Có truyện nào ngọt ngào đáng để giới thiệu không? (Phần 1/3)

Tôi sống trong nhà Chu Tư Hằng từ năm mười một tuổi, và tôi luôn coi anh ấy như anh trai của mình. 

Nhưng hôm đó, anh đỏ mặt, lăn qua đè tôi xuống dưới, “Em là cô dâu của anh.”

1.

Khi Chu Tư Hằng vừa bước vào nhà, mẹ Chu đã gọi điện tới, bảo tôi về nhà.

Vừa nhiệt tình lại khẩn thiết giống như các ma ma thúc giục phi tần hầu hạ hoàng đế, tranh thủ từng phút giây một.

Tôi cúp điện thoại, trên màn hình điện thoại vẫn hiển thị lịch trình tàu cao tốc của Chu Tư Hằng, đến nhà ga lúc 6:43 buổi chiều.

Bây giờ đã qua nửa tiếng, Chu Tư Hằng cũng đã đến nhà, tôi vẫn chưa nghĩ ra được làm sao để nói chuyện với anh, kiểu bình tĩnh nhã nhặn ấy.

Lại kỳ kèo thêm 20 phút nữa, tôi mới xuất phát, trên đường ghé vào ngân hàng một chuyến.

Về đến nhà, mẹ Chu đang nấu sủi cảo, cửa bếp không đóng, khói trắng bốc nghi ngút tỏa ra gần hết căn phòng, nhìn như có sương mù. Chu Tư Hằng ngồi trên ghế sô pha trong phòng khách xem TV, trên người mặc một chiếc áo len cổ lọ màu đen, tóc cắt gọn gàng, hơi cúi người về phía trước, khuôn mặt nhìn nghiêng chỉ thấy một nửa.

Thấy tôi bước vào cửa, anh lập tức quay đầu lại giả vờ như không nhìn thấy.

Chà, đúng là nhân mô nhân dạng(*), việc anh làm còn chó hơn cả chó.

(*) cụm này nghĩa là vẻ ngoài giống người nhưng hành động thì không, việc anh làm còn chó hơn cả chó.

Tôi mặc kệ anh, cởi áo khoác, thay dép và bước vào bếp. Khi tôi đi qua ghế sô pha, ném một túi khoai lang nướng vào lòng anh. 

Chu Tư Hằng nhảy dựng lên nói: “Trần Niệm, em muốn bỏng chết anh sao!”

“Đừng ngạc nhiên thế chứ, quay lại bị nghẹn chết cũng đừng trách em.”

Anh ấy trừng mắt nhìn tôi rồi giận dữ bước vào phòng ngủ, đi được hai bước thì quay lại nhặt củ khoai lang bỏ vào túi, còn lẩm bẩm mắng tôi hai câu rồi mới đi vào.

Lồng ngực tôi tức khắc nhẹ nhõm vài phần, quả thực, chúng tôi vẫn chung sống với nhau một cách thoải mái nhất như thế này. Nồng tình mật ý gì chứ, thật sự là tôi không làm được.

 Sau bữa ăn, tôi nhanh nhẹn dọn dẹp bát đĩa và đũa như thường lệ đi vào bếp, nhưng mẹ Chu ngăn tôi lại.

 “Để cô rửa cho, cháu không phải làm đâu, đi ra ngoài ngồi với Tư Hằng đi.”

 Tôi buồn cười, “Anh ấy cũng đâu phải em bé 3 tuổi, có gì mà phải ngồi cùng chứ.”

 Mẹ Chu đẩy tôi, “Bảo cháu đi thì cháu cứ đi đi, hai đứa lúc nào cũng như gà chọi thế này, sau này sao mà sống được?”

Ý này là muốn để tôi nhượng bộ vậy…

Tôi đặt bát đĩa xuống, đi ra ngoài, lấy một phong bì trong túi áo khoác và quay trở lại, “Cô ơi, tiền này cho cô. Những thứ khác vẫn như cũ. Chi tiêu trong nhà cháu cũng sẽ bỏ tiền ra ạ.”

Mẹ Chu không nhận: “Không cần đâu, tự cháu kiếm tiền tự cháu tiêu là được, cô không cần cháu trả tiền lại thế này.” Vừa nói vành mắt đã đỏ lên, “Cháu nói xem hai đứa sao lại tệ thế chứ, sao mà không nghe lời…”

Bố Chu nghe tiếng, bưng chén trà bước vào, ôm vai khuyên nhủ vợ: “Con cháu tự có hạnh phúc của nó, bà thương Tư Hằng, thì phải ủy khuất Niệm Niệm sao?”

Tôi nghe vậy thì sửng sốt, vội xua tay nói mình không có tủi thân, kết quả bị mẹ Chu giành nói trước “Sao tôi lại khiến Niệm Niệm tủi thân chứ, tôi không tốt với con bé sao? Hồi bé thì làm con gái nuôi, lớn lên thì làm con dâu, còn không phải thương con bé số khổ sao…”

Nhìn bộ dáng thế này, chuyện tôi muốn dọn ra ngoài cũng không nói được hôm nay.

Mẹ Chu càng khóc dữ hơn, bà không ngừng nói về chuyện cũ trong quá khứ, nói tới nói lui muốn tôi kết hôn với Chu Tư Hằng.

Tôi im lặng nghe ở bên cạnh, dáng vẻ ngoan ngoãn ngược lại rất giống với con dâu nuôi từ bé.

“Trần Niệm!”

Chu Tư Hằng đột nhiên gọi tôi, nhưng người ta chỉ đứng ở cửa phòng ngủ không lại đây, hiển nhiên anh thấy cục diện rối loạn trong bếp nhưng không muốn xen vào.

Tên này thật sự vẫn gian xảo như trước đây!

Tôi tức giận đáp lại, “Gì thế?”

“Em lại đây với anh…Anh nhớ em.” Anh nói vài câu, như sấm sét dội vào đầu tôi, nhưng giống như một liều thuốc tốt, phút chốc, mẹ Chu không khóc sướt mướt nữa.

Vội vàng đẩy tôi, “Đi đi, Tư Hằng gọi cháu, hai đứa đi nói chuyện, nhớ đóng cửa lại.”

Tôi gật đầu, nhét phong bì vào tay mẹ Chu, bước nhanh vào phòng ngủ của anh, đóng sầm cửa lại, “Anh đang nói nhảm gì vậy!”

“Em quan tâm anh nói làm gì, mẹ anh không khóc nữa là được rồi.” Chu Tư Hằng bước đến bên giường ngồi xuống, cắn một miếng khoai lang lạnh lẽo, “Không phải mua ở chú Béo à, vừa không ngọt lại không bở, khó ăn!”

Chú Béo mà anh ấy nói là người bán khoai lang nướng ở cổng trường cấp 3 của chúng tôi. Chúng tôi thường ăn chúng lúc đi học. Bây giờ đổi thành con trai chú làm, khoai lang cũng không được như trước. Chu Tư Hằng vẫn luôn thích ăn, nhưng miệng thì rất kén chọn.

“Vậy anh đừng ăn nữa, đồ lắm chuyện.”

Tôi tiến lên giành lấy khoai bị anh tránh ra, giơ tay ném qua một cái hộp nhỏ, “Cho em đấy, anh cũng không ăn chùa.”

Trong đó có một sợi dây chuyền ngọc trai baroque mà thần tượng của tôi đã đeo trong một concert vào tháng trước. Tôi đã đăng trong vòng bạn bè và muốn có chiếc giống thế, nhưng tôi không cam lòng mua nó.

 Không ngờ, Chu Tư Hằng đã nhìn thấy và mua nó cho tôi!

 “Có chuyện gì đã xảy ra với anh vậy?”

 “Vậy thì em đưa tiền cho mẹ anh là có ý gì? Em định rời đi sau khi trả hết nợ à?”

 Tôi cầm sợi dây chuyền trong tay và nói: “Không. Em chỉ muốn dọn ra ngoài thôi. Anh về rồi, ở nhà không tiện … Hơn nữa em nên đưa.”

Chu Tư Hằng nhìn tôi một lúc lâu, đứng dậy đi tới gần tôi, “Không có gì không tiện cả, đã nhiều năm như vậy, trừ phi … trong lòng của em thay đổi.”

Anh vừa nói vừa cầm sợi dây chuyền đi vòng ra phía sau đeo vào cho tôi một cách từ tốn, “Em muốn làm gì cũng được, anh sẽ không bao giờ ngăn cản, chỉ đừng làm mẹ đau lòng quá. Em cũng đừng dùng  tiền bạc để bản thân cảm thấy thanh thản. Em nợ gia đình anh cả đời này cũng không trả hết được. “

2.

Mặc dù những gì Chu Tư Hằng nói không dễ nghe, nhưng đúng là sự thật.

Tôi ở nhà Chu Tư Hằng từ năm 11 tuổi, bố Chu, mẹ Chu lo cho tôi ăn uống, tạo điều kiện cho tôi đi học, cho tới bây giờ chưa từng bạc đãi tôi, thậm chí còn cưng chiều hơn cả Chu Tư Hằng.

Ngoài việc lương thiện, tôi biết, bọn họ muốn tôi làm con dâu nuôi từ nhỏ của Chu Tư Hằng.

Tai trái của Chu Tư Hằng bị khuyết tật bẩm sinh, bề ngoài thì bình thường nhưng lại không có thính giác, sau này đeo ốc tai nhân tạo đã khá hơn rất nhiều.  Nhưng từ trước đến nay nó vẫn luôn là cái gai trong lòng cha mẹ, chung quy vẫn sợ anh bị coi thường, về sau khó lấy vợ.

Bản thân tôi cho rằng họ đang buồn lo vô cớ, ngoại hình Chu Tư Hằng xuất chúng, trình độ học vấn cao, ở nơi nhỏ bé như này rất được coi trọng, thật sự không đến mức phải cô độc suốt đời.

Cứ coi như không lấy được vợ, đó nhất định cũng là vì bản tính xấu xa của anh.

Có lẽ anh ấy đã bị khiếm khuyết về tai từ khi còn nhỏ, nên Chu Tư Hằng rất tự ti và nhạy cảm, anh ấy im lặng và ngoan ngoãn trước mặt bố mẹ, nhưng ở trường thì hoàn toàn khác.

Lầm lì, còn hơi ngang ngược, anh luôn dùng nắm đấm để chống lại sự cười nhạo và ức hiếp. Dù cho bị đánh sưng mặt sưng mũi, nhưng ít nhất trong lòng được thoải mái.

Tôi vẫn luôn hâm mộ anh ấy, ngay từ lần gặp đầu tiên đã bắt đầu.

Khi đó, tôi vừa mới chuyển đến thành phố nhỏ này với mẹ, để tránh người bố nghiện cờ bạc và bạo lực gia đình.

Ông ta là một người tồi tệ, tôi có rất ít ký ức về ông ta, hầu hết đều tràn ngập mùi rượu và tiếng la hét cáu kỉnh. Cộng thêm tiếng đập phá đồ đạc và tiếng khóc đau thương của mẹ, đó là cả tuổi thơ của tôi.

Đồng ý ly hôn với mẹ tôi có lẽ là chút lương tâm cuối cùng của ông ta.

Mẹ tôi rốt cuộc cũng chạy thoát khỏi những tháng ngày đó, đưa tôi đến đây để thuê tạm một ngôi nhà nhỏ ở cùng khu với gia đình Chu Tư Hằng.

Đồ dùng trong nhà đều đã cũ, ngay cả không khí cũng mang mùi ẩm mốc, nhưng nó đã tạo nên một cuộc sống mới cho chúng tôi. 

Lúc đó, tôi không biết việc bố mẹ ly hôn có ý nghĩa gì, càng không biết cuộc sống sau này đối với mẹ tôi sẽ nhiều khó khăn hơn, chỉ là sự vui mừng đơn thuần, cuối cùng tôi cũng có thể tránh xa những giọng nói kinh khủng đó. 

Mẹ đã tốn rất nhiều công sức để đưa tôi vào học ở trường tiểu học gần đó, nhưng tôi học không tốt. 

Vì cặp sách của tôi bị hỏng và chưa mua cái mới, giọng nói của tôi từ nơi khác rất nặng, và mẹ tôi đã không đi họp phụ huynh do bận làm việc…

Cái kiểu quẫn bách này, lộ ra sự lạc lõng trong phạm vi riêng của những đứa trẻ, mới đến hay hiềm khích đều sẽ trở thành cớ cho sự chán ghét. Từ đó sinh ra “thú vui” chọc ghẹo, bắt nạt.

Thế là, cặp sách của tôi ngày càng rách hơn, đi vệ sinh giữa các tiết quay về, sẽ luôn có thêm hai dấu chân nữa; các bạn trong lớp cũng bắt đầu bắt chước giọng nói của tôi và cười ầm lên; còn không biết thấy được phiếu đăng ký tình trạng lúc nhập học của tôi ở đâu, cột bố bỏ trống, vì vậy có thêm một lý do khác để chế nhạo.

Ác ý của những đứa trẻ luôn hung hãn,  mà tôi chỉ có thể yếu đuối và né tránh. Bởi vì bố, tôi luôn sợ hãi tiếng hét to hay động tay động chân, luôn cảm thấy rằng tiếng khóc của mẹ tôi sẽ vang lên trong một giây tiếp theo. Vì vậy, trước sự nhục mạ và bắt nạt của người khác, tôi chỉ biết cúi đầu, thu mình lại, cầu mong bọn họ mệt rồi thì sẽ kết thúc nhanh một chút.

Có hôm tan học, cặp sách của tôi lại bị kéo rách dây đeo, chỉ có thể ôm vào ngực đi về, trong lòng nghĩ làm sao để giải thích với mẹ về lần thứ 5 tôi không chịu đựng được nữa trong nửa tháng qua.

Bất ngờ bị người phía sau đụng phải, cặp sách rơi trên mặt đất, sách vở tung tóe khắp nơi, bị bạn nam đuổi theo đánh nhau đá ngổn ngang. 

Tôi cuống cuồng ngồi xổm xuống nhặt thì có người ngã đập vào người, khi đứng dậy còn dẫm lên tay tôi, đó là Chu Tư Hằng.

Anh ấy lấy một địch ba, sống chết không nhận thua, sau đó bị người lớn đi qua đường kéo ra, trên mặt bốn người đều đổ máu.

Tôi ngồi bệt xuống đất, sợ sệt nhìn anh, không hiểu sao lại nhớ đến câu cửa miệng bố tôi thường nói, người ác thì không nói nhiều.

Đằng này, ngay từ đầu tôi đã rất sợ Chu Tư Hằng.

Trên người anh luôn có sự hung ác bất chấp tất cả, dù là tự tổn thương mình 800 cũng phải đả thương đối thủ 1000.

Trước khi Chu Tư Hằng rời đi liếc mắt nhìn tôi, nhỏ giọng nói xin lỗi. Tôi không dám đáp lại, xách cặp đi về.

Gần tới cổng tiểu khu, anh quay đầu lại và trừng mắt nhìn tôi, “Em cứ đi theo anh làm gì?”

Tôi rụt cổ lại và chỉ ra phía sau anh, “Nhà em ở đây.”

Anh ngạc nhiên trong nháy mắt, nghiêng người để tôi đi vào trước, sau đó không nhanh không chậm đi theo sau, thấy tôi gõ cửa nhà ở tầng một ba phút không có ai ra mở cửa.

“Em học lớp nào, bỏ nhà ra đi còn làm chuyện xấu?”

Tôi không để ý đến anh, lấy sách vở ra ngồi ở cầu thang chuẩn bị làm bài tập, mở sách ra thấy đã bị giẫm bẩn, mà thủ phạm vẫn còn đứng trước mặt tôi chất vấn.

Tôi bỗng nhiên cảm thấy tủi thân, thêm cả sự tức giận tích tụ suốt những ngày qua cùng nhau bộc phát, nằm bó gối khóc lóc om sòm.

Chu Tư Hằng gọi tôi mấy tiếng đều vô dụng, trực tiếp nắm lấy bím tóc của tôi vén lên.

“Được rồi, đừng khóc nữa, theo anh về nhà ăn cơm. Còn có sách, năm ngoái anh dùng vẫn còn đó, lấy tiền đền cho em.”

Sau này ngẫm lại, Chu Tư Hằng cũng rất không bình thường.

Từ nhỏ anh đã nhận được nhiều sự ác ý, đã không còn quan tâm tới giúp đỡ người khác.

Nhưng anh ấy sẵn sàng giúp đỡ tôi, vì lòng tốt hiếm có này mà tôi cũng quên đi nỗi sợ hãi trước đây của mình, cứ như vậy tôi theo anh ấy trở về nhà.

Mặc dù Chu Tư Hằng khăng khăng anh ấy làm vậy là vì ngại tôi khóc lóc phiền phức. Nhưng mẹ Chu cứ kiên trì cho rằng tôi chính là người đặc biệt đối với Chu Tư Hằng.

Là người định mệnh khiến anh chủ động mà không đề phòng.

(Còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *