Chủ thớt hỏi như vậy thì chắc là muốn học Lý Bạch cả đời không làm việc, ngày qua ngày chỉ biết “du sơn ngoạn thủy” nhỉ?
Nhưng bọn người phàm chúng ta sao mà làm được vậy, chí ít là khi so gia thế, so cha mẹ thì phần lớn đã bị đào thải hết rồi.
Thứ nhất, cha của “trích tiên” Lý Bạch là một thương nhân giàu có lúc bấy giờ. Cho nên, tuổi thơ của ông không cần phải lo nghĩ cơm áo gạo tiền như người khác, vì thế, ông càng có nhiều thời gian hơn để học tập và bồi dưỡng chính mình hơn. Và rõ ràng là tài sản cha Lý Bạch để lại cũng đã đủ để ông trưởng thành, đó chính là nguồn thu nhập ở nửa đời trước của Lý Bạch.
*Tại sao lại gọi Lý Bạch là “trích tiên” – vị tiên bị đày xuống trần gian: Khi Lý Bạch đến Trường An ông gặp được Hạ Tri Chương – nhà thơ, nhà chính trị lỗi lạc lúc bấy giờ. Khi Hạ Tri Chương đọc bản “Thục Đạo Nan” của Lý Bạch đã liên tục gọi ông là “tiên nhân” nên kể từ đó Lý Bạch mới có danh xưng đó. Về chuyện này, ông còn từng đắc ý viết vài câu khoe khoang trong “Đối tửu ức Hạ Giám kỳ 2”
))) Tui thấy hơi bị dễ thương rồi đó)
Thứ hai, sự nổi tiếng, tài hoa và vòng giao tiếp xã hội của Lý Bạch là nguyên nhân khiến ông nhận được phần lớn sự giúp đỡ từ bạn bè và người hâm mộ. Đó cũng là một phần nhỏ trong nguồn thu nhập của Lý Bạch. Nhưng trong cuộc sống hiện đại này, kiếm được mấy người bạn đồng ý cho mình mượn tiền thì bạn cũng tính là giỏi rồi đó…
Thứ 3, Lý Bạch thông qua hôn nhân lại kiếm được một món hời lớn. Người ta trước sau gì cũng cưới mấy* bà vợ, đa số đều là người giàu có, con nhà phú quý, trong đó có 2 vị còn là cháu gái nhà tể tướng đấy. Đây được xem là nguồn thu nhập thời trung niên để ông có thể tiếp tục “vô ưu vô lo” mà đi du lịch.
*Lý Bạch đã từng có 4 người vợ rồi ạ. Người đầu tiên là cháu gái của cựu tể tướng, hai người có 1 trai, 1 gái, nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, chị vợ mất không lâu sau đó . 12 năm sau thì ông bước tiếp với 1 người phụ nữ họ Lưu, khi ở rể ông bị người ta xem thường nên tức giận bỏ đi. Người vợ thứ 3 sinh cho ông một đứa con trai, sau khi mua vài thửa ruộng, ông bỏ lại vợ con và tiếp tục “ngao du thiên hạ”. Người vợ cuối cùng là cháu gái của tể tướng đương thời, đã từng giải cứu ông khỏi cảnh lao ngục nhưng sau đó hai người cũng không gặp lại nữa. Ông còn sáng tác bài thơ “Tự Đại Nội Tặng” (自代内赠) để bày tỏ tình cảm và nỗi nhớ thương của mình với bà.
Thứ 4, lúc Lý Bạch rời Trường An, Đường Huyền Tông lại ban thưởng cho ông một lượng lớn vàng bạc nữa, quan trọng nhất là còn cho thêm một tấm lệnh bài tương đương với tấm voucher miễn phí 100% tiền rượu, được áp dụng ở mọi hàng quán với hạn sử dụng vô cực, mọi dư nợ sẽ do triều đình tất toán. =))))
Đó, bạn thấy rồi đó, dưới sự hậu thuẫn của người cha giàu có, người vợ quyền quý, nhóm bạn hào phóng, nhóm fan nhiệt tình và sự trọng dụng của bậc vua chúa, thì tiền bạc đã không còn là vấn đề đối với Lý Bạch nữa rồi.
Nếu nói tới nhóm fan của Lý Bạch thì phải kể đến 1 người, Đỗ Phủ. Bạn đừng nghĩ hai người đều sống ở thời Đường mà có địa vị ngang nhau, lúc đó, danh tiếng của Đỗ Phủ còn chưa lan xa nhưng Lý Bạch vẫn như cũ xem ông là một người bạn tâm giao.
Cuộc đời của Đỗ Phủ so với Lý Bạch thì khổ hơn nhiều. Tuy bối cảnh gia đình của Đỗ Phủ là nhiều đời làm quan nhưng kết quả thi cử lại thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng, làm quan chẳng được bao lâu, nguồn thu cũng chả có là mấy.
Về mặt văn thơ thì đúng là ông có tài đấy, nhưng lại không phải là kiểu “hào phóng tiêu sái” mà con dân Đại Đường thời đấy ưa chuộng nên không được hoan nghênh và yêu thích. Danh tiếng ngày nay của ông đa số là dựa vào sự đào bới phân tích thơ ca của người đời sau mà thôi.
Cùng là người lữ hành đi khắp mọi miền đất nước, trong khi Lý Bạch vui vẻ hạnh phúc ngắm nghía cảm thán “non nước hữu tình” thì Đỗ Phủ lại bôn ba vất vả ngược xuôi chật vật qua ngày, có mỗi mái nhà tranh đơn sơ bạn bè dựng cho thôi mà cũng bị gió thổi bay nữa là*…Cùng là người lăn lộn trong chốn văn thơ, cớ sao khác biệt giữa người với người lại lớn như vậy chứ…
*Mời bạn hồi tưởng lại “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” của Đỗ Phủ ở sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 7 để cảm nhận rõ hơn…
Lại nhìn nhóm người phàm chúng ta đi, muốn có ông cha như Jack Ma, muốn có thằng bạn như Engels, khác nào người ngu nói mớ không? Rồi vợ mình cũng chả phải là con cháu nhà quan lớn gì nữa, mà quan trọng nhất là thành tích học tập của mình cũng chả trâu bò được như người ta….
Có lẽ, điểm giống nhau duy nhất giữa tôi và Lý Bạch đó là cả hai đều thích ngắm trăng…
Nên là, bạn tôi ơi, đừng suy nghĩ viển vông, quay lại hiện thực cày cuốc ra một tương lai không lo cơm áo gạo tiền đi thôi…