ROAST, hay CÀ KHỊA là hành vi nói xấu về một người khác, nhưng với mục đích đùa giỡn hay gây cười.
Những câu cà khịa thường sẽ được nói ngay trước mặt đối tượng một cách công khai, thường là dưới hình thức một câu đùa, một câu “diss” hoặc một câu đáp trả lại (comeback). Không phải là vì người đi cà khịa ghét hay không tôn trọng người bị cà khịa, mà là ngược lại, chính vì họ yêu mến và thân thiết với người kia, họ mới đi cà khịa.
Hình thức hài này có vẻ khá là nhạy cảm và dễ gây hiểu lầm, đặc biệt là với những người chưa gặp qua, nhưng sự thật đó là nó mang lại sự hài hước và giải trí, thậm chí khi chúng nhắm thẳng đến bạn. Cà khịa còn là tiền đề của vô số những hình thức giải trí ăn khách, như rap battle, chơi chữ, hay hài độc thoại.
Điều gì khiến việc xúc phạm, gây khó chịu của cà khịa lại khiến một số trong chúng ta thích thú và mắc cười? Câu trả lời có thể nằm ở BENIGN VIOLATION THEORY – THUYẾT VI PHẠM VÔ HẠI.
Đây là một trong những giải thích khoa học về sự hài hước, hay vì sao một điều gì đó khiến ta mắc cười. Giả thuyết này
cụ thể giải thích vì sao những điều có vẻ tiêu cực, thậm chí xúc phạm, điển hình là cà khịa, dark humor, chơi khăm, chọc lét,… lại khiến ta mắc cười. Để giải thích một cách đơn giản, sự hài hước nằm đâu đó ở giữa sự nguy hiểm và an toàn: một sự việc chỉ mắc cười khi nó vi phạm một điều gì đó (sức khỏe, danh tính, chuẩn mực, giá trị đạo đức, văn hóa…), nhưng lại không đủ để ta cảm thấy nguy hiểm hay bị đe dọa. Cả 2 yếu tố này đều phải xảy ra.
Với cà khịa, ta phải nghe những lời xúc phạm và gây tổn thương, đó là một vi phạm. Nhưng những lời này thường được nói trong một một môi trường thoải mái, an toàn (một bữa tiệc, một bữa gặp mặt) bởi những người ta yêu mến và thân thiết (bạn bè, gia đình), vì vậy nó vô hại.
Tất nhiên điều gì được coi là vi phạm vô hại rất khác với mỗi người, vậy nên cà khịa là một nghệ thuật tinh tế cần sự thấu hiểu và căn chỉnh để tránh bị ném đá hay gây tổn thương.