ĐẶT KỲ VỌNG CAO VÀO BẢN THÂN MỘT CHÚT, CÓ TỐT KHÔNG?

“Bớt kỳ vọng một chút đi!”

“Bà Thỷ bị bệnh muốn thành công sớm!”

Đây là những gì bạn bè từng nói với mình.

Nhắc tới genZ là nhắc đến peer pressure.

Những đứa “tham vọng”, hay đặt mục tiêu cao cho bản thân như mình, lại càng bị peer pressure nặng hơn nữa.

Hồi còn đi học, mình luôn đặt mục tiêu điểm số cao nhất trong khả năng của mình mỗi lần thi cử. Khả năng bình thường của mình là 7 điểm, mình luôn đặt ra mục tiêu của mình là 8. Nếu có thể làm được 700 điểm TOEIC, mình sẽ đặt mục tiêu ít nhất là được 750.

Khi đi làm, mình luôn muốn hoàn thành công việc trong thời gian nhanh nhất. Mỗi ngày, mình luôn gạch ra, mình cần làm task a, task b, task c…

Đăng một bài trên group, mình luôn muốn bài viết cho mình nhiều tương tác, nhiều bình luận, mong có người đồng cảm với mình, có người “khen” bài viết của mình.

Từ cấp 2, cấp 3 lên tận đến Đại Học, xung quanh mình luôn là những người bạn giỏi, đạt giải này, giải kia. Đến khi đi làm, mỗi ngày lên mạng, mình thấy rất nhiều bạn trẻ hơn mình, tài năng hơn mình. Áp lực đồng trang lứa đó khiến mình phải buộc bản thân làm được gì đó, phải là ai, khiến mình luôn đặt ra những mục tiêu cao, muốn làm nhiều thứ, nhiều việc hơn, “muốn thành công sớm”.

Đặt cho bản thân nhiều thử thách như vậy, liệu có tốt hay không?

ĐẶT MỤC TIÊU CÀNG CAO, ÁP LỰC CÀNG NHIỀU

Chắc bạn cũng từng như mình, thấy chán nản, tự trách bản thân khi những mục tiêu mình đặt ra chỉ là những dòng chữ trên giấy?

Những đứa đặt mục tiêu cao như mình, bên ngoài vỏ bọc có vẻ tốt đẹp là một tinh thần luôn chịu nhiều áp lực đến căng não và dễ nghi ngờ bản thân, sợ thất bại. Đúng kiểu, một thất bại nhỏ cũng có thể lay động đến tâm hồn mỏng manh. :))

Mỗi lần nộp bản báo cáo, một task công việc, mình cực kỳ mong đợi một sự công nhận, một lời khen, đến nỗi mình quan sát kỹ càng từng nét mặt, dòng tin nhắn của người đối diện. Chỉ một câu khiển trách, một nhận xét nhỏ cũng có thể khiến mình suy nghĩ, khiến mình đặt ra câu hỏi mình làm gì chưa tốt?

Vài bài đăng cực kỳ tâm đắc bị flop, mình liền tự hỏi: Hay mình viết dở quá? Hay năng lực của mình chưa tới? Đang làm task khác, vì không biết bài viết mình vừa đăng được bao nhiều like, lại phải mò lên mạng xã hội để ngồi đếm. 

Đặt kỳ vọng càng cao, khiến mình càng phải cố gắng, càng phải dốc sức mà làm, mà học. Mỗi lần không học được nhiều kiến thức mới, không thấy bản thân tiến bộ, mình lại tự dằn vặt: Hay là mình cố gắng chưa đủ?

Vì kỳ vọng cao, nhiều mục tiêu, mình càng cố gắng chạy, chạy hoài. Muốn công việc của mình khiến người khác hài lòng, muốn những việc mình làm đạt được kết quả nhanh nhất, muốn làm được nhiều việc nhất. Mà không biết rằng, những công việc đó khiến mình không hề vui, sự ôm đồm lại khiến hiệu quả của mình không tốt. 

Mình càng chếnh choáng mỗi lần phải đáp xuống đất, có khi tinh thần bị sa sút và trượt dài trong sự chán nản, không muốn làm gì, cũng có lúc đâm đầu vào làm việc mà quên mất rằng ý nghĩa thật sự không nằm ở số lượng công việc mình đang làm.

Chỉ nhìn đến mục tiêu, nhìn kết quả mà quên đi quá trình, đôi khi mình stress, mất đi niềm vui thật sự trên hành trình công việc.

Thế nhưng, đặt mục tiêu cao cho bản thân, có phải chỉ toàn là tiêu cực?

KỲ VỌNG NHIỀU MỘT CHÚT, MÌNH ĐẠT ĐƯỢC ĐIỀU BẢN THÂN MUỐN 

Từ nhỏ đến lớn, con đường học vấn của mình có vẻ trơn tru, ít nhất là trong mắt một số người. Mình đậu trường cấp 3 mong muốn, đậu trường Đại Học mình thích, có những chứng chỉ mình muốn có với số điểm không tệ, có việc làm khi ra trường.

Chắc có lẽ do mình đặt ra mục tiêu cao cho bản thân…

Hồi lớp 11, mình là một đứa học tiếng Anh bình thường, điểm bài kiểm tra trên lớp chỉ ở mức 7 điểm. Năm 2014 đó, mình thi Đại Học, cũng là năm đầu tiên trường BKĐN tuyển sinh khối A1 (Toán, Lý, Anh). Dựa vào khả năng bản thân lúc đó, mình đặt mục tiêu thi Tiếng Anh 8 điểm – một con số hơi ngoài tầm với của mình một xíu. Nhờ thế, mình đã có động lực để giải 1 – 2 đề tiếng Anh mỗi ngày trong suốt 1 tháng trước khi thi Đại Học. Năm đó, mình được 8.5 và 8.75 môn tiếng Anh cả 2 khối A1 và D1.

Mấy năm sau đó, mình tốt nghiệp Đại Học, dắt túi với vài chứng chỉ có điểm không tệ. Khi cảm thấy bản thân sắp rơi vào một con đường tắt, mình luôn tìm cách khác để đi. Trước khi để bản thân thất nghiệp một vài tháng sau khi ra trường, mình chọn tìm một lĩnh vực khác để tìm hiểu, để học bên cạnh việc chuẩn bị bảo vệ tốt nghiệp. Vậy nên, mình đã kịp có một công việc ngay khi ra trường chưa đầy nửa tháng. 

Mình luôn chuẩn bị để không rơi vào tình huống “tệ”.

Mình là một người làm nội dung, nhưng xuất phát trái ngành. Nếu không đặt danh sách tháng này mình học cái gì, làm cái gì, nuôi page với mục tiêu như thế nào, mỗi tháng/tuần viết bao nhiêu bài cho kênh nào đó, kiếm được bao nhiêu tiền để học cái gì đó, có lẽ mình không phải là mình của bây giờ, tự tin hơn và có thêm những người bạn mới.

Đôi khi mình nghĩ, nếu bản thân không muốn nhiều hơn một chút, kỳ vọng nhiều hơn một tí, mình sẽ không là mình của hiện tại. 

Cũng như bất cứ vấn đề nào, việc đặt kỳ vọng vào bản thân cao cũng có mặt tốt và không tốt.

Sau tất cả, mình nhận ra rằng, để cuộc sống của mình cân bằng và bản thân có nhiều niềm vui hơn, mình phải…

ĐẶT KỲ VỌNG THẤP ĐI VÀ CHĂM CHỈ, CHỈN CHU HƠN

Gặp và nói chuyện với nhiều người, mình nhận ra việc đặt mục tiêu cao rồi thất vọng đến từ việc mình chưa hiểu được bản thân đang ở đâu, tính cách mình như thế nào. 

Dù bạn có giỏi đến đâu, một thời gian ngắn không thể học và trải nghiệm quá nhiều. Vậy nên, đừng đòi hỏi bản thân phải làm được việc như những anh/chị lớn hơn 2 – 3 tuổi. Một chiếc page 2 – 3 tháng sẽ không có lượt tương tác với một chiếc nuôi đều đặn, kỹ lưỡng trong 1 – 2 năm. Chưa kể, mỗi người luôn có trải nghiệm riêng, tác động đến bản thân của mình. Thầy mình nói: Thời gian là thứ mà chúng ta bắt buộc phải trả giá, nhất là mấy đứa trẻ “thích đặt kỳ vọng cao, có nhiều mục tiêu” như mình.

Hạ thấp mục tiêu của chính mình là điều không hề dễ dàng với cái tính ôm đồm, không muốn buông bỏ. Mình bắt đầu bằng việc bỏ bớt một số công việc không thực sự giá trị đi, tập trung vào những dự án, công việc mình muốn làm. 

Làm một công việc, ít mong đợi lại một lời khen.

Đăng một bài lên, viết hết sức, đừng quá kỳ vọng tương tác sẽ thật nhiều hay bài viết viral.

Dốc lòng cho một mối quan hệ, cũng đừng yêu cầu quá cao người đó lúc nào rất tốt với bạn.

Hạ thấp kỳ vọng không phải là không cố gắng nữa, mà để nhìn nhận lại đúng những gì nên kỳ vọng và nên đạt mục tiêu như thế nào.

Để làm được điều đó, mình phải hiểu bản thân làm được gì trong lĩnh vực của mình, mỗi kỹ năng đang ở mức nào, tính cách mình có điểm nào tốt hay điểm nào xấu ảnh hưởng đến công việc. 

Mình còn chọn cách trò chuyện với bạn bè, với mentor của mình để soi rọi bản thân kỹ hơn, để biết được trong mắt những người đang làm việc, đang chơi với mình mình có gì tốt và chưa. Đây là những “sự tham khảo” để mình phản tư bản thân tốt hơn mỗi khi cảm thấy suy nghĩ và hành động của mình “có vấn đề”. 

Buông bớt luôn là không dễ đối với một đứa có cái tôi cao, nhưng nó là cần thiết để mình nhẹ nhàng hơn, đúng đắn hơn trên con đường phía trước.

Còn bạn, bạn nghĩ nên đặt kỳ vọng cao hay vừa phải ở bản thân?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *