Tá Thiên Nhân Hoàng hậu (1791 – 1807), tên thật Hồ Thị Hoa (胡氏華) hay Hồ Thị Thực (胡氏實) là người vợ đầu tiên của vua Minh Mạng, mẹ đẻ của vua Thiệu Trị. Minh Mạng lúc sinh thời có đến 43 phi tần từng sinh nở nhưng có lẽ người vợ đầu tiên là người mà ông trân trọng và tiếc thương nhất.
Theo Đại Nam liệt truyện, vào năm Bính Dần (1806), bà Hồ Thị Hoa lên 16 tuổi, có đức hạnh, ăn nói lễ phép dịu dàng, một lòng hiếu kính với cha mẹ và người trên (Thục, thận, hiền, trinh), được vua Gia Long và bà Thuận Thiên Hoàng hậu tuyển chọn làm phủ thiếp (phối thất) cho Hoàng tử Đảm (sau này là vua Minh Mạng). Khi tấn cung bà được vua Gia Long và hai bà Thừa Thiên và Thuận Thiên Hoàng hậu rất mực thương mến. Vua Gia Long ban cho bà cái tên là Thực. Vua dạy rằng: Phi nguyên có tên Hoa là lấy ý nghĩa ở bốn chữ: “Đặc dĩ phương văn” (để truyền hương thơm) sao cho bằng tên “Thực” gồm cả phúc lẫn quả.
Một năm sau, vào ngày 16 tháng 6, bà sinh ra Hoàng tử trưởng là Nguyễn Phúc Miên Tông (tức vua Thiệu Trị), rồi 13 ngày sau bị bệnh hậu sản mà mất, khi chỉ mới 17 tuổi. Hoàng tử nhỏ khóc mãi không nín. Bà nội là Thuận Thiên Cao Hoàng hậu xót cháu liền đem vào cung nuôi dưỡng. Có lần, vua Minh Mạng (lúc đó còn là Hoàng tử Đảm) đến thăm và bảo rằng: “Trẻ con mới sinh ra mà đã biết thương khóc mẹ, sau này thế nào cũng giữ tròn đạo hiếu”.
Bà Hồ Thị Hoa yểu mệnh qua đời khiến cho vua Gia Long và Hoàng hậu thương tiếc vô cùng. Có nhiều giả thiết đặt ra về căn bệnh hậu sản của bà như xuất huyết sau khi sinh, sốt hậu sản, bệnh uốn ván do sự co cứng cơ hay bệnh phù thũng. Dù chỉ làm vợ chồng với vua Minh Mạng hơn một năm nhưng mối tình của bà và vua Minh Mạng vô cùng sâu đậm. Vì vậy, 21 năm ở trên ngai vàng “trong cung vẫn để trống ngôi chính, há chẳng phải là để tưởng nhớ người vợ hiền lương chăng?” (Đại Nam liệt truyện – Quốc sử quán triều Nguyễn).
Để kiêng húy tên bà mà những từ có tên Hoa đều phải thay đổi. Tỉnh Thanh Hoa = Thanh Hóa, chợ Đông Hoa = chợ Đông Ba (vua Đồng Khánh đổi), cầu Hoa = cầu Bông (cây cầu trên rạch Thị Nghè), làng Yên Hoa = làng Yên Phụ, hoặc đổi đọc là Huê như làng Hoa Cầu = Huê Cầu, hoa nhài = huê nhài… Chữ Thực tên bà cũng đổi đọc là Thật, như thực sự = thật sự, chân thực = chân thật…
Nguồn: Chuyện Hậu Cung