CÚNG NƯỚC:
Cúng nước là tượng trưng cho tâm từ bi của mình và Phật không khác. Nước dù có nấu sôi cỡ nào để một hồi nó cũng nguội.
Con người của chúng ta cũng vậy, bản chất của chúng ta là thanh tịnh, lắng trong. Sở dĩ chúng ta nóng nảy bồn chồn rồi đủ thứ là do chúng ta huân tập. Còn nếu chúng ta chịu để yên, yên tịnh, thì tự nhiên nước nó lắng, nước sẽ nguội. Nóng, biết nóng thì phải tìm cách làm cho nó nguội. Tại sao cái chân khi đi đụng một cái thì cái tay liền biết đưa xuống xoa dịu chỗ đau. Mà tại sao khi cái tâm mình nóng, mình không tìm cách làm cho nó hết?
Cầm một món đồ phỏng tay, liền chà cho hết. Mà sao trong tâm nóng không tìm cách chữa, mà cứ nói: “Tôi vậy đó, ai chịu thì chịu, không chịu thì thôi!”. Như vậy, rõ ràng mình lo cái lặt vặt bên ngoài hơn.
CÚNG ĐÈN:
Cúng đèn là tượng trưng cho trí tuệ. Tại sao phải hai cây đèn hai bên? Là tượng trưng rằng trí tuệ Phật và trí tuệ chúng ta đồng nhau không khác. Cho nên không được (cúng) một cây thấp cây cao.
CÚNG TRÁI CÂY:
Tượng trưng cho nhân quả. Vì có nhân lành nên quả mới ngọt. Rồi khi cúng phải đôn trái cây lên cao là tượng trưng cho chúng con luôn mong mỏi tìm quả lành, quả tốt, vun bồi cho cao. Ở đời, hễ có nhân thì có quả, vì vậy cúng một đĩa trái cây cho Đấng Giác Ngộ là tự ý nhắc nhở mình làm cái nhân lành để được quả tốt.
CÚNG HOA:
Hoa ai cũng yêu, cũng mến vì nó đẹp. Cũng như thế, chúng ta cần đến với nhau như một đóa hoa chứ đừng đến với nhau bằng sự héo hắt khổ đau. Mà đến với nhau bằng tấm lòng hoa tươi, hoa đẹp của mình. Bên cạnh đó, hoa còn tượng trưng cho ý nghĩa cuộc đời là vô thường. Đẹp đó, rồi thì héo hắt.
THẮP HƯƠNG:
Hương tượng trưng cho Giới, vì người có đức hạnh, mới lan tỏa hương thơm. Cây hương chúng ta thắp để nhắc nhở chúng ta sống có đức hạnh, người có đức hạnh thì hương thơm bay khắp chốn. Hương còn tượng trưng cho Hương Giới – Định – Tuệ.
Sưu tầm