Tang Trùng Tang – P11

Phần 11: Đèn dầu không thể vỡ

Cụ Quan chống gậy, ông lật đật bước ra từ trong bóng tối. 

– Thầy cũng biết; Nếu bẫy trùng không thành, trùng sẽ giận dữ, đoạt mạng liên hoàn. Lúc ấy, chuyện càng thêm trầm trọng…

Thầy Nhị nhíu cặp chân mày rậm đen, ông lườm người đang đứng trước mặt.

– Này! Cụ nghi ngờ pháp lực vô biên của ta à?

– Không không! Tôi không có ý đấy…Nhưng chẳng phải, ban đầu, thầy bảo, họ tôi tránh được nạn trùng. Sao bây giờ, thầy lại muốn bẫy cái thứ mà thầy đã nghĩ nó không xuất hiện?

Vị pháp sư cười phá lên.

– Hahaha! 

Lão ta đưa sát mặt vào cụ Quan.

– Nên nhớ một điều, nếu không có ta, ở vùng này chẳng ai giúp được cụ đâu! Quan trọng nhất, chính là cái thứ phía sau cánh cửa. Nó chính là chủ chốt cuối cùng. Chả lẽ cụ nghĩ, cụ đủ sức để tự mình làm việc ấy?

Cụ Quan im lặng. Khuôn mặt ông toát lên những khắc khoải âu lo. Dường như, ông đang bị dồn vào thế ngõ cụt.

– Ừm! Thôi được rồi. Nhưng thầy muốn bẫy trùng như thế nào, có cần tôi giúp lễ không?

– Tất nhiên là có! Ta nói gì, đều phải nghe theo! 

– Hoàng!

Bác tôi giật mình.

– Ngươi cũng phải theo ta một chuyến!

Mặc dù vẫn còn nhiều mông lung và do dự trong lòng, nhưng bác tôi buộc phải đồng ý. Ông biết rằng, từ giây phút ông nghe theo thằng Khờ, cũng là lúc ông chính thức liên quan tới chuyện này. 

Mọi người phải thức suốt đêm để chuẩn bị cho tang của cụ Thy. Đến đầu giờ Tý, thầy Nhị bảo người làm trong nhà khiêng thi thể ra giữa sân sau, đặt trên một tấm chiếu trúc.

Lão ta cắm nhang lên bát cơm rồi nhờ người mà ông nói nặng bóng vía tháo băng vải, quỷ tinh ám ảnh chắc chắn không hiện. Mục đích của vị pháp sư, chính là dùng thi thể cụ bà nhằm dẫn dụ thần trùng vào trong một “bẫy”. 

Bẫy này ông sẽ lập ở nơi hạ huyệt khi trời sáng. Trước đây, thầy Nhị đã từng cắt trùng, nhốt trùng, bẫy trùng nhiều lần, nên với ông, việc này được xem là hết sức đơn giản.

Sau khi tháo hết băng vải, thầy Nhị ngồi xếp bằng, mồm thì tụng kinh. Bác tôi và cụ Quan đứng ở xa dòm chừng. Vị pháp sư không cho bất cứ ai đến gần, bởi phách thoát ra, người xung quanh rất dễ bị nhập. 

Bỗng, đuôi tóc của thầy Nhị bay hất lên. Điều này báo hiệu, đã đưa phách ra ngoài một cách “êm đẹp”. Ông tiếp tục bảo người làm gấp rút khiêng xác vào gian giữa để liệm cho đúng giờ tốt, tránh tương khắc với bậc gia trưởng.

Thầy Nhị chủ trì mọi việc. Dưới ngọn đèn cầy, ông sai người làm dùng nước sôi để nguội, lau thi thể thật cẩn thận. Ai nấy đều run tay vì họ lau đến đâu, mặt khăn đen sì đến đấy. 

Chập sau, thầy Nhị ngậm rượu, phun lên thi thể để uốn nắn chân tay. Nhưng mọi thứ không được như ý ông, bởi xác rất giòn và dễ gãy. Thầy Nhị vẫn chưa hiểu rõ ngọn ngành về lý do cụ Thy mất trong tình trạng quá sức kỳ lạ, dẫu thế, ông cũng không quan tâm nhiều, lão ta lúc này chỉ tập trung toàn tâm đến việc bài trí “mồi trùng” sao cho chuẩn xác nhất.

Thầy Nhị tiếp tục bảo người làm thay bộ áo tang vải sô cho cụ bà. Sau đó cho mặc bộ áo cụ bà thường dùng nhưng còn mới. Thầy lấy chiếc xương trong tay nải ra, cắt bỏ khuy nút. Cuối cùng, ông nhét miếng bã trầu và một ít gạo vào miệng thi hài, đặt lên tay vài đồng tiền cổ. 

Có người mang con dao vào, nhưng thầy Nhị nói không cần. Vì chính ông sẽ trừ âm tà nếu chúng có xuất hiện. Tuy nhiên, việc bất lợi nhất vẫn là thầy Nhị mang thiếu đồ dùng, ông phải bảo một số người đi tìm giúp ông vài thứ cần thiết để ông vẽ bùa. Theo bác tôi được biết; Vị pháp sư dùng giấy song, bút bằng lông dê và điểm bằng chu sa hùng hoàng. Nhưng sau hết, cái linh ứng ở bùa nằm ở người đọc chú và gọi chú, nên vật bùa chỉ cần chuẩn là dâng sớ thần được.

Bạn đang đọc một tác phẩm của tác giả Hoàng Ez – Biên tập Phạm Đào Hoa

Khi gà vừa gáy sáng, cũng là lúc mọi chuyện gần như hoàn tất. Theo ý của lão pháp sư; Bắt buộc phải hạ huyệt trước khi chiều tối, vì đêm nay, ông và bác tôi sẽ “bẫy trùng”. 

Thi thể cụ bà đã được đặt vào quan tài ở căn giữa. Dưới quan tài, chín dĩa đèn dầu phụng thắp lên. 

Thầy Nhị nói rằng; Xác này tử khí nặng vô cùng, nên phải dùng nhiều đèn dầu phụng để xông hòng đánh tan mùi.

Cờ tang treo trước ngõ, còn tấm triệu thì đặt ở bàn linh toạ. Theo tục lệ làng này, cờ tang chỉ để báo nhà có người mất, còn tấm triệu cũng mang hình thái như cờ tang, nhưng được các vị chức sắc trong làng phê, mục đích để vong hồn được cõi âm chịu nhận về.

Mặt Trời đã lên cao, người thân, xóm giềng bắt đầu đến để thăm viếng và chia buồn cùng gia đình. Do đây là tang bên nhánh nhà cụ Cầu, nên các cô con gái và Đại(con trai duy nhất cụ Cầu) thực hiện việc tiếp đón. Pháp sư Nhị bảo gọi thêm thầy chùa, đội kèn trống về cho đúng lễ tục.

Riêng thầy Nhị, ông cùng bác tôi, ông Bách (con trai trưởng) và một số người làm ra nghĩa trang dòng họ, nhằm chuẩn bị huyệt chôn. 

Đi ngang qua cổng, có vài ba khách viếng đứng ở đó, họ đang to nhỏ về việc cụ Cầu vừa mất, nay vợ cụ cũng theo cùng, ắt nhà chắc gặp phải trùng tang. 

Nghe vậy, thầy Nhị tỏ vẻ bực bội, ông nạt:

– Các ngươi thì biết cái gì! Ăn có thể ăn bậy, nhưng nói thì phải lựa lời!

Mấy người ấy cúi đầu, chẳng dám hó hé thêm tiếng nào. Có vẻ như sự việc lần này, nếu không được giải quyết triệt để, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến uy danh của thầy Nhị tại vùng này. Do vậy, lão ta đang đi theo hướng khá nóng vội.

Tuy còn việc ở hiệu thuốc, nhưng giờ bác tôi đã lỡ phóng lao đành phải theo lao, nên ông tạm gác mọi sự, nhờ người về báo cho lương y Sửu. 

Họ cùng nhau tiến tới nghĩa trang dòng họ. Tuy đang là ban ngày, nhưng đường đến đấy rậm rạp cây cối. Mùa này trời cũng nhiều mây. Nên trông không gian ảm đạm và đượm màu kỳ bí đến lạnh người. 

Vào bên trong, sương khói vẫn còn bay là đà chưa tan. Hẳn cũng do nhiều vũng nước đọng trên mặt đất. Một phần nữa vì nơi này xây mồ mã làm chặn đứng dòng không khí, khiến nó khó lưu chuyển. 

Cái lớp trắng đục lờ mờ của sương khói như cản trở đoàn người. Việc tìm phương hướng chẳng mấy dễ dàng.

– Theo thầy, chúng ta đào huyệt kế bên mộ cụ Cầu có ổn không? – Ông Bách hỏi.

Vị pháp sư gật đầu:

– Đừng xoay về hướng chính Đông là được. Cho hai vợ chồng được gần nhau dẫu chốn âm ti, cũng là việc phải làm. Các ngươi cứ đào huyệt như thường, thâm thổ xuống ba tấc đất, phải cẩn thận, tránh ảnh hưởng đến mộ cụ ông ở cạnh bên. 

Sau một hồi hì hục dùng cuốc xẻng, đám người làm cũng hoàn tất việc của họ. Khi ấy trời đã về gần trưa. 

Thầy Nhị lấy bánh ra ăn, ông nhìn vào cái hố đất, đầu gật gật.

– Được rồi! Các ngươi về hết đi! Để ta ở đây lo liệu, cần phải làm lễ trị huyệt, đuổi tà ma ẩn núp trong huyệt. 

-Mà nhớ này! Nếu thấy xung quanh huyệt ta có bài trí thứ gì, cũng tuyệt đối không được làm lệch dù chỉ một li! Hạ huyệt cho cẩn thận đấy!

-Dạ dạ thầy! Chúng tôi rõ rồi ạ!

Thực ra, thầy Nhị chỉ đang vờ lấy cái cớ đuổi tà ma ẩn nấu. Chẳng ai ngoài bác tôi và cụ Quan biết, lão ấy muốn thực hiện bẫy trùng.

– Này này Hoàng! Ngươi phải ở lại chứ!

Bác tôi đứng trông theo đoàn người dần khuất sau mấy ngôi mộ. Lòng ông nao nao khó tả. Ông xoay đầu nhìn vị pháp sư.

– Bây giờ chúng ta phải làm gì hả thầy?

Lão pháp sư lấy trong tay nải ra một cuộn chỉ trắng và 4 thanh tre được vuốt nhọn đầu đã chuẩn bị từ trước. 

– Ngươi lấy cái này, cắm vào các góc của huyệt. 

Bác tôi làm theo. Thầy Nhị bắt đầu mở cuộn chỉ ra, kéo dây cột vào thanh tre, tạo thành một vòng bao xung quanh huyệt. Ông tiếp tục bảo bác tôi dùng tay đào 4 cái lỗ trên mặt đất dưới cạnh của đường dây chỉ. Sau cùng, thầy Nhị lấy bùa ra, ông cho vào lỗ bác tôi đã đào rồi lấp đất lại.

– Tốt lắm! Xong rồi đấy!

Bác tôi vừa thấy khó hiểu, vừa thấy tò mò.

– Chà! Cũng hay thật thầy ạ, lần đầu tiên tôi làm mấy việc kì khôi thế này…

Vị pháp sư bật cười.

– Hahaha! Đây chỉ là mở đầu thôi. Còn nhiều thứ hay ho đang chờ ngươi đấy! 

– À mà…Ngươi đã từng đến đây rồi phải không? Ta thấy ngươi có vẻ cũng biết đường trong cái bãi tha ma này.

Bác tôi chớt nhớ ra một điều, ông vội nói:

– Khi nãy lúc vào đây, thầy có để ý đến cái tượng Thần Giữ Đất không?

Vị pháp sư mồm nhóp nhép nhai miếng bánh.

– Có! Đấy là hậu thuẫn của chúng ta đấy! Trùng nếu vào, cũng phải thưa Thần Giữ Đất. Nên, cho dù trùng này mơ hồ cách mấy, ta chỉ cần triệu thần là biết được ngay. Chuyện vây bắt trùng cũng dễ dàng hơn.

– Nhưng…Ý tôi là…chả nhẽ thầy không để ý thấy cái tượng ấy có điều gì bất thường à?

– Không!? Ý ngươi là sao?

– Chuyện thế này; Cái đêm cụ Thy mất, tôi đã trông thấy đôi mắt của tượng di chuyển!

Thầy Nhị lại được một tràng cười:

– Hahaha! Vớ vẩn! Ta thấy chốn này nhiều sương khói, chắc ngươi trông gà hoá cuốc thôi! Nếu có điềm gì, tự ta tuyệt nhiên phát hiện được. Ta cũng đã bảo rồi, Thần Giữ Đất trên Thần Trùng xếp theo Âm Dương Luật. Nên chẳng chuyện gì đâu. Có phải, ngươi đang nghĩ, Thần Trùng sai khiến được Thần Giữ Đất không?

Bác tôi liền gật đầu. 

Thầy Nhị nhoẻn miệng, lão đặt tay lên vai bác tôi.

– Về!

Đến tầm gần ba giờ chiều, ông cai giang báo hiệu đã đến giờ di quan. Theo truyền thống tổ chức tang ở vùng này, ông cai giang là người đi đầu đoàn di quan, đảm nhận vai trò hô lệnh nâng – hạ – dịch – dừng, những người còn lại thực hiện việc di quan được gọi là âm công. 

Ba mươi hai âm công mặc áo lễ quần dài trắng, tay cầm cây đèn sáp nhỏ. Họ sắp thành một hàng dài trước sân nhà cụ Quan, sau đó, họ di chuyển vào trong, đi một vòng quanh vị trí đặt linh cữu.

….

Khi đã hoàn tất lễ bái, quan tài cụ bà được âm công khiêng ra ngoài. 

Thầy Nhị lên tiếng:

– Này! Ngươi làm đi! – Vị pháp sư chỉ tay vào ông Hoài (Chồng bà Uyên).

Người đàn ông ấy gật đầu, nhanh chân bước tới, cầm dĩa đèn dầu phụng lên, ném thật mạnh xuống đất.

“Cốp!!!!”

Mọi chuyện xảy ra hoàn toàn khác với suy nghĩ của mọi người, ai cũng trừng trừng kinh ngạc. 

Chiếc dĩa đèn không hề vỡ, nó xoay một vòng rồi nằm yên dưới đất, ngọn lửa vẫn cháy. 

Ông Hoài trở nên bối rối, ông tiếp tục cầm thứ ấy lên rồi ném lần nữa, nhưng dường như việc tác động đến chiếc đèn là không thể.

Những người đứng xung quanh chứng kiến cảnh tượng quá phi lý, họ bắt đầu ồn ào. 

– Nguy to! Đèn không vỡ tức hồn ma không đi được!

– Sao lại thế? Dĩa bằng sứ, ném mạnh như kia mà vẫn còn nguyên à???

Thầy Nhị nhìn bác tôi:

– Ngươi leo lên mái, gỡ miếng tồn ở chỗ này cho ta!

Bác tôi nghe theo lời thầy. Vị pháp sư bên dưới cầm dĩa đèn, ông lấy một lá bùa, miệng niệm chú rồi đốt cháy bùa bằng ngọn lửa từ tim đèn. 

Bấy giờ tấm tồn đã được bác tôi rút ra, ánh sáng ngoài trời lọt xuống gian. Thầy Nhị biết mọi thứ đã được, ông ném thật mạnh dĩa đèn.

“Choa…oangggg!!!!”

Cuối cùng thứ ấy cũng chịu vỡ. Mọi người thở phào nhẹ nhõm, họ cúi đầu tỏ vẻ thán phục trước tài pháp của lão thầy.

Cụ Quan vội kéo pháp sư Nhị về một góc, ông gặng hỏi.

– Rốt cuộc chuyện này là thế nào?

Vị pháp sư đặt tay lên vai ông lão.

– Không cần phải lo! Ta cũng thường gặp chuyện này. Chỉ là…Người mất vẫn còn nhiều trăn trối nên chưa muốn đi vội. 

Đôi mắt cụ Quan ánh lên sự âu lo.

– Ý thầy là…Em dâu tôi…Muốn nói gì đấy với người nhà à?

– Haha! Ngay cả người còn sống, nhỡ rời xa gia đình đi tha hương, họ cũng muốn gửi đôi lời. Thì người không còn, họ cũng vậy. Đây là điều thường tình mà cụ? Đừng nghĩ quá nhiều!

– Qua đêm nay thôi. Mọi chuyện sẽ êm xuôi…

Hết phần 11

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *