ĐÁNH MẤT MÌNH LÀ AI

“- Trông xinh ghê!”

Đấy là tất cả những gì chồng tôi có thể bình luận khi tôi bắt anh xem clip tik tok của mình và đưa ra lời nhận xét. Nhưng sao lại chỉ có thể xinh được, còn nội dung thì sao? Bao chất xám của tôi vậy mà? Một nỗi thất vọng và trống trải bủa vây lấy trái tim nhiệt thành khi vừa hoàn thành một sản phẩm của tôi. Nhận thấy điều đó, anh tặng thêm cho tôi thật nhiều lời có cánh nhưng lại chẳng thể làm tôi thấy dễ chịu hơn.

“Có điều gì đó không ổn ở đây!” – đâu đó trong tôi cất lời… Nhưng tôi lại không tài nào nắm bắt được suy nghĩ ấy.

Rồi một lần khác sau khi xem sản phẩm khác của tôi, anh thật thà nhận xét:

“- Xem clip của em thấy giống bạn H. quá.”

Tôi giật mình. Giống là giống thế nào được! Tôi xù lông nhím lên biện bạch với anh:

“-Vibe của em là nhẹ nhàng chậm rãi thế này, bạn H. nói nhanh và hài hước cơ mà. Đâu có giống.”

Hùng hổ vậy thôi chứ trong tôi thấy tủi thân và suy sụp vô cùng. Thế là tôi lại nằm cuộn tròn chôn mình trong những suy nghĩ của bản thân. Có trời mới biết tôi đã nỗ lực như thế nào để tạo ra những chiếc clip chất lượng, để được lên xu hướng, để được tiếp cận tới thật nhiều người xem. Tôi đã ép mình bỏ qua những định kiến về nền Tiktok, xem những livestream chia sẻ về cách tiếp cận nền tảng này và tham khảo thật nhiều những nhà sáng tạo nội dung tương tự. Tôi thậm chí còn đầu tư nhiều thiết bị hỗ trợ để clip mình trông xịn xò và bắt mắt hơn. Vậy mà tại sao mọi thứ cứ “sai sai”? Chính lòng tôi cũng chẳng thể yên ổn mà kiên trì. Và một cảm giác rất quen thuộc khác được dịp trồi lên. Đó là cảm giác cố gắng thật nhiều nhưng lại không được công nhận. 

Cảm giác của một kẻ thất bại.

– Có lẽ, mình nên từ bỏ ở đây thôi, mình chả thể làm nên cái trò trống gì ở nền tảng này – Tôi nghĩ.

Thế là tôi dừng làm clip Tiktok và tìm đến Podcast như một sự cứu cánh. Chí ít thì ở Podcast không hiện lượt người tiếp cận như ở Tiktok, vậy nên sẽ chẳng ai biết nếu mình “flop”. An tâm với suy nghĩ ấy, tôi làm tập Podcast đầu tiên với tâm thế nhẹ nhàng và thư giãn. Tôi không bắt bản thân tham khảo các nguồn để làm sao sản phẩm của tôi trở nên “xu hướng”, cũng không cố gắng bắt chước công thức thành công của một nhà sáng tạo nào đó… Podcast lúc đó với tôi quá mới mẻ và tôi thậm chí còn chưa nghe các podcast đang có sẵn trên thị trường bao giờ. Mọi thứ đến cứ tự nhiên và tôi làm theo một loại bản năng thôi thúc, chả sách vở học hành gì cả. Tôi dốc hết bầu tâm sự và con tim nhiệt thành của mình vào tác phẩm đầu tiên mang tên “Bạn và Tôi Đến Trái Đất Này Để Làm Gì?”, giống hệt như tâm tình cho người lạ về việc mình cố gắng tìm kiếm bản thân trong thời gian qua.

Vậy mà bất ngờ thay, số Podcast đầu tiên ra mắt với thật nhiều sự đón nhận và lời yêu thương từ cả những người lạ và người quen. Tôi chẳng phải bắt ai “trải nghiệm” sản phẩm của mình rồi đưa ra lời nhận xét như những khán giả bất đắc dĩ cả. Những inbox ghi nhận và tâm sự cứ tự nhiên đến với tôi, lấp đầy con tim vốn đang nguội lạnh và thổn thức của một kẻ tự cho là thất bại. Tôi ngỡ ngàng:

À, thì ra không phải cứ thật gồng ép, nỗ lực thật nhiều mới có thể hái trái ngọt.

Đôi khi, có thể tự thả trôi cùng dòng nước cũng là một năng lực.

Nhìn lại những gì tôi gặt hái được từ lần đầu làm Podcast, tôi nhận ra chẳng có một công thức của thành công nào cả. Không một bí kịp, cũng không phải là chinh phục luật chơi của một trò chơi. Tôi lúc ấy, chỉ đơn giản là, truyền đạt lại bản thân mình, nguyên vẹn, chân thật. Chỉ là những câu chuyện ngốc nghếch, đời thường, xoàng xĩnh, nhưng nó là chính tôi. Có lẽ chính điều đó khiến tôi có thể chạm tới trái tim những người đọc, người nghe. Lúc đó tôi hiểu ra rằng, tự bản thân mình đã có ý nghĩa, đâu cần phải đao to búa lớn tô vẽ thêm gì đâu? Tự quan sát mình khi làm Podcast, tôi thấy một sự thư thái và bình yên đến lạ, khác hẳn với cảm giác gồng ép và căng thẳng khi cố diễn một cô gái xinh đẹp và giỏi giang trên Tiktok. Thì ra, được làm chính mình lại dễ chịu đến vậy.

Lại nhìn tiếp về hành trình lớn lên, đi học, đi làm của bản thân, tôi nhận ra việc cố dấn thân vào nền tảng Tiktok không phải là lần đầu tôi ép bản thân trở thành một ai khác không phải là mình. Đó còn là những lần tôi tỏ vẻ hoạt ngôn, năng động để có thể hoà nhập với môi trường làm việc mới, những lần giả vờ lạnh lùng và bí hiểm trong các mối quan hệ trai gái, những lần nói dối với bạn cấp 2 rằng mình cũng chơi yahoo, audition, nghe nhạc rock – hiphop, xài đồ hiệu để bắt kịp với các bạn. Đâu đó trong tôi nói với tôi rằng:

“Là chính mình thì sẽ chẳng ai yêu thương.”

Những tiếng nói bên trong cũng bảo rằng:

“Tôi không đủ, không bao giờ đủ; tôi cần phải cố gắng hơn, phải giỏi giang hơn, phải thêm thắt vào cho mình những chiếc mặt nạ, những bộ lông rực rỡ…”

Thế là như một thói quen, một con thiêu thân, một chú ngựa cuồng chân, tôi cố gồng ép để tô điểm cho bản thân thật nhiều. Nhưng có một điều nghiệt ngã rằng, kết quả của những cố gắng, nhưng miệt mài gồng ép đó, luôn là những thất bại, những cảm giác không hề dễ chịu, và những lần quên mất chính mình là ai.

Sau khi số Podcast đầu tiên của tôi lên sóng, tôi đã nhận được thật nhiều phản hồi xúc động từ những người xa lạ. Có một bạn nghẹn ngào khóc và nhắn tôi rằng:

“-Nghe podcast của chị mà em hiểu rõ hơn về chính mình. Em như thấy chính em trong câu chuyện của chị.”

Ồ, thì ra trong cuộc đời này, không chỉ tôi đang đập cánh giữa không trung loạng choạng đi tìm bản thân. Còn có rất nhiều rất nhiều người khác cũng đang phải sống là một ai khác không phải chính họ, phải đóng những vai diễn mệt nhoài, phải thực hiện những trách nhiệm hoặc mải chạy đua theo những kì vọng để rồi dần đánh mất mình là ai. Ồ thì ra, khi tôi đem cả con người chân thật và vẹn nguyên vào công việc mình làm thì nó lại có thể chạm và có ích tới nhiều người đến vậy.

Từ đó, tôi đã tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ bắt mình phải làm những việc mình không thích nữa. Và thay vì để những tiếng nói phản diện cất lời rằng “mình không đủ”, tôi tự nhắn với bản thân rằng: 

“Thanh này, chính mày, vẹn nguyên, đã đủ lắm rồi. Mày có ý nghĩa cho cuộc đời này.”

Gửi bạn, những ai đang nghi ngờ giá trị bản thân, mình tin rằng, tự bản thân bạn đã xứng đáng và đủ đầy. Vậy nên, hãy đem trọn vẹn con người chân thật của bạn rót vào từng công việc bạn làm, bắt đầu bằng việc tự nói với bản thân rằng:

“I AM ENOUGH”

Và bước ra thế thới ngoài kia chiến đấu bằng tất cả con tim nhiệt thành, bạn nhé.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *