Gần đây tôi đã chuyển đến Yorkshire Dales với chú chó cứu hộ của mình, Splash, sở dĩ có tên như vậy là vì tình yêu bất tận của nó với những vũng nước, và mùa hè vừa rồi chúng tôi đã đi bộ xuyên rừng vào cuối tuần. Cậu nhóc sẽ luôn lao mình về phía trước, bới tung lớp lá cây để tìm côn trùng hoặc mấy cành cây rơi xuống, trong khi tôi thì lượn lờ phía sau, chụp ảnh để chia sẻ với bạn bè trong thành phố. Chúng tôi đã từng đi ngang khu rừng đặc biệt này trước đây nhưng chưa bao giờ nhìn thấy cây du núi này. Tua tủa và lạnh lẽo, những nhánh cây vươn cao chót vót lên trên, xoắn lại như một bàn tay thối rữa. Chính Splash đã tìm thấy nó, khi tôi đuổi kịp, cậu nhóc đang đánh hơi quanh rễ cây, chiếc máy ảnh trên cổ tôi bỗng dưng nặng trĩu.
Cây du cao lớn và trông hơi lạc quẻ so với những cái cây xanh tốt xung quanh. Trên thân có nhiều vết xước và khi tiến lại gần, tôi mới nhận ra những vết đó là do con người tạo thành. Những cái tên đi kèm năm. Lou G + Paul, 1992. Niall and Lee, 1977. Mary K and Roy L, 1954. Ngón tay tôi lướt qua những cái tên tạo thành từ các vết khắc thô sơ với một cảm giác hoài niệm vay mượn. Tưởng tượng nhiều đôi trẻ qua các thế hệ đã gặp nhau tại những nơi tuyệt đẹp, những địa danh mà chính tôi còn chưa từng biết là có tồn tại. Rất nhiều tên, thời gian kéo dài hàng thập kỷ và cái lâu đời nhất mà tôi có thể tìm thấy giờ đã mờ nhạt, khó đọc tới nỗi gần như không nhìn rõ, cũng đã hơn trăm năm rồi. Hattie và Ira, 1883. Tôi cầm máy ảnh lên chụp xung quanh thân cây, trong khi Splash quanh quẩn dưới chân. Bỗng một vết cắt sâu phía đối diện khiến tôi chú ý và khi nhìn qua ống kính, trái tim tôi ngừng đập. Tôi buông máy xuống, nheo mắt nhìn những cái tên được khắc trên đó.
Loubella Fitzroy + John McC, 1984.
Đôi khi một ký ức, về một thời gian, một địa điểm hay một con người, cứa vào tâm trí ta một vết nứt, đi theo suốt cả cuộc đời, ta cũng chẳng bao giờ nhớ lại. Nhưng nó vẫn tồn tại ở đó, và tất cả những gì để nó hiện về đôi khi chỉ cần một hình ảnh quen thuộc, một cụm từ, hoặc một cái tên được khắc lên cây. Đây chính xác là cảm giác của tôi khi nhìn thấy hai cái tên ấy: cô Belle và John McClean – bạn trai của bà lúc đó, người đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi ở Canada vào đầu những năm tám mươi, khi tôi mới chỉ là một cậu bé.
Tôi chưa bao giờ thực sự biết tới Belle, lục lọi trong trí nhớ chỉ có thể thấy một khuôn mặt, nhưng nó có thuộc về bà ấy không hay chỉ là một sản phẩm do đầu óc tôi tạo nên thì tôi không dám chắc. Belle là em gái của bố tôi, “phía Canada của gia đình”. Bố đã gặp mẹ, người con gái miền biển, khi bà đang đi du lịch qua Bắc Mỹ vào những năm 1970, cuối cùng họ chuyển tới Anh, và cùng nhau xây dựng một gia đình. Điều khiến tôi cảm thấy mâu thuẫn là cây du, anh chị em của bố và mẹ tôi hiếm khi đến Anh. Theo những gì tôi biết thì Belle chưa bao giờ rời Toronto và bằng cách nào đó mà tên của cô đã được khắc lên một cái cây ở trung tâm của Dales. Điều này khiến tôi bị kích động một cách kỳ lạ. bố và mẹ đã chuyển từ Toronto tới London, nơi họ nuôi dưỡng anh chị em tôi. Có vẻ Belle đã tới thăm chúng tôi khi tôi mới ba tuổi, và tình cờ cô cũng ghé thăm nơi mà hiện tại tôi đang sống. Sự trùng hợp này thật đáng kinh ngạc. Tôi chạy nhanh về nhà, tắm cho Splash, và sau khi lau sạch vết bùn bắn lên nền gạch, tôi gọi cho mẹ và hỏi về điều đó.
“Ồ đã lâu rồi mới nghe thấy tên em ấy!” Mẹ nói khi nghe tôi kể về khám phá của mình. “Nhưng hẳn không thể là cô ấy được. Belle chưa bao giờ tới Anh mà. Lần duy nhất con và cô gặp nhau là khi chúng ta cùng nhau đón Giáng Sinh ở đó năm 1982? Hay 1981 nhỉ? Mẹ nhớ lúc ấy con mới chỉ 2 hay ba tuổi thôi. Giờ con bao nhiêu tuổi?”
Mẹ cứ chuyện trò luyên thuyên theo cách đó mãi, đã mấy lần tôi cố quay lại vấn đề chính lại bị bà gạt đi. Nhưng có thể có bao nhiêu Loubella Fitzroy, chứ đừng nói đến một người đã tán tỉnh ai đó tên là John McC? Tôi kết thúc cuộc gọi và bắt đầu xem lại những tấm ảnh đã chụp, lần nào cũng thế, tôi đều quay lại bức ảnh chụp tên của Belle. Tôi đã đợi đến tối muộn, theo thời gian tại Toronto, cho tới khi tôi chắc rằng bố đã đưa bà tôi đi ngủ và gọi cho ông ấy. Cuộc nói chuyện bắt đầu với những câu đùa thông thường, những câu hỏi về tình hình hiện tại thế nào, thời tiết ra sao và tới khi tôi kể về khám phá mới đây của mình. Đường dây bỗng dưng im bặt.
“Cái cây ở đâu?” Cuối cùng bố cũng lên tiếng.
Tôi kể với ông, hoặc tôi đã bắt đầu, nhưng trước khi tôi nói xong, bố đã ngắt lời.
“Chặt cái cây đó đi.”
“Gì cơ ạ? Con không thể chặt cây ở trong Rừng quốc gia đâu bố ơi.”
“Cứ chặt nó đi, ngay bây giờ.”
“Có gì không đúng sao? Cô Belle đã từng tới đây rồi đúng không? Đáng chú ý là cô ấy-“
“Họ chưa từng rời Toronto. Làm ơn chặt nó xuống đi con. Vì ta được không”, bố thúc giục, và tôi nhận ra được sự hoảng loạn lẫn trong giọng nói của ông.
Tôi hứa sẽ làm vậy ngay như bố đề nghị, và nhận thấy chủ đề này đã mang tới rắc rối thế nào, tôi quyết định không đẩy vấn đề đi xa hơn thế nữa. Tôi cúp máy và leo lên giường nhưng lại không ngủ được. Những suy nghĩ về cây du cứ lượn lờ trong tâm trí, về việc Belle và John khắc tên họ trên thân cây.
Đôi tình nhân trẻ với kết cục bi thảm, họ khắc tên mình vào lịch sử đúng vào năm mà cuộc đời họ bị tước đoạt.
Họ chưa bao giờ rời khỏi Toronto.
Những lời đó, cùng với giọng điệu đầy sợ hãi của bố tôi. Thế quái nào mà nó xảy ra được? Mỗi buổi tối, sau khi đã dắt Splash đi dạo, tôi lại vùi mình vào tìm hiểu. Tôi gọi cho các anh chị em mình. Chẳng ai biết, cũng chẳng ai quan tâm. Tôi cũng thử liên lạc với những người thân khác ở Canada thông qua facebook và tất cả đều nói rằng Belle chưa bao giờ rời khỏi đất nước này. Những điều bí ẩn cứ thế ám ảnh tôi mãi, tưởng như mọi thứ đã đi vào ngõ cụt thì tôi nhận được tin nhắn từ một người lạ.
Cậu đã tìm thấy cây du phải không?
Trái tim tôi đập loạn lên trong sự ngỡ ngàng. Ngay lập tức tôi chấp nhận tin nhắn chờ và ngó qua một lượt profile của người đó. Là một người phụ nữ lớn tuổi, Joy Martin, khoảng chừng 50 tuổi, là bạn chung của một người chị họ mà tôi đã liên lạc trước đây.
Đúng vậy. Tôi tìm thấy một cái cây với tên của cô tôi được khắc trên đó, cái cây ở trong khu rừng gần chỗ tôi sống.
Chờ đợi.
Chặt nó đi.
Tôi nhìn trân trối vào màn hình, sự mệt mỏi bủa vây, cứ như rơi vào cái lỗ thỏ chính bản thân tạo nên.
Ý cô là sao? Bố tôi cũng bảo tôi làm điều tương tự nhưng tôi không thể cứ thế đi và chặt cái cây đó được. Cô có quen Belle không?
Lại chờ đợi. Không hồi đáp. Sau ba mươi phút tải đi tải lại Messenger, Splash cùng với sợi xích ngậm lủng lẳng ở miệng tới làm phiền tôi bằng cách đứng đực ra ở cửa phòng làm việc. Việc đi dạo quanh làng cùng cậu nhóc cũng khiến tôi thoải mái hơn phần nào. Tôi không đi vào rừng. Chỉ nghĩ tới việc bước vào đó thôi cũng khiến tôi cảm thấy bất an. Khi trở về, tôi nhận được tin từ Joy.
Ta biết Belle. Hai đứa học chung cấp ba với nhau. John thì lớn hơn một chút. Bọn ta chưa bao giờ thích anh ấy quá nhiều cả. Ừ thì có một truyền thuyết đô thị, về một cái cây thỉnh thoảng mới xuất hiện. Rằng nếu cậu đi dạo với một chàng trai hoặc một cô gái và khắc tên của cậu vào cái cây, nó sẽ thử thách tình yêu của cậu. Nếu cả hai đều yêu người kia thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Nhưng nếu không phải như thế, cả hai sẽ đón nhận một cái chết khủng khiếp. Tất nhiên, bọn ta đều nghĩ nó thật vớ vẩn nhưng sau đó Belle tiếp tục và kể rằng họ đã tìm thấy cái cây đó. Chà, là một nhóm người với bản tính tò mò, cả lũ đã tới chỗ cái cây, ngay trên cánh đồng. Hai người họ khắc tên mình vào cái thứ chết tiệt này và sau đúng một tuần kể từ đó, họ đã chết. Một người lái xe say rượu đã đi sai làn trên đường cao tốc nếu ta nhớ không nhầm. Bọn ta quyết định quay trở lại chỗ cái cây, để vẽ một bức tranh tưởng nhớ cả hai, nhưng khi tất cả đến đó, nó đã biến mất. Không một dấu tích. Ta biết điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng kể từ đó nó cứ khiến ta phiền lòng mãi. Làm ơn hãy chặt nó đi.
Choáng váng. Cây cối không chỉ đơn giản là xuất hiện và biến mất, hơn thế nữa, nó đã cướp đi sinh mạng của các đôi tình nhân trẻ. Thật vô lý. Tôi cảm ơn Joy, và hứa rằng chắc chắn, tôi sẽ chặt nó xuống. Hình ảnh cây du cứ ám ảnh tôi, hằn sâu vào tâm trí và khiến sống lưng lạnh toát. Tôi tìm kiếm những cái tên trong mấy tấm ảnh mình đã chụp trên Google, không có gì nhiều, cho tới khi tìm tới “Mary K” và “Roy L”.
Một kết quả tìm kiếm xuất hiện từ một trong những trang web xưa cũ, với tin tức được lưu trữ về Mary Kilkenny và Roy Lanchbury, ở Cork, Ireland, cả hai đã chết trong một vụ cháy nhà năm 1954. Không, không thể là thật được. Nó không thể là sự thật được. Tiếp tục, tìm kiếm hết tên này đến tên khác và sau đó xuất hiện thêm nhiều câu chuyện về những cặp vợ chồng trẻ chết vì đuối nước, vì tự tử, là nạn nhân của các vụ giết người. Lúc này, tôi bắt đầu tìm kiếm “huyền thoại đô thị về cây du”, “truyền thuyết đô thị về cây”, bất cứ thứ gì có thể nghĩ tới. Cuối cùng, tôi tìm thấy liên kết đến một trang web Angelfire cũ, không còn tồn tại nữa. Tôi bèn dán liên kết đó vào Wayback Machine và tìm thấy một trang được lưu trữ từ cuối những năm 90.
Trang web này được trình bày cực kỳ thô thiển, thanh dưới cùng hiển thị “000127” khách truy cập. Tiêu đề, với phông chữ màu xanh lá sặc sỡ trên nền trời sao, mang nội dung “Cây tình nhân”. Chuyện kể về một cái cây ở New England, nơi các cặp vợ chồng trẻ khắc tên họ trên đó để thử sức bền của tình yêu. Một nhà văn giấu tên cho biết, cái cây được cho là bị ám bởi Hattie James, một cô gái trẻ đã yêu chàng trai cùng làng có tên Ira Newton. Hài cốt của Hattie được tìm thấy bên trong cái cây vào mùa đông năm 1883, ngay sau đó Ira bị xét xử và hành quyết vì tội giết người.
Hattie và Ira, 1883.
Tôi cầm lấy áo khoác của mình và nhanh chóng đi vào rừng. Tôi lạc lõng giữa không gian tối đen, gió thu cuốn những chiếc lá lơ lửng giữa không trung, xào xạc, như những cái tên thì thầm, thì thầm. Hattie, Ira, Belle. Vật lộn mãi mới tới được khoảng đất nơi có cây du. Cây du ở nơi này, tôi chắc chắn đấy, thế mà không còn gì cả. Không có rễ, thậm chí lỗ trên mặt đất cũng không luôn. Chỉ còn chút lá rụng và mấy cây dương xỉ. Ngay lập tức tôi chạy thẳng về nhà và mở máy tính xách tay lên, sự vụng về của tôi khiến Splash thức giấc, cậu nhóc bắt đầu sủa và nhảy nhót như thể đã đến giờ đi dạo.
“Không phải bây giờ, làm ơn đi, không phải bây giờ.”
Tôi mở những tấm ảnh lên. Cái cây vẫn đây, những cành uốn éo của nó giờ có vẻ khủng khiếp hơn lần cuối tôi nhìn thấy chúng. Và thân cây trơ trụi. Không có cái tên nào được khắc lên. Tôi chuyển qua, không thể tin được, sự kinh hoàng chiếm trọn lấy cơ thể, chỉ có những bức ảnh chụp cận cảnh vỏ cây mục nát. Tôi nhấp vào bức ảnh chụp có tên của Belle. Tên cô không có ở đó. Tôi ngồi trở lại ghế, tâm trạng rối bời. Và rồi nó đập vào mắt tôi. Tôi cúi xuống gần hơn, làm sáng hình ảnh, tăng độ bão hòa, thử đủ các mức độ, nhưng nó vẫn quá tối, chỉ ngày càng mất nét. Thế nhưng tôi chắc chắn rằng ở đó, từ trong khoảng không bên rìa bức ảnh, là những ngón tay vươn ra từ bóng tối.
