Từ khi nào mà bạn cảm nhận được sự tàn nhẫn của thời gian? (Chuyện 2)

Nói về mẹ tôi đi.

Thời còn trẻ bà ấy là một cô gái xinh đẹp nhưng trình độ văn hóa thấp nên 17 tuổi đã phải vào công trường làm thuê để kiếm sống rồi. Lúc đó bà lớn lên trông thật ngọt ngào dễ mến nên người theo đuổi nhiều lắm. Làm được vài năm thì đến tuổi cưới vợ gả chồng nên sau một hồi chọn táo bỏ đào thì bà lấy bố tôi, một thanh niên cao to đẹp trai và viết chữ rất đẹp. Hai người cưới xong thì sinh ra tôi.

À đúng rồi, điều kiện nhà bố tôi cũng bình thường thôi, không có giàu có gì đâu. Nên là lúc họ kết hôn thì đúng là nghĩa đen kết hôn thôi, không mua phòng, không làm lễ, hai người chỉ ký cái giấy đăng ký kết hôn rồi cùng dọn về ký túc xá của công ty để ở.

Tuy thời đó bản thân rất nghèo khó nhưng mẹ tôi vẫn luôn kỳ vọng và mong đợi vào một tương lai tốt đẹp hơn. Còn cái gì mà sự tàn khốc của hiện thực, sự tàn nhẫn của thời gian ấy hả, mẹ tôi không hiểu mà cũng không thèm quan tâm.

Lúc tôi lên tiểu học thì thì bố mẹ cũng tích góp đủ để mua lại một căn phòng của công ty, xem như là chúng tôi cũng có 1 căn nhà của riêng mình rồi. Mẹ tôi rất vui, ngày nào cũng dậy thật sớm để làm nhiều món cơm sáng khác nhau cho hai bố con, lúc đó mẹ còn nuôi thêm một bé chó nhỏ nữa.

Vui vẻ được 2 năm thì mẹ tôi phát hiện chồng mình ngoại tình. Bà ấy đã từng mất ngủ, từng đánh mắng làm loạn, từng níu kéo, theo dõi, thậm chí là tự hủy hoại chính mình, nhưng sự sụp đổ của một căn nhà trên mây chả khác gì đất long núi lở cả, mẹ tôi sao mà giữ được cơ chứ. Cuối cùng, mẹ tôi dành chút sức lực còn lại của mình để giành quyền nuôi con gái rồi mới đồng ý ly hôn.

Ly hôn xong hai mẹ con tôi sống rất khổ cực. Mỗi tháng chỉ có mấy trăm đồng tiền lương ở công trường để sống. Vốn dĩ mẹ tôi muốn xuôi nam để tìm một công việc khác nhưng lại không nhẫn tâm bỏ qua ánh mắt cầu xin của con gái nên bà ấy đã từ bỏ và ở lại nơi đau thương này rồi làm thêm một vài việc vặt lương ngay để kiếm sống.

Ngày nào bà cũng đi sớm về muộn, lúc rảnh rỗi lại nghe lời đàm tiếu của hàng xóm xung quanh, đôi khi còn bị họ bắt nạt vì trong nhà không có đàn ông. Cứ thế, mẹ tôi của năm 30 tuổi tuy vẫn còn trẻ nhưng nội tâm đã bị con dao của cuộc đời khía thành từng vết sẹo thương tích đầy mình. Bà ấy học được cúi đầu, học được nhẫn nhịn, cũng học được trầm mặc để đối phó tất cả.

Dưới sự giới thiệu của bạn bè, mẹ tôi bắt đầu làm quen với một người đàn ông phù hợp. Sau nhiều lần xoắn xuýt thì cuối cùng bọn họ cũng kết hôn, còn sinh được 1 đứa con trai nữa. Nhưng thằng bé rất hay bị dị ứng, người yếu nhiều bệnh. Mẹ tôi một bên phải quan tâm đến đứa con gái chuẩn bị thi đại học, một bên phải chăm sóc sức khỏe cho em trai nhỏ. Một người chia làm hai bên chạy đôn chạy đáo như vậy nhưng bà ấy cũng không than phiền tiếng nào.

Cứ như vậy cho đến khi con gái thi đậu đại học, con trai bị ban xuất huyết, và cuối cùng là cho đến khi bác sĩ nói đứa bé có khả năng bị ung thư thận di căn. Lúc đó bà ấy một thân một mình bồng thằng bé ngồi tàu lửa đến Bắc Kinh để điều trị nội trú. Qua qua lại lại mấy lần như thế nhưng bệnh tình của thằng bé không hề thuyên giảm. Chuyện bị sốt, ho, sổ mũi, viêm dạ dày, nổi mề đay là việc xảy ra hàng ngày như cơm bữa. Đứa bé mới có 6 tuổi ấy thôi mà lại bị hành đến mức sụt đi 10 cân.

Cú giáng nặng nề này của cuộc sống đã làm mẹ tôi sụp đổ hoàn toàn. Mẹ tôi đã mạnh mẽ quá lâu và đấu tranh quá lâu, việc này như một cọng rơm đè chết con lạc đà vậy, bà ấy đã hoàn toàn không có sức để đứng dậy đi tiếp nữa rồi.

Nghỉ lễ tiết Thanh Minh tôi đến Bắc Kinh thăm bọn họ. Em trai đang nằm viện, mẹ tôi thì thuê một căn phòng rất rẻ để ở tạm. Mẹ tôi nói mấy ngày này bà lo lắng đến mức không ăn nổi cơm. Bà nay đã hơn 40 tuổi, đầu tóc đã có một nửa là bạc rồi. Chiều hôm đó, tôi và mẹ cùng nhau đạp xe đạp công cộng đi một vòng quanh Bắc Kinh, chúng tôi nói rất nhiều chuyện, mẹ tôi cũng mua cho tôi rất nhiều đồ ăn vặt.

Hôm em trai xuất viện, tôi đến đưa bọn họ về nhà. Lúc ngồi trên xe bus đến trạm tàu thì em trai nằm trong lòng mẹ ngủ ngon lành. Thấy bên ngoài có gió nên mẹ lấy vội cái áo khoác để quấn quanh người em trai. Ánh sáng chiếu lên gương mặt của mẹ, nếp nhăn và mái tóc bạc của bà lại càng rõ hơn. Tôi ngơ ngẩn nhìn mẹ, một lúc lâu sau mới vội vã quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi sợ bà thấy mấy giọt nước mắt tôi chưa kịp kiềm lại.

Lúc đến trạm tàu, tôi giúp mẹ lấy vé tàu xong đi ra mới thấy bà ấy ôm con trai hẵng còn say ngủ ngồi bệt dưới đất. Trạm tàu ở Bắc Kinh chưa bao giờ ngừng đông đúc, bọn họ chỉ là một trong số đó thôi, nhỏ như vậy, nhỏ như một hạt cát có thể bị thổi bay đi bất cứ lúc nào. Tôi lấy vé đưa cho mẹ, rồi nhìn mẹ một tay ôm em trai, một tay khó nhọc kéo hành lý bước từng bước chậm chạp trong nhóm người xô bồ bên cạnh.

Tối hôm đó trên đường về trường học tôi mệt đến mức vừa ngồi xuống là đã ngủ ngay. Tôi mơ thấy bản thân lúc còn rất rất nhỏ, tối nào tan học mẹ cũng chở tôi trên chiếc xe đạp cũ kỹ dạo quanh khắp phố. Tôi ngồi trên càng xe vừa ăn vặt vừa nói chuyện với mẹ. Đầu từ từ ngả về lối đi làm tôi giật mình tỉnh giấc, nhìn xung quanh mới thấy mọi người đã ngủ say hết rồi. Mở mắt ra, trong đầu tôi cứ lặp đi lặp lại hình ảnh mẹ thời còn trẻ và mẹ của bây giờ, cô đơn, lạc lõng như cách cả một đời vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *