Những năm tháng tuổi 20s là khi chúng ta học hỏi từ những sai lầm của bản thân và đi tìm ý nghĩa của cuộc sống. Đây là thời điểm quan trọng để phát triển bản thân và tài chính cá nhân. Đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên chúng ta tự mình đối mặt với chuyện tiền bạc. Một số quyết định tài chính ở độ tuổi này có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng ta sau này. Tuy không phải là những chuyên gia về tài chính, nhưng với tư cách là những người trẻ đang ở độ tuổi 20s, bản thân mình cũng đã từng mắc một số sai lầm tài chính cá nhân cũng như quan sát thấy nhiều sai lầm từ những người khác. Bởi vậy, chúng mình rất muốn chia sẻ những sai lầm này với các bạn để tất cả chúng ta sẽ không lặp lại chúng nữa và cùng hướng đến xây dựng một cuộc sống tài chính vững chắc trong tương lai.
1. CHI TIÊU MÀ KHÔNG THIẾT LẬP NGÂN SÁCH
Sai lầm tài chính lớn nhất mà chúng ta dễ mắc phải đo là chi tiêu mà không lên ngân sách cá nhân. Ngân sách cá nhân là kế hoạch tài chính cá nhân nhằm phân bổ thu nhập hàng tháng của chúng ta cho các khoản chi tiêu. Nếu không thiết lập kế hoạch chi tiêu cụ thể, chúng ta có nguy cơ rơi vào khủng hoảng tài chính cá nhân, bội chi và thậm chí dẫn đến nợ nần chồng chất. Ngoài ra, làm sao chúng ta biết mình có đang tiết kiệm đủ cho các mục tiêu tài chính quan trọng, chẳng hạn như tiết kiệm để mua nhà hoặc nghỉ hưu nếu không có một bản ngân sách vạch sẵn? Ngược lại, một kế hoạch tài chính tốt sẽ đảm bảo chúng ta đáp ứng các nhu cầu của bản thân vừa vặn trong khả năng cho phép, cũng như phân bổ các khoản tiền một cách hợp lý cho cả sở thích, trả nợ hay đầu tư cho tương lai.
Bạn có thể áp dụng Quy tắc 50/30/20 để thiết lập ngân sách cho bản thân:
- 50% cho các nhu cầu (nhà ở, chăm sóc sức khỏe, v.v.)
- 30% cho mong muốn (giải trí, v.v.)
- 20% cho các khoản tiết kiệm, trả nợ và đầu tư
Tùy thuộc vào thu nhập hiện có, mục tiêu tài chính và giai đoạn sự nghiệp của bạn, hãy áp dụng một cách linh hoạt nhé!
Chúng ta cũng cần đánh giá và cập nhật ngân sách của mình khi trải qua những thay đổi trong cuộc sống. Đánh giá ngân sách là hành động phân tích mức độ chính xác và hiệu quả của ngân sách và đưa ra cập nhật hoặc điều chỉnh để cải thiện ngân sách của mình. Thăng chức, chuyển nhà hoặc đột ngột phải chịu một khoản chi phí lớn đều là những thời điểm lý tưởng để xem xét lại kế hoạch chi tiêu. Cho dù chúng ta cần phải chi tiêu nhiều hơn hay ít hơn dự kiến ban đầu thì việc điều chỉnh ngân sách sao cho phù hợp hơn với thói quen chi tiêu của bản thân đều rất cần thiết.
2. KHÔNG THEO DÕI CHI TIÊU HÀNG NGÀY
Nếu chỉ lập ngân sách rồi để đó mà không tuân theo thì sẽ chẳng mang lại hiệu quả gì cả. Để ngân sách thực sự phát huy tác dụng, chúng ta cũng cần kiên trì theo dõi chi tiêu của bản thân hàng ngày. Việc ghi chép lại các khoản tiền ra vào sẽ giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về thói quen tiêu dùng của chính mình và kịp thời chấn chỉnh khi cần thiết. Chúng ta dễ ngộ nhận rằng mình đang chi tiêu một cách khôn ngoan, nhưng khi “đào sâu” hơn vào thói quen chi tiêu của bản thân trong bảng theo dõi, chúng ta có thể sẽ bị sốc khi thấy những khoản chi tưởng chừng như không đáng kể như vài ly trà sữa trân châu, bữa ăn ngoài hàng ngày đang đốt cháy túi tiền của ta như thế nào. Việc theo dõi chi tiêu sẽ giúp ta tránh lãng phí tiền vào những thứ không thực sự cần thiết như vậy. Chúng ta có thể viết tay hoặc dùng bảng tính số như Microsoft Excel hoặc Google Trang tính để quản lý chi tiêu của bản thân. Các ứng dụng theo dõi chi tiêu cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc. Việc quản lý chi tiêu càng dễ dùng và đơn giản thì ta càng dễ xây dựng thói quen tài chính tốtViệc quản lý chi tiêu càng đơn giản thì ta càng xây dựng thói quen tài chính dễ dàng hơn..
3. KHÔNG CÓ QUỸ KHẨN CẤP
Không ít người trẻ tin rằng ở độ tuổi này chúng ta chưa cần đến quỹ khẩn cấp. Tuy nhiên, có một sự thật rằng không ai là quá trẻ để bắt đầu tạo quỹ khẩn cấp bởi những trường hợp nguy khẩn có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ lứa tuổi nào như đột nhiên bị thương cần cấp cứu hay đột ngột bị hỏng xe cần chi tiền sửa chữa. Những trường hợp không lường trước được có thể xảy ra khi chúng ta ít ngờ tới nhất và có thể dẫn đến những thất bại lớn về tài chính. Việc có sẵn một quỹ khẩn cấp sẽ giúp chúng ta tránh lâm vào cảnh nợ nần chỉ để lo cho một khoản chi phí bất ngờ, và khiến ta yên tâm hơn ngay cả khi phải đối mặt với những tình huống ngặt nghèo buộc phải chi tiêu. Nhiều chuyên gia tài chính khuyên chúng ta nên tiết kiệm ít nhất ba tháng lương hoặc nhiều hơn cho quỹ khẩn cấp nhưng chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu từ những mục tiêu tiết kiệm nhỏ hơn như tiết kiệm 20% thu nhập mỗi tháng. Hãy thêm quỹ khẩn cấp thành một mục trong ngân sách của bạn và mỗi khi đạt được mục tiêu tiết kiệm đề ra thì đừng ngần ngại thử thách bản thân với một mục tiêu mới!
4. CHI TIÊU MÀ KHÔNG SUY NGHĨ THẤU ĐÁO
Một sai lầm tiền bạc phổ biến khác của những người trẻ tuổi là chi tiêu không suy nghĩ vào những khoản không cần thiết. Chúng ta khó nhận ra rằng bản thân đang lãng phí tiền bạc vào những thứ phù phiếm như la cà quán cà phê với bạn bè dịp cuối tuần, hay gọi đồ ăn về nhiều ngày liên tiếp. Những chi tiêu nhỏ này sẽ cộng dồn và dần đẩy chúng ta vào rắc rối về tài chính lúc nào không hay!
Chỉ vì hiện tại chúng ta có một khoản tiền không đồng nghĩa với việc chúng ta có đủ khả năng chi trả cho một món đồ. Thay vì tiêu tiền vào những thứ mà không cần thiết, hãy để tiền vào một tài khoản tiết kiệm hay heo đất để tránh tiêu xài hoang phí. Một mẹo hay khác cho những ai có xu hướng mua sắm bốc đồng là hãy lập trước danh sách đồ cần mua trước và cố gắng chỉ mua theo danh sách đó. Chỉ nên đi những trung tâm mua sắm, siêu thị khi chúng ta có lý do chính đáng để ở đó. Tiết kiệm mỗi chỗ một chút sẽ húng tôi về lâu dài khi trả nợ hoặc có quỹ khẩn cấp.
Cố gắng gây ấn tượng với người khác cũng là một lý do khiến người trẻ chúng ta chi tiêu thiếu tính toán. Có một câu thoại đáng suy ngẫm trong bộ phim nổi tiếng của Mỹ mang tên “Fight Club” như sau: “Chúng ta mua những thứ ta không cần bằng số tiền mà ta không có để gây ấn tượng với những người ta chẳng ưa.” Nhiều người, đặc biệt là những người trẻ chúng ta rất dễ gặp phải áp lực đồng trang lứa, điều này khiến chúng ta phung phí tiền vào những món đồ đắt đỏ như phụ kiện thời trang mới nhất, bữa ăn trong nhà hàng sang trọng và những thú vui xa xỉ khác. Chúng ta gồng mình làm những việc này với hy vọng khiến bản thân trông “thành công” hơn trong mắt bạn bè. Nhưng việc đốt tiền vào mua sắm chẳng những không khoác lên ta chiếc áo “thành công” mà còn khiến cho mục tiêu thành công ngày càng xa tầm với hơn. Chúng ta nên đảm bảo “sức khỏe tài chính” trước thay vì mua sắm vì ảnh hưởng từ những người xung quanh và những xu hướng nhất thời.
5. KHÔNG ĐẦU TƯ CHO TƯƠNG LAI
Chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu tài chính dài hạn nếu không có một chiến lược đầu tư thông minh. Khi mới tiếp cận khía cạnh đầu tư, chúng ta dễ cảm thấy lo sợ nhưng tương lai của ta phụ thuộc vào những khoản đầu tư mà chúng ta thực hiện ngày hôm nay. Càng bắt tay vào đầu tư sớm thì người trẻ sẽ càng bớt áp lực cho sau này. Đầu tư vào bản thân không chỉ liên quan đến việc mua cổ phiếu và trái phiếu. Thực chất, khi đưa ra quyết định đầu tư vào sức khỏe, sự nghiệp và sở thích của mình thì chúng ta đã chuẩn bị cho mình tâm thế để đạt được thành công trong tương lai.
- Đầu tư vào sức khỏe
Sức khỏe là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong cuộc sống mỗi người. Chúng ta không thể sống hết mình và đạt sự tự do tài chính nếu không có sức khỏe tốt. Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu đầu tư vào sức khỏe. Rất nhiều người trẻ từ chối đầu tư vào sức khỏe vì cảm thấy rằng việc xây dựng và duy trì một lối sống lành mạnh sẽ rất tốn kém. Thực chất, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Ngược lại, có rất nhiều cách ít tốn kém để nâng cao sức khỏe. Một số hoạt động đầu tư vào sức khỏe phổ biến bao gồm: đi tập gym; ăn thực phẩm bổ dưỡng, giá thành phải chăng như trái cây, sữa chua, gạo lứt và ngũ cốc nguyên hạt; bổ sung vitamin hoặc khoáng chất bị thiếu hụt. Tùy thuộc vào ngân sách và nhu cầu mà mỗi người sẽ quyết định chi bao nhiêu tiền để chăm sóc thể chất và tinh thần của mình.
- Đầu tư vào giáo dục
Ngoài sức khỏe, đầu tư vào phát triển nghề nghiệp cũng là một khoản đáng chi cho người trẻ. Benjamin Franklin đã từng có câu, “Đầu tư vào tri thức là đầu tư có lời nhất.” Càng có nhiều kiến thức, ta càng có nhiều sức mạnh. Những người ở độ tuổi 20, ngay cả khi đã tốt nghiệp, vẫn nên tiếp tục đầu tư vào việc học. Thị trường lao động luôn biến động nên chúng ta cần cố gắng cập nhật các kỹ năng và kiến thức chuyên ngành liên quan để không bị đào thải. Chúng ta có thể trau dồi kiến thức thông qua các khóa học trực tuyến, hội thảo trực tuyến hoặc hoặc đăng ký các lớp học truyền thống. Các chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận kỹ năng sử dụng các công cụ hoặc phần mềm phục vụ công việc chắc chắn là cách lý tưởng để đầu tư tiền. Một cách khác để mở đường cho giáo dục là mua sách. Dù là sách giấy hay sách kỹ thuật số thì đều là một nguồn thông tin và kiến thức tốt.
Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn kịp thời tránh lặp phải cách sai lầm tương tự. Nếu thấy bài viết này hữu ích thì đừng quên chia sẻ với bạn bè. Bạn đã từng mắc sai lầm tài chính cá nhân nào rồi? Hãy chia sẻ dưới phần bình luận nhé! Cảm ơn bạn đã đọc!
Lưu ý: Bài viết dựa theo kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân. Các bạn hãy tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu của bản thân để áp dụng sao cho phù hợp nha.