Những điều có thể bạn chưa biết về logo Olympic Tokyo 2020

Vào ngày 24/7/2015, ban tổ chức Thế vận hội 2020 đã công bố logo chính thức được thiết kế bởi nhà thiết kế đồ họa từng đoạt giải thưởng Kenjiro Sanro. Logo của ông đã được chọn trong số hơn 100 tác phẩm dự thi.

Sanro đã thiết kế logo cho cả Thế vận hội Olympic và Paralympic 2020. Các thiết kế ban đầu có hình chữ T tượng trưng cho “Tokyo”, “Tomorrow” và “Team”. Những khái niệm này đại diện cho tinh thần của Thế vận hội: kết nối và đoàn kết thế giới thông qua thể thao để tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn. Các hình khối màu sắc được sử dụng để tạo thành chữ T trên nền trắng. 

Tuy nhiên, ngay sau khi được công bố với thế giới, mẫu logo trên đã bị cáo buộc đạo nhái từ logo mà nhà thiết kế người Bỉ Olivier Debie đã sáng tác cho nhà hát Theatre de Liege.  Một cuộc thi thiết kế logo khác đã được tổ chức và “Harmonized Chequered Emblem” của Asao Tokolo đã giành chiến thắng, trở thành mẫu logo chính thức mà chúng ta được chiêm ngưỡng hiện nay.

Logo sử dụng tại Thế vận hội năm nay được chọn ra giữa 14.599 mẫu thiết kế tham dự cuộc thi vẽ logo của BTC Olympic Tokyo vào tháng 4 năm 2016 và có tên gọi là “Harmonized Chequered Emblem” (Biểu tượng caro hòa hợp). Biểu tượng này được tạo nên từ họa tiết caro truyền thống của Nhật Bản “Ichimatsu moyo – 市松模様” và mang màu chàm – màu sắc đại diện cho sự sang trọng, tinh tế ở đất nước Mặt trời mọc.

Họa tiết Ichimatsu moyo có nguồn gốc từ thời Edo (1603-1867) và liên quan mật thiết với nghệ thuật Kabuki truyền thống. Vào thời cổ đại, hoa văn này vốn được gọi là “họa tiết đá lát đường” vì trông như những viên đá lát được sắp xếp đều đặn. Nó thường được sử dụng trong nhuộm, dệt vải và cũng xuất hiện nhiều trên gia huy (Kamon) của các gia tộc Nhật Bản thời xưa. Tên gọi Ichimatsu moyo chỉ xuất hiện sau khi diễn viên Kabuki nổi tiếng Ichimatsu Sanogawa sống ở thời Edo mặc chiếc Hakama có in họa tiết này (“moyo – 模様” trong tiếng Nhật có nghĩa là “họa tiết”). Và kể từ đó, nó cũng trở thành một hoa văn phổ biến trên các bộ Kimono truyền thống tại xứ Phù Tang. 

Ý nghĩa ẩn chứa trong hoa văn này là sự thịnh vượng, bắt nguồn từ hình ảnh những ô caro trải ra liên tục và vô tận, được sử dụng với ý nghĩa mang lại may mắn như con đàn cháu đống hay kinh doanh phát đạt. Sử dụng họa tiết Ichimatsu moyo, thiết kế của logo Olympic và Paralympic gồm 3 loại hình chữ nhật khác nhau đại diện cho các quốc gia, nền văn hóa khác biệt, tất cả được xếp cạnh nhau để tạo nên một vòng tròn, gửi gắm đi thông điệp “Thống nhất trong sự đa dạng”. Nó cũng đại diện cho nỗ lực của Thế vận hội Olympic và Paralympic nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy sự đa dạng, thông qua việc trở thành một nền tảng để kết nối thế giới, con người lại với nhau.

 Người thiết kế logo Olympic Tokyo là Asao Tokolo cho biết “Biểu tượng Olympic và Paralympic đều được tạo thành từ 45 hình chữ nhật với 3 hình dạng khác nhau ghép lại. Bằng cách thiết kế biểu tượng Olympic và Paralympic có cùng số lượng hình và kích thước, tôi muốn thể hiện sự “Bình đẳng”; bằng cách kết hợp 3 loại hình chữ nhật khác nhau, tôi muốn thể hiện sự “Đa dạng và Hòa hợp”, kết nối mọi người bất kể quốc tịch, văn hóa hay hệ tư tưởng. “Cá nhân” mỗi mảnh chỉ là một hình chữ nhật bình thường, nhưng nếu bạn kết hợp chúng theo một “Quy tắc” nhất định, chúng sẽ trở thành một “Nhóm” các hình chữ nhật tạo nên biểu tượng. Ý tưởng về “Cá nhân”, “Quy tắc” và “Nhóm” cũng tồn tại trong thể thao. Có một số hạn chế nhất định chẳng hạn như trong bóng đá, bạn không thể sử dụng tay, trong bóng bầu dục, bạn không thể ném bóng về phía trước và trong quyền anh, bạn không thể đá đối thủ. Những “Quy tắc” như vậy tạo chiều sâu cho thể thao. Nói cách khác, đó chính là sự khai phá.”

Nguồn: Vũ trụ iZi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *