Bạn không nghèo thì bạn không hiểu.
Bạn nói với người sắp chết khát là đi thêm 100km nữa thôi rồi sẽ thấy ốc đảo, nhưng anh ta không thể kiên trì thêm được nữa. Bây giờ anh ta chỉ muốn có một cái giếng để cứu khát ngay lập tức thôi. Nếu cái giếng đó có thể đủ uống trong 1 tháng thì anh ta chấp nhận ngồi đờ đẫn tại chỗ đó trong 1 tháng kế tiếp.
Đối với người nghèo đã quá lâu thì chỉ cần buổi trưa ăn được một cái đùi gà cộng thêm một phần pizza thì họ đã cảm thấy đủ trong đủ rồi. Cảm giác thỏa mãn này thậm chí có thể kéo dài vài ngày.
Bạn nói họ như vậy là an phận, là không có chí tiến thủ.
Nhưng bạn có từng nghĩ, nếu tất cả những phấn đấu cả đời người của bạn chỉ là liều mạng kiếm tiền, tổng lương một năm hơn trăm vạn tệ, tìm một người vợ tốt, trong 5 năm trả hết tiền trả góp căn hộ sang tên ở Bắc Kinh, mỗi năm dành thời gian đi du lịch 2 lần thì, tôi đoán, Vương Tư Thông* cũng sẽ chê bạn là người an phận, không có chí tiến thủ.
*Người cực giàu.
Khi chúng ta xem xét một vấn đề nào đó, mọi ý kiến và suy nghĩ đều xuất phát từ trải nghiệm hữu hạn của bản thân, đối với chuyện mình chưa từng trải qua thì chỉ có thể đoán mò.
Đối với chúng ta, không chăm chỉ học hành gọi là không có chí tiến thủ. Nhưng đối với những người nghèo rách túi thì học hành mới gọi là không có chí tiến thủ. Bây giờ phải nhanh chóng bước chân vào xã hội để lăn lộn kiếm tiền thì sau này mới có cơ hội cưới được vợ.
Bạn nói người ta học tập đi, phấn đấu đi. Mấy chuyện này ai mà không hiểu ai mà không rõ? Nhưng ốc đảo quá xa, quá mờ mịt, trong khi giếng nước lại ngay bên cạnh, tại sao tôi phải bỏ cái chắc chắn để theo đuổi cái hư vô?
Có người lại nói, “Nhưng bây giờ không liều mạng, không đấu tranh ra khỏi sa mạc thì cả đời này xem như bỏ.”
Vậy, chúng ta dựa vào đâu mà dám đấu tranh, dám theo đuổi ước mơ? Không phải là vì chúng ta có một thùng nước dự trữ sao? Trên sa mạc đó có thể sẽ có bão cát, có nguy hiểm, nhưng trong tay có thùng nước đủ dùng thì lòng ta không sợ, đúng chứ?
Nhưng đối với người sắp chết khát mà nói thì rất nhiều lúc họ không đợi được cái thùng đầy nước đó đâu. Trong cuốn “Gatsby vĩ đại” có viết: “Khi bạn muốn phán xét ai đó thì hãy nhớ rằng, không phải tất cả mọi người trên giới này khi sinh ra đều có điều kiện sống giống như bạn.”
Tôi từng gặp những đứa trẻ phải chăm heo từ rất nhỏ. Chúng biết bản thân phải cố gắng học tập cho thật tốt chứ, nhưng ngày nào chúng cũng phải thức dậy lúc 4h sáng cho heo ăn, đi bộ đường núi trong suốt 2 tiếng đồng hồ để đến trường, buổi tối về đến nhà còn phải chạy vào bếp tự nấu cơm ăn.
Chợt thấy người ta chơi bắn bi, bạn vội trách: “Gia cảnh đã không tốt mà cậu còn không chịu cố gắng học hành nữa. Đến tớ còn phải học ngày học đêm đây này.”
Nhưng bạn có biết, lúc họ chẻ củi thì bạn đang chơi game. Lúc họ làm việc nhà thì bạn đang ăn bữa xế mỹ vị.
Niềm vui đủ đầy rồi thì bạn yên tâm ngồi vào bàn học bài, làm việc. Nhưng họ đã có niềm vui gì để an ủi một ngày mệt nhọc của mình đâu?
Những người có gia cảnh không tốt phải chịu áp lực lớn hơn rất nhiều so với những gì bạn thấy. Vì vậy mà họ không còn đủ sức lực và điều kiện để quan tâm đến những điều bạn quan tâm nữa. Họ lúc nào cũng cảm thấy cái bánh mì kẹp thịt mỡ màng trong tay quan trọng hơn cái bảo vệ sức khỏe mà bạn nói. Họ cảm thấy đi xe bus tiết kiệm tiền tốt hơn đi taxi tiết kiệm thời gian. Họ lại càng cảm thấy mua thêm mấy bộ đồ mặc ấm thì tốt hơn là đi học thêm tiếng Anh.
Đây là vấn đề của tầm nhìn hạn hẹp, của sự nông cạn sao?
Không phải. Đây là vấn đề của hoàn cảnh tạo ra lựa chọn. Nếu bạn ở trong hoàn cảnh của họ thì có chắc bạn không lựa chọn giống vậy không?
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, trên đời này cũng không ít người có thể vượt qua được nghịch cảnh mà trở mình. Nguyên nhân là vì đâu? Là vì bọn họ chấp nhận thoát ra khỏi vòng an toàn của mình, chấp nhận cảm giác thiếu thốn niềm vui để sử dụng tài nguyên hữu hạn và tạo nên kỳ tích.
Chúng ta đều là những người bình thường. Và việc hoài nghi hay chất vấn một người bình thường khác cũng không phải là một chuyện vẻ vang gì.
Trên thế giới này có hàng ngàn hàng vạn người, cũng có hàng ngàn hàng vạn cách sống, mỗi cách sống đều có đạo lý riêng của nó. Trước khi phán xét những lựa chọn khác nhau thì hãy nghĩ thêm về những góc nhìn khác nhau, đó mới là cách làm của người trưởng thành.