“Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu đánh giá một con cá qua khả năng leo cây của nó thì nó sẽ sống suốt đời với niềm tin nó là kẻ đần độn.” -Albert Einstein-
Một câu chuyện ngụ ngôn về trường học loài vật được trích từ quyển sách Tuổi Trẻ Đáng Bao Nhiêu. Câu chuyện được cho là của tác giả George Reavis.
Truyện kể rằng một hôm, các loài thú vật quyết định rằng chúng phải làm gì đó thật vĩ đại để giải quyết các vấn đề mà thế giới đang đối mặt. Và thế là chúng mở ra một trường học.
Tất cả loài vật đã thông qua một chương trình giảng dạy bao gồm: leo cây, chạy, bơi và bay. Để việc quản lý chương trình được dễ dàng hơn, mọi loài vật đều phải tham gia tất cả các môn học.
Và rồi:
Con vịt rất xuất sắc trong môn bơi lội, thậm chí là còn giỏi hơn cả thầy giáo. Nhưng nó chỉ đủ điểm đậu trong môn bay và rất tệ trong môn chạy.
Vì vịt chạy rất chậm, nó phải ở lại trường sau giờ học và phải bỏ luôn cả bơi để luyện tập môn chạy. Việc này tiếp diễn cho đến khi màng chân của nó bị rách toạc khiến vịt chỉ đạt điểm trung bình trong môn bơi. Vì ở trường, điểm trung bình là chấp nhận được, nên chẳng ai lo lắng về điều đó trừ vịt. Con ngựa dẫn đầu lớp trong môn chạy, nhưng nó gặp khó khăn lớn vào những giờ học leo cây.
Sóc thì rất giỏi trong môn leo cây nhưng nó lại thất bại trong môn bay, khi thầy giáo yêu cầu phải bay từ dưới đất lên thay vì từ ngọn cây xuống. Nó bị chuột rút vì phải cố gắng quá sức và sau đó bị bốn điểm trong môn leo và điểm hai trong môn chạy.
Đại bàng là một đứa trẻ hư đốn và thường xuyên bị kỷ luật nặng nề. Trong giờ học leo trèo, nó vượt qua tất cả các học sinh khác và leo đến ngọn cây sớm nhất nhưng khăng khăng đòi sử dụng cách riêng của nó để đến đích chứ không phải dùng chân bám và leo từng bước như hướng dẫn.
Kết thúc năm học, bạn đoán xem con vật nào có tổng điểm cao nhất? Đó là lươn, một con vật hết sức kỳ dị. Dù chẳng học môn nào xuất sắc, nhưng nó có thể bơi, chạy leo và bay mỗi thứ một chút, nên nó đạt điểm trung bình môn cao nhất và trở thành thủ khoa.
Loài cây thảo nguyên phản đối hệ thống đào tạo này vì ban quản lý nhà trường từ chối thêm môn đào hang vào chương trình giảng dạy. Chúng quyết định không tham gia vào trường học và cho lũ con học việc ở chỗ của một con lửng. Những con cầy sau đó hợp tác với lũ chim và chuột túi, mở một trường học tư nhân, và đạt được thành công vang dội.
Qua câu chuyện trên thì chúng ta có thể thấy được mặt trái của nền giáo dục hiện giờ, không chỉ nhà trường mà các bậc phụ huynh cũng đánh giá đứa trẻ dựa trên độ tuổi, điểm số, một số môn học nhất định và bắt chúng phải giỏi toàn diện, cả xã hội lẫn tự nhiên, cả thể thao lẫn văn hoá mà dần quên đi mỗi cá nhân đều có điểm mạnh và điểm yếu cách phát triển của mỗi cá nhân là khác nhau. Nên cách giáo dục này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mỗi cá nhân, làm hạn chế tài năng, sự phát triển toàn diện của con người. Và sẽ tạo ra một thế giới chỉ toàn những cá nhân trung bình về mọi mặt mà không thật sự xuất sắc về một mặt.
Cũng chính cách giáo dục này đã dẫn đến việc so sánh bản thân với người khác, khi thành tích học tập không cao sẽ trở nên tự ti và hơn thế là khi chúng ta đang sống trong môi mà xung quanh đều có những hình ảnh chuẩn mực của người nổi tiếng.
Đọc xong bài viết này mình hy vọng các bạn sẽ ngưng việc so sánh bản thân mình, đừng tự ti vào điểm số, hãy nhận thức điểm mạnh của mình và tự tin về nó. Vì bạn hoàn toàn có thể tạo ra kết quả xuất sắc từ việc đó chỉ cần biết tạo cơ hội và tìm đúng môi trường.
Xin đừng phán xét đứa trẻ, đừng cho rằng nó ngốc mà hãy giúp nó tìm ra thứ nó có thể làm tốt nhất. Đừng để nó trở thành một con rùa không biết lối đi.