TOXIC CONTENT – TƯỞNG VUI MÀ ĐỘC!

“Thời sinh viên mà không rớt môn 1 lần thì thanh xuân không trọn vẹn”, “Thời học sinh mà không trốn học là uổng phí”, “Sinh viên phải có ít nhất 1 mối tình,….”.

Bạn gặp mấy lần những bài viết như thế này? Đọc xong có thấy vui không?

Mình hoàn toàn không ủng hộ những dạng Content như vậy (nếu không muốn nói là rất-ghét), bởi nó mang tính chất tiêu cực và gây hiệu ứng không tốt đến người đọc. Mỗi khi lướt mạng xã hội và bắt gặp những bài post với nội dung như trên, mình cảm thấy cực kì khó chịu (nhất là mấy vấn đề về tình cảm 

). Mình tin chắc rằng có nhiều bạn giống mình, đọc xong tự nhiên lại cảm thấy buồn ngang hoặc tự ti. Dù vấn đề chẳng nghiêm trọng đến thế.

Ngặt nghẽo một nỗi, những dạng nội dung như vậy lại rất dễ đánh trúng insight các bạn trẻ.

“THỜI SINH VIÊN MÀ KHÔNG 1 LẦN RỚT MÔN THÌ THANH XUÂN KHÔNG TRỌN VẸN”

Hỡi các bạn, ba mẹ cho tiền ăn học, mắc gì lại đi rớt môn để… trọn vẹn thanh xuân?

Có lẽ là mình hơi cứng nhắc và khó tính. Nhưng về vấn đề học hành, nếu đã không thể chăm chỉ tiếp thu kiến thức đàng hoàng thì cũng đừng nên cố tình… trốn học hoặc lơ là học tập để “được” rớt môn, tô điểm cho thanh xuân thêm màu sắc.

Từ bao giờ việc rớt môn trở thành thước đo tươi đẹp của thanh xuân vậy?

Từ khi nào việc “rớt môn” lại là việc cần làm? Và đáng tự hào đến vậy?

Rớt môn không đáng để thử, và cũng không giúp thanh xuân thêm sắc màu. Nó chỉ khiến ba mẹ bạn tốn thêm mớ tiền để cho bạn học lại, tốn thời gian của bạn mà thôi.

Chính những Content toxic đã bơm một liều thuốc độc hại vào tư tưởng của các bạn học sinh chuẩn bị vào Đại học. Các bạn bước vào môi trường mới với tâm thế “Rớt môn 1 lần thì có sao đâu? Sinh viên mà lị!” thay vì cố gắng để học hành và ngăn chặn việc đó xảy ra.

“THỜI SINH VIÊN MÀ KHÔNG CÓ 1 MỐI TÌNH THÌ NÊN XEM LẠI BẢN THÂN”

Hồi trước, lúc còn học năm nhất năm hai, mình ế mốc mồm ra, đọc được mấy cái Content như thế này thì ôi dồi ôi, coi như nguyên 1 ngày cái mặt mình như đưa đám, làm gì cũng không ra hồn. Tự nhiên cảm thấy buồn tủi và tự ti kinh khủng. “Cả trường mười mấy nghìn người mà chẳng ai thèm để ý mình”, dù cuộc sống vốn vẫn rất vui vẻ vì có bạn bè bên cạnh.

Bây giờ cũng đã lớn hơn một chút, mình nhận ra khi ấy mình quá ngây thơ và để tâm vào những thứ không đáng. Vì mình vốn cũng là đứa không được tự tin vào bản thân, khi đọc được một vấn đề chạm đến đúng chỗ ngứa thì ắt mình sẽ cảm thấy… đúng. “À, nó đang nói mình đây mà”. “Mình là kẻ thất bại, không ai yêu”.

Trời ơi, tại sao lại để những năng lượng tiêu cực đó phá hỏng 1 ngày của bạn?

Chúng ta đều tuyệt vời! Chúng ta nên thấy biết ơn vì mình đang tận hưởng cuộc sống độc thân, tự do tự tại bên người thân và bạn bè. Tình yêu không định giá được con người mà là cách tư duy, cách ứng xử và kiến thức mà ta có.

VÌ SAO CHÚNG TA LẠI BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI NHỮNG CONTENT NHƯ VẬY?

Bên cạnh việc những nội dung đó đang mô tả đúng với hoàn cảnh mà chúng ta đang lâm vào, qua trải nghiệm của bản thân, mình cho rằng vấn đề nằm ở chính mỗi người.

Vì chúng mình còn trẻ mà, chưa định hình được giá trị của chính mình cũng như tư duy sai lệch, hoặc do tính cách tự ti vốn có nên rất dễ bị lung lay trước tác động tiêu cực.

Ví dụ, một người biết giá trị của mình ở đâu chắc chắn sẽ không bị ảnh hưởng chỉ vì… thanh xuân họ không có mối tình nào. Vì họ biết điểm tốt của mình và tin rằng bản thân xứng đáng với những điều tốt đẹp.

Hay, một số bạn cảm thấy rớt môn là bình thường, là “nên có thời thanh xuân” là bởi họ đang quá coi nhẹ việc học, không nhìn ra được hậu quả (mất tiền, mất thời gian 

) cũng như chưa suy nghĩ thấu đáo cho chính bản thân và gia đình mình.

VẬY LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG BỊ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC TỪ CONTENT ĐỘC HẠI?

Hạn chế dùng mạng xã hội

Mạng xã hội là một thế giới phức tạp nhưng đầy cuốn hút, chỉ cần nhấc điện thoại lên thì chúng ta có thể nằm lướt quên cả thời gian. Tốt nhất mỗi ngày chỉ nên dành ra dưới 2 tiếng cho việc lướt mạng xã hội (nếu bạn không làm việc gì liên quan đến Social Media). Khi ngủ dậy hoặc trước khi đi ngủ không nên rờ vào điện thoại, check mess ngay lập tức… Thay vào đó hãy làm việc lành mạnh hơn như đọc sách hoặc tập thể dục.

Chọn lọc thông tin

Unfollow những page không lành mạnh, gây drama và follow những Page vui vẻ, page trau dồi kiến thức… Càng hạn chế tiếp xúc với các nội dung tiêu cực, ta càng tiến gần đến nguồn năng lượng tích cực.

Trau dồi bản thân

Như mình đã nói ở trên, việc chúng ta dễ bị lung lay trước những tác động tiêu cực là bởi tâm thế chưa vững vàng. Vấn đề này hoàn toàn có thể cải thiện được bằng việc “level-up” bản thân lên một tầm cao mới.

Bạn có thể đọc sách, nghe podcast, xem những video truyền động lực để hình thành những tư tưởng tỉnh táo và tiến bộ, định hình tư duy đúng đắn hơn.

Tất cả những bài viết có tính chất ĐÁNH GIÁ một con người chỉ qua một vấn đề nhỏ nào đó không nên được nạp vào đầu. Hãy tỉnh táo hơn, các bạn nhé 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *