HIỂU ĐÚNG VỀ BUÔNG BỎ

Trong bài học về buông bỏ, một người hỏi thiền sư Ajahn Chah rằng đôi lúc cũng phải có những thứ mình cần nắm giữ chứ. Thiền sư đáp rằng tất nhiên là có, nhưng nắm giữ bằng tay, chứ không phải bằng tâm. Như vậy, cái buông bỏ đích thực là cái TÂM BUÔNG BỎ chứ không phải là các hình thức buông bỏ bên ngoài. 

Một trong những nguyên nhân chính yếu khiến con người luôn bị phiền nhiễu và đau khổ chính là sự dính mắc, hay chấp ngã. Một câu chuyện đã qua mà tâm còn chưa thể quên hay còn lưu luyến, ấy là dính mắc. Dù có sống vinh hoa phú quý, ăn ngon mặc đẹp, nhà giàu xe sang, mà tâm vẫn chưa buông được mất mát và đau buồn cũ, thậm chí hạnh phúc và niềm vui xưa, thì cuộc sống hoàn toàn còn phiền nhiễu. 

Nhiều người, đặc biệt là người trẻ, khi tiếp nhận giáo lý buông bỏ đã không thực sự hiểu sâu sắc. Bỏ phố về quê đơn giản là cái buông bỏ bên ngoài, chứ chưa thể nói lên được đó có phải là buông bỏ tại tâm hay không. Nếu thân ở quê, mà tâm còn vọng động như sự bận rộn của một thành phố, thì ấy chưa phải là buông bỏ đích thực. Vì thế, ta chớ ca ngợi hay phê phán vội chuyện ai đó bỏ phố về quê. Đó đơn giản là một lựa chọn sống và cần được tôn trọng. Và không cần mất thời gian để cho thêm ý kiến cá nhân về điều đó. Đơn giản vậy thôi!

Cũng thế, khi một người xuất gia đi tu, người đó đã buông bỏ thế tục – buông về mặt hình thức, nhưng cái tâm đã buông bỏ hoàn toàn được hay chưa thì chưa thể biết được. Sự buông bỏ nào cũng cần luyện tập, thế nên mới gọi là đi tu (tu sửa, chỉnh sửa).

Thật thế, buông bỏ tại tâm là một thực hành không thực sự dễ dàng. Vì cái ngã của con người rất lớn lao và hầu hết chúng ta đều tin tưởng rằng mình có một bản ngã đích thực, đó là nguyên nhân dẫn đến sự dính mắc rất bền bỉ. Và thế, ta dễ vô thức bám chấp vào đó. Chẳng hạn, chúng ta luôn có một ý tưởng rất chắc chắn về sự sở hữu, rằng cái này là của mình, cái kia là của mình, đây là người yêu của mình, kia là người mẹ của mình… Rồi đến khi ta đánh mất họ, hay có một trải nghiệm chia lìa giữa đôi bên, chúng ta bị sự đổi thay ấy làm ta đau khổ. Có nhiều người chia sẻ với tôi rằng dù đã chia tay mối tình đầu cách đây khoảng hơn 10 năm nhưng nghĩ lại vẫn có sự nuối tiếc. Sự nuối tiếc đi kèm sự phiền muộn. Như vậy, cái chấp ngã đã tạo ra một hậu quả chẳng tốt đẹp gì cho đời sống tinh thần con người. 

Nền giáo dục mà chúng ta đang trải nghiệm rõ ràng luôn đề cao cái tôi cá nhân, chứ không phải là pháp vô ngã (tức không tồn tại một bản ngã chân thực như Đức Phật đã dạỵ). Chúng ta luôn bị cái bản ngã này điều khiển và kiểm soát. Bản ngã thúc đẩy ta thành công, và thế, khi thất bại, ta ê chề đau khổ. Bản ngã thúc đẩy ta phải tán chàng trai/cô gái kia bằng được, mà không được, thì ta lại đâm ra thất vọng,  thậm chí là quay ra căm thù ghét bỏ họ. Bản ngã khiến ta trở nên tham lam và mê say phán xét. Chính bản ngã này đã tạo ra rất nhiều rắc rối trong cuộc đời một con người, nhưng vì vô minh mà họ cứ thế để cho bản ngã ấy điều khiển và kiểm soát hết lần này đến lần khác.

Như vậy, giáo lý buông bỏ mà nhà Phật dạy ở đây, chính là buông cái bản ngã mà chúng ta nghĩ rằng nó tồn tại, để quay sang việc quán xét và thấu suốt rằng không có một cái ngã nào. Khi chấp nhận rằng không có bản ngã, chúng ta không còn sự sở hữu/luyến lưu. Vì thế, mọi chuyện đã qua, ta dễ dàng buông xả, giống như một cơn mưa rào tuôn ồ ạt khiến ta đạt một trạng thái vô cùng nhẹ nhõm và thanh thản. Vì không có bản ngã này nên chúng ta thấy rằng mọi chúng sinh là bình đẳng. Ta đối xử với một kẻ gây tội ác như kẻ làm việc thiện. Không phán xét, không ghét-yêu. 

Một trong những thực hành căn bản của tôi để buông bản ngã bao gồm ba điều. Thứ nhất là giữ 5 giới (không sát sinh – không trộm cắp – không nói dối – không rượu bia – không tà dâm), thứ nhì là thiền định, và thứ ba là thiền quán. Giữ giới rất quan trọng vì nó khiến tâm bạn được an định. Thiền định rất quan trọng, nó giúp bạn thiền quán tốt, từ đó mới có thể phát sinh trí tuệ. Giới – định – tuệ này tuy ba mà một. Không thể tách rời. 

Khi thực hành quán xét nội tâm, chúng ta nhận thấy rằng những cảm xúc và suy nghĩ bên trong là vô thường và không có một nền tảng vững chắc. Chúng khởi sinh rồi diệt đi. Nhưng chính vì việc tin tưởng rằng chúng có thật và rất thật, nên chúng ta lại càng dính mắc vào đó. 

Chẳng hạn, khi bạn gặp một người phụ nữ/đàn ông, và bạn nảy sinh tình cảm với họ. Tình cảm này rất mạnh mẽ và bạn tin tưởng rằng nó rất thật. Chính việc tin tưởng này khiến bạn bị dính mắc. Hay khi ai đó lạnh nhạt và quay lưng với bạn, bạn nghĩ ra biết bao viễn cảnh chuyện này chuyện kia, và nó diễn ra như thật và sinh động. Nhưng về bản chất, các cảm xúc, suy nghĩ, tưởng tượng… là không thực, là ảo tưởng, chúng vô thường, và cái đích thực/ chân thực chính là sự trống rỗng/rỗng không của tâm. Khi đạt đến một mức độ định – quán nào đó, bạn sẽ nhận thấy sự rỗng không này của tâm. Nhưng trước tiên, bạn cần nắm vững nền tảng lý thuyết này thật kỹ đã, rồi mới có thể thực hành tốt đẹp.

Nền tảng đức tin này là điều kiện quan trọng đầu tiên và xuyên suốt để mỗi lần rơi vào đau khổ và phiền não, ta chấp nhận rằng chuyện đã như vậy, để buông xả và không còn sở hữu nó trong tâm nữa. 

Mọi thứ, dù quý giá nhất trong cuộc đời này, thì đều không phải của ta, và hoàn toàn không phải của ta ngay cả khi ta thực sự có nó về mặt vật lý. Chồng/vợ/tri kỷ/nhà cửa/xe cộ/… hãy biết ơn và yêu thương vì sự xuất hiện của tất cả mọi điều ấy trong cuộc đời bạn, nhưng khi mất đi rồi, thì cái tâm không còn nắm giữ. Thậm chí, không nắm giữ hay dính mắc vào mọi điều này ngay cả khi có chúng ở đây. Đó mới là thái độ sống khôn ngoan dẫn đến một nội tâm vững chãi và an lạc.

Cách đây vài năm, khi mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, tôi không may bị móc túi mất đến gần 7 triệu đồng, số tiền mà tôi vừa thu được từ việc bán lại chiếc máy ảnh. Tôi không quá muộn phiền vì mất tiền mà buồn vì đã đánh mất bằng lái xe của người bạn. Một người cô là Phật tử biết chuyện liền nhắn với tôi rằng, tiền đó không phải của con, và cũng không phải của cha mẹ con dù cha mẹ đã cho con tiền mua máy ảnh. Còn về bằng lái xe, mất có thể đi làm lại, con còn nhân duyên với người bạn của mình. Giờ tôi hiểu cái “không phải của” mà cô ấy nhắc đến là gì, cũng như hai từ “nhân duyên” mà cô đề cập,…

Mọi thứ trong cuộc đời này đều sinh ra và diệt đi bởi duyên khởi. Duyên ở đây tức là sự phụ thuộc có tính nhân quả. Một người đến và đi trong cuộc đời ta là vì duyên. Hiểu mọi thứ xảy đến là do duyên, ta sẽ chẳng còn chấp vào một việc gì là thường hằng, là mãi mãi. Ta sẽ sống trong hiện tại và chỉ có hiện tại này mà thôi. 

Trang Ps 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *