MỘT TÌNH YÊU ĐỒNG GIỚI SAI THỜI ĐẠI
Phim lấy bối cảnh năm 1987 khi thiết quân luật được bãi bỏ, xã hội Đài Loan chuyển đổi theo hướng tự do hơn về ngôn luận và báo chí. Như mọi người đều biết thì không chỉ ở Đài Loan mà ở trên cả thế giới ở thời bấy giờ, tình yêu đồng giới vẫn bị coi là một thứ gì đó khác thường và nó đi ngược lại với thứ mà người ta coi là “lẽ tự nhiên của sinh học”.
Trương Gia Hán và Vương Bách Đức là hai người bạn thân với hai tính cách trái ngược nhau, một người với sự bốc đồng và một người lại mang chút vẻ nhẹ nhàng.
Ở bộ phim này, chúng ta không thấy cách họ thể hiện tình yêu cho nhau quá rõ ràng, nhưng lại cảm nhận được hoàn toàn những cảm xúc mà cả hai người dành cho nhau. Họ nhìn nhau một cách đầy trìu mến, họ ở bên nhau đầy ấm áp và rồi quan tâm nhau từng chút một. Rồi đến một thời điểm nào đó, khi cả hai thậm chí không cần khẽ cất lên một lời tỏ tình nào đó để khẳng định tình cảm của mình, thì cả Gia Hán và Bách Đức đều hiểu rằng giữa hai người đang là tình yêu. Họ biết đó là yêu, nhưng họ cũng biết rằng đó là điều cấm kị ở thời đại bấy giờ. Họ giấu nhẹm từng cảm xúc của mình và bộc lộ chúng qua ánh mắt, qua từng câu nói trách cứ nhau.
Hai người đã từng cãi nhau, thậm chí là đánh nhau vì họ không thể nào có đủ can đảm bộc lộ lòng mình. Họ không có đủ can đảm để đem thứ tình cảm đó chống lại với gia đình và với định kiến xã hội. Rồi họ bỏ lỡ nhau, bỏ lỡ người mà họ hết lòng yêu thương. Từng cuộc điện thoại giữa hai người reo lên, họ đau khổ và day dứt khi phải rời xa nhau, họ muốn được ở bên nhau nhưng lại hoàn toàn không thể, họ thể hiện tình yêu của mình qua cả những giọt nước mắt ứa tràn lăn trên má. Và họ rời xa nhau, họ khẽ cất tình cảm mãnh liệt của mình vào một góc nào đó thật sâu trong trái tim. Họ đem cất chúng cùng những thương tổn trong lòng, về khát khao yêu và được yêu một cách trọn vẹn.
Và rồi 30 năm về sau, hời đại dần đổi thay và tình yêu đồng giới dần được chấp nhận trên thế giới. Khi đó, Đài Loan cũng trở thành khu vực đầu tiên ở Châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Ở đó, Gia Hán và Bách Đức gặp lại nhau, đầy bâng khuâng và hoài niệm. Hai người bạn cũ ấy nhìn nhau, nhớ lại từng giây phút bên nhau thời bấy giờ. Họ đứng cạnh nhau và giờ đây sẵn sàng thú nhận rằng “thật ra lúc đó tôi đã rất yêu cậu” – lời tỏ tình mà họ đã bỏ lỡ từ thời trẻ nhiệt huyết của mình. Họ nhớ về những ngày tháng ở bên nhau, chỉ hai người. Họ biết rằng họ đã rất hạnh phúc, và họ cũng đã rất dũng cảm khi quyết định rời đi.
Một người đàn ông đã ly hôn vợ, một người thì vẫn còn độc thân, và họ tự hỏi rằng nếu ngày ấy hai người ở bên nhau, thì có phải tất cả đều được hạnh phúc không? Và một cái “nếu” lớn lao hơn, đó là nếu họ yêu nhau ở thời khắc này đây, mọi người sẽ chấp thuận và ủng hộ họ phải không, họ sẽ được nói lời tỏ tình ban nãy ra một cách thoải mái phải không?
Đối với mình, cái kết của “Your name engraved herein” là một cái kết day dứt, và nó đọng lại trong lòng người xem những nuối tiếc và đau lòng. Đau lòng vì tình cảm quá đỗi đẹp đẽ của tuổi trẻ ấy đã mãi không thể thành hiện thực. Tuy vậy, mình vẫn cho rằng đó lại là một cái kết trọn vẹn đối với Gia Hán và Bách Đức, vì họ chắc chắn sẽ còn đau khổ hơn nếu khi ấy họ công khai tình cảm của mình, ở cái thời mà định kiến xã hội có thể đè bẹp con người như vậy. Mình thấy vui, vì họ vẫn có thể thổ lộ tình cảm với nhau, dù có là muộn đi nữa. Và dù sao, ở một quãng tuổi trẻ đó, cả hai con người đã từng đem lòng yêu hết mình một ai đó.
Bên cạnh đó, nhạc phim của bộ phim này cũng là một điều mình đặc biệt ấn tượng, bởi nó day dứt như mang theo nỗi lòng của hai nhân vật chính hoà theo đó. Để rồi cho dù là bài ca đó cất lên ở tuổi trẻ hay là ở 30 năm sau đi nữa, thì khi nó vẫn khiến người đọc cảm thấy đau lòng và nuối tiếc, vì những kí ức đẹp đẽ đã qua, và vì một tình yêu hết mình chưa thể được trọn vẹn.
Và chúng ta sẽ khóc, không phải chỉ vì thấy day dứt cho câu chuyện của phim, mà là nhìn thấy hình ảnh của chính bản thân mình ở một phần tuổi trẻ nào đó, đã từng yêu hết mình và cũng kết thúc một mối tình đầy tiếc nuối như vậy.
Nguồn: Chốn nhỏ