CÂU CHUYỆN BỊ LÃNG QUÊN CỦA NHỮNG CÔ GÁI RADIUM, CÁI CHẾT CỦA HỌ ĐÃ CỨU SỐNG HÀNG NGÀN CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG

Warning: Bài rất dài, chứa những hình ảnh đau đớn của nạn nhân nhiễm phóng xạ.

Trong thời kì diễn ra Thế chiến I, hàng trăm cô gái trẻ đổ xô đến làm việc tại các xưởng sản xuất đồng hồ. Tại đó, họ được yêu cầu dùng một loại sơn đặc biệt có chứa Radium vẽ lên mặt những chiếc đồng hồ để chúng phát ra ánh sáng xanh “kỳ diệu” trong bóng tối. Không lâu sau đó, các cô gái với khả năng “phát sáng trong đêm” bắt đầu phải chịu đựng những tác dụng phụ cực kỳ khủng khiếp do chất phóng xạ này gây ra. Với mục tiêu giành lại công lý, họ đã khởi xướng một cuộc đấu tranh chạy đua với thời gian, góp phần thay đổi bộ luật lao động của nước Mỹ mãi về sau.

NHỮNG CÔ GÁI BÓNG MA

Ngày 10/4/1917, là ngày đầu tiên cô gái Grace Fryer 18 tuổi trở thành thợ vẽ mặt đồng hồ tại Tập đoàn Radium Hoa Kỳ (USRC) Orange, New Jersey. Grace không biết rằng công việc mới này sẽ thay đổi cuộc đời cô và quyền lợi của công nhân lao động mãi mãi.

Vẽ mặt đồng hồ là “Công việc đáng mơ ước với những cô gái lao động nghèo”, lương của công việc này cao hơn các công việc trong xưởng bình thường gấp ba lần, chỉ 5% trên tổng lao động nữ toàn quốc trở thành những người may mắn được chọn. Công việc mang lại cho phụ nữ sự độc lập tài chính trong thời đại bình đẳng giới đang dần được xem trọng. Họ đều là những thiếu nữ trẻ, với đôi bàn tay nhỏ bé nhanh nhẹn, hoàn hảo cho công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo này. Họ thường giới thiệu cho bạn bè và gia đình về sự hấp dẫn của công việc mới, nên thường cả nhóm chị em, họ hàng làm công việc này cùng nhau trong xưởng.

Khả năng phát sáng của Radium mê hoặc lạ kỳ, những thợ vẽ mặt đồng hồ nhanh chóng được biết đến với cái tên “những cô gái bóng ma”, vì lúc họ trở về nhà sau ca làm, cơ thể họ sẽ phát sáng rực rỡ trong đêm nhờ được một lớp bụi sơn Radium huyền ảo bao phủ. Các cô gái đã tận dụng tối đa ưu điểm này, mặc lên những chiếc váy xinh xắn đến nơi làm việc để khi tan ca họ sẽ tỏa sáng trên vũ trường về đêm, thậm chí họ còn bôi Radium lên răng để có một nụ cười quyến rũ, khiến các chàng trai theo đuổi họ chết mê chết mệt.

SỰ THẬT VÀ DỐI TRÁ

Grace và các đồng nghiệp của cô ngoan ngoãn làm theo những gì họ được dạy cho công việc thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ này, nhiều lúc họ phải vẽ lên mặt những chiếc đồng hồ bé xíu với đường kính chỉ 3,5 cm. Các cô gái được hướng dẫn kỹ thuật đưa đầu cọ lướt qua môi (lip pointing) để lông cọ mềm và nhọn sau mỗi lần nhúng sơn. Điều đó đồng nghĩa mỗi lần đưa cọ lên môi, họ sẽ nuốt một ít bụi sơn Radium xanh.

Mae Cubberley, người hướng dẫn kỹ thuật đó cho Grace hồi tưởng: “Quản lý xưởng Savoy đã bảo với tôi nuốt một ít chả có gì nguy hiểm cả, rằng chúng tôi không cần phải lo lắng”.

Nhưng đó không phải là sự thật. Kể từ khi Radium được phát hiện bởi Marie Curie cách đó chưa đầy 20 năm, nó đã được xem là một chất có hại, bản thân Marie Curie từng bị bỏng phóng xạ trong lúc làm việc. Nhiều người đã tử vong vì ngộ độc Radium trước cả khi người thợ vẽ mặt đồng hồ đầu tiên xuất hiện. Đó là lý do công nhân nam ở các công ty Radium đeo tạp dề chì trong xưởng và giữ Radium bằng kẹp ngà. Nhưng công nhân nữ lại không nhận được sự bảo hộ như vậy, hay được cảnh báo bảo hộ là điều cần thiết. Vì vào thời điểm đó, một lượng nhỏ Radium như lượng các cô gái đang tiếp xúc, được cho là lượng có lợi cho sức khỏe: Người ta tin rằng nước uống có chứa Radium là một loại thuốc bổ, họ xem Radium trong mỹ phẩm, bơ, sữa và kem đánh răng như một thành phần kỳ diệu. Báo chí thời đó còn đưa tin sử dụng nó sẽ giúp “kéo dài tuổi thọ”.

Những niềm tin đó được hình thành dựa trên nghiên cứu được thực hiện bởi các công ty Radium như USRC, bọn chúng đã khiến ngành công nghiệp này trở nên béo bở bằng cách lan truyền những thông tin dối trá. Chúng lờ đi toàn bộ những biểu hiện nguy hiểm, nếu được hỏi, các quản lý xưởng sẽ bảo với các cô gái rằng chất này sẽ giúp cho má họ trở nên hồng hào xinh đẹp.

CÁI CHẾT ĐẦU TIÊN

Năm 1922, một trong những đồng nghiệp của Grace, Mollie Maggia, phải nghỉ việc vì cô ấy mắc một căn bệnh lạ. Triệu chứng đầu tiên của cô là một chiếc răng đau nhức. Nha sĩ đã giúp cô nhổ nó, nhưng mọi chuyện không dừng ở đó, từng chiếc răng bên cạnh bỗng nhiên cũng đau nhức dữ dội và buộc phải nhổ bỏ. Ở chỗ răng bị nhổ, những vết loét nở ra đầy đau đớn như những bông hoa sẫm màu, máu và mủ trộn lẫn tạo thành hỗn hợp màu đỏ vàng rỉ ra liên tục khiến hơi thở của cô bốc mùi hôi thối. Không lâu sau, tay chân cô cũng nhức nhối kinh khủng, đến mức cô không thể nhấc chân bước đi được. Bác sĩ chẩn đoán cô bị bệnh thấp khớp, được cho về với một liều Aspirin.

Đến tháng 5 năm 1922, Mollie trở nên tuyệt vọng, răng cô đã bị rụng gần hết và tình trạng nhiễm trùng bí ẩn đã lan rộng: Toàn bộ hàm dưới, vòm miệng và một số xương tai của cô được chẩn đoán nổi những khối áp-xe lớn chứa đầy mủ. Nhưng điều tồi tệ hơn đã xảy đến, chỉ với một cái ấn nhẹ của nha sĩ, xương hàm của cô gãy vụn trước sự kinh hoàng của ông ấy. Ông tháo bỏ nó, không qua bất kì một cuộc phẫu thuật nào, mà chỉ đơn giản dùng tay bóc từng mảnh vỡ ra. Chỉ vài ngày sau, toàn bộ hàm dưới của cô ấy đã được tháo bỏ theo cách tương tự. Mollie hoàn toàn sụp đổ, và cô ấy không phải là người duy nhất. Grace Fryer cũng đang gặp tình trạng tương tự với hàm và đôi bàn chân đau nhức, những cô gái Radium khác cũng cùng chung số phận.

Ngày 12/9/1922, căn bệnh nhiễm trùng lạ đeo bám Mollie Maggia trong vòng chưa đầy một năm, giờ đã lan đến các mô trong cổ họng của cô, dần dần ăn sâu vào tĩnh mạch cổ. Vào lúc 5 giờ chiều ngày hôm đó, miệng cô ứa ra đầy máu, cô bị xuất huyết quá nhanh đến nỗi y tá không thể nào cầm máu được. Mollie từ giã cõi đời ở tuổi 24. Các bác sĩ lúng túng về nguyên nhân cái chết, trên giấy chứng tử của cô được ghi chết do bệnh giang mai, thứ mà USRC sau này sẽ sử dụng để chống lại cô.

Giống như âm thanh của kim đồng hồ, tích tắc, từng người một, những đồng nghiệp cũ của Mollie lần lượt ra đi theo cô.

SỰ CHE ĐẬY

USRC liên tục phủ nhận mọi trách nhiệm về những cái chết trong gần hai năm. Tuy nhiên, với tình hình kinh doanh ngày càng sa sút vì những gì bọn chúng xem là “tin đồn” không hề biến mất. Năm 1924, chúng cuối cùng cũng ủy nhiệm một chuyên gia để xem xét mối liên hệ giữa công việc vẽ mặt đồng hồ và cái chết của các cô gái. Không giống những nghiên cứu trước của USRC về lợi ích của Radium, đây là cuộc nghiên cứu độc lập, và khi chuyên gia xác nhận có mối liên hệ giữa Radium và căn bệnh của các cô gái chủ tịch công ty đã tỏ ra phẫn nộ. Thay vì chấp nhận kết quả nghiên cứu, hắn ta trả tiền cho những nhà nghiên cứu khác công bố kết luận ngược lại, hắn cũng nói dối Bộ Lao động về kết luận của bản báo cáo ban đầu. Bệnh giang mai là thứ bọn chúng truyền bá để bôi nhọ danh tiếng của các cô gái, công khai chỉ trích các cô đang cố đổ lỗi bệnh tật của họ cho công ty và cười nhạo trên những nỗ lực chiến đấu, với mong muốn được hỗ trợ các hóa đơn y tế của họ.

THỨ ÁNH SÁNG KHÔNG BIẾT NÓI DỐI

Các cô gái khẳng định USRC phải chịu trách nhiệm cho căn bệnh lạ gây nên bởi thứ hoá chất mà họ phải nuốt vào hàng trăm lần mỗi ngày, nhưng dù sao họ vẫn đang chống lại thứ niềm tin phổ biến “Radium rất an toàn”, lời nói của những công nhân nữ không được xem trọng. Sau cùng, chỉ khi nam công nhân đầu tiên của công ty Radium qua đời các chuyên gia mới bắt đầu thực hiện điều tra.

Năm 1925, một bác sĩ lỗi lạc tên Harrison Martland đã nghĩ ra những xét nghiệm có thể chứng minh Radium gây ngộ độc cho các cô gái. Martland phát hiện khi Radium nằm trong cơ thể, dù chỉ một lượng nhỏ cũng sẽ gây ra những tổn thương lớn gấp hàng nghìn lần.

Sau khi được đưa vào cơ thể, Radium bám trụ trong cơ thể các cô gái và phát ra bức xạ hủy diệt, liên tục “làm tổ” trong xương của họ, đục từng lỗ sâu vào xương trong khi họ còn sống. Nó xâm chiếm toàn bộ cơ thể các cô: Cột sống của Grace Fryer đã bị “nghiền nát” và cô ấy phải đeo một cái nẹp lưng bằng thép, hàm của một cô gái khác bị ăn mất đến mức “chỉ còn chút chân răng”. Đôi chân của các cô bị rút ngắn lại và xương chân tự động gãy vụn. Kỳ lạ làm sao, những mảnh xương vỡ đó cũng phát ra ánh sáng xanh quỷ dị bởi chất phóng xạ nằm bên trong chúng: “Thứ ánh sáng không biết nói dối”. Martland cũng nhận ra Radium là chất độc tử thần, một khi nó đã nằm trong xương các cô gái thì không có cách nào loại bỏ được.

CUỘC ĐẤU TRANH

Bất chấp mọi nỗ lực của ngành công nghiệp Radium nhằm làm mất uy tín nghiên cứu tiên phong của Martland, các cô gái Radium vẫn dũng cảm và bền bỉ đấu tranh chống lại sự bất công.

Grace Fryer cho biết: “Tôi làm điều này không chỉ vì bản thân mà còn vì hàng trăm cô gái trẻ khác, và đây sẽ là tấm gương cho họ”.

Grace là người dẫn đầu cuộc đấu tranh này, cô quyết tâm tìm luật sư cho dù bị vô số luật sư từ chối, họ hoặc không tin vào những lời cáo buộc của các cô gái, e ngại đụng đến những công ty Radium hùng mạnh, hoặc chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến pháp lý chống lại luật pháp hiện hành. Vào thời điểm đó, ngộ độc Radium không phải là một căn bệnh mà các công ty buộc phải bồi thường vì nó chưa được phát hiện cho đến khi các cô gái mắc phải. Các cô cũng gặp trở ngại bởi thời hạn quy định của ngộ độc công nghiệp, nạn nhân bị ngộ độc phải mang vụ việc ra pháp luật trong vòng 2 năm. Nhưng ngộ độc Radium diễn ra thầm lặng, hầu hết các cô gái không phát bệnh cho đến ít nhất 5 năm sau khi bắt đầu làm việc. Họ bị mắc kẹt trong một vòng pháp lý luẩn quẩn tưởng chừng không thể giải quyết được. Thế nhưng Grace, vốn là con gái của một đại biểu công đoàn, với tính cách mạnh mẽ, cô quyết tâm phải đưa công ty cũ ra hầu toà.

May mắn thay, vào năm 1927, một luật sư trẻ tài giỏi tên Raymond Berry đã chấp nhận hồ sơ của họ, Grace (cùng với 4 đồng nghiệp) trở thành nhân vật chính của bộ phim chính kịch pháp lý nổi tiếng quốc tế. Vào thời điểm đó, họ chỉ còn sống được bốn tháng và công ty dường như có ý định kéo dài các thủ tục pháp lý đến khi họ mất. Do đó, Grace và bạn bè của cô buộc phải giải quyết ngoài tòa. Dù sao, họ cũng đã đưa hồ sơ vụ án ngộ độc Radium ra ánh sáng, đúng theo kế hoạch của Grace.

Sự việc của các cô gái Radium ở New Jersey được đăng lên trang nhất, nó đã tạo ra một làn sóng chấn động khắp nước Mỹ. Ở Ottawa, Illinois, một thợ vẽ mặt đồng hồ tên Catherine Wolfe (sau là Donohue theo họ chồng) không khỏi kinh hoàng khi đọc bài báo. Cô nhớ lại: “Chúng tôi đã sợ hãi đến mức không thể tiếp tục làm việc.”

Tuy nhiên, công ty Radium Dial ở Illinois cũng cùng một giuộc với USRC, chối bỏ toàn bộ trách nhiệm, mặc cho các xét nghiệm y tế của công ty đã chứng minh công nhân nữ ở Illinois có các triệu chứng ngộ độc Radium. Bọn chúng còn mua một trang quảng cáo trên tờ báo địa phương: “Nếu thật sự hoàn cảnh của công việc này gây nguy hiểm cho sức khỏe của công nhân như vậy, chúng tôi đã đình chỉ hoạt động ngay lập tức rồi.” Mọi chuyện đi xa hơn khi chúng can thiệp vào quá trình khám nghiệm tử thi các công nhân nữ ở Illinois, chúng trộm những mảnh xương với nhiều lỗ thủng do Radium gây ra để che giấu sự thật.

TẠO NÊN LỊCH SỬ

Nếu các cô gái không chết bởi vấn đề về xương hàm giống Mollie Maggia, thì họ cũng mắc phải căn bệnh Sarcoma với những khối u xương khổng lồ có thể mọc lên ở bất cứ đâu trên cơ thể họ. Một thợ vẽ mặt đồng hồ tên Irene La Porte đã chết vì một khối u lớn ở vùng xương chậu được ví là “to hơn hai quả bóng đá.”

Catherine, với khối u to ngang “một quả bưởi” ở bên hông, bắt đầu cuộc đấu tranh giành công lý của mình vào giữa những năm 1930, trong tình trạng Nước Mỹ đang lâm vào Đại suy thoái. Catherine và bạn bè của cô bị cộng đồng xa lánh vì khởi kiện một trong số ít công ty Radium còn tồn tại. Mặc cho đang gần đất xa trời khi vụ án của cô được đưa lên toà vào năm 1938, Catherine phớt lờ lời khuyên của các bác sĩ, tiếp tục đưa ra những bằng chứng tố cáo công ty trên giường bệnh của mình. Cùng với sự giúp đỡ của luật sư Leonard Grossman, cô cuối cùng cũng giành được công lý không chỉ cho mình, mà cho toàn thể công nhân lao động trên khắp nước Mỹ.

Trường hợp của các cô gái Radium là một trong những trường hợp đầu tiên mà các công ty phải chịu trách nhiệm cho sức khỏe của công nhân. Sự việc góp phần tạo nên các quy định về bảo vệ tính mạng người lao động và nhất là sự thành lập của Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSHA), hiện đang hoạt động trên toàn nước Mỹ với mục tiêu bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Trước khi OSHA được thành lập, có khoảng 14.000 công nhân chết mỗi năm nhưng hiện nay chỉ còn hơn 4.500 người. Các cô gái Radium cũng để lại một di sản “vô giá” cho khoa học. Dù là thế, bạn sẽ không thường xuyên thấy tên của họ trong sách lịch sử, vì ngày nay câu chuyện của họ đã bị lãng quên.

Sự chịu đựng và hy sinh của họ đã giúp giành quyền lợi cho công nhân lao động. Grace Fryer và Catherine Donohue là những người phụ nữ cần được nước Mỹ tôn vinh như những nhà vô địch dũng cảm. Câu chuyện của họ đã được dựng thành bộ phim mang tên Radium Girls (2018). Họ tỏa sáng trong lịch sử với tất cả những gì họ đạt được trong cuộc đời quá đỗi ngắn ngủi của mình. Và họ cũng tỏa sáng theo “những cách khác”… Radium có chu kỳ bán rã 1600 năm nên hiện nay nó vẫn còn nằm trong xương họ. “Những cô gái bóng ma” sẽ còn rực sáng trong mộ của họ một thời gian dài nữa.

Dịch bởi Kieren Monroe

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *