Rất nhiều đứa trẻ trong quá trình trưởng thành được người lớn vô tình hay cố ý dùng từ “ngoan” để đánh giá đứa trẻ đó tốt hay xấu. Ở trường, “cháu nó bình thường có nghe lời không?” là một trong những vấn đề được phụ huynh quan tâm nhất.
Ở nhà cũng luôn nói với con rằng con phải nghe lời, nghe lời thì sẽ thế nào, không nghe lời thì sẽ thế nào…. Phụ huynh gặp nhau nói chuyện con cái cũng sẽ khen lẫn nhau rằng con nhà anh chị thật ngoan, vv…
Trong lòng đứa trẻ lại biết rõ: Bản thân biểu hiện “ngoan”, người lớn sẽ vui vẻ, bản thân nghe lời người lớn, nhìn sắc mặt người lớn mà thuận theo, người lớn sẽ thích mình, khen mình “hiểu chuyện.”
Các bậc phụ huynh đều hy vọng con mình có thể nghe lời mình, sống theo ý mình. Những đứa trẻ ngoan ngoãn nghe lời, dựa theo khuôn phép sẽ luôn được thầy cô và gia đình tán dương.
Mà những đứa trẻ bướng bỉnh, nghịch ngợm, phản kháng thì luôn bị phê bình, trách phạt.
Để được người lớn yêu thích và tán dương, để không bị trách phạt và mắng mỏ, bọn trẻ dần học được cách gạt áp lực của mình sang một bên, cố gắng tỏ ra “ngoan ngoãn”.
Rất nhiều nhà phân tích, trị liệu tâm lý đưa ra kết luân:
- Những đứa trẻ hồi nhỏ càng tỏ ra ngoan ngoãn, hiểu chuyện, sau khi trưởng thành càng dễ gặp nhiều vấn đề tâm lý.
- Những đứa trẻ hồi nhỏ càng phản nghịch càng tự do, lớn lên tâm lý càng hoàn thiện hơn.
Một thời gian trước tôi ngồi xe lửa đường dài có ấn tượng vô cùng sâu sắc với một cô bé.
Cô bé khoảng mười một, mười hai tuổi, mẹ cô bé chừng gần bốn mươi. Cô bé còn có hai cậu em trai, một đứa tầm bảy tám tuổi, một đứa vừa mới biết đi. Cả chuyến đi phải ngồi khoảng hai mươi tiếng đồng hồ, mẹ cô bé mua hai vé giường nằm, một vé hạng trung và một vé hạng cao.
Người mẹ đi đôi guốc cao gần chục cm, mặc đồ vô cùng thời thượng, dẫn theo ba đứa trẻ ăn mặc cũng rất phong cách, kèm theo một rương hành lý to, hai cái ba lô lớn, tôi nhìn mà cũng thấy mệt. Tôi nói chị dẫn theo con sao không đi máy bay cho tiện, mẹ cô bé nói: “Đi máy bay đắt lắm, còn phải ký gửi hành lý, không sao, con bé lớn nhà tôi rất hiểu chuyện, có thể giúp tôi được.”
Cô bé kia đúng là rất hiểu chuyện, nói chuyện nhỏ nhẹ, suốt quá trình giúp mẹ mang hành lý, chăm sóc em trai. Đứa bé vừa mới biết đi kia thích chạy khắp nơi, thỉnh thoảng lại nắm tay chị gái chạy hết chỗ này đến chỗ khác, mẹ cô bé ở một bên bóc lựu cho cậu em bảy tám tuổi ăn, còn cô bé ôm lấy cậu em một tuổi ngồi bên cạnh, một lúc lâu sau mới cẩn thận dè dặt nói, mẹ ơi con cũng muốn ăn. Mẹ cô bé liền ném một nửa còn lại sang cho cô bé, bảo cô bé tự mình bóc.
Tới buổi tối, người mẹ nói mệt rồi, muốn đi nghỉ ngơi một lát, bảo cô bé chăm sóc em trai cho tốt. Sau đó cô bé ôm lấy cậu em trai một tuổi ngồi ở phía dưới, còn người mẹ và cậu em trai bảy tuổi thì đã ngủ say. Tới hơn một giờ đêm, tôi bị tiếng trẻ con khóc đánh thức mới biết được cô bé đó vẫn chưa ngủ. Nhân viên xe lửa gọi người mẹ dậy dỗ con, cô bé kia mới trèo lên trên nghỉ ngơi.
Toàn bộ hành trình người mẹ kia đều nói với những người xung quanh rằng con gái bà ấy vô cùng hiểu chuyện, vô cùng nghe lời, những người xung quanh cũng ra vẻ rất ngưỡng mộ. Nhưng tôi lại không cho là vậy, tôi cảm thấy cô bé đó thật đáng thương.