NGUỒN GỐC TẾT TRUNG THU

Người Trung Hoa cổ đại cho rằng Tết Trung Thu bắt nguồn từ thời Xuân-Thu. Có lẽ Trung thu được bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng Nam Trung Hoa và đồng bằng châu thổ sông Hồng của nước ta – một ngày lễ hội mừng thu hoạch khi nông dân được nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa.

Theo những điển tích cổ của người Trung Hoa thì ghi chép đầu tiên kể rằng: một vị tướng tên là Lưu Tú ở đời nhà Tây Hán, từ năm 206 trước Tây lịch tới năm 23 Tây lịch, trong lúc quân tình khốn quẫn đã cầu Thượng Đế giúp cho quân lính có đồ ăn để chờ quân tiếp viện. Sau khi cầu Thượng Đế, quân lính tìm được khoai môn và bưởi để ăn. Nhờ đó sau này Lưu Tú mới bình định được toàn quốc và lên làm vua tức là vua Quang Võ nhà Hậu Hán. Ngày mà Lưu Tú cầu được linh ứng là ngày rằm tháng tám. Từ đó nhà vua truyền lệnh cứ đến rằm tháng tám là làm lễ tạ trời đất và thưởng trăng bằng khoai môn và bưởi.

Tuy nhiên lại có nguồn khác cho rằng Tết Trung thu của Trung Quốc bắt đầu từ đời nhà Ðường.Theo truyền thuyết, vua Đường Minh Hoàng (713 – 741 Tây Lịch) có 1 người thiếp là Dương Quí Phi. Nàng là một trong tứ đại mỹ nhân làm nên giai thoại đất nước Trung Hoa bấy giờ. Cũng chính vì vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành mà bị triều thần cho rằng nàng mê hoặc nhà vua Đường Huyền Tông chìm đắm trong tửu sắc bỏ bê triều chính. Đường Huyền Tông buộc phải ban phát cho sủng phi của mình dải lụa trắng để củng cố triều đình trong niềm tiếc thương vô hạn. Năm đó, khi đang dạo chơi vườn Ngự Uyển vào đêm Rằm tháng 8 Âm lịch, nhà vua gặp đạo sĩ La Công Viễn (Diệu Pháp Thiện). Vị đạo sĩ này đã dùng phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chạm mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Tại đây, nhà vua được gặp lại nàng Dương Quý Phi. Sau khi về trần gian ông đặt ra tết trung thu để tưởng nhớ đến vị sủng phi của mình. Và hạ lệnh cho nhân gian phải treo đèn lồng vào ngày này.

Từ đó trở đi, tết trung thu không thể thiếu đi hình ảnh chiếc đèn lồng nhiều màu sắc sáng rực rỡ dưới ánh trăng vàng. Đối với người dân Trung Hoa, đèn lồng được treo trước cửa nhà và tượng trưng cho sự may mắn bình an.

Một số lại được làm thành dạng đèn hoa đăng, sau khi ghi những ước nguyện vào thì thả trôi bờ sông mang lời cầu nguyện đi xa.

1 số lại làm thành đèn Khổng Minh. Đèn Khổng Minh thường có kích thức lớn, dán giấy xung quanh và thắp nến ở giữa, sau khi viết ước nguyện lên đèn thì thả lên bầu trời. Trong ánh trăng vàng thì từng ngọn đèn được đồng loạt thả làm sáng rực cả một vùng trời, từng ngọn đèn tựa như những ngôi sao sáng lấp lánh gửi thời thỉnh cầu của con dân tới các vị thần linh.

Tục lệ ăn bánh nướng bánh dẻo trong ngày Tết Trung thu được cho là có liên quan đến cuộc nổi dậy chống lại sự thống trị của người Mông Cổ tại Trung nguyên vào thế kỷ 14. Quân khởi nghĩa Khăn Đỏ người Hán quân lên kế hoạch cho cuộc nổi loạn diễn ra vào ngày 15 tháng 8 âm lịch và nhét những mẩu giấy có ghi ngày khởi nghĩa vào trong nhân bánh và phát cho người dân để bí mật thông báo cho người dân về cuộc tổng tấn công. Cuộc nổi dậy thắng lợi và ngày Rằm tháng 8 trở thành một ngày trọng đại trong năm. Từ đó, chiếc bánh nướng Trung thu cùng chén trà, hũ rượu là bàn tiệc không thể thiếu vào những đêm trăng tròn tháng 8.

TẾT TRUNG THU Ở CÁC NƯỚC ĐỒNG VĂN KHÁC

Tết Trung thu ở Hàn Quốc

Ở Hàn Quốc, Tết Trung thu còn được gọi là lễ Chuseok (Lễ Tạ ơn). Đây là ngày lễ rất quan trọng với người Hàn Quốc, thậm chí, nó còn quan trọng hơn cả Tết âm lịch. Vào ngày này, những người con xa xứ sẽ quay trở lại mái ấm gia đình để hưởng niềm vui đoàn viên, tạ ơn tổ tiên, cầu cho mùa màng bội thu và cuộc sống no đủ. Vào ngày này, các gia đình Hàn Quốc sẽ cùng nhau làm và thưởng thức món bánh songpyeon (bánh gạo có hình trăng lưỡi liềm với ý nghĩa trăng khuyết nào đến đúng chu kỳ cũng sẽ lại tròn), rượu dongdongju hay rượu sindoju. 

Tết Trung thu tại Nhật Bản

Ngày Trung thu ở Nhật Bản còn được gọi là ngày Zyuyoga, gắn với phong tục cổ truyền Otsukimi (tạm hiểu là ngắm trăng vào ngày rằm giữa mùa thu). Vào ngày này, người dân đất nước mặt trời mọc thường tổ chức lễ hội ngắm trăng và cùng uống trà, thưởng thức bánh Dango (làm từ bột gạo, được nướng lên và phủ lên mặt vỏ một lớp đường mật). Trẻ em ở Nhật vào ngày này sẽ được tặng một chiếc lồng đèn cá chép, với mong muốn bé lớn lên sẽ dũng cảm và can đảm.

(Nguồn Tổng Hợp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *