Tại sao một số người già không sợ hãi cái chết?

Trả lời bởi Carolyn Wexler

Ai tham gia một bữa tiệc thì cũng sẽ đến lúc phải ra về. Bạn đã có khoảng thời gian vui vẻ và ăn uống no nê. Những lần cạn chén và vô số cuộc chuyện trò bắt đầu làm bạn say nhừ. Đám đông đã vãn, những gương mặt thân quen cũng thưa dần. Bạn nhận ra hầu hết người thân và bạn bè của mình đã đi rồi. Bạn thấy xung quanh mình ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt lạ lẫm, và việc cố gắng giữ cho mình một nét tươi tỉnh, một điệu bộ ra vẻ quan tâm đến những vấn đề nhỏ nhặt của người khác trở nên khó hơn.

Mà những vị khách mới họ vẫn đang cháy hết mình đó thôi, và điều đó làm cho bạn yên tâm rằng dù không có mình thì bữa tiệc vẫn sẽ cứ nhiệt.

Nếu cố nán lại lâu hơn bạn sợ mình sẽ trở thành một trò cười mất. Bạn có thể sẽ không còn tự chủ được cái bàng quang của mình, hoặc cái miệng của mình và bắt đầu lảm nhảm. Đôi tai lãng của bạn vẫn không thể nào thâu hết được những gì người khác nói dù có cố gắng đến đâu đi nữa. Nếu cứ ở lâu như vậy thì bạn biết mình sẽ dần trở thành một cái ngáng của cuộc vui, và những người chủ mới của bữa tiệc phải dành ra thời gian và sự chú ý của họ cho bạn mà trong khi đó có thể dành cho những điều khác có ích hơn.

Bạn nhìn quanh và nhận ra nơi này không còn hợp với mình nữa. Họ, những gương mặt lạ lẫm đang khiêu vũ trên những giai điệu lạ lẫm và nói những từ lạ lẫm. Bạn chẳng buồn quan tâm đến việc thích nghi lại từ đầu với cái mới nữa. Sự bình yên giờ đây trở thành một cái thú vui tao nhã hơn là những thứ cuồng nhiệt khác.

Một dòng suy nghĩ đi ngang qua tâm trí bạn: đã đến lúc phải về nhà rồi.

__________

Cảm ơn bài dịch của bạn Trung Nhân được đăng ở group Quora Việt Nam (QRVN): https://www.facebook.com/photo?fbid=1073898829424250&set=gm.2099692553597203

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *