NỖI CÔ ĐƠN CỦA NHỮNG BÀ MẸ Ở NHÀ

Có thể nhiều người đang nghĩ “Sao người ta dám phàn nàn khi mà mình có cơ hội được ở nhà và chăm sóc con cái?”

Tất nhiên những người mẹ ở nhà rất biết ơn khi ở nhà và được chăm con, nhưng không chỉ có thế.

Chẳng ai nói về sự cô lập của những người mẹ ấy. Không ai nói về chuyện cô ấy sẽ đánh mất “bản sắc” riêng của mình thế nào. Cũng không ai nói về nỗi cô đơn họ đã trải qua. Không ai nói về việc họ đã lu mờ ý thức về bản thân ra sao. Cũng không ai hỏi họ đã từ bỏ sự nghiệp như thế nào bởi vì dường như ở nhà là ít khi có công việc làm thêm.

Không ai nói về những lần bạn khóc trong nhà tắm sau một ngày quá sức. Không ai hiểu vì sao bạn lại mệt mỏi. Chẳng ai hiểu tại sao bạn lại cần có sự nghỉ ngơi về tinh thần. Và cũng chẳng ai hiểu vì sao đôi khi bạn trở nên trầm trọng hóa với những em bé của mình.

Không ai hiểu tại sao bạn ở nhà cả ngày, mà sau một ngày ngôi nhà vẫn bừa bộn và rối tung lên. Không ai hiểu tại sao bạn chỉ cần 5 phút “được yên”, đừng ai nói chuyện, đừng ai động vào. Không ai hiểu vì sao bạn chẳng có hứng thú gì với việc gần gũi chồng. Và cũng không ai hiểu tại sao bạn có thể hoàn toàn, hoàn toàn kiệt sức. Tại sao? Khi mà bạn chỉ có Ở NHÀ CẢ NGÀY?

Không ai hiểu cảm giác của bạn khi có ai đó nói hay nhìn bạn và nói bạn “có mỗi việc ở nhà với con, có phải làm gì đâu mà cũng kêu”?

Hầu hết chúng ta đều đã từng là những phụ nữ đi làm, có công việc xã hội trước khi làm mẹ. Chúng ta phải đi làm, tương tác với những người khác. Chúng ta cũng đóng góp tài chính cho gia đình. Chúng ta không muốn trở thành một người giúp việc vô thời hạn. Rồi chúng ta đã từ bỏ (công việc, những mối quan hệ) để tạo ra và giữ gìn một không gian cho những người yêu thương mình sống (chồng con, cha mẹ). Nhưng thật sự những mối quan hệ sẽ đều cần thời gian để không phát điên liên khi ở bên nhau 24/7. Các cụ nói “xa thơm gần thối” là đúng. Ở quá lâu bên con từ ngày này qua ngày khác chưa chắc đã lành mạnh. Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng, ở nhà tức là được nghỉ ngơi.

Mình không thể nói cho bạn biết rằng có bao nhiêu người phụ nữ mình gặp hoặc tư vấn đã từng nói “Ôi những người khác có quá nhiều thời gian, tôi ước mình có thể ở nhà, chắc chắn tôi sẽ chẳng phàn nàn đâu”.

Mình nghĩ họ sẽ thay đổi suy nghĩ sau 6 tháng, trừ khi họ rất giàu có và có tiền để làm mọi thứ khác.

Phải, bạn hãy nhớ rằng chính bạn đã chọn sinh ra những đứa trẻ, chứ không phải chúng. Bạn nên nghĩ kĩ và nghiêm túc trước khi có con. Nếu không muốn trải qua những điều nói trên, bạn không bao giờ nên có con. Tất nhiên, là trừ trường hợp gia đình bạn rất có điều kiện và không cần lo lắng quá về tiền bạc.

Chính những lần tiếp xúc các bà mẹ trong quá trình coaching và những hiểu biết của mình về trầm cảm của những bà mẹ ở nhà đã thôi thúc mình xây dựng một khóa học về “mompreneur”, đại khái là chia sẻ cách làm sao để những bà mẹ có thể vừa ở nhà để chăm sóc con cái, vừa có thể làm việc để có thu nhập. Rất nhiều bà mẹ muốn tìm và có những công việc phụ hoặc bán thời gian để giúp giảm bớt gánh nặng tài chính khi nghỉ ở nhà và chăm sóc con, điều đó là nhu cầu chính đáng và rất cần thiết.

Còn nữa, lần tới khi bạn có nghe một bà mẹ ở nhà nào than thở, hãy lắng nghe và giúp cô ấy cảm thấy tốt hơn thay vì là một “Ai đó” mình đã nhắc tới trong bài viết này. Rằng lựa chọn và sự đấu tranh để có thể ở nhà chăm sóc con cái là thử thách và khó khăn thực sự.

Và oái oăm nữa là, kể cả những bà mẹ gửi con đi trẻ hay để con ở nhà để đi làm sớm, cũng có những nỗi khổ, thử thách và khó khăn khác. Làm phụ nữ, làm mẹ thực sự phải rất mạnh mẽ và kiên cường.

Điều nên đánh giá duy nhất xem người mẹ đó có đủ “tốt” hay không là cách mà cô ấy yêu con, chứ không phải là công việc hay nghề nghiệp mà cô ấy làm.

Dường như luôn có những phán xét không đáng có về những người mẹ ở nhà chăm con và cả những người mẹ đi làm. Chúng khiến bản thân những người mẹ cũng trở nên mông lung và tự hồ nghi chính bản thân mình.

Những người mẹ đi làm thì bị phán xét như thể họ đang bỏ rơi con mình để theo đuổi những ham muốn và ích kỷ của riêng họ. Còn những người mẹ ở nhà chăm con thì lại bị chỉ trích là “không có chí tiến thủ”, lười biếng.

Sự thật là mỗi người có hoàn cảnh khác nhau và có cách nuôi con khác nhau. Ở nhà hay đi làm thì họ vẫn yêu thương gia đình và đặt gia đình lên trên hết. Bởi vì họ có sự tận tâm và hi sinh.

Thay vì chỉ trích và phán xét, từ hôm nay hãy cảm thông nhiều hơn cho các bà mẹ và tôn trọng những quyết định của họ.

Các bà mẹ cũng hãy đoàn kết và giúp đỡ nhau nhiều hơn thay vì dè bỉu hay chê bai nhau.

Chúc cho các bà mẹ ngày nào cũng chân cứng đá mềm, luôn suy nghĩ tích cực và được yêu thương 

Nguồn: Linh Phan/ Gentle Parenting Coach

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *