Chân đèn đầu thế kỷ 17 với minh văn chữ nôm sắp đấu giá tại Paris – Cornette de Saint Cyr, Archéologie, Art Précolombien Arts d’Asie, Arts d’Afrique et d’Océanie, 17 novembre 2021, lot 98
Theo phong tục người Việt, ba vật thiết yếu trên bàn thờ Phật là lư hương và cặp chân đèn, gọi là bộ tam sự. Cùng với sự phục hưng của Phật giáo, tục cúng dường các bộ tam sự bằng gốm trang trí phong phú khởi sự từ thời Mạc (1527-1592). Hương và nến là những lễ vật giàu tính biểu tượng: hương thanh tẩy và làm thơm nơi linh thiêng, trong khi nến cho phép các nhà sư tụng kinh ngày đêm, do đó lưu lại lời của Đức Phật.
Những đồ gốm này do các nhà quý tộc và thương nhân giàu có đặt làm tại xưởng của những thợ gốm bậc thầy tại Bát Tràng. Phương thức chế tác được hệ thống hóa cẩn thận để tạo thành một bộ vật phẩm có tính liên kết, hài hòa cả về cấu trúc lẫn trang trí. Ngoài sự tôn sùng tôn giáo, chúng còn minh chứng cho quyền lực, sự giàu sang và tiếng tăm của những người hiến tặng cũng như tài năng của người thợ gốm.
Như tất cả các chân đèn thế kỷ 17, chiếc chân đèn này có kiểu dáng cân đối và gồm hai phần khóp lại. Phần trên mất đoạn miệng, còn hai đoạn hình trụ. Hai lỗ trên đoạn này cho thấy sự hiện diện của hai tay cầm. Phần dưới có vai và thân trên phình, thân dưới eo, chân đế choãi.
Thân đèn vẽ lam mây dải, trang trí hình hai con rồng chạm đắp nổi, để mộc. Chân vẽ cánh sen trong có hoa mẫu đơn.
MINH VĂN CHỮ NÔM
Minh văn trên gốm cho biết thông tin về ngôi chùa (tên, vị trí), tên họ các, quê quán, địa vị của nhưng người đặt hàng, thợ gốm và năm chế tạo, v.v. Phần đông các bài minh văn được khắc nhưng cũng có minh văn viết bằng men lam trên nền men trắng. Phong cách này xuất hiện vào những năm 1586 dưới triều đại của Mạc Mậu Hợp (1562-1592) và trở nên phổ biến vào thế kỷ 17.
Đặc điểm của chiếc chân đèn này là minh văn chữ nôm (tất cả các minh văn khác đa số đều dùng chữ hán) và dùng minh văn như hoa văn trang trí.
Đặc biệt, dòng chữ được ghi trên phần cổ và thân dưới của chân đèn trong các ô hình chữ nhật hay trong các cánh sen. Ngoại trừ lư hương của bảo tàng Hải Dương, niên đại 1618, hiện nay chưa thấy hiện vật nào tương tự.
Chữ Nôm bắt đầu hình thành dưới triều Lý (1010-1225), trở thành ngôn ngữ văn học từ thời Trần (1225-1400) và dùng trong văn thư hành chính thời Tây Sơn (1778-1802). Trong chữ nôm có ba cách viết :
– Dùng chữ Hán, mượn cả âm đọc và nghĩa,
– Dùng chữ Hán, dùng âm nhưng không dùng nghĩa,
– Chữ ghép, chữ được tạo ra bằng cách ghép hai hoặc nhiều chữ khác thành một chữ.
Ví dụ, trong minh văn trên chân đèn, có dùng chữ hán 香 xiāng (hương) dùng âm mà không dùng ý nghĩa. Chữ này được dùng ở đây với nghĩa là 鄉xiāng, biểu thị một quận hành chính nhỏ hơn quận. Còn chữ 企 trùm (“trưởng”) kết hợp hai chữ Hán: 人 ren (nhân) và 上 shàng (thượng).
Minh văn viết dòng chữ nôm men lam quanh chân đèn:
天長府·西真縣·毳東社·中村·德光寺
善七會主企縣嘉福·四岐二縣會川社等·唐安縣 仲福社·□□□ □武偶 字福賢 妻武氏浦·縣
士香本 笵華滯 字勤福·笵師德
裴德堅 字大橋·并段氏屯 号慈富·段氏漢 号慈明·都使 東陽侯 黎進用·段氏玉千 号慈貴·段
氏迎 号慈福·阮氏田 号慈信·笵氏鈍 号慈德·義山伯 笵根·陳氏一·企縣 阮伯兄 字道泰·義
川伯
Dịch ghĩa : Thiên Trường phủ, Tây Chân huyện, Thuế Đông xã, Trung thôn, Đức Quang tự.
Thiện sĩ hội chủ trùm huyện Gia Phúc ; Tứ kỳ nhị huyện, Hội Xuyên xả đẳng ; Đường An huyện, Trọng Giản xả ; (…) (…) (…) (…) Vũ (?) Ngẫu tự Phúc Hiền, thê Vũ Thị Phải ; Huyện sĩ hương bản, Phạm Hoa Phải tự Cần Phúc ; Phạm Sư Đức ; Bùi Đúc Kiên tự Đại Phúc ; Tính Đoàn Thị Đồn hiệu Từ Phú ; Đoàn Thị Hán hiệu Từ Minh ; Đô sứ, Đông Dương hầu, Lê Tiến Dụng ; Đoàn Thị Ngọc Thiên hiệu Từ Quý ; Đoàn Thị Nghênh (ou Nghịnh) hiệu Từ Phúc ; Nguyễn Thị Điền tự Từ Tín ; Phạm Thị Độn hiệu Từ Đức ; Nghĩa Sơn bá, Phạm Căn ; Trần Thị Nhất ; Trùm huyện Nguyễn Bá Ích tự Đạo Thái, Nghĩa Xuyên bá.
Theo bài minh văn chân đèn được đặt cho bàn thờ Phật chùa Đức Quang (thôn Trung, xã Thuế Đông, huyện Tây Chân, huyện Thiên Tỉnh Trường). Tài liệu lưu giữ tại chùa Liên Trì (tỉnh Nam Định) có nhắc đến chùa Đức Quang là tên cũ của một trong hai ngôi chùa ở xã Nhuế Đông, tức chùa Nhuế Đông (ngày nay là An Mỹ, xã Trung Đông) hoặc Nhuế Đông hạ (hiện là Đông hạ). Liên quan đến xã Nhuế Đông được đề cập trong minh văn, đây là lỗi viết của người thợ gốm. Phải đọc là Xối Đông, trở thành Nhuệ Đông rồi Trung Đông (huyện Nam Thanh, phủ Nam Trực).
Ngoại trừ tri phủ Gia Phúc (phủ Hạ Hồng, tỉnh Hải Dương), tất cả các người đặt hàng đều là dân xã Trọng Giản (huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương). Trong đó có các quý tộc (hầu tước Đông Dương, bá tước Nghị Xuyên, bá tước Nghĩa Sơn), hoặc quan lại (tri huyện Tứ kỳ, tri huyện Đường An) hoặc của các học giả và các phu nhân ngoan đạo.
NIÊN ĐẠI.
Trong minh văn không có ghi năm chế tạo tác phẩm. Nhưng nhờ từ Tây Chân huyện (西 真 縣), ta có thể xác định chân đèn được sản xuất trước năm 1659, khi chúa Trịnh Tạc tự phong làm Thượng sư Tây vương. Vì vậy, chữ Tây trở thành từ húy phải kính tránh. Huyện Tây Chân đổi thành huyện Nam Chân theo Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Hà Nội, 1992, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, trang 96-97).
Tuy mất đoạn miệng và hai tay cầm, chiếc chân đèn này không chỉ là một ví dụ tiêu biểu của các gốm minh văn xuất sứ từ Bát Tràng vào đầu thế kỷ 17, một minh chứng của lòng nhiệt thành Phật giáo thời Lê, mà còn là một trong tư liệu rất hiếm với minh văn chữ nôm, dùng tiếng Việt cổ chứ không dùng tiếng Hán như trên các bộ tam sự khác.
Nguồn gốc :
– Bộ sưu tập của Tiến sĩ Juergen Ekart, Stuttgart, Đức, trước năm 1977.
– Bộ sưu tập của Thomas Ulbrich, Seoul, Hàn Quốc, được mua lại vào năm 1977.
– Bộ sưu tập của Thomas Ulbrich, Berlin.