NĂM KÌ TÍCH VẬT LÝ

Nếu ngắm nhìn lịch sử từ trên cao chúng ta sẽ thấy mọi thứ đều đang vận hành theo một quỹ đạo nhất định, chẳng có gì là vô duyên vô cớ, cũng chẳng có điều gì phát triển không hợp lý cả.

Có hai năm trong lịch sử khoa học phù hợp với danh hiệu “kỳ tích”, và chúng gắn liền với tên tuổi của hai thiên tài. Hai năm này lần lượt là năm 1666 và năm 1905, hai vị thiên tài đó cũng chính là Newton và Einstein.

Năm 1666, Newton 23 tuổi trở về quê nhà để tránh dịch bệnh.

Trong khoảng thời gian đó, ông đã tự mình hoàn thành một vài công việc mang tính đột phá, bao gồm việc phát minh ra vi phân và tích phân (Phương pháp thông lượng), hoàn thành phân tích thí nghiệm về sự tán xạ ánh sáng đồng thời có những tư tưởng mang tính tiên phong về định luật vạn vật hấp dẫn. Trong năm đó, ông đã đặt nền móng cho ba ngành khoa học chính là Toán học, Cơ học và Quang học, mà chỉ cần chọn một hạng mục bất kỳ trong số những hạng mục đó thôi cũng đủ để đưa ông trở thành một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất lịch sử. Thật khó để tưởng tượng làm thế nào mà tư duy của một người lại có thể tạo ra nhiều linh cảm trong một khoảng thời gian ngắn đến như vậy.

Năm 1905 đối với Einstein cũng là một năm như vậy.

Ông đã ở trong căn phòng nhỏ của văn phòng cấp bằng sáng chế và viết ra sáu bài báo cáo: Ngày 18 tháng 3, bài báo cáo về hiệu ứng quang điện đã trở thành một trong những cột mốc đánh dấu sự bắt đầu của lý thuyết lượng tử. Vào ngày 30 tháng 4, bài báo cáo liên quan đến vấn đề đo kích thước phân tử đã giúp ông giành được học vị tiến sĩ. Vào ngày 11 tháng 5 và sau đó ngày 19 tháng 12, hai bài báo cáo viết về chuyển động Brown đã trở thành những cột mốc quan trọng của lý thuyết phân tử. Vào ngày 30 tháng 6, ông viết bài báo cáo có tựa đề “Điện động lực học của các vật thể chuyển động”, tựa đề không mấy bắt mắt này sau đó đã được đặt cho một cái tên giật gân hơn đó là “thuyết tương đối hẹp”, mà ý nghĩa của nó thì không cần tôi phải nhiều lời thêm nữa. Vào ngày 27 tháng 9, bài báo cáo về mối quan hệ giữa quán tính và năng lượng của vật thể đã giải thích sâu hơn về thuyết tương đối hẹp, phương trình khối lượng – năng lượng nổi tiếng E = mc2 đã được đề cập trong đó.

Chỉ riêng phần công việc của ông trong năm 1905 đã xứng đáng nhận ít nhất ba giải Nobel rồi. Rất khó để nói xem ý nghĩa của thuyết tương đối liệu có thể được đánh giá bằng giải Nobel hay không. Và tất cả những điều này được thực hiện bởi một người với giấy và bút trong căn phòng làm việc nhỏ của văn phòng bằng sáng chế. Chúng ta khó lòng hình dung ra được, kỳ tích như vậy có xảy ra thêm lần nữa hay không.

Sau đó, năm 1932 cũng được gọi là “năm kỳ tích” trong lĩnh vực Vật lý nguyên tử, nhưng vinh quang không còn thuộc về một người nữa mà đã được chia sẻ với rất nhiều nhà Vật lý. Cùng với sự phát triển ngày càng cao siêu của khoa học, ngày nay chúng ta chẳng thể nào tưởng tượng ra, làm thế nào mà một người lại có thể có được những đóng góp to lớn trong một khoảng thời gian ngắn đến như vậy. Vào thời điểm đó, Henri Poincaré được biết đến là “người toàn tài cuối cùng” trong giới Toán học, và thuyết tương đối của Einstein cũng có thể coi là lý thuyết Vật lý cuối cùng mang đầy đủ màu sắc của chủ nghĩa anh hùng cá nhân.

Để tưởng nhớ vinh quang của năm 1905, người ta đã chỉ định năm 2005, tức 100 năm sau, là “Năm Vật lý Quốc tế”.

Tham khảo: Lược sử Vật lý lượng tử – Chúa có gieo xúc xắc cho bạn?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *