Chúng ta cần tha thứ để có thể sống cuộc đời trọn vẹn. Cho đi là cách để chữa lành những tổn thương và đau đớn trong ta, đó là cách chúng ta tái kết nối với người khác và chính bản thân mình. Tất cả chúng ta đều bị tổn thương – chúng ta không đáng bị đau đớn, dẫu vậy vẫn phải gánh chịu những vết thương. Và sự thật là, chắc chắn chúng ta cũng làm tổn thương người khác. Vấn đề không phải là tổn thương ấy đã xảy ra hay không, mà là chúng ta không thể hoặc không chịu quên nó. Đây mới chính là lý do khiến ta tiếp tục đau đớn. Chúng ta đi qua cuộc đời cùng những vết thương không ngừng được tích lũy, nhưng chẳng có trường lớp hay sách hướng dẫn nào giúp chúng ta buông bỏ nó cả. Đó là lúc chúng ta cần tìm đến sự tha thứ.
Người sắp giã từ cuộc sống thường tìm thấy sự bình yên họ còn thiếu trong đời bởi vì chết chính là buông bỏ, và tha thứ cũng vậy. Khi từ chối tha thứ, chúng ta sẽ tiếp tục níu kéo những vết thương, đau khổ vì các vấn đề cũ. Chúng ta giữ lại bất hạnh trong quá khứ và Chúng ta có quyền lựa chọn sống trong sự tha thứ hoặc không tha nuôi dưỡng những uất hận. Khi từ chối tha thứ, chúng ta sẽ trở thành nô lệ của chính bản thân mình.
Những người sắp từ giã cõi đời có thể dạy cho chúng ta rất nhiều điều về sự tha thứ chân chính. Họ không nghĩ: “Tôi đã làm đúng, vì vậy tôi có thể thấy được bạn đã sai thế nào. Với tấm lòng cao cả của mình, tôi sẽ tha thứ cho bạn.” Mà họ nghĩ: “Bạn mắc sai lầm và tôi cũng vậy thôi. Có ai trên đời chưa từng phạm phải sai lầm chứ? Nhưng tôi đã không còn muốn định nghĩa bạn bằng những sai lầm của bạn hay định nghĩa chính tôi bằng những sai lầm của tôi nữa.”
Có rất nhiều trở ngại ngăn chúng ta tha thứ. Đứng đầu trong số đó là suy nghĩ tha thứ đồng nghĩa chúng ta đang nhân nhượng với những hành vi làm tổn thương đến mình. Nhưng tha thứ không phải là nói: “Bạn làm tổn thương tôi cũng không sao.” Nó có nghĩa là chúng ta hãy buông bỏ tổn thương đó vì bản thân mình, khi chúng ta nhận ra việc giữ chặt những nỗi phẫn uất ấy chỉ dồn ép chúng ta tới bất hạnh mà thôi. Những người không sẵn lòng tha thứ cần nhớ rằng họ đang chẳng trừng phạt bất cứ ai ngoại trừ chính họ.
Tha thứ không có nghĩa là để người khác giẫm đạp lên chúng ta. Đó là lòng bao dung theo nghĩa chuẩn xác nhất của từ ngữ ấy. Khi bằng lòng tha thứ, chúng ta hiểu rằng ai đó đã không ở trong trạng thái tốt nhất khi họ làm tổn thương chúng ta. Chúng ta nhớ rằng họ tốt đẹp hơn những lỗi lầm của họ. Họ cũng là con người, họ phạm sai lầm và bản thân họ cũng từng phải gánh chịu những thương tổn hệt như chúng ta vậy. Cuối cùng, sự tha thứ sẽ bừng nở trong ta. Chúng ta tha thứ để chữa lành cho chính mình. Hành vi của người khác mãi mãi là hành vi của người khác. Chúng ta không cần phải tha thứ cho hành vi ấy, chúng ta chỉ cần tha thứ cho họ thôi.