NÃO BÒ SÁT, NÃO THÚ & NÃO NGƯỜI THỰC SỰ LÀ GÌ?

“Có rất nhiều thông tin không đúng sự thật về não bộ con người đang hiển nhiên trôi nổi giữa nền kiến thức văn hóa đại chúng hiện nay. Đã đến lúc chúng ta cần phải đính chính lại và loại bỏ những hiểu lầm không đáng có này. 

Những gì bạn đọc về bộ não của chúng ta, đa phần đều bị gắn với nhiều ngộ nhận sai lệch, không có tính xác thực cao, hay đơn giản, chúng là những nghiên cứu khoa học đã cũ và không được cập nhật. Thậm chí trong cả những đầu sách chuyên ngành,  vẫn thường xuyên tìm được  những ẩn dụ đa xưa cũ về não bộ. Mặc dù, chúng có có ý nghĩa nhưng lại bị diễn giải hoàn toàn sai lệch”  bà Lisa Feldman Barrett, giáo sư Ưu tú chuyên ngành Thần kinh học & Tâm lý học tại Đại học Northeastern chia sẻ.

Một trong những ngộ nhận thường thấy chính là khái niệm về bộ não ba cấu phần “NÃO BÒ SÁT, NÃO THÚ & NÃO NGƯỜI” – một lý thuyết diễn tả sự tiến hóa của não bộ loài người được phát triển bởi nhà khoa học thần kinh Paul MacLean vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Nó đã trở nên rất phổ biến trong những năm 70s của thế kỉ XX với sự ra đời của cuốn sách “The Dragons of Eden” (tạm dịch: Những con rồng của Vườn Địa đàng), viết bởi nhà thiên văn học Carl Sagan

NÃO BÒ SÁT, NÃO THÚ & NÃO NGƯỜI THỰC SỰ LÀ GÌ?. 

Lý thuyết này cho rằng “NÃO BÒ SÁT” là một phần nhỏ & nguyên sơ của não bộ loài người. Việc thực hiện các chức năng của nó hoàn toàn phụ thuộc vào bản năng. Thông qua quá trình tiến hóa, cấu phần não bộ này dần được vây quanh bởi một bộ phận phức tạp hơn nhưng cổ xưa không kém, được gọi là hệ viền [limbic system] hay “NÃO THÚ”, nơi xảy ra các phản ứng cảm xúc của con người. Sau đó, một phần não khác phức tạp hơn nữa, gọi là vỏ não [neocortex] tiếp tục phát triển bao quanh hệ viền. Đây chính là phần “NÃO NGƯỜI” – cấu phần chỉ tồn tại duy nhất ở người mà không phải ở bất kỳ loài động vật có xương sống nào khác. Theo huyễn thuyết [myth] này, chính phần não này cho phép con người có những quyết định trí lý và tri thức hơn. 

VẬY, VÌ SAO NIỀM TIN VỀ NÃO BÒ SÁT, NÃO THÚ & NÃO NGƯỜI VẪN CÒN TỒN TẠI?

Việc cho rằng bộ não của con người có cấu trúc giống như một bộ búp bê Nga giúp ta đơn giản hóa một vấn đề cực kỳ phức tạp như bộ não của con người. Đây là lý do tại sao thuyết này vô cùng thu hút. Quan niệm này tràn lan tới mức, kết quả bạn tìm thấy đầu tiên khi tra từ khóa “não bò sát” trên Google là đường link dẫn tới bài blog có tên “Làm thế nào để thuần hóa “não bò sát” của bạn”.

“Vấn đề lớn của quan niệm này là về cơ bản, nó không hề đúng”, giáo sư Barrett chia sẻ. Con người không có não của loài bò sát và hệ viền không được bao bọc bởi một não phần phức tạp hơn như giả định của lý thuyết này. Não của đa phần các nhóm động vật có xương sống đều được tạo ra từ cùng một số loại nơ-ron [neuron] nhất định. Số lượng nơ-ron và cách chúng được sắp xếp trong não bộ mới là yếu tố tạo ra điểm khác biệt giữa các giống loài. 

Theo một cách tình cờ, đúng cùng thời điểm cuốn sách của Sagan trở nên thịnh hành, các nhà khoa học đã bác bỏ lý thuyết này. Sự tiến bộ trong các kỹ thuật giải trình tự gen [gene sequencing] đã giúp ta phát hiện ra rằng não bộ của các loài sinh vật khác nhau đều hình thành từ các bộ phận giống nhau. Việc cho rằng bộ não của người gồm những cấu phần “mới” và “nguyên sơ” là cách hiểu sai. 

“Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, các nhà khoa học đã biết rằng, khái niệm “não bò sát” là một khái niệm hư cấu trong giới khoa học. Tuy nhiên, phải mất tới 10 hoặc 20, thậm chí 50 năm để những phát kiến khoa học đến được với công chúng”, Barrett giải thích. 

TÓM LẠI, ẢNH HƯỞNG CỦA KHÁI NIỆM NÀY TRONG ĐỜI SỐNG LÀ GÌ?

Những hiểu lầm về cách thức hoạt động của não bộ ảnh hưởng trực tiếp tới luật pháp, giáo dục và chế độ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nếu ta còn tiếp tục tin tưởng vào những kiến thức trôi nổi thiếu chính xác, thì chính chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chúng. 

Một số nhà nghiên cứu tin rằng, trong tiến trình phát triển của con người, phần vỏ não trước trán [prefrontal cortex] – phần não bộ quyết định khả năng đưa ra quyết định và tự kiểm soát hành vi sẽ không thể phát triển bình thường nếu trẻ lớn lên trong hoàn cảnh sống nghèo khó .

Nếu như khả năng tự kiểm soát và trí lý là hai yếu tố cốt lõi khiến con người là con người, thì thuyết “não bò sát” dường như đang ẩn chứa những NIỀM TIN & GIÁ TRỊ KHÔNG PHÙ HỢP rằng theo một cách nào đó, nếu bạn kém may mắn, phải sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo đói và không được học trong một môi trường giáo dục tốt, bạn sẽ không thể nào điều khiển được “con thú” trong mình, khiến bạn có thể cư xử và hành động theo cách những bốc đồng và hung hãn nhất. 

Niềm tin này hoàn toàn KHÔNG CHÍNH XÁC, không đem lại ích lợi gì và thể hiện sự thiếu tôn trọng sâu sắc đối với những nhóm người khác nhau trong xã hội!

Biên tập viên: Nguyễn Minh Ngọc, Keira Ngo. 

Nguồn: Northeastern University / Maybe You Could Live A Healthier Life

One comment

  1. Tôi xin hỏi tác giả, Tôi thấy hiện nay trên sách báo vào các trang thông tin tôi vẫn chỉ nhìn thấy học thuyết 3 phần não bộ của Paul MacLean, Vậy để hiểu đúng được về não thì tôi phải tìm tài liệu nào để giải thích đúng 3 phần não này.
    Xin tác giả chia sẻ giúp tôi. xin cảm ơn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *