ĐỪNG ĐỂ LOW TECH KÌM HÃM BẠN NỮA

“Tôi không thể sửa được lỗi Y”, “Tôi dốt công nghệ lắm”

“Tôi không thể làm được X”, “Cái gì liên quan đến công nghệ là tôi thua”

Bạn có vậy không? Bạn có phải là một con người Low Tech và sợ hãi đối với những thứ liên quan đến Công nghệ. Nếu có, bài viết này dành cho bạn. Bài viết này là đúc kết từ trải nghiệm bản thân của mình, và đương nhiên sẽ không có nhiều lý thuyết khô khan đâu!

Mình tiếp cận với máy tính rất sớm, khoảng năm lớp 3. Và tròn 4 năm sau đó, lúc lớp 6 mình đã tự cài win, khắc phục các lỗi phần mềm trên máy tính và kể cả mạng Internet, thậm chí không biết code vẫn mở được máy chủ Game để thu tiền từ những người lớn hơn thậm chí là “hắc cả phây búc người khác”. Mình tin chắc khi bạn đọc xong bài viết này, bằng cả tư duy và phương pháp, công nghệ không bao giờ là vấn đề của bạn nữa.

Low Tech ở đây theo mình đó là bạn không thể nào tự cài đặt/khởi tạo/sửa chữa/ khắc phục những vấn đề liên quan đến phần mềm vi tính. 

Tại sao bạn lại nhận mình là Low Tech?

Theo mình, rất có thể do bạn tiếp xúc với máy vi tính từ trễ, thế nên bạn chưa có nhiều trải nghiệm với công nghệ. Và bạn biết không, rất nhiều cơ hội, công sức của bạn sẽ trôi sông, trôi biển nếu như bạn không thể làm chủ được nó đấy. 

Này nhé, nếu 1 hôm máy vi tính bạn chợt bị lỗi, như là phần mềm Office không thể khởi động lên, và ngày mai có bài kiểm tra đột xuất mà bạn phải thuyết trình, khi ấy là buổi đêm, bạn sẽ làm sao đây? Bạn sẽ bất lực nhìn chiếc máy tính, căm phẫn rồi thù ghét nó. Hay là ngày mai bạn sẽ lên lý do với thầy cô, nhưng tin mình đi các thầy cô sẽ không tin bạn đâu.

À! Quên mất, bạn có những người bạn giỏi công nghệ nhỉ? Bạn sẽ liên lạc và nhờ họ giúp đỡ phải không? Đương nhiên rồi! Đây là cách hiệu quả nhất, nhanh nhất và tiện nhất. Thế nhưng bạn biết không, chính tư duy như vậy sẽ khiến bạn tự ti về năng lực công nghệ của mình, nghĩa là bạn mặc định mình không thể sửa chữa bất cứ thứ gì trên phần mềm vi tính đấy. 

Trước tiên, muốn thoát khỏi Low Tech, bạn hãy ngại khi nhờ một ai đó! 

Tư duy 01: Hãy ngại khi nhờ 1 người nào đó

Như mình đã đề cập, bạn đừng mặc định mình là người không giỏi công nghệ nhé. Hãy tự tin lên.

Bí quyết của mình để có thể khắc phục các lỗi phần mềm, dường như là 99% tất cả các lỗi phổ biến, đó là mình rất ngại khi hỏi ai đó. Và lý do lớn nhất là mình rất sợ làm phiền người khác. Chính vì thế, khi gặp các lỗi trên máy vi tính, hay lỗi phần mềm, việc đầu tiên của mình đó là tìm nguyên nhân cùng giải pháp khắc phục. 

Nói đao to búa lớn thế thôi, chứ mình sử dụng Google. 

Phương pháp 01: Nhập toàn bộ tên lỗi lên Google 

Thời mình mới tiếp cận máy tính, mình gặp vô số lỗi trên máy tính, và khi mình hỏi gia đình thì không ai biết cả. Bạn bè thì không ai tiếp cận máy tính sớm như mình, chính vì thế mình phải tìm đến Google. 

Ngay khi bạn gặp phải 1 lỗi, dẫu cho bạn không biết gì, hãy nhập toàn bộ tên lỗi được máy tính hiển thị lên Google, cú pháp:

– “toàn bộ tên lỗi”

– How to fix + “toàn bộ tên lỗi”

– Cách sửa + “toàn bộ tên lỗi”

Sau khi search xong, tin mình đi, 99% số lỗi bạn nhận thấy trên máy tính là rất phổ biến, và 100% đã có cách khắc phục trên Google. Quan trọng là bạn có thể thực hiện theo đúng quy trình họ hay không mà thôi.

Khi có kết quả tìm kiếm, bạn có thể lựa chọn đọc hoặc là xem Video trên Youtube. Nhớ nhé, phải làm theo từng bước của người ta hướng dẫn đấy.

Phương pháp 02: Làm thế nào, Cách tạo,… 

Bạn không biết cách tải tệp lên Google Drive? Hãy lên Google và nhập:

– Cách tải tệp lên Google drive 

Nghe hơi buồn cười thế nhưng trên mạng hướng dẫn rất kĩ đấy. 

Bạn muốn tạo gì trên máy tính? Tải gì? Hãy lên Google, cú pháp:

– Làm thế nào để + [ý tưởng] 

– Cách + [ý tưởng]

Một số kết quả truy vấn mà đến bây giờ mình vẫn dùng:

Cách dùng canva để tạo bài thuyết trình

Cách khắc phục lỗi 404 error

Làm thế nào để trình bày trang word đẹp

Làm thế nào để sử dụng chỉ đánh răng 

À! Khoảng độ năm 2014-2015, Facebook gặp khá nhiều vấn đề về report, thế nên những profile có thể biến mất hàng loạt, và mình đã sử dụng Google để lấy lại profile của mình đấy, đơn giản chỉ là mình làm theo những gì Google chỉ và Facebook đề xuất, dễ như ăn kẹo! 

Phương pháp 03: Hãy xem Google là 1 người bạn tri kỉ 

Không chỉ với các vấn đề công nghệ, mà ngay cả trong cuộc sống, bạn không biết gì hãy có thói quen lên Google hỏi. Trừ những vấn đề về sức khỏe, y tế,… thì bạn có thể không tin, nhưng những vấn đề công nghệ thì có đó. 

Tiếp tục là bạn đừng sợ Virus, ví dụ có dính vào rồi thì cho đời mình khôn ra. Mà 2021 rồi, bạn dùng Win 10 thì mặc định đã có tích hợp phần mềm diệt Virus sẵn có. Còn thời 2014 của mình thì trình duyệt virus chưa phổ biến, cứ 2 tuần mình lại cài win một lần vì bị dính Virus. Dần dần thì mình có thể nhìn sơ qua là biết có nên tin tưởng hay không.

Và đôi khi bạn sẽ gặp những lỗi rất khó sửa, bạn có thể dành nhiều thời gian để khắc phục nó, cảm giác sau khi khắc phục rất phê! Trong công nghệ, không gì là không thể cả. Bạn hãy tự tin hơn về khả năng tìm kiếm và sử dụng Google của mình nhé. 

À! Mình làm về SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm Google), thế nên mình biết được Google luôn xem trải nghiệm người dùng là quan trọng nhất, thế nên nó sẽ ngày càng thông minh hơn, hiểu được yêu cầu truy vấn của bạn hơn, từ đó sẽ đưa ra kết quả chính xác hơn rất nhiều! Tin mình nhé, Google xịn hơn bạn nghĩ đấy.

Lời cuối nói nhỏ nghe nè, “Bạn không hề Low Tech như bạn nghĩ, chẳng qua là do bạn lười tìm kiếm thì có. Chăm chỉ lên nhé, dùng Google là một nghệ thuật và người sử dụng Google là một nghệ sĩ đấy”.

Không có người Low Tech, chỉ có người lười Google.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *