Ponyo: Đôi khi tình yêu đáng giá vài con sóng

Hayao Miyazaki nói về bộ phim Ponyo: “Từ lâu tôi đã muốn làm một bộ phim với chủ đề biển cả, nhưng vẽ làm sao để sóng nhìn cho ra sóng lại là một điều rất khó khăn. Cho nên đến tận bây giờ tôi mới làm được điều đó. Tôi cũng nghĩ rằng chúng tôi đã rời xa trẻ em lâu quá rồi, đã đến lúc xưởng phim nên quay lại với các bé năm tuổi. Nhưng tôi không thể làm nên một tác phẩm giống như Totoro. Do đó cốt truyện của Ponyo trở nên phức tạp hơn một chút. Nếu muốn làm một bộ phim thiếu nhi thuần túy, bạn phải làm nó ngắn thôi. Làm phim quá dài cho trẻ em nhỏ là không nên. Nhưng tôi muốn Ponyo sâu sắc hơn một chút, vậy nên bộ phim này dài 101 phút.”

Có một điều đặc trưng trong các bộ phim thiếu nhi tiêu biểu của phương Tây, đó là hầu hết chúng được xây dựng nên trên nền tảng những logic của người lớn. Trong khi bộ phim được tạo ra để cho trẻ nhỏ xem, thì diễn biến bộ phim, sự phát triển của các nhân vật, những mối quan hệ nhân quả, hành động, tư duy của các nhân vật trong phim lại được sắp xếp theo cách mà người lớn cảm thấy hợp lý. Mô hình cấu trúc ba hồi, một người anh hùng chính diện chiến đấu với một nhân vật phản diện cùng với sự giúp đỡ của những nhân vật phụ đều đến từ lối làm phim này. Người lớn cố gắng xây dựng nên một câu chuyện và cố gắng giải thích hết tất cả những điều trong đó, điều này dẫn đến một hệ quả là bộ phim ra rạp, ngoài việc khiến trẻ em thích thú, thì trước đó nó phải khiến người lớn hài lòng.

Những bộ phim của xưởng phim Ghibli, đặc biệt là của đạo diễn Hayao Miyazaki lại không đi theo lối mòn đó. Những bộ phim của ông là tập hợp những chủ đề và cảm xúc mà trẻ nhỏ vô cùng thấu hiểu, để rồi chính những khán giả nhỏ tuổi đó mới là người giải thích cho người lớn xem phim, chứ không phải ngược lại. Có thể lấy ví dụ từ Spirited Away, chi tiết Yubaba yêu cầu Chihiro phải tìm ra bố mẹ ở trong đàn lợn, và Chihiro khẳng định chắc chắn là bố mẹ cô bé không ở đó. Người lớn có thể thấy chi tiết này khó hiểu, bởi vì họ đã quên những cảm xúc khi còn nhỏ, nhưng trẻ con thì không. Đám trẻ sẽ đưa ra một câu trả lời vô cùng hiển nhiên, đó là “Con sẽ luôn luôn nhận ra bố mẹ”. Hoặc một câu trả lời khác, chẳng hạn như bởi vì bà Yubaba đã hứa sẽ trả lại cả bố và mẹ, nhưng Chihiro lại chỉ được chọn một lần để tìm một người, vậy nên chắc chắn là không có ai ở đây cả. Hayao Miyazaki thành công trong lĩnh vực hoạt hình chính là vì điều đó, ông bỏ qua sự phóng chiếu cái nhìn của người lớn về thế giới, thay vào đó, ông đặt bản thân vào vai trò một đứa trẻ với những niềm tin và tư duy độc đáo mà chỉ trẻ con mới có. Tất cả những điều này thể hiện rõ ràng nhất thông qua Ponyo.

Tạm thời bỏ qua những giả thuyết đen tối ngoài việc hạ thấp giá trị của bộ phim thì chẳng làm được điều gì khác, trong bài viết này mình sẽ đi sâu hơn vào tình yêu và phép thuật ẩn giấu bên trong Ponyo.

– Tình yêu giữa Ponyo và Sosuke

Ở tuổi lên năm, bằng tuổi của Ponyo và Sosuke trong phim, trẻ nhỏ được dẫn dắt bởi bản năng và linh hồn của tụi nó. Trẻ nhỏ ở độ tuổi này làm theo những gì trái tim tụi nhỏ mách bảo một cách vô tư, không âu lo, không e ngại, dù cho những điều đấy sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào. Trong cái sự vô tư ấy, Ponyo có một đặc điểm khiến cho những chị gái lớn như chúng ta cũng sẽ phải ghen tỵ. Con bé không bị những định kiến áp đặt, không phải sống nghiêm trang, lễ độ, “con gái phải ra con gái”, thay vào đó, Ponyo sẵn sàng thể hiện tất cả những mong muốn của mình, như việc em muốn lên trên mặt biển, em yêu thịt giăm bông và em cũng yêu Sosuke.

Ponyo có rất nhiều chị em gái, nhưng không ai trong số đó có thể chia sẻ với Ponyo về những mong muốn của con bé, nhưng em không hề buồn bã về điều đó. Ponyo 5 tuổi, khác biệt, độc lập, tự tin, không sợ hãi, không cần một ai hỗ trợ, em ngoi lên mặt biển một mình. Nhân danh một tình yêu chẳng chút vụ lợi nào cả, Ponyo lần đầu tiên học được cách sử dụng phép thuật, dần dần hóa thành người, chạy ầm ầm trong cơn bão để hướng về người em yêu, dù thằng nhóc đó đang đứng cách em cả một vùng biển rộng lớn.

Ở chiều ngược lại là một Sosuke từ chối nỗi sợ hãi. Lần đầu tiên gặp Ponyo, thằng nhóc chẳng biết con cá nhỏ quỷ quái này là gì cả. Nhưng điều đấy không khiến nó ngừng yêu quý Ponyo. Sosuke sẽ hoảng hốt, sẽ buồn thiu chẳng muốn ăn gì khi Ponyo không còn ở trong cái xô màu xanh nữa. Sosuke cũng sẽ háo hức, chẳng hề e ngại cơn bão mà dừng lại để chào đón Ponyo. Dù rằng lúc đấy con bé đang chạy về phía thằng nhóc trong bộ dạng chưa phát triển hết, mắt thì lồi như mắt ếch, chân thì chạy lạch bạch như con gà. Sosuke tận mắt nhìn thấy Ponyo chạy ầm ầm trên sóng biển, nhưng điều đấy chẳng hề khiến nó ghét hay sợ hãi Ponyo cả, yêu là yêu thôi, không cần thêm một cảm xúc dư thừa nào cả.

Ngay cả khi lạc mất mẹ Lisa, với tư cách một thằng nhóc con mới chỉ 5 tuổi chẳng mấy khi phải xa mẹ, dù cho vô cùng buồn bã, Sosuke vẫn không bao giờ bỏ tay Ponyo ra. Thằng bé nắm tay con nhóc con cho đến giây phút cuối cùng. Và khi bố Fujimoto của Ponyo – một người lớn xuất hiện, Sosuke cũng không ngại chiến đấu để bảo vệ cho Ponyo, thậm chí là sẵn sàng đi cùng với người lớn lạ lùng đó nếu điều đó có thể giúp cho Ponyo. Điểm kết của những điều đó là lời hứa của Sosuke với mẹ Granmamare của Ponyo, dù cho Ponyo là một con cá vàng, là một con người, hay là cái sinh vật kỳ quái chân gà mắt ếch xuất hiện trong cơn bão, thì Sosuke vẫn luôn ở cạnh Ponyo.

Ponyo và Sosuke không hề cố gắng tạo ra sức mạnh cho nhau, hai đứa chỉ cần ở cạnh nhau, yêu thương nhau là sức mạnh đã xuất hiện rồi. Ponyo chỉ có thể hóa thành người khi Sosuke dành cho con bé một nụ hôn chân thành. Trái Đất sẽ được cứu, Ponyo cũng sẽ không biến thành bọt biển, nhưng muốn có được tất cả những điều đó, Sosuke phải hoàn toàn chấp nhận Ponyo.

Người lớn sẽ thấy tình yêu này có quá nhiều rủi ro và khó lòng chấp nhận, nhưng trẻ nhỏ thì khác, yêu là yêu thôi, cũng như miếng giăm bông, sao Ponyo yêu giăm bông thì được mà yêu Sosuke thì không được? Ponyo là hình ảnh rất nhiều cô gái hiện nay, lớn lên với quá nhiều kìm hãm, quá nhiều khó khăn khi cái gì cũng phải tự làm, nhưng chính điều đó khiến cho họ trở nên độc lập, tự mình tiến lên và giành lấy hạnh phúc.

– Tình yêu giữa bố mẹ và con cái

Sosuke ở cùng mẹ Lisa, còn ông bố thủy thủ thì chả mấy khi ở nhà. Nhưng điều đấy không có nghĩa là bố mẹ không thương Sosuke. Bố vẫn sẽ đi ngang qua nhà mỗi đêm để tranh thủ dùng mã morse nói chuyện từ xa với Sosuke và mẹ Lisa mấy câu, và bố sẽ dùng mọi cách để thể hiện rằng bố rất yêu Sosuke. Mặt khác, thông qua mối quan hệ giữa Sosuke và mẹ Lisa, Hayao Miyazaki đã cho người xem thấy thế giới mơ ước trong mắt trẻ con là như thế nào. Đó là một thế giới mà người lớn không được nghi ngờ tụi nhỏ. Đó là một thế giới mà phép thuật là có thật. Mẹ Lisa không nghi ngờ, cũng không gạt bỏ bất cứ điều gì mà Sosuke nói. Bão nổi lên, mặt trăng lại gần, đại dương che phủ mặt đất, cũng chỉ là như thế thôi. Chẳng có ai nghi ngờ hay đổ lỗi gì cả, họ tin tưởng những đứa con của mình.

Và mẹ Granmamare cũng vậy. Cô ấy biết chuyện Ponyo yêu một cậu bé loài người, cũng biết rằng nếu tình yêu đó không được đáp lại thì con bé sẽ hóa thành bọt biển. Nhưng Granmamare sẵn sàng đặt lòng tin. Tin vào con gái mình, và tin vào người mà con bé lựa chọn. Bố Fujimoto thì lại là một trường hợp hơi đặc biệt một tí, bởi ông ấy là một hình ảnh rất thật, rất người của nhiều ông bố khi nghe tin con gái có người yêu hoặc đi lấy chồng. Đối với bố Fujimoto, Ponyo dù bây giờ hay sau này thì vẫn còn bé lắm. Đối với bố Fujimoto, một Sosuke hay mười Sosuke thì cũng không đủ để ông ấy đặt niềm tin mà giao ra con gái mình. Fujimoto dựng nên một cái bong bóng khổng lồ để giấu đi những cô con gái bé bỏng và bảo vệ chúng trong đó, chẳng muốn ai cướp mất con gái mình đi cả.

Thoạt nhìn, ai cũng tưởng Fujimoto là một ông bố kiểm soát con cái mình. Nhưng thực tế không phải như vậy. Ông gọi tất cả các cô con gái bằng một cái tên chung là Brunhilde. Nhưng khi Ponyo bảo bố rằng con bé không thích cái tên đó, rằng con bé thích được gọi là Ponyo hơn, thì Fujimoto vẫn tôn trọng ý kiến đó. Bố Fujimoto bảo với mẹ Granmamare rằng “Ponyo còn quá nhỏ, và con bé yêu một thằng nhóc con, thế rồi thế giới loạn hết cả lên”. Thế giới trong lời của Fujimoto là thế giới nơi họ đang sống, và cũng chính là thế giới nội tâm của Fujimoto. Bởi vì con gái lớn lên và xa rời vòng tay ông ấy là một điều gì đó vô cùng đáng sợ.

Có thể phân tích việc mặt trăng bị kéo gần lại và nước biển dâng lên nhấn chìm thế giới như thế này. Người Nhật Bản dùng câu “Tsuki ga kirei desu ne” (Trăng đẹp quá nhỉ) như một lời tỏ tình, hình ảnh mặt trăng lại gần đại biểu cho tình yêu giữa Ponyo và Sosuke càng ngày càng lớn hơn, và điều đó đe dọa đến tâm hồn ông bố của Fujimoto. Bản thân ông ấy là biển cả, ông ấy lo sợ và nước dâng lên. Đó cũng chính là lý do khi Sosuke đảm bảo sẽ ở bên Ponyo cho dù có chuyện gì xảy ra, thì thế giới lại trở về như ban đầu, vì khi đó Fujimoto đã an tâm. Thế giới lâm vào tận thế không phải vì quyết định biến thành con người của Ponyo, mà là vì sự lo lắng của bố Fujimoto.

– Phép màu trong bộ phim

Trong thế giới của trẻ con, phép thuật là một điều rất dễ dàng chấp nhận. Nếu người lớn luôn thắc mắc phép thuật từ đâu mà có, thì trẻ con suy nghĩ rất đơn giản thôi, phép thuật là điều kỳ diệu, mà điều kỳ diệu thì luôn luôn tồn tại. Sosuke dễ dàng chấp nhận chuyện một con cá biết nói có thể chữa lành vết thương của mình, cũng chấp nhận việc con cá ấy biến thành một cô bé, rồi cô bé ấy lại là con của nữ thần biển cả. Tại sao lại không làm như vậy cơ chứ? Và cũng vì là trẻ con, nên tụi nhỏ yêu vô điều kiện. Người lớn sẽ e dè khi phải đối mặt với những người lạ, đám trẻ thì không. Ponyo và Sosuke sẵn sàng đưa bánh sandwich cho đôi vợ chồng trẻ và em bé mới gặp, những người lớn đó cũng sẵn sàng nhận lấy những thứ đó và để Ponyo chơi cùng em bé, ngay cả khi Ponyo thay đổi hình dạng để trêu chọc em bé thì họ cũng chẳng có phản ứng thái quá gì cả.

Trong thế giới của Ponyo, người lớn không nghi ngờ về những điều siêu nhiên. Họ không đặt câu hỏi khi thế giới sắp chìm vào tận thế, không tò mò về việc họ được chữa lành và có thể trò chuyện dưới nước. Cũng chẳng ai có cái phản ứng “Tất cả là tại Ponyo”. Thế giới tận thế thì thôi, mà khi thế giới trở lại bình thường thì cũng ok luôn. Chẳng ai thắc mắc cả, vì họ đều đã nhìn thấy những điều kỳ diệu. Ponyo có thể tràn đầy những điều vô lý, còn đầy những câu hỏi để ngỏ, nhưng tụi nhỏ xem phim sẽ chẳng buồn thắc mắc về những điều đấy, chúng chỉ thấy rằng, Ponyo được tạo nên từ ngôn ngữ của trẻ nhỏ, từ những điều mà bản năng chúng có thể hiểu thấu.

Và Ponyo, con bé đã học được cách dùng phép thuật, dù phép thuật chẳng phải lúc nào cũng đẹp đẽ. Phép thuật có thể khiến em biến thành nhóc con chân gà mắt ếch, phép thuật có thể khiến em mệt mỏi ủ rũ, phép thuật có thể khiến thế giới lâm vào tận thế. Nhưng khi dùng đến phép thuật, Ponyo chẳng hề bận tâm đến những điều này, vì con bé là một đứa trẻ, một đứa trẻ đang đi tìm hạnh phúc của chính mình. Em sẵn sàng ở lại một gia đình khiến em hạnh phúc cho dù đó không phải những người thân ruột thịt của em, một điều vô lý với người lớn nhưng chẳng là gì với trẻ con.

Cre: Tô Phương Thảo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *