Vào thời kháng chiến, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc phải đối mặt với vô số thảm họa như hạn hán khô cằn, chiến tranh tàn phá, lũ lụt liên miên, nạn đói xảy ra khắp nơi, do đó, rất nhiều người dân nơi đây đã phải chạy nạn sang các vùng khác dọc theo dòng sông Hoài như Nam Kinh, Thượng Hải, Hợp Phì,… tập trung chủ yếu tại cảng cửa Bắc, đê Bạch Thuỷ, họ dựng lều rồi an cư lập nghiệp ở đó.
Trong số đó, có một hộ gia đình họ Dưỡng, gồm một đôi vợ chồng trẻ, chung sống cùng người mẹ già. Mấy tháng đầu, nhà họ nhặt ve chai, dành dụm được chút tiền vốn, sau đó thuê người đúc một cái lò, bắt đầu bươn trải nghề bán bánh nướng bên ngoài thành phố.
Nướng bánh vốn là món nghề gia truyền, được ông cha để lại, thế nên mỗi mẻ bánh vừng họ cho ra lò đều có lớp vỏ tuy mỏng nhưng giòn. Cũng chính vì thế mà chẳng mấy chốc đã thu hút được không ít khách, thu về được khoản tiền kha khá.
Đầu năm ấy, họ thuê được một căn nhà mái ngói lớn ở phố Củng Thần trong thành phố và bắt đầu với cuộc sống kinh tế tạm coi là ổn định. Tuy rằng cuộc sống ngày một tốt lên, không còn khó khăn như thuở đầu, nhưng gia đình này lại gặp phải một câu chuyện vô cùng kỳ quái.
Người dân cư trú giữa khu vực sông Hoài và sông Trường Giang thường thích gọi dân tản cư đến từ phương Bắc là “Khoa Tử” (người nói giọng pha tiếng địa phương). Cũng bởi lẽ đó, người trong thành phố đến mua bánh đều gọi nhà họ là Dưỡng Khoa Tử.
Sự việc buồn cười ở chỗ, tuy rằng nhà này họ “Dưỡng” nhưng lại không “dưỡng” (nuôi) nổi con mình.
Sau khi dọn tới đây và ổn định cuộc sống, vợ Dưỡng Khoa Tử mang thai đủ tháng đủ ngày, sinh ra một bé trai trắng trẻo, khỏe mạnh, nặng hơn 3,5kg. Mọi người trong nhà ai cũng vui mừng, chăm nom kỹ lưỡng, nhưng chưa đầy tháng, thằng bé đã yểu mệnh mà chết.
Mẹ chồng luôn mong muốn có một đứa cháu để ẵm bồng, thế nhưng, sự việc đau buồn kia đã khiến bà sợ rằng đứa cháu tiếp theo cũng sẽ gặp phải điều bất trắc tương tự. Vậy nên, bà đã đưa con dâu đi khắp nơi để thăm khám, chữa bệnh, cầu Thần cầu Phật, uống tất cả các thứ thuốc trên đời, kể cả nước pha từ tàn hương của các bà đồng hay thầy cúng. Thế nhưng xui xẻo thay, vẫn không có gì thay đổi, đứa cháu thứ hai mới sinh ra chưa đầy tháng cũng ra đi theo anh nó.
Thấy con dâu lại mang thai một lần nữa, không còn cách nào khác, thế là bà liền dẫn cô ấy đến ngôi miếu Thanh Sát trong thành phố, nhờ Đạo trưởng ở đó làm giúp phép “dương tiếu” (phép của Đạo giáo nhằm diệt trừ tai hoạ).
Thanh Sát vốn là một cái miếu bỏ hoang. Tuy nhiên, vào mấy năm trước, có một vị đạo sĩ ở núi Long Hổ, tỉnh Giang Tây đã đến đây trú ngụ. Người trong và ngoài thành phố đều truyền tai nhau rằng, vị đạo sĩ này là người đã tu hành đắc đạo, nhưng vấn đề là, ông ta chỉ chuyên làm phép “phá địa ngục” (một loại phép khiến người chết tỉnh ngộ, bỏ hết chấp niệm, từ đó sẽ không phải chịu nỗi đau khổ chốn địa ngục) cho người đã khuất. Mặc dù có không ít hộ dân sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn nhưng ông chưa bao giờ nhận vẽ bùa hay trừ tà cho những người còn sống cả.
Tuy nhiên, bà mẹ chồng này lại nổi tiếng ghê gớm, đanh đá và nhiều trò.
Vừa bước chân vào miếu, bà ta đã dập đầu liên tục như gà mổ thóc, gào khóc thảm thiết mà nói: “Xin Đạo trưởng làm phép giúp con!”.
Mặc cho ông cố gắng đến mấy cũng không dìu bà ta đứng dậy nổi, nói qua nói lại khiến nhiều người hiếu kỳ, túm tụm vào xem. Thế nên, chẳng còn cách nào khác, ông đành mời bà vào trong nói chuyện.
Sau khi nghe xong ngọn ngành câu chuyện, Đạo trưởng liền hỏi cô con dâu: “Có phải hồi trước, khi còn ở Hà Nam, cô đã từng sinh một đứa rồi hay không?”
Cô con dâu nghe vậy liền sững sờ, ấp úng, lắp bắp không nói thành lời.
Vị Đạo trưởng vốn đã không muốn phá giải hay làm phép giúp những chuyện vớ vẩn linh tinh như vậy, giờ lại thêm cô con dâu không chịu nói ra sự thật, nên toan mời họ về. Thế nhưng, lúc này, bà mẹ chồng đã vội vàng ngắt, lời nói ra toàn bộ sự thật.
Hoá ra khi còn ở Hà Nam, cô con dâu đã từng sinh một đứa con, thế nhưng đứa bé chưa tròn một tuổi thì quê nhà gặp nạn. Lương thực mang theo trên đường chạy nạn cũng đã hết sạch, cả nhà lâm vào cảnh khốn cùng. Lương thực hết thì họ ăn cám, cám hết thì bóc vỏ cây sống qua ngày, thế nhưng, đến vỏ cây cũng hết thì chỉ còn nước nhịn đói. Niềm khao khát được sống của nhóm người chạy nạn này trào dâng điên cuồng đến mức lưu hành tệ nạn “ăn thịt người”.
Ban đầu mới dừng ở việc lén lút xén một chút thịt, thế nhưng về sau, khi thấy ai gục xuống, chỉ lả đi chưa chết hẳn, mọi người xung quanh đã xông lên tranh giành, xâu xé, xẻ người đó thành nhiều mảnh để chống cự qua cái đói, cái khát. Cuối cùng, đến cả thịt người cũng bị những kẻ có vũ khí thao túng. Chúng chia tách thành nam – nữ, già – trẻ, mới chết hay đã lâu để định giá.
Nhà họ Dưỡng có cả già cả trẻ, không bị giết để bán thịt đã là may mắn lắm rồi, làm gì có chuyện được chia cho ăn.
Thịt người chết trở thành vật phẩm lũng đoạn, những đứa bé còn đang mặc tã cũng trở thành đối tượng để chúng xuống tay giết hại, bởi vậy, trong nhóm người tản cư cứ chốc chốc lại nghe thấy tiếng gào khóc của những đứa bé bị cướp khỏi tay mẹ.
Cả nhà họ đi được nửa đường, nhận thấy cảnh tượng tang thương, sắp gục xuống vì đói khát đang dần ập tới, cộng thêm việc đến cả hai bầu sữa căng đầy của người con dâu giờ đây cũng đã cạn kiệt, chẳng vắt ra nổi một giọt sữa nào nữa, nếu cứ tiếp tục như này, trước sau gì đứa trẻ cũng sẽ lìa đời, thế nên Dưỡng Khoa Tử bắt đầu nảy sinh ý đồ xấu. Nhưng cốt nhục mình sinh ra lại không nỡ ra tay giết chết, gia đình họ đành ngậm ngùi đổi con với một nhà khác, coi như đổi lấy “đồ ăn”. Vừa ăn vừa khóc vì day dứt trong lòng, thế nhưng, nhờ có thứ “đồ ăn” bằng cách đổi con này, mà một nhà ba người mới chống chọi thêm được 2 ngày, vượt qua sông Hoài, đến tới nơi đây để lập nghiệp.
Quả là một thảm kịch kinh hoàng!
Mẹ chồng vừa nói dứt câu, cô con dâu đã nghẹn ngào, khóc không thành tiếng. Đạo trưởng nghe hết câu chuyện, chỉ biết thở dài, nói: “Ăn thịt người sống là tội rất nặng. Tuy nhiên, dù gì cũng là do sinh tồn ép buộc nên mới phạm phải. Tuy khó trốn khỏi tội đồ, nhưng lại có thể hiểu được. Sau này, nhà các người phải chăm làm việc thiện để tiêu trừ nghiệp chướng, may ra mới khá lên được.”
Hai mẹ con vội vàng gật đầu nghe theo, lại hỏi thêm: “Vậy thì tại sao đứa cháu nào của con ra đời cũng chết non ạ?”
Đạo trưởng cười đáp: “Đứa trẻ đầu tiên bị người ta giết sống rồi ăn thịt, oan hồn không tiêu tán mà hóa thành ác quỷ. Những đứa trẻ chết yểu sau này đều là con tiểu quỷ đó đầu thai, tìm mấy người để đòi nợ.”
Hai mẹ con nghe xong vô cùng hoảng sợ, vội vàng hỏi Đạo trưởng: “Thầy có cách nào hoá giải giúp nhà chúng con không ạ?”
Đạo trưởng im lặng hồi lâu, chậm rãi đáp: “Cũng không phải là không có cách! Thế nhưng, 3 điều tôi nói sau đây, mấy người bắt buộc phải làm theo, không được sai sót!”
Hai mẹ con vừa nghe thấy có cách hoá giải, vội vàng gật đầu lia lịa.
Thấy hai người họ đã gật đầu đồng ý, vị Đạo trưởng mới tiếp tục nói: “Thứ nhất, phải xây một ngôi mộ cho đứa trẻ đầu tiên ở ngoài thành phố chỗ Cảng Đạo Sĩ, gần cầu Mông Thành Lộ. Thứ hai, nhận một đứa bé có quan hệ huyết thống với cả hai vợ chồng làm con thừa tự. Thứ ba, sau khi sinh được đứa con tiếp theo, phải tìm người mang họ Đinh, Tỏa, Lưu để nó nhận làm cha, mẹ nuôi.”
Hai mẹ con họ cố nhớ kỹ, vừa nghe vừa gật đầu liên tục.
Sau khi dặn dò xong xuôi, Đạo trưởng bắt đầu mở pháp khí, phá lệ mà trừ tà cho cô con dâu, sau đó vẽ cho họ một lá bùa, dặn cô mang về dán lên trên giường.
Nghe xong, hai mẹ con họ cúng dường cho Đạo trưởng chút tiền công đức, đồng thời hứa rằng, sau khi đứa bé đủ tháng sẽ quay lại miếu thắp hương, cúng kiếng lần nữa.
Về đến nhà, hai người họ làm theo lời dặn dò của Đạo trưởng. Trước tiên, xây một ngôi mộ cho đứa trẻ bỏ mạng trên đường tản cư ngày trước. Sau đó lùng sục khắp nơi để tìm nhà họ Đinh, Tỏa, Lưu ở trong và ngoài thành phố, ngày ngày xách giỏ bánh nướng, xin xỏ đủ đường mới có người chấp nhận làm cha nuôi.
Hai điều đầu tiên đều đã xong, hóa ra, tìm một đứa con thừa tự mới là việc khó nhất. Họ cứ tìm mãi, tìm mãi, nhưng vẫn không thấy đứa trẻ nào có quan hệ huyết thống với cả hai vợ chồng. Tìm được họ hàng nhà cô con dâu thì không dính líu gì tới Dưỡng Khoa Tử, quay sang họ hàng nhà Dưỡng Khoa Tử, lại không chút quan hệ huyết thống nào với cô con dâu. Suy nghĩ đủ đường cũng không biết phải làm sao, người mà cả hai cùng có quan hệ huyết thống, phần lớn đều đã chết đói trên đường chạy nạn rồi. Bụng của con dâu ngày một lớn, cả nhà họ đau đầu, sốt ruột khôn nguôi.
May thay, khi cái thai được 8 tháng, Dưỡng Khoa Tử nhớ ra một người họ hàng vốn đã chạy nạn đến Nam Kinh nhưng không làm ăn được gì nên đành sang Hợp Phì – nơi gia đình họ đang sinh sống. Ngày trước, chính mẹ anh đã làm mối em họ của cô con dâu cho người họ hàng này, vậy nên, vừa hay đều có quan hệ huyết thống thân cận với vợ chồng nhà họ Dưỡng.
Nghĩ vậy, bà mẹ chồng liền đích thân gói 7 đến 8 cái bánh nướng qua thăm cháu. Bà vừa đến nhà, chưa hàn huyên được mấy câu, đã vào thẳng vấn đề chính, ngỏ ý muốn xin con họ về nuôi. Vốn tưởng sẽ phải cầu cạnh đủ điều, ai dè không cần thuyết phục gì nhiều, cháu trai đã hào sảng đồng ý “tặng” con mình cho nhà họ Dưỡng.
7 cái bánh nướng đổi lấy một đứa trẻ ngoan ngoãn, không khóc nhè.
Bà mẹ chồng vui mừng dẫn nó về nhà, cả đoạn đường không ngừng khen ngợi: “Người nhà ta đều tốt bụng cả, không biết phải tích bao nhiêu công đức mới có thể sinh được đứa trẻ kháu khỉnh như này đây!”
Vậy là, xây mộ, nhận cha nuôi, nhận con thừa tự, tất cả đều đã được chuẩn bị kỹ càng, chỉ đợi em bé chào đời là xong xuôi.
Hai tháng sau, đứa trẻ ra đời, là một thằng nhóc khỏe mạnh, tròn trịa, phúc hậu. Cả nhà chăm sóc kỹ càng, bao bọc hết mức.
Vì e sợ gặp phải tình trạng như trước đây, cô con dâu luôn để đứa trẻ nằm trên giường, không cho ai bế đi.
Buổi tối mấy hôm trước ngày tổ chức tiệc đầy tháng, cô con dâu đi ngủ không may chuyển người, đè lên con. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy kiểm tra thì thằng bé đã tắt thở từ lâu. n hận cùng nỗi đau hòa làm một khiến con dâu tuôn trào nước mắt, khóc lóc thảm thiết.
Rõ ràng đã làm theo lời căn dặn của ông Đạo trưởng, thế nhưng vẫn chưa đầy tháng mà đứa trẻ này đã xảy ra chuyện như vậy, mẹ của Dưỡng Khoa Tử vô cùng tức giận, lập tức đuổi đứa trẻ mới nhận nuôi hôm trước đi, ngày nào cũng ra ngã tư đông người gây chuyện, cầm muôi và bát gõ liên hồi, mắng lão đạo sĩ là kẻ lừa đảo, chửi miếu Thanh Sát là nơi buôn bán mại dâm, tụ tập cờ bạc,…
Ngày xưa, khi đèn điện vẫn còn chưa phổ biến, đèn dầu thì lại tốn kém không nỡ dùng, đêm đến mọi người không có việc gì giải trí, nên thường xuyên làm chuyện ân ái để trôi qua đêm dài đằng đẵng. Hơn nữa, thời đó không có biện pháp tránh thai, chính vì vậy, chỉ hơn một năm sau, cô con dâu nhà họ Dưỡng lại mang bầu một lần nữa. Mẹ chồng nghe người ngoài đồn đại với nhau rằng, có một vị “thần tiên” biết lên đồng viết chữ đến từ Hồ Bắc, vô cùng thần thông quảng đại.
Thế nên, mẹ Dưỡng Khoa Tử liền vội vàng dẫn con dâu đến tìm vị “thần tiên” Hồ Bắc kia.
Vị “thần tiên” đó vốn là một người “đi âm” (mời linh hồn về chốn âm thế).
Mỗi khi đến một địa điểm nào đó, ông ta sẽ làm phép, sau đó lên đồng, đóng vai Lữ Tổ, Ma Cô (nhân vật Đạo giáo, nữ thần dân gian trong tín ngưỡng Trung Quốc). Thế nhưng hắn cũng chỉ là một kẻ lừa đảo, chuyên đi “moi” những chuyện kỳ lạ xảy ra ở vùng nông thôn hắn đặt chân tới, như nhà ai có ma, con nhà ai mất hồn. Sau khi nắm rõ thông tin, liền đến nhà người xảy ra chuyện, rồi nói hết mọi thứ đã xảy ra, vờ như biết trước tiên cơ.
Trước khi hai mẹ con nhà họ Dưỡng tìm đến, từ sớm ông ta đã nắm rõ mọi chuyện. Bởi, cách đó ít lâu, ngày nào bà mẹ chồng chả chửi bới oang oang khắp xóm làng.
Khi nhà họ Dưỡng bước vào đến cổng, vừa mới nghe hai người họ nói mình họ “Dưỡng”, vị “thần tiên” Hồ Bắc đã vẩy cây phất trần, bảo họ im lặng. Sau đó ông ta nhắm hờ mắt, ra vẻ đang nghĩ ngợi, khiến hai mẹ con nhà họ Dưỡng ngây người. Để ý thấy cô con dâu cũng xinh xắn, ông ta liền nảy ra ý đồ xấu xa, lấy cớ tách mẹ chồng ra một bên. Sau đó “bắt mạch”, miệng không ngừng niệm gì đó, rồi sờ soạng người cô một lượt. Dù sợ nhưng cô con dâu cũng không dám phản kháng, chỉ đành để cho ông ta làm càn.
“Bắt mạch” chán chê, ông ta mới gọi bà mẹ chồng đến, vờ hỏi: “Tôi đã tìm ra nguyên nhân rồi, có phải cháu nhà bà đều chưa đầy tháng đã chết không?”
Nghe vậy, hai mẹ con họ vô cùng kinh ngạc, bởi bản thân vẫn chưa mở lời, mà “thần tiên” đã biết mục đích họ đến, nên vội vàng cúi lạy: “Thần tiên phù hộ! Thần tiên phù hộ!”
Lão “thần tiên” này cũng nắm được vài phép đạo thuật, thêm nữa lại biết câu chuyện họ đổi con lấy “thức ăn” trên đường chạy nạn. Thế nên, lão liền nghĩ cách trục lợi, sau đó mới định dạy phương pháp tiêu trừ nghiệp chứng cho hai mẹ con nhà kia.
“Trước mắt, tên tiểu quỷ đó không chịu đầu thai sang kiếp khác, năm lần bảy lượt đến đòi nợ nhà các người. Vì thế, bây giờ muốn trị được nó bắt buộc phải dùng biện pháp mạnh.”
Hai mẹ con vội vàng hỏi là biện pháp gì, lão ta liền đáp: “Giờ phải sinh tiếp một đứa bé nữa, thế nhưng, vừa sinh xong lập tức dùng dao cầu chặt thành hai nửa, chỉ như thế mới có thể chặt đứt hồn phách của tiểu quỷ. Còn thi thể nó, hãy gột rửa bằng máu chó đen, rồi cất vào tráp gỗ, đồng hồ điểm chính ngọ (12 giờ trưa) thì đem đi chôn cất ở miếu Thành Hoàng. Một khi làm như vậy, nhà bà mới có thể sinh thêm được tận 4 thằng nhóc khoẻ mạnh nữa, đứa nào đứa nấy sống lâu trăm tuổi!”
Mặc cho thủ đoạn vô cùng kinh tởm, hai mẹ con họ vẫn không cảm thấy rùng mình, biết cách hóa giải liền cảm ơn rối rít, còn cúng cho ông ta mấy chục tệ.
Mấy tháng sau, vợ Dương Khoa Tử thuận lợi sinh con. Đứa trẻ vừa ra đời, sau khi tiễn bà đỡ về, mẹ chồng liền vội vàng đóng cửa cài then, chạy đến phòng chứa củi để lấy dao cầu.
Còn vợ Dương Khoa Tử vừa sinh xong không nỡ rời xa đứa bé còn đỏ hỏn đang khóc đòi mẹ kia, nên cứ ôm chặt lấy không cho mẹ chồng ôm đi. Thế nhưng bà mẹ chồng vô nhân tính, ngu muội bị ông thầy dắt mũi vẫn tức giận đẩy con dâu ra, ôm đứa trẻ đi mất.
Không màng đến tiếng khóc thảm thương của cả hai, bà ta đem đứa trẻ về phòng mình, cắn răng cắn lợi nhắm mắt, chặt nó thành hai nửa đứt rời. Tim, gan, dạ dày cùng vô số nội tạng của đứa trẻ rơi đầy xuống đất, cảnh tượng vô cùng khủng khiếp!
Không còn nghe thấy tiếng khóc, cô con dâu biết chắc con mình đã chết, nên càng gào thét thương tâm hơn.
Bà mẹ chồng lúc này dù có nghe thấy tiếng khóc thảm thương cũng chẳng thèm tỉnh ngộ, tay và người vẫn còn dính đầy máu tươi nhưng cũng không thèm rửa đi, vội vàng chạy ra vườn nhà bắt con chó đen vốn rất ngoan ngoãn nhà mình, chặt một nhát dứt khoát, cắt đứt cổ nó. Dòng máu đen tím chảy xuống, hòa vào thi thể đứa trẻ.
Làm theo lời dặn của lão “thần tiên” Hồ Bắc, bà ta đặt thi thể vào tráp gỗ, sau đó dán bùa vẽ hình quỷ được lão tiên cho, cuối cùng mua chuộc một người làm tại miếu Thành Hoàng, đem tráp gỗ chôn vào trong sân.
Tuy rằng không thấy bóng dáng đứa trẻ mới sinh nhà họ Dưỡng đâu, nhưng mọi người xung quanh cũng chẳng hỏi thăm gì nhiều, bởi ai nấy đều biết, trước nay trẻ con nhà họ Dưỡng toàn chết yểu. Chỉ lạ rằng, bình thường nhà họ hay bán thịt kho để kẹp vào ăn chung với bánh nướng, nhưng mấy hôm nay, bỗng lại bán mấy cân thịt chó vẫn còn cả da.
Trong một năm ấy, cô con dâu đau khổ, không thể chấp nhận sự thật về những đứa con đã mất, nên dần trở nên lạnh nhạt, không muốn ân ái cùng Dương Khoa Tử. Thấy vợ như vậy, Dương Khoa Tử cũng không làm được gì, đành chia giường ngủ.
Dù con trai chiều ý con dâu, nhưng mẹ chồng thì nhất quyết không chịu.
Đầu tiên, bà ta đi khuyên nhủ con dâu, thế nhưng cô con dâu lại chẳng nói năng gì, cả ngày chỉ khóc lóc ỉ ôi. Thế nên bà ta lại ra đầu làng nhiếc móc, mắng con trai bất hiếu, khiến nhà bà đoạn tổ tuyệt tông, lại chửi con dâu đòi ngủ riêng với chồng, chắc chắn có gian tình bên ngoài.
Hai vợ chồng thấy vậy, không còn cách nào khác, đành đồng ý với yêu cầu của mẹ, chỉ có như vậy mới đưa được bà về nhà.
Suốt mấy tháng trời, hai người đều thuận theo ý muốn của bà ta. Ngay cả khi vợ chồng “hành sự”, bà ta cũng ngồi một bên trơ mắt ra nhìn, đây chắc hẳn là việc kỳ lạ, mấy nghìn năm mới có một lần.
Không đến một năm sau, liền một lúc, cô con dâu đã thật sự sinh bốn, bốn đứa trẻ đều thuận lợi ra đời, khỏe mạnh trưởng thành, đúng như lời lão “thần tiên” kia dự đoán.
Và cũng từ khi ấy, mỗi khi rảnh rỗi, bà mẹ chồng lại ẵm cháu đến miếu Thanh Sát ngày xưa, rồi nói mấy lời khó nghe với vị Đạo trưởng: “Úi giời ơi! Có người bảo nhà bà không có phúc phận nuôi con, con bà nó cứ đẻ đấy, đẻ một lần ra hẳn Tứ Đại Thiên Vương luôn này!”
Đạo trưởng là cao nhân tu hành có định lực thâm hậu, nên chẳng thèm để ý đến mấy lời cay độc của mụ ta.
Sau khi Trung Quốc được giải phóng, các miếu thờ ở Hợp Phì đều bị bỏ hoang, tăng ni đạo sĩ bị ép hoàn tục, Đạo trường từ nhỏ đã xuất gia, vậy nên không có nhà để về. Thôn xóm không còn cách nào khác, nên đã sắp xếp ông ở tại phòng thường trực trước cửa nhà văn hoá, trông xe đạp cho các cán bộ đến họp hành. Mỗi đợt hè đến, mấy người rảnh rỗi đều sẽ chạy đến chỗ ông, hỏi thăm chuyện nhà họ Dưỡng kia.
Đạo trưởng bị bám riết, hỏi han đủ điều, mà trông xe mãi cũng chán, nên đã kể lại toàn bộ câu chuyện nhà họ Dưỡng cho mọi người nghe:
“Đứa trẻ đầu tiên nhà họ Dưỡng sau khi chết liền hóa thành một con quỷ nhỏ. Cách tôi bày cho nhà họ, bước nào cũng thấu tình đạt lý. Tôi vẽ bùa cho họ để trấn áp tà khí của tên tiểu quỷ kia, ngay cả việc bảo nhà họ xây mộ cho đứa trẻ, cũng là để áp chế nó, đồng thời giúp đứa trẻ đầu tiên có nơi quay về, từ đó, dễ bề chuyển kiếp.
Tiếp theo đó, nhận con thừa tự là để che mắt tiểu quỷ, nó nhận thấy đứa trẻ nhận nuôi kia đều có quan hệ huyết thống với cả hai vợ chồng họ Dưỡng, sẽ tưởng lầm rằng kế hoạch trả thù của mình đi tong, vợ chồng họ Dưỡng đã thành công nuôi dạy một đứa trẻ nên người, vì vậy sẽ từ bỏ mà chấp nhận chuyển kiếp đầu thai.
Cuối cùng là nhận cha nuôi họ Đinh, Tỏa, Lưu. Mục đích là lấy ý nghĩa ẩn trong 3 họ đó để giữ lại mạng sống cho đứa trẻ mới chào đời. Đợi đến lúc nhà đó đến cảm tạ, tôi chỉ cần làm phép “phá địa ngục” cho oan hồn tiểu quỷ và đưa nó đi đầu thai là coi như thành công.”
Mọi người xung quanh ngồi nghe say sưa, hào hứng hỏi tại sao nhà họ Dưỡng đã làm theo cách ông bảo, nhưng cuối cùng đứa bé vẫn chết non.
Đạo trưởng cười nói: “Tôi bảo họ nhận con thừa tự, vốn là để che mắt con quỷ đòi nợ kia. Khi thấy cách mình bày không hiệu nghiệm, tôi đã đoán chắc rằng đứa con thừa tự họ nhận nuôi có vấn đề, có thể nó không phải… Vậy nên, mới không qua mắt được tiểu quỷ.”
Đạo trưởng nói đến đây liền cười, rồi chẳng nói gì thêm.
Khi đó, có một người cũng tản cư từ phương Bắc đến đây nhớ lại nói: “Trên đường chạy nạn, do quá đói nên hình như em họ của Dưỡng Khoa Tử đã “bán” vợ mấy lần.”
Người dân xung quanh hóng hớt, đồng loạt “ồ” lên một tiếng, nhìn nhau cười thầm, rồi lại tò mò hỏi tiếp: “Vậy sau này tại sao nhà họ lại sinh một lúc được tận 4 đứa con?”
Đạo trưởng thở dài đáp: “Chắc lão thầy cúng Hồ Bắc đó dùng tà phép để trấn áp tiểu quỷ, ép nó trả mạng cho bốn đứa trẻ bị nó làm hại trước đây để chúng đầu thai trở lại.”
Đạo trưởng tiếp tục nói: “Lão “thần tiên” người Hồ Bắc đó là một kẻ luyện tà pháp, tôi đoán ông ta đã bảo người nhà họ Dưỡng sát hại trẻ mới sinh, lại dùng tà pháp trấn áp được oan hồn tiểu quỷ nên mới thành. Cách này tuy có thể tạm thời trấn áp được quỷ con, nhưng không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Cho dù ông ta có dùng cách gì, hồn phách của tiểu quỷ rồi vẫn sẽ hồi phục, chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi. Hai lần họ tàn sát tiểu quỷ, không những không giải quyết được vấn đề, mà ngược lại, còn tạo thêm ân oán với nó. Đợi đến khi hồn phách của đứa trẻ bị chết oan đó hồi lại, nó sẽ nhập vào con cháu đang sống ở những đời tiếp theo của nhà họ, thủ đoạn đòi nợ sẽ ngày một kinh khủng hơn!”
Mấy người vây quanh chỉ coi đây là câu chuyện cười, không quá để tâm, thậm chí, có người còn trách mắng ông là kẻ mê tín, nhưng rồi sau đó lại rôm rả bàn về chuyện khác, mãi đến giờ đi ngủ mới giải tán về nhà.
Cuối năm 1967, có lẽ biết trước được có kiếp nạn kinh khủng sắp xảy ra, nên Đạo trưởng đã lau chùi, sắp xếp chìa khoá và thư kiện của phòng thường trực gọn gàng, sạch sẽ, sau đó quy tiên.
Mấy chục năm trôi qua, câu chuyện nhà họ Dưỡng và Đạo trưởng sớm đã bị thời gian vùi lấp, không mấy ai nhắc lại.
Mùa xuân năm 1980, khi Chính phủ cho trùng tu lại miếu Thành Hoàng, đội xây dựng đã đào được một cái tráp gỗ mục nát, bốc mùi tanh tưởi ở góc tường. Mấy ngày sau đó, tất cả những người đào đất đều ốm một trận li bì không biết nguyên nhân do đâu.
Mãi cho đến mấy năm trước, nhà họ Dưỡng lại một lần nữa khiến người đời chú ý đến. Cháu của Dưỡng Khoa Tử cùng một nhóm người khác mở công ty gom tiền bấp hợp pháp, dùng tiền lãi cao hàng tháng để thu hút đầu tư. Ba chú cháu cùng mấy anh em nhà họ đều thế chấp nhà để lấy tiền đưa cho anh ta, nhằm mong muốn ăn lời to đổi đời. Thế nhưng, năm ngoái, sau khi lừa được mấy chục triệu của họ hàng bạn bè thân quen, tên đó đã sa vào cờ bạc và phá sản, chạy trốn khắp nơi, đến giờ vẫn không một ai lần ra tung tích. Nhà họ Dưỡng khuynh gia bại sản, tan cửa nát nhà. Con trai út của Dưỡng Khoa Tử không gánh nổi khoản nợ lớn như vậy, đã uống thuốc độc tự tử. Sự việc này kinh động cả thành phố.
Thời thế thay đổi, mấy người tò mò hóng chuyện khi xưa hay bám theo Đạo trưởng hỏi chuyện, từ mấy thanh niên không tin vào thần quỷ, nay đã trở thành mấy ông già tuổi xế chiều. Nhà họ Dưỡng xảy ra chuyện như vậy, họ liền nhớ lại những lời ông Đạo trưởng nói khi xưa, ai nấy đều không khỏi lạnh toát sống lưng!
Lại có người biết chuyện tiết lộ rằng, đứa cháu lừa tiền rồi bỏ của chạy lấy người nhà họ Dưỡng đó, tên hồi nhỏ là Đông Sinh, hắn sinh vào mùa đông, năm 1980.
– HẾT –
Nguồn: Mũm