CHUẨN BỊ ĐỂ GIÀ

Bữa kia, tôi phát hiện đã lâu rồi mình không còn nhảy chân sáo mỗi khi lên xuống cầu thang. Không phải vì tôi xập xệ đến mức không thể nhảy nổi, mà là do chương trình “Hành vi đứng đắn dành cho người không còn trẻ” đã được não bộ tôi tự động cập nhật và ứng dụng hồi nào không biết.

Ai tạo lập ra chương trình đó? Chính là các “khế ước xã hội”. Lúc trẻ nên thế này, lập gia đình cần thế kia, già rồi phải thế nọ… Các quy định không rõ nguồn thi nhau thao túng, bất kể tôi đón chào hay ghẻ lạnh chúng.

Chuyện làm sao cho vẻ ngoài “đức hạnh” hơn làm tôi lăn tăn nghĩ đến cái già thiệt sự.

Chữ “già” nào có xa lạ gì. Từ trẻ đã nghe hát “… cuộc đời có bao lâu/ Vài lần đắng cay thôi/ Coi như mình đã già”; đã biết mấy câu như “Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”, “Kính già già để tuổi cho”, “Trai ba mươi tuổi đang xoan/ Gái ba mươi tuổi đã toan về già”… Tôi thuộc làu hết mà vô cảm lắm, chả thấy hân hoan gì mỗi khi được người lớn hơn khen sao mà trẻ ghê, sướng ghê. Đọc sách thấy Tú Xương cay đắng vì gần 40 mà vẫn lận đận khoa cử, Chí Phèo đau đáu vì cái dốc của cuộc đời, tôi nghĩ biết bao giờ mới đến mình. Vậy mà sắp rồi.

Bỗng nhớ một “trường hợp già” của người chị.

Chị nghỉ hưu và tỏ ra bằng an với những tấm ảnh được “up” đều đặn trên trang cá nhân: chậu hoa tỏa nắng ngoài balcon, tách trà sớm trong veo vàng ửng, những chuyến du ngoạn cùng đồng nghiệp, gia đình… Nhưng chẳng bao lâu thì những người quanh chị bắt đầu nhận ra vẻ nhàn nhã ấy chỉ như lớp bọt nổi trên bề mặt ly capuchino. Chị không ngừng dõi theo hoạt động của công ty, bình phẩm, so sánh năng lực của các nhân sự mới để thấy khó ai có thể vượt qua mình. Chị tập hợp các cộng sự cũ vẫn còn làm việc, mục đích là cà phê cà pháo nhưng những buổi nói chuyện dần chuyển sang hơn thua, cay cú. Chị trở nên khắc nghiệt với người trẻ, lấy cái uy người lớn để kiểm soát, thắt ngặt, áp đặt, khiến họ dạ vâng mà trong lòng ấm ức. Với gia đình, chị đầy mâu thuẫn: vừa nhẫn nhịn, phục tùng vừa vùng vằng, bất cần. Mọi người ngột ngạt nhưng không tiện nói, đành chọn cách xa chị dần. Khi đứa con trai chị cưng như trứng mỏng nhất quyết dọn ra ở riêng, chị càng quay quắt, cáu bẳn, cộc tính. Chính chị cũng nhận ra mình dễ sa ngã vào những cuộc tranh cãi, dễ xúc động đồng thời dễ tổn thương. Chị bắt lỗi chính tả, lỗi từ ngữ của bạn bè, người quen dù đó chỉ là mấy lời bâng quơ trên facebook. Chị tỏ ra tinh quái khi dùng kinh nghiệm của mình để kẽ vạch sự non nớt, sơ hở hay làm màu của một vài bạn trẻ. Chị kiểm kê hạnh phúc và nhiều lần dằn vặt vì chưa kịp làm những điều mình muốn, rồi cuống cuồng sắp cái này, đặt cái kia và dễ bất mãn khi mọi thứ cứ trơ ra chứ không chịu theo ý chị. Chị thường trách móc mọi người bỏ quên chị hoặc không đủ tốt với chị. Nhưng chị không hề biết rằng chị đang trở nên xa lạ với chị ngày trước, đang vô tình đẩy các mối quan hệ vào chỗ ngặt nghèo. Nói cách khác, chị đánh mất phong độ. Dường như tuổi già ập đến ngay lúc chị chưa kịp học cách làm sao để chống đỡ. Giá như tôi có thể nói với chị, cũng là tự dặn mình: đừng trở thành một người già ngoa ngoắt, đáo để, khó ưa và khó chơi. Đó là kiểu “già không buông bỏ”.

Má tôi lại là trường hợp “già không độc lập”. Thoạt nhìn, má có “cái hạnh” đạo mạo từ khi còn trẻ, lúc cao tuổi hơn lại được dịp phát huy tối đa. Má mặc lụa lèo kín đáo, cử chỉ khoan thai, ăn uống tinh giản, thể dục nhẹ nhàng, đi chùa, đi chơi với các bạn đồng trang lứa, đi thăm khám bác sĩ thường xuyên. Như bao bậc phụ huynh, má cũng cày cuốc cả đời để cho con mái nhà, cuốn sổ tiết kiệm và giúp con quán xuyến trước sau. Nhưng má cũng có những tật xấu của người già: ưa lèm bèm, ưa hoài niệm, ưa phán xét, dễ tủi thân, chuộng cấm đoán, chuyện vui hay không vui cũng thích nhay đi nhay lại và đặc biệt sợ bị con cái bỏ rơi. Tâm lý “Trẻ cậy cha già cậy con” khiến má gay gắt khi nghe hay đọc một tin tức về việc con cái gửi cha mẹ vào nhà già. Má không cho rằng một dưỡng đường tốt, vừa có bác sĩ, có người chăm nom vừa có bạn bè trang lứa là một giải pháp tích cực. Má muốn được con cái báo hiếu kiểu “chén cơm, đôi đũa, chung trà”, phải thường xuyên xúm xít “vấn an”, phải xáo trộn thời khóa biểu mỗi khi má đau ốm. Má sống cùng các con, hễ con đi làm là gọi điện thoại mỗi ngày mấy chặp. Dẫu biết đó là tình thương của má, tôi vẫn mong má đừng “lệ thuộc” như vậy. Má tôi đã được giáo dục và sống theo cách thuần túy Á Đông cả đời nên khước từ cách già của  u Tây.

Soi vào cuộc đời má, tôi hiểu rằng dù có bạn đời, con cái hay không, sự đơn độc là khó tránh khỏi trong chặng cuối hành trình của mỗi con người. Nhưng trớ trêu, tôi sinh ra ở một xứ sở chỉ chú trọng cách dạy người trẻ nên làm thế nào chứ hiếm khi để ý đến cảm nhận của người già. Báo chí, truyền thông đầy rẫy quảng cáo cách vớt vát tuổi thanh xuân nhưng thật khó để tìm một bài viết, một cuốn sách nghiêm túc hướng dẫn người ta làm sao để già cho đúng, cho đẹp. Hay là già rồi thì chỉ cần đứng qua một bên thôi, ý kiến ý cò gì nữa! Những cơ sở, trung tâm dành cho người già, trẻ tự kỷ, người khuyết tật… vẫn tạo ra nhìn nhận tiêu cực hơn là cảm giác an sinh. Cứ quan sát những tổ chức như vậy, sẽ biết mức độ văn minh của một đất nước.

Thôi thì, chủ động chuẩn bị một kế hoạch để… già. Phải ý thức rằng cái sự già rình rập chẳng chừa một ai. Thể nào thì ta cũng sẽ già, chớm già, sắp già hoặc đã già, nên phải tranh thủ tận dụng quỹ thời gian ngày càng teo tóp. Nếu không bị vướng vào bạo bệnh, nghịch cảnh gia đình hay kinh tế bấp bênh thì một người già đã có thể gầy dựng đời sống hạnh phúc với các tiêu chí: sức khỏe, tài chính, không gian chung và không gian riêng cùng nỗ lực dễ thương 200% – đã già thì quyết không cho “chúng” ghét. Không gian chung là những chỗ có thể gặp gỡ gia đình, họ hàng, bè bạn; là những nơi dù già vẫn phải lui tới như công viên, nhà hát, tiệm sách, quán xá, siêu thị… để tránh lạc nhịp với xã hội. Không gian riêng là nơi ở riêng, thoáng đãng gọn gàng, đủ chỗ cho những nhu cầu sinh hoạt cá nhân hay tiếp một vài người bạn; sâu xa hơn là kiến tạo một thế giới riêng cho tâm hồn, để tự chủ và tự do, để bớt dòm ngó và thôi xéo xắt. Người già nhất định phải thiết lập “khoảng cách an toàn” với người thân và người trẻ. Để vẫn có thể gần gũi, quan tâm họ nhưng không tạo cảm giác gánh nặng, phụ thuộc, bu bám. Để “rút lui” đúng lúc đúng nhịp mà vẫn thanh thản, hài lòng.

Làm chuyện có ích cho đời cũng là cách đỡ “nhàn cư vi bất thiện” khi già. Khi nhận thấy tích lũy tạm đủ, một người bạn của tôi đã “tự nguyện” nghỉ việc trước thời hạn, dành thời gian chăm sóc gia đình, thực hiện những sở thích, mong ước chưa làm được hồi còn đương nhiệm và đang bắt tay vào làm những chương trình phi lợi nhuận dành cho cộng đồng. Nếu không “pro” (chuyên nghiệp) được như vậy thì có biết bao nhiêu điều để một người già bận bịu: trồng hoa, đọc sách, khiêu vũ, tham thiền, lướt web, chuyện trò… Tôi còn nhớ hình ảnh ông mình vào những năm tháng cuối đời. Ông thường ngồi yên trên một chiếc ghế, lưng hơi gục, thỉnh thoảng mỉm cười khi nghe ké chúng tôi nói chuyện và ngoẹo cổ ngủ gật ngày càng thường xuyên. Ông có cái mùi thật khó diễn tả. Hình như đó là sự trộn lẫn của các mùi: dầu gió, nước tiểu, thuốc kháng sinh, thuốc lá, bợn thức ăn mắc vào răng, xà bông tắm và mồ hôi của người già. Kiểm soát mùi hương cơ thể, giữ cho bề ngoài sạch sẽ tinh tươm cũng là một nhiệm vụ quan trọng của người cao tuổi.

Một ngôi quán thơm mùi cà phê với hàng rào sơn trắng. Bàn ghế gỗ đủ màu được kê ngoài trời. Mấy chậu hoa rực lên trong nắng. Những mái đầu bạc ngồi đọc sách, làm toán, trò chuyện, cười nói giòn tan. Đó là hình ảnh đẹp đẽ của các bậc lão niên mà tôi nhìn thấy trên đường đi Quebec và cứ mãi ước ao được nhìn thấy thêm nhiều nữa ngay tại quê hương mình.

Già một cách tự tin, độc lập và nhẹ nhõm, phải chuẩn bị từ khi chưa già mới kịp!”

Tác giả: Diễm Trang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *