35 tuổi, Kim Bong Jin từ người chẳng ham thích đọc sách tìm đến “người bạn” này một cách muộn màng. Lúc đó anh không ngờ 10 năm sau mình lại được gọi với biệt danh “kẻ cuồng sách” vì đã đọc và chia sẻ về hàng nghìn cuốn sách.
9 phương pháp đọc sách dưới đây của nhà sáng lập Baemin nổi tiếng chắc chắn sẽ hữu ích với bạn, dù bạn là người thích sách hay kẻ thờ ơ với sách.
ĐỌC SÁCH LẤY “LƯỢNG”
Anh Kim Bong Jin bảo trước đây anh không thích đọc sách, anh còn thấy đọc sách chẳng có gì ngầu cả. Mãi đến khi anh khởi nghiệp và phải cạnh tranh với nhiều người giỏi giang, xuất thân từ những trường đại học danh giá, Kim Bong Jin nhận ra anh cần bồi đắp tri thức bằng cách đọc sách. Kim Bong Jin cũng thẳng thắn thừa nhận anh bắt đầu đọc sách ở tuổi 35 thì hơi muộn. Vậy phải làm sao để tăng số lượng đầu sách khi mình xuất phát chậm hơn nhiều người khác? Dưới đây là những cách mà Kim Bong Jin áp dụng:
Đăng những bài viết chia sẻ cảm nghĩ sau khi đọc sách lên mạng xã hội, cố gắng duy trì mỗi tuần một cuốn.
Bỏ đi quan niệm vốn có về sách: “Sáng đáng quý, rất trân trọng”. Vì khi bạn quá coi trọng sách, bạn sẽ thấy áp lực khi phải đọc sách một cách trọn vẹn và kỹ càng. Thay vì coi sách như một người thầy, hãy coi sách là một người bạn để mình trao đổi, thảo luận. Như vậy bạn sẽ đọc sách với tâm trạng thoải mái, dễ chịu hơn, từ đó tiếp thu tri thức trong sách một cách tự nhiên.
Không cần đọc sách theo trình tự từ A đến Z, ví dụ như sách self-help hoặc những cuốn có bố cục, nội dung na ná nhau. Mình nghĩ nên áp dụng phương pháp này khi vốn đọc của bạn có nền tảng chắc chắn.
Hãy để sách ở trong tầm tay để bạn dễ dàng đọc sách bất cứ lúc nào, ví dụ như để sách ở đầu giường, trên bàn ăn, bàn phòng khách,…
Hãy đặt hai cuốn sách ở trong ba lô. Bởi vì nếu bạn thấy chán cuốn này thì sẽ có cuốn khác thế chỗ, việc đọc sách vì thế mà không bị gián đoạn.
Đọc sách lúc rảnh. Vậy “lúc rảnh” là lúc nào? Là lúc bạn chuẩn bị đi ngủ, ngồi chờ bạn bè trong quán cà phê, chờ cuộc họp, giờ nghỉ trưa, v.v… Phương pháp này cần tập luyện nhiều để nó biến thành thói quen. Như vậy thay vì rảnh tay lướt mạng thì bạn sẽ ngồi đọc sách.
ĐỌC SÁCH LẤY “CHẤT”
Sau khi áp dụng những phương pháp đọc sách lấy “lượng” trong khoảng 3 tháng, bạn hãy tiếp tục áp dụng những phương pháp dưới đây để đọc sách lấy “chất”.
Đọc sách để làm mới suy nghĩ của mình
Những cuốn sách làm chúng ta thốt lên “wow, mình cũng nghĩ như vậy” sẽ mang lại sự đồng cảm, củng cố quan điểm của mình. Nhưng về lâu dài, chúng lại có hại. Bởi vì những cuốn sách đó sẽ biến mình thành “ếch ngồi đáy giếng”. Sau khi đọc xong một cuốn sách nào đó, bạn hãy tự hỏi “nó có cung cấp những tri thức mới, mở ra những suy nghĩ mới không?” nhé.
Đọc sách nặng về chuyên môn kết hợp những cuốn nhẹ nhàng
Phương pháp này vừa lấy lượng vừa lấy chất. Chỉ đọc một cuốn sách thì dễ chán và bỏ cuộc. Song, nếu bạn đọc cùng lúc 3-5 cuốn, cứ mỗi cuốn đọc khoảng 15 phút hoặc đọc xong một chương thì đổi sang cuốn khác, như vậy bạn sẽ thấy việc đọc sách không còn nhàm chán. Thêm vào đó, bạn sẽ tiếp thu kiến thức phong phú từ nhiều cuốn khác nhau. Học theo anh Kim Bong Jin sẽ là đọc một cuốn “nặng đô” kết hợp với mấy cuốn manga vui vẻ hài hước.
Đánh giá lại cuốn sách đó sau 6 tháng
Kim Bong Jin cho rằng chúng ta nên đánh giá lại một cuốn sách sau khi đọc xong khoảng 6 tháng. Bản thân mình cũng vậy, chỉ là không chính xác 6 tháng thôi.
Cứ lâu lâu mình lại mang một cuốn sách ra xem lại. Đa số là đọc lướt qua thôi và những lúc ấy mình chợt nhận ra mình từng quên kiến thức này hoặc là có một kiến giải mới về nó. Cái này gọi là “ôn cố tri tân”, nghĩa là xem lại cái cũ để biết thêm cái mới.
Cre: group Đại Học Đừng Học Đại