1. Có phải cứ đọc nhiều là tốt?
Số lượng sách chúng ta đọc mỗi năm không phản ánh thực chất “văn hoá đọc”. Nếu coi sách là công cụ lan tỏa tri thức, thì việc đọc thật nhiều để lấy thành tích thay vì am hiểu tường tận những gì ta đã đọc đã làm tri thức rơi rớt đi phần nhiều.Đọc quá nhiều sách mà không có trọng tâm, không có suy tư, thì cũng giống như tiêu thụ thông tin trên mạng xã hội.
2. Close reading: Học cách đọc sâu từ các nhà nghiên cứu
Trong ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, có một phương pháp đọc tên là close reading. Phương pháp này được sử dụng để phân tích các tác phẩm hàn lâm cực khó đọc, hoặc các văn bản cổ, cần đọc trong sự liên kết với vô số văn bản thứ cấp thì mới hiểu được.
Phương pháp close reading yêu cầu bạn đọc xác định rõ ràng lĩnh vực mình quan tâm, cũng như cam kết tìm hiểu sâu một tác giả trong lĩnh vực đó.
3. Vì sao nên áp dụng close reading?
▸ Đọc nghiêm túc tốt hơn đọc nhiều
Lý do đầu tiên vì nó yêu cầu ta phải nghiền ngẫm một tác phẩm thực sự sâu và nghiêm cẩn, để hiểu kỹ càng và có thể phê bình lời tác giả truyền đạt. Lý do thứ hai, chỉ chú tâm tìm hiểu một vài tác phẩm mỗi năm – giống như các nhà nghiên cứu sẽ giúp bạn tiết kiệm được vô số tiền mua sách.
Tác phẩm cần đọc sâu ở đây đóng vai trò như xương sống. Những tác phẩm có liên quan sẽ dần được động tới trong quá trình đi dọc sống lưng đó.
▸ Gợi ý một lộ trình đọc sách quy củ
Trước khi bước vào quá trình close reading, chúng ta cần phải cân nhắc xem cuốn sách nào xứng đáng để dành nhiều thời gian đọc đến vậy. Những tác phẩm đồ sộ về nội dung nên được ưu tiên khi ta đưa ra sự lựa chọn của mình.
Sau khi lựa chọn được tác phẩm “xương sống”, ta có thể dựa vào các bài review và tiểu sử tác giả để tìm thêm những cuốn sách và cây viết “dễ nhằn” hơn. Sự đọc sau đó sẽ diễn ra song song giữa tác phẩm chính và các tác phẩm có liên quan.
Kết quả là, dù chỉ tìm hiểu một chủ đề, số lượng sách vở ta đồng hành cùng chuyến hành trình tri thức nhiều không kém so với đọc nhiều chủ đề tràn lan.
▸ Rèn luyện khả năng phân tích và phê bình tác phẩm
Cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất, close reading rèn luyện cho người đọc khả năng phân tích và phê bình tác phẩm. Hãy chớ nghĩ rằng những tri thức sách vở là chân lý. Đọc sách cũng không phải là hấp thụ một chiều tri thức từ bên ngoài vào não mình.
Đọc tức là liên tục đối thoại với tác phẩm và tác giả, ngay cả khi người viết đã qua đời được nhiều thế kỷ. Đây là cách ý tưởng và tâm hồn của những người uyên bác được “sống” tiếp trong thời đại không phải của họ.