HIỂU HƠN VỀ CÁC CHỨNG RỐI LOẠN ĂN UỐNG (EATING DISORDERS)

Có lẽ chúng ta đã đọc rất nhiều bài viết về body image, body positivity và các thông điệp mang ý nghĩa hãy yêu thương bản thân nhiều hơn. Nhưng, ta lại quên mất rằng thật khó để yêu 1 điều mà chúng ta không hiểu, và đó chính là cơ thể của chính mình. Khắp ngóc ngách trên mạng là vô vàn những hình ảnh xinh đẹp, trải chuốt của những người chúng ta thần tượng và ao ước 1 ngày nào đó mình cũng có thể trông giống như họ. Tuy nhiên không phải ai cũng đủ lí trí để nhận ra sự tinh vi của các phần mềm chỉnh sửa, mà từ đó chán ghét bản thân và tự đặt ra cho mình những tiêu chuẩn ăn uống rất gò bó, hà khắc để đạt được hình thể viễn tưởng kia. Từ đó, các fad diet nhất thời cũng như việc hiểu sai về nhu cầu dinh dưỡng của bản thân là tiền đề cho các chứng rối loạn ăn uống len lỏi vào cuộc sống mỗi ngày.

Trong các chứng rối loạn ăn uống phổ biển đầu tiên phải kể đến anorexia nervosa, hay còn gọi là chứng nhịn ăn. Những người bị ảnh hưởng bởi tâm lí này luôn cho rằng bản thân mình mập và làm mọi cách để ăn càng ít càng tốt. Họ bị ám ảnh bởi số cân nặng và tìm mọi cách để giữ bản thân luôn dưới 1 số kg nào đó. Đôi khi họ làm thế để có thể đạt được hình thể mà họ cho là chuẩn. Nhưng có những trường hợp chủ động nhịn ăn vì điều đó làm cho họ cảm thấy phê. 1 nghiên cứu khoa học ở Pháp đã chỉ ra mối tương quan giữa việc sử dụng thuốc ecstasy và việc giảm sự thèm ăn ở những người mắc chứng nhịn ăn này. Kết quả cho thấy hàm lượng CART, 1 liên kết ở não sản sinh ra serotonin, tăng đáng kể dẫn đến việc nhịn ăn thường xuyên được cho là hành vi tự thưởng bản thân để cảm thấy vui vẻ hệt như đang phê thuốc.

Chứng rối loạn thứ 2 là binge eating disorder, hoặc chứng ăn uống vô độ. Những người có tình trạng này thường rất thèm ăn và có thể ăn nhiều đến mức cơ thể cảm thấy đau đớn vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Binge có thể là kết quả của việc nhịn ăn lâu ngày dẫn đến cơn thèm ăn đột ngột, khi nếm được vị của thức ăn sẽ không thể dừng ăn được. Cũng có thể là 1 hành vi vô thức khi người ăn bị mất tập trung và không để ý đến việc cơ thể đã no và vẫn ăn tiếp. Họ cũng thường ăn rất nhanh và tìm cách giấu việc mình ăn vô độ với người khác vì lo lắng rằng họ sẽ bị đánh giá tiêu cực. Sau khi binge xong, đa số đều cảm thấy ghê tởm với bản thân và rất hối hận vì đã ăn quá nhiều như thế. Quá trình này xoáy sâu vào cảm giác có lỗi, trầm cảm vì bản thân không thể kiểm soát việc ăn uống và gây tăng cân nhanh chóng.

Chứng phổ biến thứ 3 chính là bulimia, là sự kết hợp của nhiều quá trình binge và thêm việc purge (chủ động làm bản thân ói). Khác với chứng binge nêu trên, bulimia tiến thêm 1 bước “giải quyết” vấn đề nữa đó là dùng cách làm cho bản thân ói hết đồ ăn ra. Họ nghĩ rằng làm thế sẽ khiến cho việc binge đỡ tội lỗi, và dấu hiệu dễ thấy nhất ở 1 người có chứng bulimia là đi vào toilet ngay sau khi ăn xong. Họ có tâm lí lo sợ rằng các chất dinh dưỡng sẽ bị cơ thể hấp thụ hết, nên dù có thưởng thức bữa ăn bao nhiêu thì ngay lập tức họ sẽ tìm cách ói để ngăn chặn việc đó bấy nhiêu. Điều này dẫn đến các vết trầy do thói quen móc họng gây nhiễm trùng và tổn thương đến men răng do dịch dạ dày thường xuyên trào ngược lên.

Hãy hiểu là cơ thể của chúng ta khác nhau, đều có những vẻ đẹp và nhu cầu sức khoẻ riêng biệt. Vì vậy, hãy hiểu rõ hơn về các thói quen ăn uống và hạn chế suy nghĩ tiêu cực về hình thể để duy trì 1 mối quan hệ lành mạnh hơn với đồ ăn và cơ thể của mình nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *