20 ĐIỀU NGHỊCH LÝ NHƯNG KHÔNG VÔ LÝ CỦA CUỘC ĐỜI

Chúng tồn tại với sự hiện diện của những mâu thuẫn trên bề mặt mà thoạt tiên nghe sẽ rất là vô lý, nhưng kinh nghiệm từ những người đi trước đã chứng minh được rằng những mâu thuẫn đó là điều hiển nhiên và không thể tách rời. Chỉ cho đến khi bạn nhìn sâu hơn một chút, vượt qua khỏi những mâu thuẫn bề mặt, thì những viên ngọc của tri thức mới thực sự xuất hiện.

Và đây là 20 nghịch lý mà ẩn chứa bên trong chúng là những viên ngọc mà chúng ta đang tìm kiếm, nghịch lý nhưng không vô lý:

 Bạn càng ghét một đặc điểm nào đó ở người khác, bạn càng có xu hướng lảng tránh hoặc phớt lờ sự tồn tại của nó ở bên trong mình. Những nét đặc trưng ở người khác khiến cho chúng ta phải mang nỗi bận tâm thì chính chúng lại phản ánh lên những mặt tối sâu bên trong mà chúng ta đang phủ nhận. Nó còn được gọi là “phép chiếu” trong thần kinh học. Ví dụ, những người phụ nữ cảm thấy không an toàn về cân nặng của mình sẽ gọi những người khác có đặc điểm tương tự là “béo”. Hay những gã đàn ông không có được sự an tâm về mặt tài chính của bản thân sẽ chỉ trích người khác về ý chí và tham vọng trong cuộc sống của họ (những thứ thúc đẩy chúng ta đi kiếm tiền).

 Những người không có lòng tin thì thực sự là họ cũng không đáng tin lắm. Những người thường xuyên cảm thấy không an toàn trong các mối quan hệ của họ sẽ có xu hướng phá hoại những mối quan hệ đó. Hay còn được gọi là hội chứng Good Will Hunting – một cách để mọi người bảo vệ mình khỏi bị tổn thương là làm tổn thương người khác trước, trốn tránh trước, lùi lại trước, tạo khoảng cách trước…

 Bạn càng cố gắng thể hiện cái tôi của bản thân (gây ấn tượng) với mọi người xung quanh, họ sẽ càng có ít ấn tượng hơn về bạn. Không ai để ý đến những nỗ lực của bạn đâu. Hãy chứng minh bản thân bằng thành quả của chính những nỗ lực đó.

 Càng thất bại, bạn càng có nhiều khả năng để thành công hơn. Thành công đến từ sự cải tiến mà cải tiến thì lại đến từ những thất bại. Không có lối tắt nào dẫn đến sự thành công cả.

 Điều gì đó càng khiến bạn sợ hãi, bạn càng nên thử làm điều đó. Ngoại trừ các hoạt động thực sự đe dọa đến tính mạng hoặc có hại cho thể chất, bản năng chiến-hay-chạy của chúng ta sẽ trỗi dậy mỗi khi chúng ta phải đối mặt với những tổn thương trong quá khứ hoặc trong việc hiện thực hóa những thứ mà chúng ta hằng mơ ước. Ví dụ: bắt chuyện với một người có ngoại hình hấp dẫn, gọi ngay cho ai đó để tìm cho mình một công việc mới, nói chuyện trước đám đông, bắt đầu tập tành kinh doanh, nói một thứ gì đó gây tranh cãi, thành thật về một điều khó nói với một ai đó, .v.v. tất cả đều là những điều, không ít thì nhiều, sẽ khiến bạn phải sợ hãi khi nghĩ về chúng, và chúng khiến bạn sợ hãi vì chúng chính là những thứ bạn nên làm.

 Càng sợ cái chết, bạn càng ít có khả năng tận hưởng cuộc sống hơn. Cuộc sống xung quanh thu nhỏ và mở rộng tùy vào sự dũng cảm của bạn.

 Học hỏi càng nhiều, bạn càng nhận ra rằng mình thật sự nhỏ bé như thế nào. Và mỗi khi bạn tiếp cận một vấn đề nào đó và bắt đầu đi sâu vào tìm hiểu câu trả lời, nó sẽ càng tạo ra nhiều câu hỏi để bạn khám phá hơn là câu trả lời mà bạn mong muốn.

 Càng ít quan tâm đến người khác, bạn sẽ càng ít quan tâm đến bản thân. Điều này có thể đi ngược lại với mọi nhận thức mà bạn từng có ngoài kia về một kẻ ích kỷ nào đó chỉ chăm chăm phục vụ lợi ích của bản thân hắn, nhưng sự thật là như vậy, mọi người đối xử với người khác đúng theo cái cách mà họ đối xử với chính mình. Nó có thể sẽ không được biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài, nhưng nếu ai đó tàn nhẫn với những người xung quanh, họ sẽ thực sự tàn nhẫn với chính mình.

 Càng giao du, chúng ta càng cảm thấy bị cô lập. Mặc dù cuộc sống ngày nay cho phép chúng ta dễ dàng có được và duy trì những mối quan hệ hơn bao giờ hết, nhưng những nghiên cứu gần đây lại cho thấy điều ngược lại, sự gia tăng cả về số lượng và mức độ của sự cô đơn và trầm cảm ở các nước phát triển trong vài thập kỷ vừa qua.

 Càng sợ thất bại, bạn càng có nhiều khả năng thất bại hơn.

Càng vội vã, bạn càng khó đạt được mục tiêu của mình hơn. Khi chúng ta mong đợi một điều gì đó, và điều đó thực sự rất khó để đạt được, chúng ta thường vô thức làm cho nó khó để đạt được hơn.

 Cái gì càng đại trà, bạn càng ít muốn có được nó. Con người luôn mang trong mình cái thành kiến bất di bất dịch ​​về sự khan hiếm. Chúng ta vô thức cho rằng những thứ khan hiếm là có giá trị, và ngược lại, những thứ dồi dào thì không đáng để bận tâm đến. Điều đó thúc đẩy chúng ta lao vào đống lửa như những con thiêu thân và khiến chúng ta quên đi rằng, những niềm vui nhỏ lại là thứ quý giá và đáng được trân trọng nhất trong cuộc sống.

 Cách tốt nhất để trở nên gần gũi với một người không nhất thiết là phải ở bên cạnh họ. Khi bạn tập trung vào việc đầu tư để cải thiện và phát triển bản thân, sự tin tưởng của những người xung quanh dành cho bạn sẽ được củng cố bằng chính những gì mà bạn có và đang cố gắng đạt được. Từ đó sẽ tạo ra sợi dây liên kết bền chặt giữa bạn và họ mà không nhất thiết phải đồng hành cùng nhau mọi lúc mọi nơi.

 Bạn càng thành thật về những thiếu sót của bản thân, bạn sẽ càng trở nên hoàn hảo trong mắt của người khác. Có một sự thật khó tin về sự không hoàn hảo là bạn càng cảm thấy thoải mái khi được là một người bình thường thì càng có nhiều người nghĩ rằng bạn là một cái gì đó rất khó để với tới.

 Bạn càng cố gắng giữ một ai đó ở gần mình, bạn sẽ càng đẩy họ ra xa. Sự ghen tuông trong các mối quan hệ là không cần thiết, bởi vì một khi hành động hoặc tình cảm bị bến thành nghĩa vụ, chúng sẽ trở nên gượng ép và mất đi hết ý nghĩa vốn có của mình. Nếu nửa kia của bạn cảm thấy bắt buộc phải dành những ngày cuối tuần để ở bên bạn, thì thời gian hai bạn dành cho nhau sẽ trở nên vô nghĩa.

 Bạn càng cố gắng tranh cãi với một ai đó, bạn càng ít có khả năng thuyết phục người đó đồng tình với quan điểm của bạn hơn. Lý do cho điều này là hầu hết mọi cuộc tranh cãi đều dựa trên cảm tính của những người trong cuộc. Vì vậy, để bất kỳ cuộc “tranh luận” nào như vậy thực sự trở thành một cuộc tranh luận đúng nghĩa, các bên phải chủ động nhượng bộ để gạt cái tôi của mình sang một bên và chỉ tập trung vào việc phân tích các luận điểm. Nhưng nếu bạn từng múa phím với một hoặc một vài con người xa lạ trên các trang mạng xã hội thì bạn sẽ hiểu, điều đó rất hiếm khi xảy ra.

 Bạn càng có nhiều sự lựa chọn, bạn càng ít hài lòng với mỗi sự lựa chọn mà bạn có. Theo lý thuyết thì khi chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn, chi phí cơ hội (lợi ích bị bỏ lỡ) sẽ tăng lên theo mỗi sự lựa chọn mà ta có; do đó, chúng ta sẽ ít hài lòng hơn với quyết định của mình.

 Người càng chắc chắn về những gì mình biết thì càng biết ít hoặc chẳng biết gì cả. Có một mối tương quan trực tiếp giữa mức độ cởi mở của một người đối với các quan điểm khác nhau về bất kỳ chủ đề nhất định nào với mức độ mà người đó thực sự biết về chủ đề đó. Người càng biết nhiều sẽ càng có thái độ nghi ngờ và mức độ đề phòng cao hơn với những thứ xảy ra xung quanh mình.

 Điều chắc chắn duy nhất là không có gì là chắc chắn cả.

 Thứ duy nhất bất biến là không có gì là bất biến cả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *