THẢM ÁN DIỆT MÔN – ÁC MA 19 TUỔI

9 giờ 10 phút ngày 6/3/1992, đồn cảnh sát Gyotoku thuộc Sở Cảnh sát Kanan, tỉnh Chiba nhận được một cuộc điện thoại báo án. Cuộc gọi đến từ một tạp chí ở thành phố Funabashi, báo án rằng: “Ngày hôm nay tổng biên tập không đi làm, tình huống từ tối qua đến hôm nay cũng rất kỳ lạ, các anh có thể đến nhà ông ấy xem thế nào không?”

Nhân viên cảnh sát nghe xong lập tức đi đến nhà của tổng biên tập ở gần nhà ga Gyotoku. Nhà của vị tổng biên tập đó nằm trên tầng 8 của một căn hộ ven biển với phong cảnh tuyệt đẹp và chỉ cách Tokyo Disneyland hai trạm dừng chân. Khi cảnh sát đến cửa thì họ họ bất ngờ nghe thấy giọng một người đàn ông hét lên từ trong nhà:

“Con đàn bà thối tha này, mày muốn chết sao? Muốn chết thì để tao giúp mày!”

Vì không muốn kinh động đến người trong nhà, cảnh sát đi từ phía ban công của phòng bên cạnh để rẽ vào sân thượng của phòng 806. Cảnh tượng trước mặt thật sự khiến người ta khó quên: Mấy thi thể nằm ngổn ngang trên sàn phòng khách, một gã đàn ông đang túm đầu một cô gái đập lên tường, tay kia thì cầm một con dao làm bếp dính đầy máu. Ở dưới chân bọn họ là một cô bé cả người đầy máu sắp tắt thở đang cố gắng giãy giụa…

4 nhân viên cảnh sát nhảy vào trong phòng, khống chế người đàn ông cả người đầy máu kia, cứu cô gái cả người toàn là vết thương, tinh thần hoảng hốt. Ở hiện trường, tổng cộng phát hiện 4 thi thể, có quan hệ với cô gái được cứu kia lần lượt là: bà nội 83 tuổi, người bố 42 tuổi, người mẹ 36 tuổi và em gái 4 tuổi.

Khi ấy, cô gái được cứu sống này 15 tuổi, mà tên hung thủ kia cũng mới 19 tuổi. Tên của hắn ta là Seki Teruhiko.

________________________

Phần 1: Thời niên thiếu đau thương – Nguồn gốc của ác ma

Seki Teruhiko sinh năm 1973 trong một gia đình lao động phổ thông ở thành phố Matsudo, tỉnh Chiba. Teruhiko thích thể dục từ nhỏ nên học bơi ngay từ khi mới biết đi. Năm 1980, ông ngoại của Teruhiko đột nhiên mắc bệnh nặng. Vì để thừa kế gia nghiệp của nhà vợ nên bố của Teruhiko đưa cả nhà anh ta chuyển tới khu Koto, Tokyo. Ở đây, với sự giúp đỡ của ông ngoại Teruhiko, bọn họ mua một căn hộ, từ đó bắt đầu cuộc sống ở Tokyo.

Bởi vì có những khoản tiền tự bay đến cửa này nên cuộc sống của gia đình Teruhiko cũng trở nên xa hoa hơn. Bố anh ta mua xe sang, đồ đắt tiền, hơn nữa còn trở thành con nghiện cờ bạc. Vì vậy nên ông ta không hề quan tâm đến công ty gia đình, việc kinh doanh của công ty ngày càng sa sút. Nhìn cơ nghiệp một tay bố mình dựng lên lại bị chồng thờ ơ như vậy, mẹ Teruhiko vừa tức giận vừa lo lắng, nhưng bà ta cũng không có cách nào, bởi vì trong xã hội Nhật Bản lúc bấy giờ, phụ nữ thừa kế sự nghiệp gia đình là một chuyện vô cùng hiếm thấy.

Quan hệ giữa 2 vợ chồng bọn họ ngày càng xấu đi. Theo lời kể của Teruhiko, anh ta từng nhìn thấy bố mình ấn đầu mẹ mình vào trong bồn tắm đầy nước rất nhiều lần. Mà dưới quan hệ vợ chồng không ra gì như vậy, bố anh ta cũng coi anh ta là nơi trút giận, rất hay giận chó đánh mèo mà bắt anh đứng phạt ở ngoài hoặc là tự dưng đánh anh ta không vì lý do gì. Người mẹ bị bạo hành cũng thường trút những đau khổ của mình lên người anh ta, nhiều khi tự dưng tát anh ta. Thời gian vui vẻ nhất của anh ta là 2 ngày cuối tuần tới nhà ông bà ngoại chơi.

Việc kinh doanh của ông ngoại Teruhiko là mở các nhà hàng chế biến các món liên quan đến cá chình. Khi mới bắt đầu chỉ là một tiệm cơm nhỏ, sau vài thập kỷ liều mạng gây dựng đã phát triển thành một hệ thống lớn có doanh thu 6500 vạn tệ (khoảng 228 tỷ VNĐ) một năm. Ban đầu ông ngoại rất tin tưởng bố anh ta, nhưng vì những hành động đó mà ông cũng không thể yên tâm rằng người con rể này có thể trở thành người nối nghiệp mình, cho nên mặc dù ông bà ngoại rất thích Teruhiko nhưng lại gần như đoạn tuyệt quan hệ với bố anh ta.

Ước chừng giằng co như vậy hơn một năm, mẹ Teruhiko cuối cùng cũng không thể chịu đựng bị bố anh ta ngược đãi nữa nên mang theo hai đứa con về nhà mẹ đẻ. Bà nghĩ chồng mình sẽ hồi tâm chuyển ý, sẽ đến tìm 3 mẹ con nhưng đã qua một tháng mà ông ta cũng không hề đến xin lỗi. Bà không thể ngồi yên nữa nên nhờ người theo dõi hành động của chồng thì phát hiện ông ta sớm đã ra ngoài ở chung với một nhân viên quán bar, hiếm khi về nhà. Bà thất vọng chuyển ra khỏi nhà mẹ đẻ, thuê một phòng trọ vô cùng sơ sài ở khu bên cạnh, bắt đầu cuộc sống ba mẹ con nương tựa vào nhau.

Mặc dù lúc này ông bà ngoại rất muốn giúp mẹ con Teruhiko nhưng cũng gặp phải một đống chuyện phiền toái. Vì để lấy lòng cô gái trẻ kia, bố Teruhiko bán xe, lại rút một khoản tiền lớn của công ty, đồng thời còn bắt đầu đi vay nặng lãi. Nhưng vì tình hình kinh doanh của công ty không tốt nên không lâu sau ông ta cũng không còn nguồn tiền. Ông ta không thể tự mình trả được khoản nợ vay nặng lãi 650 vạn tệ (khoảng gần 23 tỉ VNĐ), thế nên xã hội đen thường xuyên đến nhà đòi nợ, cô gái trẻ kia cũng đoạn tuyệt quan hệ với ông ta. Rơi vào đường cùng nên ông ta đành phải gán một phần công ty cho bọn cho vay nặng lãi, hơn nữa còn cầu xin bọn chúng đến đòi nợ ở chỗ ông ngoại Teruhiko. Cứ như vậy, ông ngoại Teruhiko phải bỏ ra một số tiền rất lớn mới miễn cưỡng giúp con gái và cháu ngoại mình tránh được sự quấy rầy của xã hội đen.

Sau khi trải qua chuyện này, bố mẹ Teruhiko cuối cùng cũng quyết định ly hôn, song nhà anh ta cũng chỉ còn lại 4 bức tường. Nhà bọn họ nghèo đến mức anh ta lên lớp 4 nhưng trong nhà cũng không có bàn học, chỉ đành dựng hai hộp carton lên làm thành bàn. Bởi vì gia đình sa sút như vậy nên bạn bè xung quanh Teruhiko cũng ít hẳn đi. Mà đến lúc này anh ta mới hiểu ra vì bố mình nên gia đình vốn dĩ vô cùng hòa thuận mới trở thành tan nát, mầm móng oán hận người bố bén rễ trong lòng anh ta.

Đến khi Teruhiko lên lớp 5, bố anh ta muốn kết hôn lại với mẹ anh ta nên bắt đầu theo dõi, uy hiếp bà. Không còn cách nào khác, mẹ anh ta đành phải dẫn theo 2 đứa con chuyển tới tỉnh Chiba trong đêm, bắt đầu cuộc sống mai danh ẩn tích, Teruhiko cũng phải chuyển trường theo. Ở trường học mới, khi học sinh điền cách thức liên lạc với gia đình thì phải viết số điện thoại của nhà mình. Vì nhà vô cùng nghèo nên Teruhiko chỉ đành nói “Nhà em không có điện thoại”, câu nói đó đổi lại một trận cười của cả lớp. Sau đó bạn cùng lớp anh ta bắt đầu gọi anh ta là “vừa hôi vừa thối”, “thằng nhóc nghèo rách”. Teruhiko bị cô lập, bị bắt nạt rất nhiều lần.

Trong suy nghĩ của chúng ta, thường là những cậu bé gầy gò ốm yếu, tính cách yếu ớt mới bị bạn học khỏe mạnh hơn bắt nạt. Nhưng trường hợp của Teruhiko lại ngược lại, cậu bé Teruhiko tập luyện thể dục thể thao từ nhỏ, có vóc dáng cao nhất lớp, hơn nữa cơ thể cũng rất cường tráng. Nhưng cách bắt nạt của trẻ con không phải là bạo lực thân thể mà là sự “cô lập” mang tính bầy đàn, dùng loại bạo lực “mềm” này bắt nạt bạn học không được chào đón trong lớp. Đối mặt với loại bạo lực “mềm” này cũng không phải đơn giản “ai đánh mình thì mình liều mạng với người đó” là có thể thoát khỏi.

Theo lời khai của Teruhiko, khi anh ta đọc được bài báo một học sinh nhảy lầu vì bị bạn bè bắt nạt thì cũng đã có suy nghĩ muốn tự sát.

Hận thù với người bố, thù địch với bạn bè, chán ghét cuộc sống nghèo khó, căm giận cuộc sống không có tiền đồ nên Teruhiko bắt đầu chống đối. Cuối cùng, anh ta lựa chọn bình vỡ không sợ nứt, bước lên con đường phạm tội.

Năm 1985, Teruhiko 12 tuổi nhập học trường Trung học cơ sở Tateshi, Katsushika, Tokyo. Do thần kinh vận động từ nhỏ đã tương đối phát triển, thể chất phát triển vượt bậc, cậu nhóc Teruhiko còn tham gia các nhóm hoạt động ngoại khóa như bơi lội, bóng chày, karate,… Bởi vì tính cách sôi nổi và thành tích thể thao tốt, Teruhiko bắt đầu trở nên nổi tiếng trong trường, thậm chí còn là lớp trưởng năm lớp 8. Tuy nhiên cùng lúc đó, một số bạn bè bên ngoài bắt đầu dẫn anh ta ra ngoài hút thuốc, uống rượu, vì thế nên anh ta giao du thêm với một số thành niên lông bông ngoài xã hội.

Trong thời gian Teruhiko học trung học cơ sở, tình trạng kinh tế gia đình của anh ta cũng dần trở nên tốt hơn. Mẹ Teruhiko cho rằng “Để dạy dỗ con cái nên người thì trong nhà vẫn cần một người đàn ông” nên bà bắt đầu qua lại với chồng cũ, bố anh ta cũng thường đến nhà chơi. Nhưng đối với Teruhiko, oán hận với bố mình chưa bao giờ biến mất.

Đầu tháng 3, khi sắp tốt nghiệp trung học cơ sở, Teruhiko bị một chiếc xe mất lái tông phải nên gãy xương đùi phải. Vì phải phẫu thuật nên anh ta không thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp, vì vậy cũng mất luôn tư cách nhập học trường trung học phổ thông công lập. Anh ta vẫn luôn giỏi thể thao, đặc biệt là bóng chày, vì vậy đã chuyển sự chú ý của mình đến các trường trung học tư thục với thành tích bóng chày xuất sắc, hy vọng sẽ dùng nỗ lực của bản thân để trở thành một cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp.

Tuy nhiên thực tế lại rất phũ phàng: vì chấn thương sau phẫu thuật, Teruhiko đã bị đội bóng chày từ chối trong buổi kiểm tra kỹ thuật, anh ta phải chuyển sang học bóng mềm. Nhưng vì thường xuyên thể hiện ra nỗi tiếc nuối khi không thể gia nhập câu lạc bộ bóng chày, cùng với thái độ chán ghét bóng mềm nên bị bạn học cảm thấy chướng mắt, còn bị đàn anh dùng quần áo trùm đầu lại đánh vài trận. Từ đó về sau, Teruhiko từ bỏ hoàn toàn con đường thể thao.

Chịu ảnh hưởng của những “người bạn” kết giao ngoài xã hội, Teruhiko bắt đầu cùng với bọn họ đi “xin tiền”: Nhìn thấy đứa nhóc nào đi một mình trên đường thì đến trấn lột tiền của nó. Lúc đối phương gọi người đến báo thù thì kéo bè kéo lũ đánh nhau. Anh ta bắt đầu trốn học, đi chơi qua đêm, ngày ngày lăn lộn cùng với đám thanh niên lêu lổng. Thi thoảng về nhà bị mẹ giáo huấn, anh ta lại động chân động tay với mẹ và em trai mình.

Việc hình thành nhân cách bạo lực không thể tách rời sự ảnh hưởng của gia đình ở tuổi vị thành niên, điều này được thể hiện rất rõ trong Teruhiko. Anh ta rõ ràng là nạn nhân của bạo lực gia đình, nhưng dần dần lại hình thành tính cách hung bạo và độc ác, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tội ác vô nhân tính của anh ta sau này.

(Còn tiếp…)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *