mục cố định của ông ấy mà sấm đánh cũng không lay chuyển được, lại đột nhiên không thấy nữa, thay vào đó là đi đánh bóng bàn. Các điều tra viên vừa không thể cởi giày Hứa Vệ Đông ra để mà xem, cũng không thể lẻn vào nhà ông ấy để lấy dấu chân, chỉ có thể đứng nhìn ông ta từ xa mà khoanh tay bó gối.
4.
Ngày 8 tháng 4 năm 2013. Trời quang.
Tháp Linh Lung thành phố Sở Nguyên.
Thẩm Thư vì vụ án ép buộc, lại phải xuất “chiêu độc”, khác hoàn toàn so với phong cách làm việc nhất quán của cậu ấy, để người khác một lần nữa thấy được sự “gian xảo” ẩn giấu đằng sau sự thành khẩn và hiền hậu của mình.
Sáng hôm ấy, tháp Linh Lung ở thành phố Sở Nguyên đón một đoàn khách đến, trong đó có ủy viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Hứa Vệ Đông, chủ nhiệm Ủy ban Tôn giáo tỉnh Tô Kiến Quốc, Phó giám đốc Sở Tôn giáo tỉnh Lý Huy và hòa thượng Không Uẩn trụ trì chùa Đại Bi. Sư Không Uẩn đã ngoài 80, nhưng thân hình vẫn rắn rỏi, ánh mắt tinh tường, tăng bào rộng rãi, nhìn là biết đây là một vị cao tăng đắc đạo. Trên thực tế, sư thầy rất tinh thông Phật pháp, chăm tu đạo trường, đệ tự môn hạ lên đến cả nghìn, nhận được sự kính yêu sâu sắc trong giới Phật môn.
Tôi có nghe láng máng, Thẩm Thư và hòa thượng Không Uẩn đã nhiều lần gặp gỡ nói chuyện với nhau, còn mối quan hệ giữa hai người sâu đến mức nào thì tôi không rõ.
Tháp Linh Lung là tài sản của chùa Đại Bi, có thể coi là Phật môn chí bảo. Tháp được xây dựng vào thời Ngụy Văn Đế, trải qua bao thời đại hưng vong, binh lính khốc liệt, chiến trường nguy hiểm, ngôi chùa vẫn đứng sừng sững, bảo tồn vô cùng hoàn hảo, được người đời sau nhiều lần tu sửa, nên tháp trông cứ như mới, chẳng qua chỉ tô điểm thêm một vài nét thăng trầm lịch sử mà thôi.
Tháp Linh Lung có mười một tầng, mỗi tầng lại thờ cúng một kinh thư viết tay bằng tiếng Phạn, nên còn có tên gọi là “Thập Nhất Phật Kinh Tháp”. Ở thành phố Sở Nguyên có lưu truyền một câu ca dao rất thú vị liên quan đến tháp Linh Lung: Cao cao sơn thượng Linh Lung tháp, Linh Lung tháp lý hữu Phật kinh, Phật kinh lưu truyền thiên bách tải, Khán quá Hoàng Hà cửu trừng thanh, Ngũ bách niên lai trừng nhất trừng, Lịch kinh tứ thiên ngũ bách đông. Đương nhiên, ca dao thì khó tránh khỏi sự khoa trương, tháp Linh Lung chưa lâu đời đến 4500 năm tuổi như thế.
Lý Huy hôm nay đã mời tất cả những nhân vật có vai vế phụ trách công tác tôn giáo ở thành phố đến tháp Linh Lung, mục đích là để định đoạt “Kế hoạch kinh doanh” đã gây tranh cãi từ lâu.
Phật giáo và kinh doanh vốn dĩ chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng trong xã hội ngày nay, hai phạm trù này lại gắn bó chặt chẽ với nhau một cách kỳ lạ. Những người được coi là tăng nhân không ngần ngại coi Phật giáo chỉ thuần túy như một công cụ kiếm tiền, nhân cơ hội để lấy tiền công bỏ vào túi riêng, còn tự phong cho mình chức Tổng quản lý, hăng hái giao lưu với đám quan thương, ngô không ra ngô khoai không ra khoai, làm trò cười cho thiên hạ. Cũng may mà Phật tổ “Ngũ uẩn giai không, vô nhãn nhĩ tị thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp”, không thèm chấp những tên sư giả này.
Giám đốc Sở Tôn giáo Lý Huy đầu óc rất nhanh nhạy, sớm đã nhìn ra cơ hội kinh doanh to lớn ở tháp Linh Lung, đề xuất ra kế hoạch phát triển, bao gồm mở cửa tháp Linh Lung ra bên ngoài, thu vé vào cửa, bán bản in kinh Phật, bán đấu giá nhãn hiệu tháp Linh Lung. Theo ước tính, lợi ích kinh doanh tiềm năng lên đến hàng trăm triệu.
Nhưng kế hoạch này đã nhận phải sự phản đối quyết liệt của hòa thượng Không Uẩn. Tháp Linh Lung là tài sản của chùa Đại Bi, nếu hòa thượng Không Uẩn không cho, Lý Huy cũng chẳng làm gì được. Vả lại Không Uẩn là người vô cùng cố chấp, cứng nhắc, tuy tuổi đã cao, nhưng chăm tu Phật pháp, tai thính mắt tinh, bước đi phăm phăm, nhìn bộ dạng chí ít cũng có thể trụ trì thêm 20 năm nữa, Lý Huy dù thế nào cũng không thể kiên trì đợi tiếp được.
Để áp chế sự “bệ vệ” của Không Uẩn, Lý Huy đã dẫn lãnh đạo chủ quản của Hội nghị Hiệp thương Chính trị và Ban thường vụ Tỉnh ủy đến, hy vọng có thể mượn địa vị của họ để xúc tiến kế hoạch phát triển tháp Linh Lung. Hòa thượng Không Uẩn ậm ờ nhận lời, nhưng cứ viện cớ vướng mắc việc nhà chùa, khiến cho kế hoạch thị sát của lãnh đạo tỉnh bị trì hoãn hết lần này đến lần khác. Không hiểu sao hai hôm trước sư thầy đột nhiên lại nghĩ thông, chủ động liên hệ với Lý Huy, nói muốn mời các vị lãnh đạo đến thị sát tháp Linh Lung. Ba vị lãnh đạo sớm đã đạt được thỏa thuận ngầm trước đó đã bớt chút thời gian đến ghé thăm từ sáng sớm.
Một nhóm người vừa hàn huyên vừa đi đến trước cổng tháp Linh Lung, tăng nhân trực đêm đứng ở mé cổng một cách quy củ, mắt coi mũi, mũi coi miệng, miệng coi tâm, niệm “A Di Đà Phật”, nói: “Phật môn thánh địa, mời thí chủ cởi bỏ giày tất.”
Hứa Vệ Đông ngớ người. Lý Huy thấy thế, vội bảo: “Mặt sàn tháp Linh Lung nhiều bụi thế, hay là hai vị lãnh đạo đây khỏi cởi giày được không?” Nói đoạn liền hướng mắt về phía sư Không Uẩn. Sư Không Uẩn thì thuận theo, đã cởi xong giày, đang cởi nốt đôi tất trắng.
Tăng nhân trực đêm lại niệm Phật hiệu, nói: “Đất Phật môn thanh tịnh, xin thiện nam tín nữ hãy cởi bỏ giày tất, thành tâm lễ Phật, bất luận sang hèn, đều phải tuân thủ.” Sư thầy đó nói như đang đọc thuộc lòng sách vậy, thái độ thành kính và cố chấp, từ đầu đến cuối không hề nhìn vào nhóm người đang đứng đối điện lấy một cái.
Sắc mặt Hứa Vệ Đông lập tức trở nên không vui. Tô Kiến Quốc thấy sư thầy Không Uẩn đã cởi xong giày tất, đôi chân gầy trơ xương dẫm lên mặt sàn đá phiến. Ở đây sư thầy Không Uẩn là cao tuổi nhất, người khác không tiện kiếm cớ, với cả mọi người đã đến trước tháp Linh Lung rồi, dù sao cũng không thể vì chuyện nhỏ này mà quay đầu bỏ về được. Ông ấy đành xoa dịu tình hình, nói: “Không thể phá hỏng quy tắc Phật môn, mọi người đều cởi đi, lên dạo một vòng rồi xuống.”
Mọi người lần lượt cởi bỏ giày tất, bước chân trần vào trong tháp Linh Lung. Những việc xảy ra bên trong tháp thì tôi không biết nữa, kế hoạch phát triển của tháp Linh Lung đã được thông qua hay xếp xó, lại càng chẳng có ai thông báo cho tôi.
Tóm lại, khoảng nửa tiếng sau thì nhóm người ấy đi ra khỏi tháp Linh Lung, các lãnh đạo tỉnh ngồi lên xe rồi rời đi. Lúc này, tôi và các điều tra viên chui ra khỏi chiếc xe đang đỗ ven đường, nín thở đi vào trong tháp Linh Lung để thu thập dấu chân trần mà Hứa Vệ Đông để lại trên lớp bụi.
Thẩm Thư chắp hai tay lại, hành lễ với sư Không Uẩn: “Đa tạ hòa thượng.” Sư Không Uẩn đáp lễ, cúi đầu niệm một tiếng “A Di Đà Phật”, hai hàng lông mày trắng rủ xuống bị cơn gió nhẹ buổi sớm mùa xuân lay động, như bao hàm vô số huyền cơ và vô hạn từ bi.
5.
Ngày 25 tháng 5 năm 2013. Trời quang.
Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Sở Nguyên.
Vụ án Hứa Vệ Đông bị nghi ngờ giết người đã được mở phiên tòa công khai ở Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Sở Nguyên. Để đảm bảo trật tự cho phiên tòa, những người tham dự phải vào bằng vé.
Do thân phận đặc biệt của Hứa Vệ Đông, nên vụ án này đã bị cánh truyền thông thổi phồng. Gần một trăm nhà đài đến từ các nơi trên mọi miền tổ quốc đã tập trung trước cửa tòa án, các loại bút ghi âm, máy quay, máy ảnh, máy tính bảng được múa qua múa lại, giống như một hội chợ triển lãm hàng điện tử. Trên khuôn mặt của các phóng viên mang theo biểu cảm hoặc lo lắng hoặc háo hức, rướn dài cổ để nhìn vào trong sân tòa.
Để khống chế số người tham gia, tòa án chỉ phát cho giới truyền thông 10 vé. Trình Giai phải lạy lục hết ông nọ bà kia mới kiếm được một tấm, háo hức đến tòa từ sáng sớm để đợi, còn chẳng thèm chỉnh trang lại diện mạo, đầu tóc rối bù, hai mắt đỏ au, khác hẳn so với bộ dạng ngăn nắp thường ngày.
Tôi ngồi ở bục nhân chứng, tâm trạng có chút bất an — Mặc dù cảnh sát đã nắm đầy đủ bằng chứng Hứa Vệ Đông giết người, nhưng dấu chân máu ở hiện trường tại sao lại là dấu chân trần, vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp, hy vọng quá trình xét xử không bị chen ngang.
Khi Hứa Vệ Đông bước ra tòa, tim tôi bỗng dưng đập mạnh, có chút không tin vào mắt mình. Mới hơn một tháng mà Hứa Vệ Đông đã già đi nhiều. Trước khi bị bắt giữ, tuy ông ấy đã gần 65 tuổi, nhưng nhờ nhiều năm kiên trì rèn luyện thể lực, giữ gìn sức khỏe tốt, nên trông có vẻ mới chỉ ngoài 50. Nhưng giờ đây đang đứng trên bục bị cáo, ông ta đã là một lão già rũ rượi, mái tóc bạc phơ, bù xù, nếp nhăn trập trùng trên khuôn mặt, ánh mắt khô héo chứa đầy vẻ u sầu.
Vị thanh tra đã từng bày mưu lập kế, điềm tĩnh chỉ huy giờ đi đâu rồi? Vị lãnh đạo già bất nộ tự uy, phong độ thanh thoát giờ đi đâu rồi? Trong lòng tôi chất chứa thứ cảm giác xót xa, cho thăng trầm của số phận, cho tối tăm của nhân tính.
Trương Vũ, chủ tọa phiên tòa, Trưởng phòng Hình sự Tòa án nhân dân trung cấp tuyên bố khai mạc phiên tòa. Đầu tiên, công tố viên đọc bản cáo trạng, sau đó nhân chứng ra hầu tòa. Tôi là nhân chứng đầu tiên của bên công tố, hít thở thật sâu rồi bước lên bục nhân chứng, bước chân có phần tản loạn, không hiểu sao lại có một cảm giác hoang mang và thiếu tự tin mà trước nay chưa từng có.
Bằng chứng đầu tiên tôi đưa ra trước tòa là bản in và tư liệu hình ảnh của dấu chân máu tại hiện trường Tôn Bảo Bảo bị sát hại, cùng dấu chân của Hứa Vệ Đông được thu thập ở tháp Linh Lung. Tôi đem hai thứ đó đối chiếu với nhau, rồi thưa với tòa: “Chiều dài, chiều rộng của hai bàn chân này hoàn toàn giống nhau, các đặc điểm của gót chân, vòm bàn chân, lòng bàn chân, ngón chân đều trùng khớp, vị trí vết mụn cơm ở chân phải tương đồng, khoảng cách giữa các đường vân chân lớn, đường vân dày, hoa văn thống nhất, năm vân ngón chân đều có kích cỡ, vị trí và hình trạng hoàn toàn giống nhau, từ đó có thể xác định, bị cáo Hứa Vệ Đông chính là người để lại dấu chân máu ở hiện trường Tôn Bảo Bảo bị sát hại.”
Bằng chứng thứ hai tôi đưa ra trước tòa là một con dao bếp dài mỏng và sắc bén: “Đây là con dao thái rau được tìm thấy ở trong bếp nhà Hứa Vệ Đông, là một con dao ở trong một bộ dao, tuy đã được chùi rửa kỹ càng, nhưng qua giám định, bên trên dao vẫn còn lưu lại lượng nhỏ vết máu của bị hại Tôn Bảo Bảo. Con dao này là loại dao một lưỡi, mà miệng vết thương trên thi thể bị hại lại một bên sắc một bên lẹm, đặc trưng của hai thứ trùng khớp với nhau. Dựa vào vết đâm trên thi thể bị hại có thể phán đoán hung khí dài 30cm, rộng 65cm, hoàn toàn tương đồng với kích thước của con dao này.”
Bằng chứng thứ ba tôi đưa ra trước tòa là báo cáo giám định pháp y đối với chiếc xe mà Hứa Vệ Đông dùng để lái. Chiếc xe địa hình cỡ lớn này đã từng xuất hiện trên một đoạn đường từ nhà Hứa Vệ Đông đến khu nghỉ dưỡng hồ Thiên Đảo trong khoảng thời gian trước và sau khi vụ án xảy ra, có hình ảnh được camera quay lại tương đối rõ nét. Do vấn đề góc quay và ánh sáng, không thể nhận diện được người lái xe. Ở trên chân ga và phanh tay của xe, giám định ra một lượng nhỏ vết máu còn sót lại, hoàn toàn trùng khớp với DNA của Tôn Bảo Bảo.
Kết luận của tôi là: “Hứa Vệ Đông và vợ ông ấy là Hà Thục Hiền đã ly thân được 3 năm, Hứa Vệ Đông được một cô giúp việc chăm sóc, cô giúp việc đó mỗi tuần nghỉ làm một ngày. Tối hôm Tôn Bảo Bảo bị hại, vừa hay lại đúng vào ngày cô giúp việc nghỉ, cho nên Hứa Vệ Đông có đủ thời gian để gây án, đồng thời ung dung chùi rửa vết máu và những dấu vết phạm tội khác sau khi gây án. Vụ án đã rõ ràng, chuỗi bằng chứng hoàn chỉnh, xin quan tòa tuyên án Hứa Vệ Đông về tội danh cố ý giết người.”
Luật sư Cường Bằng được Hứa Vệ Đông thuê là một tay giỏi ăn nói, hùng hổ dọa người, năm nay mới ngoài 40, nhưng đã là cộng tác của công ty luật lớn nhất tỉnh, hội viên của Hiệp hội Luật hình sự Quốc gia, cực kỳ giỏi hùng biện trước tòa, lúc nào cũng nắm được sơ hở của đối thủ rồi truy đánh tới cùng, cho đến khi dồn họ vào ngõ cụt mới thôi.
Tôi còn chưa dứt lời, Cường Bằng đã bắt đầu toàn lực phản kích: “Chuỗi bằng chứng mà phía công tố cung cấp không hề hoàn chỉnh như những gì họ nói, trong đó đã thiếu đi một chi tiết mấu chốt, đó chính là thân chủ tôi hoàn toàn không có động cơ gây án. Hứa Vệ Đông và nạn nhân Tôn Bảo Bảo của vụ án có mối quan hệ cha con kết nghĩa, theo lời người quen của hai người, mối thân tình giữa họ vô cùng thắm thiết, còn hơn cả bố con ruột. Hơn nữa, là một người tuổi đã ngoài sáu mươi, Hứa Vệ Đông vô cùng trân trọng mối quan hệ này với cô con gái nuôi, cảm kích vì đã có cô con gái đồng hành. Với hoàn cảnh như vậy, tại sao Hứa Vệ Đông lại có thể ra tay giết hại cô con gái đã đem đến cho ông niềm vui lúc tuổi già cơ chứ? Trong các vụ án hình sự, việc ngụy tạo bằng chứng vật lý là không hề khó, việc vu oan hãm hại người khác trong những vụ án thực tế cũng không hề hiếm gặp, là luật sư của phía bị cáo, tôi có quyền nghi ngờ liệu những bằng chứng vật lý mà phía công tố cung cấp có công bằng hay không.” Cường Bằng quả nhiên có một cái miệng nhạy bén và một cái đầu tỉnh táo, hắn nhắm vào điểm yếu của bên công tố, rồi từng bước áp sát.
Để phản bác câu hỏi mà Cường Bằng đưa ra, nhân chứng thứ hai của phía công tố là Phùng Khả Hân đã đứng ra làm chứng: “Cảnh sát trong quá trình điều tra đã phát hiện, mối quan hệ giữa Hứa Vệ Đông và bị hại Tôn Bảo Bảo không đơn giản chỉ là quan hệ cha con kết nghĩa, trong mắt người ngoài họ lấy danh nghĩa là cha con, nhưng trên thực tế họ lại là nhân tình, hơn nữa Tôn Bảo Bảo khi còn sống có kinh doanh trang thiết bị an ninh, từng được Hứa Vệ Đông giúp đỡ rất nhiều. Cho nên, bất luận là nguyên nhân kinh tế hay tư tình, Hứa Vệ Đông đều có động cơ để sát hại Tôn Bảo Bảo.” Lời nói của Phùng Khả Hân đã khiến cho khán phòng một phen xôn xao.
Cường Bằng đứng dậy nói: “Tôi phản đối. Tin đồn không thể được dùng làm bằng chứng trước tòa, như vậy là không công bằng đối với thân chủ tôi.”
Chủ tọa Trương Vũ bày tỏ sự ủng hộ đối với ý kiến phản đối của Cường Bằng: “Nếu như phía công tố không thể cung cấp bằng chứng hữu hiệu để ủng hộ cho quan điểm của mình, đối với những tin đồn, tòa sẽ không chấp nhận.”
Phùng Khả Hân đáp: “Phía chúng tôi có thể cung cấp bằng chứng, xin tòa cho phép nhân chứng thứ ba của bên công tố được hầu tòa.”
Khi nhân chứng thứ ba xuất hiện trước phiên tòa, Hứa Vệ Đông, người im lặng và thờ ơ nãy giờ đột nhiên ngẩng đầu, nhìn chằm chằm vào người phụ nữ có mái tóc hoa râm và sắc mặt u sầu kia, bộ dạng rất kinh ngạc — Đó là người vợ kết tóc của ông ấy, Hà Thục Hiền, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại, vẫn là vợ trên danh nghĩa luật pháp.
Hà Thục Hiền không hề nhìn Hứa Vệ Đông lấy một cái, bước thẳng đến bục nhân chứng, sau khi chứng minh thân phận theo yêu cầu của thẩm phán, nói: “Tôi có thể chứng minh giữa Hứa Vệ Đông và cô con gái nuôi kia có mối quan hệ bất luân, tôi đã từng tận mắt chứng kiến hai người họ thông dâm với nhau, đó là nguyên nhân chính khiến tôi và Hứa Vệ Đông ly thân.” Bà ấy vừa dứt lời, khán đài liền một phen xôn xao, mọi người chụm đầu bàn tán.
Mặt Hứa Vệ Đông tái mét, toát mồ hôi hột, suýt ngã xuống đất mấy lần. Trương Vũ hỏi: “Bị cáo, anh có đồng ý những gì mà nhân chứng Hà Thục Hiền nói là thật không?”
Hứa Vệ Đông im lặng hồi lâu, đáp: “Tôi không đồng ý.”
Cường Bằng lần thứ hai đứng dậy: “Phản đối, quan hệ tình cảm giữa bị cáo và bị hại, không có quan hệ nhân quả với vụ án, không thể cho rằng đó là động cơ giết người.” Lời bào chữa này có phần gò ép, trên khán đài vang lên tiếng xì xào. Trương Vũ vội yêu cầu mọi người phải giữ trật tự phiên tòa.
Cường Bằng rõ ràng nhận thức được tình hình hiện tại rất bất lợi cho bên mình, cuối cùng quăng ngón nghề ra: “Tôi giữ quan điểm nghi ngờ với tính hoàn chỉnh của chuỗi bằng chứng mà phía công tố đưa ra. Phải nhắc quan tòa chú ý rằng, thân chủ tôi mắc chứng mất ngủ giả (parasomnia) nghiêm trọng, và dấu chân máu ở hiện trường Tôn Bảo Bảo bị hại, là do thân chủ tôi để lại khi ở trạng thái ngủ. Hay nói cách khác, trong quá trình xảy ra vụ án, Hứa Vệ Đông là người hoàn toàn không có năng lực trách nhiệm hình sự, không phải chịu trách nhiệm về bất cứ hành vi nào của mình trong khoảng thời gian này.”
Tôi nghe Cường Bằng thốt ra ba chữ “mất ngủ giả”, như được thức tỉnh, phút chốc hiểu ra ý nghĩa của dấu chân trần được lưu lại hiện trường, như bị ai đó đập vào đầu, tối sầm mắt mũi.
Chứng mất ngủ giả, để chỉ trạng thái bất thường nửa tỉnh nửa mơ trong khi ngủ, triệu chứng được biểu hiện đa dạng, như bất thường về trạng thái ngủ mắt chuyển động nhanh (REM), giấc ngủ kinh hoàng, chứng mộng du, đái dầm, nói mớ, miên dâm (sexsomnia), hội chứng đầu phát nổ (EHS),…… Các vụ án mà hung thủ giết người là bệnh nhân mắc chứng mất ngủ giả không thường gặp, tôi chỉ được đọc qua ở trong những cuốn sách về điều tra tội phạm, chứ trên thực chiến thì chưa. Hiện giờ Cường Bằng đã lôi chứng mất ngủ giả ra để làm bia đỡ đạn, tôi nhất thời không biết phải đối phó ra sao.
Trương Vũ hiển nhiên cũng không hiểu rõ lập luận của Cường Bằng cho lắm, im lặng mất mấy giây mới nói: “Luật sư bị cáo, xin hãy giải thích về khái niệm chứng mất ngủ giả.”
Cường Bằng hùng hồn đáp: “Thân chủ tôi sau khi miễn nhiệm cương vị cán bộ lãnh đạo trọng yếu, tâm lý khó để thích nghi, sự uất ức và phiền muộn lâu dài đã khiến ông ấy sản sinh trở ngại giấc ngủ nghiêm trọng, do không được chữa trị kịp thời, khiến cho bệnh tình trầm trọng hơn, gần một năm nay, ông ấy đã bị chứng mộng du hành hạ, từng nhiều lần đi khám ở cách bệnh viện lớn trong và ngoài tỉnh.” Cường Bằng lôi ra một tập hồ sơ khám bệnh dày cộp, lần lượt trình ra, “Đây là giấy chứng nhận chẩn đoán của Viện nghiên cứu giấc ngủ thành phố Sở Nguyên, đây là hồ sơ điều trị của Khoa Thần kinh thuộc Bệnh viện Đa khoa Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đây là hồ sơ bệnh án của Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ Bắc Kinh, và kết quả chẩn đoán đã chứng minh, chứng mộng du của Hứa Vệ Đông có liên quan đến chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM. Trong trường hợp bình thường, giấc ngủ REM, thường được gọi là chuyển động mắt nhanh, có tác dụng gây tê liệt sinh lý, ngăn không cho chúng ta “nhập vai” vào giấc mơ. Nhưng ở những bệnh nhân mắc hội chứng rối loại giấc ngủ REM, tác dụng gây tê liệt này bị mất, khiến họ biểu hiện ra ngoài thực tế những hành vi trong giấc mơ. Hay nói cách khác, nếu ông ấy mơ thấy mình nhảy lầu tự sát, sẽ trèo lên nóc nhà, nhảy xuống mà không chút do dự; Nếu ông ấy mơ thấy mình giết người, cũng sẽ quyết đoán cầm hung khí lên giết chết đối phương, mà đối tượng bị hại có thể là kẻ thù của ông ấy, cũng có thể là người thân của ông ấy. Những hành vi mà ông ấy làm, đều được diễn ra trong mơ, không bị ý thức bản thân chi phối. Về mặt pháp lý, ông ấy là một người hoàn toàn không có năng lực trách nhiệm hình sự, xin quan tòa hãy tuyên bố thân chủ tôi vô tội.”
Những gì mà Cường Bằng nói rất sâu sắc dễ hiểu, khán phòng lại vang lên tiếng xì xào bàn tán, đến lời dẹp yên của Trương Vũ cũng không còn tác dụng, cục diện gần như đã mất kiểm soát.
Tâm trạng tôi bỗng nhiên trùng xuống. Do thân phận đặc biệt của Hứa Vệ Đông và năng lực phản điều tra, phản thẩm vấn của ông ta, khiến cho vụ án này rất khó xử lý. Từ đầu đến cuối cảnh sát vẫn không thể thu thập được lời khai của nghi phạm, có một số tình tiết vụ án không rõ ràng, chẳng hạn như Tôn Bảo Bảo khi còn sống đã liên lạc với Hứa Vệ Đông kiểu gì, hiện trường vụ án tại sao lại xuất hiện dấu chân trần nhuốm máu, cảnh sát chỉ có thể giải thích dựa trên những tưởng tượng hợp lý, nhưng lại thiếu chứng cứ xác thực.
Đương nhiên, công tác của cảnh sát tuyệt đối không cẩu thả, qua loa cho xong, mà là nghiêm túc, chi tiết, toàn diện, chuỗi chứng cứ tương đối hoàn chỉnh, hoàn toàn có thể chứng minh Hứa Vệ Đông chính là hung thủ sát hại Tôn Bảo Bảo, có đủ tự tin để phá được vụ án. Điều không ngờ đến là Cường Bằng và Hứa Vệ Đông lại liên thủ với nhau thiết kế ra cái thòng lọng này để chúng tôi chui vào – Không, tôi tin đây chỉ là âm mưu của một mình Hứa Vệ Đông, Cường Bằng chỉ là tay chân, trợ thủ của ông ta. Hứa Vệ Đông sớm đã có âm mưu sát hại Tôn Bảo Bảo, từ một năm trước đã bắt đầu lên kế hoạch tỉ mỉ cho âm mưu này, từ cục bộ cho đến toàn diện, không chút sơ hở, không hổ danh từng là Phó đại đội trưởng của Cục Hình sự tỉnh lừng danh một thời.
Còn về chứng mất ngủ giả của ông ấy, quỷ mới tin.
Nhưng tôi đành khoanh tay bó gối, chỉ có thể giương mắt nhìn họ giở trò ma mãnh trước tòa.
Công tố viên của Viện kiểm sát đưa ra ý kiến phản đối: “Bị cáo vào tối hôm xảy ra vụ án đã tự mình lái xe từ nhà đến khu nghỉ dưỡng hồ Thiên Đảo, đi đi về về mất gần hai tiếng đồng hồ, sau khi đến nơi đã liên lạc với bị hại, vào phòng, giết người, gây án xong đem hung khí đi, lau rửa xe, toàn bộ quá trình vừa bài bản lại chu đáo, không phải do một người mộng du có thể hoàn thành. Vì vậy phía công tố cho rằng, bị cáo trong quá trình thực hiện tội ác đầu óc hoàn toàn tỉnh táo, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, là cố ý giết người.”
Lời trình bày của công tố viên, cũng là những phân tích trong lòng tôi: Vụ án mà Hứa Vệ Đông gây ra rõ ràng đã được lên kế hoạch tỉ mỉ, manh mối để lại hiện trường vô cùng ít, mà theo những án lệ được ghi chép lại, hiện trường gây án của những bệnh nhân mắc chứng mộng du đều rất hỗn độn, để lại lượng lớn manh mối.
Nhưng rõ ràng Cường Bằng đã sớm có sự chuẩn bị đối với ý kiến của công tố viên, ung dung đáp trả: “Thân chủ tôi làm cảnh sát đã 40 năm, có kinh nghiệm điều tra vô cùng phong phú, hành vi trong mơ của những bệnh nhân mắc chứng mất ngủ giả tuy là vô thức, nhưng lại là sự tích lũy và phản ứng của kinh nghiệm trong cuộc sống trước đây. Có thể nói, dòng máu người cảnh sát hình sự đang chảy trong cơ thể thân chủ tôi, điều tra và phản điều tra đã trở thành một phần cuộc sống của ông ấy. Những gì ông ấy làm trong mơ chịu sự chi phối của tiềm thức, cũng là điều không khó để lý giải. Cho nên, hành động ông ấy mang hung khí đi, lau rửa xe sạch sẽ, không những không phải sơ hở, mà là minh chứng cho việc ông ấy bị mắc chứng mất ngủ giả.
“Ngoài ra,” Cường Bằng đột nhiên cất cao giọng, “Chứng cứ mà thân chủ tôi để lại ở hiện trường vụ án này, có thể nói là quá nhiều sơ hở, đừng nói một cảnh sát về hưu với kinh nghiệm phong phú như ông ấy, đến một tên tội phạm có chút kinh nghiệm, cũng không ngu xuẩn đến mức để lại dấu chân máu ở hiện trường. Xin quan tòa hãy chú ý đến chi tiết này, thân chủ tôi đi chân trần ra khỏi nhà, lái xe, đỗ xe, sau đó lại dẫm chân trần lên con đường đá sỏi ở khu nghỉ dưỡng hồ Thiên Đảo, đi đến trước cổng nông gia viên, lại đi chân trần vào phòng, trong lúc vô thức đã tấn công người khác rồi lại dẫm chân trần lên vũng máu, để lại dấu chân máu trên sàn nhà, rồi lại đi chân trần trở về xe, lưu lại vết máu trên xe mình. Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là cảnh tượng mộng du của một người mắc chứng mất ngủ giả, cũng chỉ có người mắc chứng mất ngủ giả mới làm ra những hành vi hoang đường như vậy.”
Câu nói đó của Cường Bằng khiến trái tim tôi lạnh cóng. Câu đố mang tên vết chân máu từng khiến tôi phải trăn trở đêm ngày, không ngờ đáp án lại nằm ở đây, Hứa Vệ Đông vì muốn sát hại Tôn Bảo Bảo, không ngờ đã lên kế hoạch từ một năm trước.
Những lời tiếp theo của Cường Bằng càng phát ra ngữ khí tự tin, đầy tính chính nghĩa: “Xin quan tòa xem xét, ngoại trừ dấu chân máu sơ hở rõ ràng ra, cách thức tiêu hủy bằng chứng của thân chủ tôi cũng khá vụng về, ông ấy không hề vứt con dao gây án đi, mà sau khi lau chùi vết máu lại đặt nó lên chạn bếp nhà mình, vết máu trên xe cũng chỉ được lau bằng khăn ướt mà thôi, là một sĩ quan cao cấp với 40 năm kinh nghiệm làm cảnh sát, sao có thể phạm phải sai lầm vụng về như này được? Ông ấy vốn dĩ có hàng nghìn cách tốt hơn để che đậy dấu vết phạm tội của mình. Chỉ có một lý do duy nhất để giải thích cho trường hợp phi lý này, đó chính là, ông ấy vốn không hề biết mình đã giết người!”
Khán phòng lại một phen xôn xao.
Hà Thục Hiền giận tím mặt, môi run cầm cập, chỉ tay vào mũi Cường Bằng quát: “Anh nói láo, Hứa Vệ Đông không hề bị mộng du, tôi và ông ta đã sống với nhau ba mươi mấy năm, chưa bao giờ thấy ông ta mộng du cả.”
Cường Bằng không hề tức giận, khẽ mỉm cười: “Tuy bà sống chung với ông ấy ba mươi mấy năm, nhưng đã ly thân được ba năm, mà việc ông ấy mắc chứng mất ngủ giả là chuyện cách đây hơn một năm, là do phải từ bỏ cương vị mà mình yêu tha thiết nên mới gây ra trở ngại tâm lý nghiêm trọng.” Anh ta giơ tay phải về phía bục xét xử, “Tôi xin phép được gọi nhân chứng bào chữa ra trước tòa.” Trương Vũ đồng ý.
Nhân chứng bào chữa là cô giúp việc của Hứa Vệ Đông tên là Lan Lan, người An Huy, năm nay mới tròn 20 tuổi. Cô ấy cúi đầu đứng trên bục nhân chứng, hai tay lúc thì đặt trên lan can, lúc thì mân mê vạt áo, bộ dạng rất sợ hãi. Cường Bằng đi thẳng vào chất vấn: “Cô và ông chủ của cô đã sống chung một nhà được bao lâu rồi?”
“Hơn hai năm.” Giọng của Lan Lan gần như nghe không rõ.
Cường Bằng cổ vũ cô ấy: “Xin nhân chứng hãy nói to lên. Trong quãng thời gian cô chăm sóc cho Hứa Vệ Đông, có từng trông thấy ông ấy bị mộng du không?”
“Có,” Khi Lan Lan nói, nét mặt sượt qua một biểu cảm sợ hãi, “Tôi đã trông thấy ba lần, có một lần vào hơn 2 giờ sáng, ông ấy để chân trần đi lại trong phòng, tôi gọi ông ấy nhưng ông ấy không đáp lại, sau đó còn mở cửa đi ra ngoài, dẫm chân lên đá cũng không thấy đau; Còn có một lần ông ấy ngủ chưa được một tiếng đã bò dậy, đi chân trần vào trong ga-ra, tự khởi động xe, không biết lái đi đâu, hơn ba tiếng sau mới quay lại, sáng hôm sau tỉnh dậy thì không nhớ chuyện gì đã xảy ra đêm qua, còn nói với tôi là không biết tại sao xăng xe lại vơi đi nhiều vậy; Lần thứ ba đáng sợ nhất, sau khi tôi bị đánh thức lúc nửa đêm, trông thấy ông ấy đang ngồi ở đầu giường, trên tay cầm một con dao bếp, miệng lẩm bẩm cái gì đó, giống như sẽ chém tôi bất kì lúc nào vậy. Tôi vô cùng sợ hãi, liền chạy ra ngoài, nhưng ông ấy không đuổi theo tôi, mà ngồi ở giường hơn một tiếng đồng hồ, rồi lại đặt dao vào bếp, trở lại phòng mình ngủ.”
Quá trình mộng du của Hứa Vệ Đông mà Lan Lan kể, dường như đang lót đệm cho hành vi giết hại Tôn Bảo Bảo của ông ta, nói cách khác là chứng thực cho xu hướng mộng du giết người của ông ta, chối bỏ trách nhiệm cho hành vi tội ác của ông ta.
Công tố viên của bên kiểm sát bày tỏ sự nghi ngờ đối với lời khai của Lan Lan, vặn hỏi: “Cô và bị cáo sống chung một nhà, còn chăm sóc cho bữa ăn giấc ngủ của ông ấy, nhưng ông ấy lại mắc chứng mộng du nghiêm trọng, có xu hướng giết người như vậy, cô không thấy sợ sao? Tại sao lại không đi tìm người chủ khác?”
Lan Lan lắp bắp đáp: “Ông…… ông ấy trả tôi nhiều tiền, mỗi tháng trả nhiều hơn nhà khác mấy trăm Tệ, với lại, tôi thấy ông ấy…… già rồi, sống một mình cũng tội, không nỡ bỏ mặc ông ấy.”
Cường Bằng nói: “Trang thiết bị an ninh ở khu phố nơi thân chủ tôi sống vô cùng nghiêm mật, những lần ông ấy mộng du gần đây đều được camera ghi lại làm bằng chứng, xin tòa cho phép được công chiếu.”
Sau khi được sự chấp thuận của Trương Vũ, Cường Bằng đã cho công chiếu trước tòa một số đoạn băng được ghi lại ở khu phố nơi Hứa Vệ Đông sinh sống. Mặc dù thời gian ghi hình đều vào ban đêm, nhưng ánh sáng ở khu phố khá tốt, độ phân giải của camera tương đối cao, có thể nhận ra rõ nét người trong đoạn băng ghi hình chính là Hứa Vệ Đông.
Cảnh tượng trong camera giám sát cụ thể hơn, phong phú hơn những gì mà Lan Lan miêu tả, cũng cho thấy số lần Hứa Vệ Đông mộng du nhiều hơn, tần suất cao hơn so với những lần mà Lan Lan phát hiện. Hứa Vệ Đông trong đoạn băng giống như người mất hồn vậy, mặc bộ đồ ngủ, đi chân trần, mặt không biểu cảm, mắt nhìn thẳng về phía xa, tuy nhất cử nhất động đều đâu ra đấy, nhưng rõ ràng giống như một người máy bị điều khiển, hoặc là một xác chết biết đi. Trông vô cùng quỷ dị, khiến người xem lạnh sống lưng.
Trong quá trình điều tra vụ án, Thẩm Thư đã nhiều lần cử người thu thập những video giám sát ở khu phố nơi Hứa Vệ Đông sinh sống, nhất là những video vào ban đêm, tuy đã thu thập được phần lớn, nhưng không hề phát hiện ra bóng dáng của Hứa Vệ Đông trong đó. Ngoài ra còn có một vài đoạn băng ghi hình bị thất lạc, bộ phận bảo an giải thích là do hệ thống giám sát gặp trục trặc, mà không ngờ rằng những tư liệu video đó đã bị Cường Bằng lấy đi, và rồi xuất hiện ở trong giai đoạn mấu chốt của quá trình điều tra thu thập chứng cứ của tòa, khiến cho bên công tố rơi vào thế bị động.
Sau khi Cường Bằng nắm được quyền chủ động trong cuộc tranh luận trước tòa, lại tiếp tục tung ra một ngón đòn mạnh mẽ khác: “Mối quan hệ giữa thân chủ tôi và bị hại Tôn Bảo Bảo trong vụ án này là mối quan hệ cha con vô cùng trong sáng, vừa không dính líu đến tư tình nam nữ, cũng không có sự trao đổi kinh tế, càng không tồn tại giao dịch quyền – tiền lợi dụng lẫn nhau, thân chủ tôi hoàn toàn không có động cơ sát hại Tôn Bảo Bảo.” Anh ta lôi ra một xấp tài liệu giấy, vừa phe phẩy vừa nói, “Đây là ghi chép tài sản cá nhân của thân chủ tôi và bị hại Tôn Bảo Bảo, bao gồm tất cả những tài khoản ngân hàng và chứng nhận bất động sản, chỉ đứng tên một căn nhà chế độ, một chiếc xe phổ thông, và một khoản tiết kiệm 15 vạn Tệ, đối với một lãnh đạo từng nhiều năng giữ chức vụ quan trọng mà nói, ông ấy có thể coi là một người liêm khiết, trong sạch. Ông ấy chưa từng lợi dụng chức quyền để giúp đỡ cho các hoạt động kinh doanh của Tôn Bảo Bảo, trong phần tài liệu này có đính kèm lời khai của những cán bộ cảnh sát từng là cộng sự của thân chủ tôi, xin tòa hãy đọc.” Được sự đồng ý của Trương Vũ, Cường Bằng giao tài liệu này cho thư ký.
Cường Bằng quay sang Hà Thục Hiền, nghiêm mặt hỏi: “Bà cho rằng giữa Hứa Vệ Đông và Tôn Bảo Bảo tồn tại gian tình, có bằng chứng gì không? Ghi âm? Clip? Ghi chép bằng chữ? Tất cả đều không có, thế thì người khác làm sao tin được?”
Hà Thục Hiền kích động đến đỏ cả mặt, vung tay, gào hét: “Chính tôi tận mắt thấy, bản thân tôi là bằng chứng đây, lời tôi nói là bằng chứng xác đáng nhất.”
Cường Bằng lắc đầu đáp: “Bà căm hận Hứa Vệ Đông, không phải vì Tôn Bảo Bảo, thực ra bà đã ôm mối hận với ông ấy từ lâu. Do khiếm khuyết về hệ thống sinh sản, nên bà không sinh được con, đó là nút thắt mãi không được gỡ bỏ trong lòng bà. Bà đã nhiều lần đề xuất nhận con trai của em gái bà làm con nuôi, nhưng đều bị Hứa Vệ Đông từ chối. Mấy năm trước, bà lại đề xuất cho thằng cháu trai ấy vào công tác trong ngành công an, vẫn bị Hứa Vệ Đông từ chối thẳng thừng. Từ đó trở đi, quan hệ vợ chồng giữa hai người trở nên hữu danh vô thực. Do Hứa Vệ Đông là một vị quan thanh liêm, bà không thể thu được lợi lộc gì từ tay ông ấy, vì thế mà nản lòng thoái chí, từ yêu sinh hận!”
Hà Thục Hiền gào lên xé ruột xé gan: “Anh nói láo, Hứa Vệ Đông vốn không hề thanh liêm, ông ta lòng tham không đáy, hoang dâm háo sắc, ông ta không muốn làm việc gì cho tôi, không chịu cho tôi chút lợi lộc gì, chẳng qua vì thấy tôi không có giá trị, ông ta sớm đã chẳng còn tình cảm gì với tôi. Tôi hận ông ta, chỉ mong ông ta chết đi mới hả dạ.”
Hà Thục Hiền vừa dứt lời, khán phòng liền xôn xao, dù là người không có kiến thức pháp luật cũng nghe ra, giữa Hà Thục Hiền và Hứa Vệ Đông có quá nhiều khúc mắc ân oán, điều đó khiến cho lời chứng của bà ấy không còn đáng tin cậy.
Diễn biến bất ngờ của vụ án khiến cho mọi người không kịp trở tay, chủ tọa tuyên bố tạm hoãn phiên tòa, hôm khác sẽ công bố kết quả phán quyết.
Hôm đó, khi truyền thông đưa tin về kết quả phiên tòa, dư luận đã một phen xôn xao, cảnh sát phải đối mặt với một áp lực lớn chưa từng có.
[Còn tiếp]