Một lễ sắc phong tước Vương dưới triều Nguyễn sẽ bao gồm những nghi lễ như thế nào?

Một lễ sắc phong tước Vương dưới triều Nguyễn sẽ bao gồm những nghi lễ như thế nào?
Nhà Nguyễn đã thiết lập quy chế cụ thể về tước hiệu cùng đãi ngộ cho các thành viên thuộc hoàng tộc (họ Nguyễn Phúc cùng họ Tôn Thất), đồng thời còn có các quý tộc có công trạng. Triều đại nhà Nguyễn đã thiết lập hệ thống quý tộc tương tự nhà Thanh và có áp dụng hệ thống nhà Hậu Lê.
Thế Tổ Cao Hoàng đế (世祖高皇帝) Nguyễn Phúc Ánh (阮福暎) hay Gia Long (嘉隆) đã thiết lập hệ thống tước hiệu mô phỏng các triều đại trước. Các tước Quận công thường được ban cho công thần hoặc Tôn Thất có công trạng lớn, một số sau này được truy phong (như Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai).
Đến thời Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (聖祖仁皇帝) Nguyễn Phúc Đảm (阮福膽) hay Minh Mạng (明命) thiết lập thêm hệ thống tôn tước gồm 21 bậc, thêm quy chế tập phong – cho phép con tập tước của cha, thì so với tước được phong của cha trước phải kém xuống một bậc.
Hoàng tử, hoàng thân được phong từ tước Công trở lên đều cấp cho sách bạc mạ vàng và ấn bạc; tước Hầu trở xuống thì dùng trục lụa ngũ sắc.
Trước khi sách phong, tòa Khâm thiên giám (cơ quan quan sát và chiêm nghiệm âm dương bói toán, các hiện tượng thiên văn, thời tiết, làm lịch, coi ngày…) sẽ định ngày tốt để cử hành lễ, bộ Lễ liệt kê các quan ban văn từ Tam phẩm trở lên để đợi chọn phái làm Khâm sứ (Đình hầu thì dùng quan Tứ phẩm). Trước 1 ngày làm lễ sách phong, ty viên ở bộ Lễ sẽ đến phủ đệ của vị hoàng tử công, hoàng thân công đó để chỉ bảo treo đèn kết hoa cho hợp nghi thức; ai chưa ra ở phủ riêng thì làm lễ ở Khánh Thiện đường (nơi phục vụ ăn uống) hoặc Duyệt Thị đường (nhà hát hoàng cung). Gian chính giữa đặt hương án và 1 cái án (bàn dài) sơn vàng ở phía nam hương án để đặt cờ tiết (phong Đình hầu thì không treo cờ tiết và không đặt án để cờ tiết). Chỗ lạy nhận sách ấn đặt ở phía nam án sơn vàng, hướng về phía bắc. Khâm sứ đứng ở phía đông án sơn vàng, hơi chếch về phía nam, mặt hướng về phía tây bắc. Ở gian giữa điện Cần Chánh đặt 2 án vàng, 1 án đặt cờ tiết, án còn lại đặt hộp đựng sách và ấn (phong Đình hầu thì không đặt án, trục lụa do Nội các để ở một nơi tôn trọng, đến giờ thì viên Khâm sứ lãnh đi, để ở trên thái đình, ty loan nghi khiêng đi).
Lại đặt 1 cái thái đình dưới thềm điện Cần Chánh. Sáng ngày sách phong, ty loan nghi đưa lọng vàng, thự Hòa thanh trỗi nhã nhạc, đứng ở 2 bên tả hữu trong sân. Viên Khâm sứ mặc áo mãng bào đợi thuộc viên ở Nội các, ty viên bộ Lễ mặc phẩm phục đứng ở hành lang phía đông. Ty loan nghi đưa lọng vàng, đội Hộ vệ, Cảnh tất mang gươm trường, thân binh, cấm binh mang trượng sơn đỏ đứng ở ngoài cửa Ngọ Môn; nếu sách phong ở nhà Duyệ Thị thì biền binh mang súng trường đứng ở ngoài cửa Nhật Tinh (sau điện Thái Hòa).
Đến giờ, Khâm sứ quỳ trước sân điện, Nội các mang cờ tiết trao cho viên khâm sứ, viên tiếp nhận rồi đứng dậy. Ty viên ở bộ bưng hộp sách, hộp ấn đặt lên thái đình, lính dẫn đường đi trước, nhã nhạc cất lên, khâm sứ cầm cờ tiết đi trước, kế đến là kiệu thái đình được che lọng vàng, ty viên của bộ theo sau. Đến cửa Ngọ Môn thì khâm sứ cưỡi ngựa đi trước, thân binh, cấm binh và biền binh theo đến phủ đệ của hoàng thân công, hoặc nhà Khánh Thiện (nếu phong ở nhà Duyệt Thị thì theo cửa Hưng Khánh đi vào).
Vị Công đó quỳ rước ngoài cửa phủ (phong ở nhà Duyệt Thị thì rước ngoài cửa Hưng Khánh), kiệu thái đình đi qua thì phải dập đầu xuống đất hành lễ rồi đứng dậy theo vào. Viên khâm sứ cắm cờ tiết trên án sơn vàng, ty loan nghi để kiệu thái đình ở phía nam án vàng, ty viên ở bộ sẽ mang hộp sách ấn đặt trên án rồi cho kiệu ra ngoài, đội nhã nhạc và binh lính đứng ở 2 bên tả hữu trước sân. Vị Công ấy đến trước án bái lễ 5 lạy, rồi quay mặt về phương bắc quỳ xuống, 1 ty viên mở bộ sách cho khâm sứ tuyên đọc, xong ty viên đặt sách vào hộp, tương tự như ấn.
Sau khi tuyên đọc xong tất cả, khâm sứ trao lại sách rồi đến ấn cho Công. Công tiếp nhận, giơ lên trán rồi trao cho thuộc phủ tiếp nhận. Công dập đầu rồi đứng dậy, lạy 5 lạy tạ ơn, rồi mời khâm sứ đến chỗ tiếp khách khoản đãi. Khâm sứ xong việc, bưng cờ tiết đến điện Cần Chánh quỳ nộp. Khâm sứ đứng dậy vọng bái 5 lạy làm lễ phục mệnh.
Để hiểu rõ hơn về điển lể sách phong, Hà Thành ngọ báo số 1761 ngày 18 tháng Bảy năm 1933 tường thuật lễ tấn phong tước Vương cho Hoài Ân công Bửu Liêm (阮福寶嵰; con trai thứ 10 của vua Dục Đức; tục gọi là ông hoàng Mười):
“Lễ Nam giao vừa xong thì Hoàng thượng ban sắc phong tước Quận vương cho Hoài Ân công.
Ngày 12 Juillet (tức ngày 12 tháng Bảy năm 1933), lễ tấn phong ấy đã khai diễn tại qui phủ của Đức ông Hoài Ân một cách cực kỳ long trọng.
Sáng sớm hôm đó, quan Đại nội Nghi lễ đại thần Bửu Thạch, sau khi thụ ý chỉ của Lưỡng tôn cung Hoàng thái thái hậu (tức bà Thánh Cung và bà Tiên Cung – vợ vua Đồng Khánh) và Ngài Từ Cung Hoàng thái hậu (lúc này Bảo Đại vắng mặt) bèn lĩnh mao tuyết và chức khâm mạng đi làm lễ tấn phong. Lễ phong này lớn lắm, nên khi quan Nghi lễ Đại thần ra khỏi Đại nội, thì có hai quan ở Bộ Lễ, một đội lính Cảnh tất ăn bận y phục hoàng cung ra hầu, có đủ tinh kỳ phương tán, bửu trượng, ngân kiếm và một ban bát âm Đại nội đi theo long đinh trong đề các bảo vật tấn phong
9 giờ, tiếng nhạc thiều nổi báo hiệu binh nhà vua tới vương phủ. Đức ông Hoài Ân mình mặc cẩm bào đỏ, đầu đội mũ thất long, lưng đeo kim đái, thân hành ra ngoài cửa tiếp nghênh thánh giá. Khi cờ mao tuyết và quan Khâm mạng Bửu Thạch đi ngang qua, Đức ông Hoài Ân công phủ phục làm lễ vâng mạng
Long đinh tới sân giữa thì có các hoàng thích của Đức ông, ăn bận đại lễ ra đón. Hai quan bộ Lễ bèn mở long đinh đem các bảo vật tấn phong đề trên bàn trước hương án bày sẵn nơi cần chánh trong vương phủ.
Dưới ánh sáng hai cây đèn sáp vàng to tướng chói lọi trên một cái bàn sơn son thiếp vàng, có đặt một cái hộp vuông và một cái hộp giài, xung quanh đều phủ gấm vàng, thêu rồng.
Ban âm nhạc khởi khúc thiều, Đức ông Hoài Ân vào bình thân, rồi quì trước hương án. Quan Khâm mạng mở hộp vuông lấy một quyển sách bằng gấm vàng thêu rồng, gọi là thê sách rồi tuyên
Sắc vừa tuyên xong thì nhạc nổi khúc khác, Đức ông Hoài Ân bèn lạy tạ lĩnh sắc. Kế hai quan bộ Lễ mở hộp vuông lấy ra một cái ấn bạc vuông hai mươi phân tây giao cho quan Khâm mạng. Ngài bèn đưa cao lên rồi ung dung đọc mấy chữ khắc trên ấy: Hoài Ân Quận vương chi ấn và trao lại cho Đức ông lĩnh và lạy tạ một lần nữa.
Bát âm thổi khúc nhạc cuối cùng, thế là lễ tấn phong xong.
Sau lễ này thì quan Khâm sứ Trung kỳ, có các quan trong văn phòng ngài và các quan cố vấn theo hầu, cùng các quan Chánh sở Liêm phóng Trung kỳ Sogny, tới chúc mừng Đức ông, Hoài Ân vương. Kế quan Cần Chánh và các quan Thượng thư Nam triều đều tới làm lễ mừng.
Rồi ai nấy đều nâng các cốc rượu mừng vị hoàng thân trẻ tuổi mà đã lên tới bậc tối cao trong ngũ tước.”
Tuy là một lễ sắc phong tổ chức vào thời kỳ Nguyễn mạt, nhưng vẫn hoành tráng và long trọng. Nghi lễ diễn ra với đầy đủ lễ nghi,Vương được ban kim sách và ấn tín, đủ thấy chính sách đãi ngộ đối với thân tộc Nguyễn Phúc được chú trọng như thế nào.
Tham khảo: Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ; Báo Hà Thành Ngọ báo số 1761 đăng ngày 18 tháng Bảy năm 1933.




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *