Trả lời câu hỏi này phần nào cũng đồng thời là giải mã hình ảnh đoàn tàu vậy.
1. Đoàn tàu là hoạt động sống cuối cùng của phố huyện. Tàu đến có làm khuâý động bầu không khí hoang vắng của phố huyện lên một chút. Phố huyện có bừng tỉnh giây lát trong một không khí ồn ào. Còn sau khi đoàn tàu đi khỏi, cả phố huyện sẽ thu mình trong bóng tối như một miền đất chết, như chưa từng có phố huyện trên đời. Chúng cố đợi là để được hoà vào nhịp sống sôi động hiếm hoi đó. Nghĩa là từ sâu trong hồn hai đứa trẻ có một sự chối bỏ, không chịu thoả hiệp với cuộc sống tẻ ngắt ở chốn này. Nghĩa là chúng thèm sống biết bao ! Nếu còn một đoàn tàu khác, hẳn chúng cũng sẽ cố đợi chờ thôi.
2. Đoàn tàu là niềm vui duy nhất trong ngày. Sớm bị cuộc sống cướp mất tuổi thơ, ném vào cuộc mưu sinh cùng với người lớn, nhưng chị em Liên vẫn cứ là “Hai đứa trẻ”, cái tên của tác phẩm nói với ta điều đó. Nghĩa là trong chúng vẫn còn nguyên những nhu cầu của trẻ con : nhu cầu vui. Trẻ con sống làm sao thiếu được những trò vui, trò chơi, đồ chơi. Nhưng ở phố huyện này biết tìm đâu ra. Những thứ ấy cũng thành đồ xa xỉ như phở của bác Siêu rồi. Chúng phải tự túc để bù vào thiếu hụt ấy. Thế là đoàn tàu trở thành niềm vui duy nhất của chúng. Với bé An, có thể nói, đoàn tàu đã thành một thứ đồ chơi. Chừng nào chưa được chơi cái trò nhìn đoàn tàu, chừng ấy chưa thể ngủ yên, chưa sống trọn vẹn một ngày. Đoàn tàu của thiên hạ trở thành đồ chơi hờ trong chốc lát của An. Chị em Liên muốn đến gần để được nhúng mình vào không khí đông vui, vào vùng sáng rực lấp lánh của đoàn tàu. Ngẫm ra thì đó chỉ là vui nhờ, vui ghé, vui lây thôi. Tội nghiệp !
3. Đoàn tàu là sứ giả của một cuộc sống khác. Vị sứ giả vừa mời gọi vừa lạnh lùng. Thạch Lam viết :”Con tàu đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn…”. Nó hoàn toàn tương phản với phố huyện. Vụt qua trời đêm của phố huyện như một vệt sao băng, đoàn tàu cho chúng biết : đâu đó bên ngoài phố huyện này vẫn có một thế giới khác, ở đó cuộc sống tươi vui hơn, sôi động hơn, đáng sống hơn. Trong chúng lại nhen lên những mơ tưởng. Chúng chưa kịp vui thì, cũng đúng như một vệt sao băng, đoàn tàu đã mất hút vào bóng tối, mang theo luôn vào bóng tối những mơ tưởng của Liên. Chạy đến từ Hà nội, chạy đến từ một tuổi thơ đã mất, đoàn tàu đã là một tia hồi quang cho chúng được nhìn lại tuổi thơ tươi vui trong chốc lát. An ủi thì ít, xót xa thì nhiều. Nhưng, cuộc sống phố huyện khác nào như cái ao tù vô hình đang muốn nhấn chìm cuộc sống của chị em Liên. Đoàn tàu với chúng cũng tựa hồ một cái phao tinh thần. Cố gắng chờ đợi là một nỗ lực (mơ hồ mà rõ rệt) của chị em Liên cố ngoi lên bám víu vào cái phao vừa nhỡn tiền vừa vu vơ ấy để khỏi bị chìm hẳn đi. Tiếc rằng, đoàn tàu cũng chỉ như một ảo ảnh thôi. Vả chăng, đoàn tàu hôm nay đã vừa kém đông lại vừa kém sáng đi nhiều rồi. Buồn lại thêm buồn !
Vậy đấy, việc hai đứa trẻ con ngồi đợi đoàn tàu, trong mắt người đời có lẽ chỉ là một việc bâng quơ không đâu, thậm chí vô nghĩa. Thế mà Thạch Lam lại đã thấy trong đó một ý nghĩa không đùa, thấy nó chứa đựng một khát khao không chỉ của hai đứa trẻ, không chỉ của phố huyện ấy, mà là của cả cái thế giới này : khao khát đổi đời. Thông điệp nhà văn muốn nói qua đó là : hãy cứu lấy những đứa trẻ, cứu lấy tương lai ! cần phải thay đổi cái thế giới tăm tôi này đi ! Hãy mang đến một cuộc sống khác xứng đáng với con người hơn, một cuộc sống mà con người có quyền sống trong hi vọng, chứ không phải đang tàn đi trong vô vọng thế kia. Đó là thông điệp của một tấm lòng được chuyển tải bằng một tài năng.
| Bài viết của thầy Chu Văn Sơn.
___
Hình ảnh: Hương Lê