Những con người bước vào cuộc đời ta là những người bạn chia sẻ cùng ta một đoạn đường, dài hay ngắn tùy thuộc vào duyên nợ, nhưng cuối cùng, nguyên nhân khởi đầu cũng là nguyên nhân kết thúc. Họ có thể bước cùng ta, nâng đỡ ta một lúc nào đó, nhưng không ai có thể bước thay ta, nâng đỡ ta cả cuộc đời. Như vậy, suốt một hành trình dài, và có thể nói là dường như vô tận, ta trải qua cuộc tương giao cũng với hằng hà sa số chúng sinh trên mọi nẻo đường. Có những cuộc gặp được lặp đi lặp lại vô vạn lần, nhưng với một hình hài khác, trong một kiếp sống khác, là để ta học cho xong bài học trong cuộc tương giao đó. Nhưng bài học rốt ráo nhất, là để ta biết “sống một mình”, biết nương tựa vô mình, tự soi sáng chính mình giữa trùng trùng duyên khởi.
Có một vị sa môn đi đâu cũng ca ngợi lối sống một mình: khất thực một mình, ăn một mình, làm việc một mình, tụng kinh một mình, thiền một mình, ngủ một mình, vào rừng đốn củi một mình,… Một ngày nọ, sa môn gặp bậc giác ngộ, và liền nói về hạnh sống một mình mà ông đang trải nghiệm. Bậc giác ngộ bèn bảo rằng sống một mình mà biết mình thì mới gọi là sống đúng nghĩa, tức sống một mình nhưng biết soi sáng chính mình, có tinh tấn – chánh niệm – tỉnh giác.
Cốt lõi của đạo Phật là vô ngã, tức không có một cái ngã đích thật nào. Và không có một sự tồn tại nào có thể hoàn toàn riêng rẽ hay độc lập. Cái này có vì cái kia đó. Như vậy, sống một mình ở đây không có nghĩa là hoàn toàn độc lập khỏi mọi sự tồn tại khác, không phải là cắt đứt mọi sự tương giao với thế giới bên ngoài, vì điều đó là hoàn toàn không thể. Biết sống một mình nghĩa là biết sống hướng vào mình để soi sáng chính mình, thấy sự thật ngay nơi mình, thì khi đó, cái biết sống một mình mới thực sự trọn vẹn. Chẳng hạn, có người sống trong một gia đình nhưng về mặt thái độ, họ biết “sống một mình”, tức biết trở về chính mình, ngay nơi mình mà thấy. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ cô lập khỏi những người thân. Khi một người thực sự biết mình, họ sẽ sống hòa đồng với tất cả mọi người.
Ngày nay, vì cuộc sống bộn bề và thị phi, một số người chọn một nơi vắng vẻ, an nhàn sống một mình. Nhiều người gọi đó là độc cư. Thế nhưng, độc cư đúng nghĩa không phải nằm ở tình trạng sống chỉ một mình mình, mà là biết quay về bên trong, thận trọng – chú tâm – quan sát mình, để không phóng dật, không tạo nghiệp bất thiện,… Bởi nhiều người sống một mình nhưng suy nghĩ lại mông lung tiêu cực và lại thường có những mối quan hệ, việc làm,… thiếu lành mạnh ở bên ngoài… Như vậy, về nghĩa đen, họ có thể sống một mình nhưng lại chưa biết sống – hướng – về – một – mình, trong tâm vẫn tìm cầu phóng dật, vẫn chạy đi kiếm nơi nương nhờ ở bên ngoài.
Như vậy, thấy mình trong mọi hoàn cảnh tức biết sống một mình, theo nghĩa trọn vẹn nhất. Hiện tượng xã hội ngày hôm nay về cơ bản đã không còn giống với xã hội thời Đức Phật còn tại thế, khi mỗi người hay tăng đoàn vào rừng tu tập. Xã hội hiện đại hóa khiến sự tương giao giữa người với người không chỉ diễn ra ngoài đời thực mà còn ở “đời” ảo. Vậy nên, dù tình trạng của ta có một mình mà tâm vẫn hướng ra bên ngoài thì tình trạng một mình đó vẫn chẳng giúp ích được gì, thậm chí còn khởi tâm sinh ra nhiều phiền não vướng bận. Nhưng nếu tình trạng một mình, mà tâm biết mình, thì khi đó, ta sẽ có được sự cô đơn tự do tự tại.
Trang Ps