AI CŨNG CÓ QUYỀN ĐƯỢC YẾU ĐUỐI

Khi các bé trai khóc vì một chuyện gì đó, rất nhiều người dỗ chúng bằng những câu nói: “Đàn ông con trai sao lại khóc. Nín đi nào”, “Là con trai mà sao yếu đuối thế”.

Một cậu bạn của mình không thích những hoạt động thể chất mạnh bạo mà chỉ thích ngồi trong lớp đọc sách và giải bài tập. Cậu bạn bị trêu là đồ con gái yếu đuối ẻo lả. Những cậu trai tỏ ra rụt rè và ít năng động thì luôn được gắn mác “yếu đuối”.

Mình chưa từng nhìn thấy bố và anh trai rơi nước mắt. Cứ nghĩ họ mạnh mẽ và cứng rắn đến nỗi chẳng điều gì có thể khiến họ cảm thấy muốn khóc nữa. Nhưng lớn lên rồi, mình hiểu rằng không phải họ chưa từng rơi nước mắt, chỉ là họ giỏi che giấu hơn mà thôi.

Trong một lần vào rạp chiếu phim, khi tới cảnh có một nhân vật qua đời, có một cô gái đã khóc. Tiếng sụt sùi to đến nỗi mọi người phải ngoái lại nhìn. Có người buông một câu: “Có gì đâu mà phải khóc”. Mình không phải cô gái ấy, nhưng sau khi nghe thấy câu nói đó, mình cũng lập tức lau đi khóe mắt đang ươn ướt.

Mẹ mình cũng hay dặn cháu gái rằng: “Lớn rồi không được khóc nhè”.

Những giọt nước mắt thường đi liền với 2 từ “yếu đuối” và có vẻ như là “đặc quyền” của những đứa trẻ. Việc một người lớn bật khóc nức nở nghe thật “dở hơi” và là người trưởng thành thì phải cất nước mắt vào trong.  

Yếu đuối là một trong những khái niệm dễ bị hiểu lầm nhất. Bất cứ một người nào dễ xúc động, dễ rơi nước mắt đều bị gắn mác là yếu đuối. Thế nhưng, trở nên yếu đuối đơn giản là chúng ta để cảm xúc của mình được bộc lộ một cách tự do. Chúng ta lựa chọn sống thật với những gì mình đang cảm nhận. Tuy nhiên, chúng ta đã quen với việc dựng lên những lớp rào chắn và khoác lên mình những vai diễn đễn nỗi chẳng thể thoải mái bộc lộ sự yếu đuối nữa. Chúng ta không muốn làm kẻ yếu đuối và tất nhiên cũng không muốn người khác nhìn thấy sự yếu đuối của mình. Có những cảm xúc bị đè nén đến nỗi khi chúng nổ tung, đã để lại những hậu quả tinh thần vô cùng nặng nề.

Thật ra, mình cảm thấy chính những ai dám bộc lộ sự yếu đuối của mình mới càng là những người mạnh mẽ. Trong cuốn sách Daring Greatly, Brene Brown từng viết: “Nếu một người có thể chấp nhận mọi lời bình luận và không ngần ngại phô bày sự yếu đuối của mình, người đó đã mang đến một tuyên ngôn kinh điển: Tôi không quan tâm bạn nghĩ gì về tôi, đây là chính tôi và tôi từ chối trở thành một phiên bản khác”. Khóc chẳng có gì là xấu. Yếu đuối chẳng có gì là xấu. Cuộc đời vốn dĩ rất nhiều mệt mỏi. Có ai cứ mãi đứng hiên ngang mà không bị những khó khăn làm lay động? Để trở nên vững vàng hơn, ta phải bộc lộ khuyết điểm và nỗi sợ với thế giới, thừa nhận nó, đối diện với nó và tự giải phóng chính mình. Chẳng ai có thể mạnh mẽ và can đảm được mãi vì con người không phải là sắt đá. Ai cũng có quyền được yếu đuối bất kể độ tuổi hay giới tính. Ai cũng được quyền sống thật với cảm xúc của mình. Chúng ta trở nên yếu đuối không phải vì chúng ta khụy ngã trước cuộc đời, mà chúng ta lấy đó làm bàn đạp để tiến về phía trước và trở thành những phiên bản chính mình tuyệt vời nhất.

MỚ HỖN ĐỘN XINH ĐẸP

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *