Chủ đề 01: Nguồn gốc của người Việt Nam: Người Việt Nam từ đâu đến? Liệu các câu chuyện về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương có phải là sự thực?
(Lưu ý: Tất cả nội dung dưới đây là ý kiến chủ quan cá nhân của tác giả, với những kiến thức và hiểu biết có phần hạn chế. Bài tranh luận này cũng rất giản lược và tóm tắt, với mục đích chính chỉ để giúp người đọc có được những thông tin nền tảng và cơ bản nhất của các giả thuyết về nguồn gốc người Việt Nam. Người Việt Nam nêu trong bài viết là người Kinh, dân tộc chiếm đa số mà chưa xét tới các dân tộc thiểu số khác).
Nếu bạn là người Việt Nam, chắc bạn không ít lần tự hỏi, thực sự chúng ta là ai? Và tổ tiên của chúng ta từ đâu đến? Chúng ta từ phương Bắc xuống? Chúng ta tiến hóa từ một loài vượn người bản địa nào đó mà thành? Hay giống người trên mảnh đất hình chữ S này, được những người ngoài hành tinh đưa đến trên các đĩa bay và tàu vũ trụ sang chảnh và bóng loáng, hệt như cái sàn nhà mà tôi vừa lau dọn sau khi phạm những lỗi rất nghiêm trọng với người vợ hiền dịu?
Đối với tất cả những ai có hứng thú về lịch sử nước nhà, thì câu hỏi về nguồn gốc của người Việt Nam sẽ luôn gây được sự tò mò, quan tâm và cả tranh luận, cãi vã, chửi bới của bất kỳ một thanh niên chín chắn nào ngồi phía sau bàn phím.
Và trong toàn bộ các phần về lịch sử Việt Nam, phần về nguồn gốc tổ tiên lại rất mù mờ. Không biết sách giáo khoa thì thế nào, chứ rất nhiều sách về lịch sử Việt Nam hiện nay không đưa ra được CHÍNH KIẾN rõ ràng về nguồn gốc của người Việt Nam. Ngay cả các sách sử hiện đại, cũng chỉ viết về sự tích Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương (những thứ huyền sử), rồi lại liệt kê về những nền văn hóa cổ đại từ thời đồ đá, nhưng kết luận rõ ràng thì chẳng có, dù chỉ cần nêu dưới dạng giả thuyết. Đây là một thiếu sót theo tôi là khá nghiêm trọng của nền lịch sử nước nhà.
Vậy hôm nay xin mời các bạn cùng tôi thử tìm hiểu về nguồn gốc thực sự của người Việt Nam. Và vì đây là một bài viết theo kiểu “tếu táo”, được tổng hợp và trình bày bởi một nhà văn “amateur”, với các kiến thức lịch sử cóp nhặt trên internet và cảm hứng bất chợt sau khi đọc được một quyển sách tuyệt hay vừa được các nhà sách thuê bài review đăng đầy trên facebook. Thế nên những thứ được trình bày dưới đây sẽ ít có tính học thuật và nguồn dẫn chính thống. Thay vào đó tôi sẽ dùng nguồn wiki và google cho tiện, để sau đó còn có thời gian đi lau nhà cho vợ hoặc thay bỉm cho con. Nhưng tôi cũng cố gắng sử dụng những phương pháp suy luận thật sự logic, với khung nền là các học thuyết đã được công nhận rộng rãi bởi số đông học giả cũng như dư luận chính thống, để bài viết có giá trị nhất định.
Dông dài như vậy đủ rồi, giờ tới phần nội dung chính, vậy người Việt Nam từ đâu ra???
Từ trước đến nay đã có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của người Việt Nam. Một trong những quan điểm phổ biến nhất, xưa nhất, và có lẽ vẫn được mặc nhiên chấp nhận cho tới tận bây giờ, là “người Việt Nam từ phương Bắc xuống”. Chúng ta không phải người Trung Quốc, không phải người Hán, mà là một dân tộc lớn vốn sống ở phía Nam Trung Quốc, nhưng sau đó vì nhiều lý do di cư tới phương Nam và trở thành người Việt Nam như bây giờ. Thậm chí một số người còn đi xa hơn, khi gộp chung nhóm “Bách Việt” vào nhau và đều cho đó là người Việt Nam, sau đó còn lớn tiếng đòi lại “đất tổ” của chúng ta.
Thuyết này từ đâu mà có, xin thưa rằng từ những tài liệu lịch sử chính thống của ta còn sót lại từ thời phong kiến, mà tiêu biểu là “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”. Trong sách này, chương mở đầu là “Kỷ Hồng Bàng Thị” với những câu chuyện huyền sử về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Thần Nông, Đế Thích… Theo như ĐVSKTT, thì Kinh Dương Vương là con trai của vua phương Bắc Đế Minh, sau vua cha muốn truyền ngôi cho nhưng không nhận, nên vua cha mới cho làm vua phương Nam, cùng với ông anh Đế Nghi cai quản phương Bắc. “Phương Nam” mà Kinh Dương Vương làm vua, vẫn là vùng “hồ Động Đình”, nằm ở bên bờ phía Nam sông Dương Tử (còn được gọi là Trường Giang, đây là con sông rất quan trọng vì nó rất dài, cắt đôi Trung Quốc thành hai phần Nam, Bắc khá rõ ràng). Rồi Kinh Dương Vương lại sinh ra con trai là Lạc Long Quân. Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, từ trăm trứng đó mới có các Hùng Vương. Và tới thời Hùng Vương, thì các cụ rời đô về hẳn Phong Châu, nơi rất rất xa so với vùng “hồ Động Đình”. Chính từ những ghi chép này, mà rất nhiều người mặc nhiên cho rằng người Việt Nam ta từ phương Bắc xuống. Và thậm chí khi xưa lãnh thổ của chúng ta còn kéo tới tận chỗ hồ Động Đình ở phía Nam sông Dương Tử.
Vậy có thật nguồn gốc của người Việt Nam là từ hồ Động Đình, tít tận trên phía Bắc? Thuyết này nghe qua có vẻ hợp lý, nhưng các bạn nên nhớ huyền sử là huyền sử. Và tuy huyền sử cũng có phần nào “sự thật” chứa đựng trong nó, nhưng “một nửa sự thật, không bao giờ là sự thật”. Để giải thích vì sao nguồn gốc của người Việt Nam từ phương Bắc xuống là không hợp lý cho lắm, tôi sẽ trở lại vấn đề này ở cuối bài.
Chúng ta tìm đến thuyết tiếp theo, là người Việt Nam tiến hóa từ loài vượn người bản địa, qua bao năm cần cù lao động (giống như việc tôi chăm lau nhà cho vợ) mà trở nên thông minh hẳn ra, trở thành tổ tiên của người Việt Nam ngày nay. Thuyết này được xây dựng dựa trên học thuyết “Nguồn gốc đa vùng của người hiện đại”, tức là các dân tộc trên Thế Giới được hình thành nên từ nhiều giống người khác nhau, rải rác trên toàn bộ Thế Giới. Thuyết này được áp dụng ở Việt Nam, khi người ta tìm thấy những hiện vật khảo cổ của nền văn hóa Hòa Bình, một nền văn hóa cách nay tới 15.000 năm, trong thời đại đồ đá mới. Thuyết này cũng được nhiều nước, ví dụ như Trung Quốc, đưa ra khi họ tìm thấy người vượn Bắc Kinh.
Tuy nhiên, thuyết “nguồn gốc đa vùng của người hiện đại” hiện nay không được ưa chuộng, do thuyết “Out of Africa” tức là tất cả loài người đều có nguồn gốc từ giống homo sapiens ở Châu Phi, và sau đó di cư ra khắp Thế Giới được các ngành khoa học như khảo cổ học hiện đại, sinh học phân tử, phân tích mẫu gen… ủng hộ. Và thuyết “Out of Africa” cũng là lý thuyết về nguồn gốc loài người được chấp nhận rộng rãi nhất hiện nay, do kết quả của rất nhiều ngành khoa học khác nhau nghiên cứu về lịch sử và sinh học của con người đều phù hợp với nó.
Ồ, vậy là rốt cục chúng ta có nền móng vững chắc để dựng nhà rồi. Vì Việt Nam chỉ là một phần của Thế Giới, nên bất kỳ giả thuyết nào về sự hình thành con người hiện đại Việt Nam, cũng không thể tách rời giả thuyết về sự hình thành con người của Thế Giới.
Và trong bài này, để phân tích và tìm ra nguồn gốc của người Việt Nam, tôi sẽ dùng thuyết “Out of Africa” để giải thích cho nguồn gốc của loài người làm nền tảng. Vì thuyết này đã được cả cộng đồng Thế Giới công nhận rộng rãi, với rất nhiều bằng chứng do khoa học hiện đại tìm ra.
Và thật là đáng ngạc nhiên, theo thuyết “Out of Africa”, cũng như các bản đồ dựng lên về con đường di chuyển của giống Homo Sapiens đi khắp Thế Giới, thì người hiện đại đã tới Việt Nam và Đông Nam Á TRƯỚC, sau đó mới tới miền Nam Trung Quốc. Còn giống người ở phía Bắc Trung Quốc lại do một nhánh khác, di chuyển theo con đường khác rồi hình thành nên. Bản đồ di cư của loài người được vẽ nên từ thuyết “Out of Africa” đã hoàn toàn phủ định việc chúng ta có nguồn gốc từ phía Bắc rồi mới di cư tới phía Nam.
Theo thuyết “Out of Africa”, tổ tiên của chúng ta đã tới định cư ở Việt Nam trước, sau đó mới tới bờ Nam của sông Dương Tử. Và cái huyền sử về Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân kia, tuy vẫn có vài phần đúng, nhưng cái phần quan trọng nhất về thứ tự xuất hiện của các “nhân vật” và quan hệ của họ phải đảo lại một chút. Tức là đúng ra theo thuyết “Out of Africa”, thì Lạc Long Quân phải là bố của Kinh Dương Vương (chứ không phải ngược lại), và Kinh Dương Vương là người em của Hùng Vương. Trong khi anh cả được vua cha trao cho quyền cai quản phương Nam, thì người em Kinh Dương Vương lục tục kéo lên miền Nam Trung Quốc, ở chỗ hồ Động Đình. Ở đây Kinh Dương Vương gặp gỡ tay hàng xóm Đế Lai, con của Đế Thích. Về sau con cháu của Kinh Dương Vương bị con cháu của Đế Lai chiếm mất nhà và đồng hóa vào bể gen “người Hán”, còn con cháu của Hùng Vương thì vẫn ở lại phương Nam. Như vậy miền Nam Trung Quốc, nơi tộc Bách Việt sinh sống, chỉ là quê hương cũ của “người anh em” với người Việt Nam hiện đại chúng ta. Chứ tổ tiên chúng ta chưa bao giờ sống tại đó. Vì vậy to mồm đòi nơi đó lại từ tay Trung Quốc thì quả là vô lý.
Vậy thì thuyết “Out of Africa” giải thích thế nào về việc có rất nhiều giống người cổ, sống rất lâu rải rác ở các nơi trên Trái Đất. Điều này cũng đơn giản thôi, vì có rất nhiều “làn sóng di cư” từ nơi này sang nơi kia của cùng một giống người, thậm chí của nhiều giống người. Những người cổ đại sống trên vùng đất này, về sau lại bị các giống người hiện đại hơn, với các kỹ thuật tiên tiến hơn vào xâm chiếm và diệt vong, hoặc đồng hóa vào bể gen của họ. Điều này có thể thấy rõ trong thời hiện đại với việc người Châu Âu xâm chiếm toàn bộ Châu Mỹ. Giờ đây Châu Mỹ là của rất nhiều giống người khác nhau, với người da trắng làm chủ, chứ không còn là người Châu Mỹ bản địa đã sống từ hàng ngàn năm trước.
Đến đây chắc có một số bạn ít đọc lịch sử sẽ hỏi, tại sao cùng giống người Homo Sapiens mà các dân tộc trên Thế Giới lại khác nhau đến vậy. Xin thưa là do môi trường sống và khí hậu mà thôi. Cùng một giống cây trồng hoặc vật nuôi, khi được thuần hóa qua thời gian khác nhau, chúng cũng có hình dáng khác biệt hẳn so với tổ tiên. Con người cũng thế, qua hàng chục nghìn năm, sống ở những nơi khác nhau, chúng ta hình thành nên các giống người, dân tộc, quốc gia, tiếng nói khác biệt.
Và để chốt lại bài này, ta sẽ có được gì nào? Đó là theo học thuyết về loài người được công nhận rộng rãi nhất hiện nay là “Out of Africa”, thì người Việt Nam cũng giống như tất cả các giống người khác, có tổ tiên vô cùng xa xưa ở Châu Phi. Rồi người Châu Phi đó di cư tới Ân Độ, tới trung tâm Đông Nam Á rồi phát tán ra khắp nơi. Và những người ở miền Nam Trung Quốc, vốn cũng chính là những người Việt Nam di cư LÊN, chứ không phải người Việt Nam là người Nam Trung Quốc di cư XUỐNG.
Và vẫn còn một vấn đề thú vị nữa tôi muốn thảo luận, là nhận định rằng: “người Bách Việt với người Lạc Việt, tức tổ tiên của người Việt Nam chúng ta, là anh em gần, hoặc thậm chí là một giống người khác hẳn với người Hán phương Bắc”. Theo thiển ý của tôi, nhận định này vừa đúng vừa sai. Tuy những người Nam Trung Quốc là từ Việt Nam di cư lên. Nhưng trong hàng ngàn năm sống cạnh những người Bắc Trung Quốc, bọn họ đã có sự hòa nhập vào nhau, bằng hôn nhân, chiến tranh và cả thôn tính. Cho tới khi có tên gọi Bách Việt, thì người miền Nam Trung Quốc đã hứng chịu “Hán hóa” khá nhiều rồi. Có thể từ thời Văn Lang, người Bách Việt đó nửa giống người Hán, nửa giống người Việt. Còn cho tới tận ngày nay, bọn họ đã hoàn toàn là người Hán, người Trung Quốc cả rồi, với vài vết tích trong văn hóa có liên hệ rời rạc tới chúng ta mà thôi.
Tất nhiên, lịch sử không phải là phép tính toán học, hoặc công thức hóa học, hoặc các thử nghiệm vật lý có thể đúng một cách hoàn toàn và chính xác được. Nhưng nếu tiếp cận và nghiên cứu lịch sử theo đúng logic, đa chiều, và không để bị ảnh hưởng bởi những thiên kiến về dân tộc và chính trị, thì chúng ta cũng có thể tìm ra được sự thật một cách tương đối trong lịch sử.
Hoan nghênh mọi tranh luận bằng logic và kiến thức khoa học!
Vũ Phiên.