Phần 5: Oán nghiệt ngày ra mắt
Biết đây là điềm dữ. Ai ai trong sân đều bắt đầu xôn xao bàn tán. Nhưng mọi chuyện xảy ra rất nhanh, khi mọi người nhìn vào hồ nước, lũ cá lại bơi tung tăng như chưa hề có chuyện gì.
Bấy giờ, trông nét mặt cụ Quan đã tái nhợt đi. Nhưng ông ta vẫn dõng dạc lên tiếng:
– Mọi người bình tĩnh! Bách! Đi lấy cặp hình nhân khác đặt vào mâm! Sẵn bảo cậu Hoàng vào thay con Hậu chăm cho chú mày liền!
Lễ khấn và ăn cỗ vẫn diễn ra cho tới tối. Tuyệt nhiên, không còn điều gì lạ xảy ra nữa. Tuy thế, sâu trong tâm khảm ai nấy có mặt tại đây đều cảm thấy sợ. Họ lo ngại, chim sa cá lặn là điềm báo cho những sự dữ sắp xảy đến với gia đình gia chủ…
Tối hôm đấy, bác tôi ngồi bắt mạch cho cụ Cầu. Thần sắc cụ ông vốn dĩ đã tốt hơn nhiều. Nhưng có lẽ vì một nỗi âu lo khắc khoải nào đấy mà cụ Quan mới bảo bác tôi trông cho em ông ta.
– Được rồi…Được rồi…Cậu Hoàng về tắm rửa nghỉ ngơi đi…Có con tôi chăm cho tôi rồi… – Cụ Cầu đưa tay vỗ nhè nhẹ vào vai bác tôi.
– Vâng. Vậy xin phép. Chốc nữa tôi sẽ quay lại.
Gần tới phòng, bác tôi nhìn thấy ông Hoài đang tháo cái lồng chim xuống.
(Ông Hoài là cha của Sang – làm quản lý ở bến tàu)
– Sao vậy anh?
– À…Đợi anh tí…
Ông ta đem cất chiếc lồng vào trong rồi gọi nhóc Sang ra.
– Mày thấy mày hại nhà mình chưa! Cụ Quan mà biết con nhồng mày nuôi xổng ra đi phá phách, là sống không yên nha con!
– Dạ…dạ…Nhưng mà…Nhưng mà cha ơi! Con nhồng của con nó đâu có giống cái con hồi chiều đâu cha!!?
– Chứ sao giờ cái lồng trống trơn!?
Bác tôi bước lại:
– Thôi thôi. Anh đừng mắng thằng bé, tội nghiệp. Chắc mọi sự chỉ là tình cờ. Tôi cũng nghĩ đó không phải con nhồng của thằng bé đâu! Trông nó hoàn toàn khác. Do…Tôi thường hay để ý, nên mới dám chắc như vậy!
Nghe bác tôi nói xong, ông Hoài cũng đỡ phần lo lắng.
Cùng lúc ấy, ông Bách chạy tới.
– Hoài! Cha anh bảo em cho thuyền đi rước thầy Nhị bên huyện Mộ Cát về!
– Cái gì? Mộ Cát lận hả anh? Xa đấy! Cũng phải mất cả ngày đi đi về về!
– Ừ. Chứ vùng mình còn thầy pháp nào cao tay đâu. Cha anh chắc đoán trước được chuyện gì rồi, nên mới bảo anh gấp rút thế này này!
– Đi liền giờ hả anh?
– Ừ! Nhanh còn kịp mai Chính Kỵ em ơi!
– Thôi chào cậu Hoàng! Ở lại trông giúp sức khỏe của các cụ hộ bọn tôi nhé!
Bác tôi cùng nhóc Sang đứng nhìn hai người đàn ông dần đi khỏi.
– Sang! Chú muốn hỏi con việc này.
– Dạ, chú Hoàng hỏi đi.
Bác tôi và đứa nhỏ ngồi trên bậc tam cấp, ông ngó ra ngoài khoảng sân tối.
– Con nhồng ấy là con mua hay bắt được vậy?
– Haha dạ không! Thật ra thì…
– Thế nào?
– Dạ là…Tự nhiên sau hôm lễ mừng cụ Quan tròn 70 tuổi á, cũng cách đây mấy tháng rồi. Con ra trước cổng thì thấy con nhồng nó đứng trên cột, nó cứ mổ cốp cốp vào tượng con chó bằng đá á! Xong rồi, con mới vào nhà lấy cái lồng hồi đó con nuôi cúc cu với giàn ná ra. Con tưởng là phải bắn nó thì nó mới rớt để con lượm. Ai ngờ, con mở lồng ra, nó tự bay vào cái một luôn!
Bác tôi há mồm khi nghe thấy câu chuyện kì lạ đến thế.
– Mà con nhồng này dở lắm chú Hoàng ơi! Con dạy nó nói quá trời mà nó chỉ biết “xin chào” với “tạm biệt” thôi à.
Bác tôi nhíu mày.
– Chứ chẳng phải con dạy nó nói “ch.ết chùm cả lũ” hả???
Thằng bé Sang gãi đầu:
– Là sao chú Hoàng? Con không hiểu? Bộ nó nói thế với chú à?
Bác tôi im lặng, ông đăm chiêu suy nghĩ. Thì ra, mấy lời đó không phải thằng Sang dạy con nhồng. Vậy rốt cuộc…là ai? Hay con nhồng ấy không phải một con vật bình thường?
– Bọn bây chết nhanh đi! Để tao còn hưởng gia tài…Tất cả bọn bây!
Bác tôi và nhóc Sang giật mình. Phía sân có một người đang loạng choạng bước đi trong bóng tối. Ra là lão Sơn, ông ấy lại nhậu say vào rồi nghiêng nghiêng ngã ngã, đưa mồm chửi đổng.
Bác tôi gật gật đầu, có thể con nhồng đã học nói theo những lời của gã nát rượu kia. Tuy nhiên…Vẫn còn một số việc, bác tôi chưa thể tự giải thích được, những việc đang diễn ra như sắp đặt.
…..
Ngày hôm sau, từ sớm, phụ nữ trong nhà và người làm đã vào bếp để nấu nướng. Đàn ông con trai thì soạn sửa bàn ghế, lau chùi các thứ để tiếp đón khách khứa đến ăn giỗ.
Tới gần trưa, Đại (con trai duy nhất của cụ Cầu) đưa bạn gái về nhà để ra mắt gia đình. Nhưng lúc ấy mọi người đều đang bận rộn nên chẳng ai hay biết.
Bác tôi khi đó vừa cho cụ Cầu uống thuốc xong, ông cầm cái bát đi ra thì bất ngờ gặp Đại và bạn gái của cậu ta.
– Cậu Hoàng ơi! Giúp em với!
Bác tôi ngạc nhiên, Đại đang dìu một cô gái, cô ta trông không được ổn cho lắm.
– Sao vậy? Ai đấy em?
– À…dạ…Giới thiệu với cậu Hoàng. Đây là người yêu của em, tên Viên, cũng sống ở trên huyện.
– Thế à! Vậy là khách quý của gia đình rồi!
– Dạ chào cậu. – Cô gái ấy cúi đầu chào bác tôi.
– Ừm chào Viên. Đại! Vào trong lấy chiếc ghế rồi anh xem giúp cho!
Sau khi bắt mạch, bác tôi chớp mắt liên tục:
– Ủa? Lạ thật! Tôi không chẩn ra bệnh gì cả? Này Viên. Em thấy mệt mỏi như vậy từ lúc nào?
– Dạ cậu…Từ lúc mà em vào nhà này ạ…
Bác tôi suy nghĩ, Đại chở Viên bằng chiếc Cub của cậu ta, mặc dù đường xá từ huyện về đây cũng có thể gọi là khá xa. Nhưng người này không có biểu hiện của sự mệt mỏi do đi một quãng dài.
– Thôi! Để tôi xuống bếp pha một cốc trà cam thảo. Uống vào chắc là đỡ ngay.
Viên vội đưa tay ra:
– Dạ dạ thôi…Phiền cậu quá…
Bác tôi cười:
– Không sao đâu! Tôi là người hành nghề y, đây là việc của tôi mà! Đại cứ ngồi đây trông cho bé Viên đi! Lát nữa tôi mang ra.
– Dạ dạ, em cảm ơn cậu Hoàng nhiều!
Bác tôi vào trong bếp. Mùi đồ ăn tỏa ra thơm nức mũi. Mấy người phụ nữ, vừa nấu nướng, vừa luyên thuyên đủ chuyện.
Thấy bác tôi mang gói thuốc vào, họ ngạc nhiên.
– Ơ? Cậu Hoàng? Sao chưa về phòng thay đồ? Còn vào đây làm gì?
– Nấu thêm thuốc cho cụ Cầu hả cậu?
Bác tôi cho cam thảo và hồng táo vào trong ấm. Ông cứ ngỡ mọi người ở đây đã biết sự xuất hiện của cô con dâu tương lai.
– Không! Tôi nấu trà cho bé Viên. Đi đường xa nên nó mệt.
Cụ Lành (Mẹ của Đại) đưa mắt nhìn bác tôi. Bà ta phun bã trầu vào cái ống đựng bằng đồng. Chiếc mồm đỏ choét vểnh lên:
– Cậu Hoàng nói gì cơ? Nhà này có ai tên Viên à?
Bác tôi cười:
– Thì là cô người yêu của con cụ đấy!
Bà Hậu nghe thấy thế, liền nhíu chân mày nhìn mọi người.
– Á à! Thì ra con bé ấy tới rồi! Đúng thật là không biết phép tắc là gì! Vào nhà cũng chả chào hỏi ai một câu!
– Đúng đấy! Còn sai khách quý là cậu Hoàng đi nấu thuốc nữa! – Bà Uyên chêm vào.
Bác tôi bối rối. Ông hiểu có lẽ vì thấy mọi người đang bận rộn và Viên bỗng mệt trong người, nên Đại vẫn chưa dẫn con bé đến ra mắt với mẹ và các cô, các chị trong họ. Nhưng với suy nghĩ của những người này, tình hình chắc chắn sẽ trở nên gay gắt.
– À này! Mọi người hiểu lầm rồi, nghe tôi nói!
Cụ Lành đưa cánh tay đeo đầy nhẫn vàng và vòng cẩm thạch lên.
– Được rồi cậu Hoàng! Không cần phải thanh minh cho nó. Uyên! Đưa con ả đó vào đây! Nhà này có gia nghiêm, đâu phải cái chợ làng mà muốn đến thì đến!
Bác tôi thấy tình hình đang dần căng thẳng. Ông bỏ ấm thuốc qua một bên.
– Cô Uyên! Để tôi dẫn cô tới chỗ hai đứa nó! Lối này! Mời!
….
Mối tình của Đại và Viên là mối tình tuổi trẻ. Họ thường dành cho nhau một chút thơ ngây, một chút chân thành qua những hành động nho nhỏ.
– Để anh đấm lưng cho em nhé!
– Thôi anh này…Lỡ ai thấy thì kì lắm…
– Haha! Không sao đâu! Sớm muộn gì em cũng là vợ anh mà.
Hai người trẻ tuổi đang ở sân sau. Viên ngồi trên ghế, Đại thì kế bên.
Bà Uyên và bác tôi qua khỏi vườn cảnh. Trông xa xa, nhìn thấy cảnh tượng “đùa giỡn” của đôi nam nữ kia. Bà Uyên vô cùng chướng mắt.
– Đúng là cái lũ ăn no rửng mỡ! Để tôi dạy cho chúng một bài học!
Bác tôi hạ giọng:
– Này! Bình tĩnh cô Uyên! Bọn nó còn trẻ, có gì thì từ từ dạy bảo…
Không để tâm đến lời bác tôi, bà Uyên bây giờ nóng như cục lửa. Bà ta xồng xộc đi tới.
– Đại! Mẹ thầy mày ở nhà mày còn chưa xoa bóp đấm lưng được ngày nào! Giờ đi hầu hạ cho kẻ ngoài thế này! Đúng là cái loại khôn nhà dại chợ!
Đại giật mình, cậu ấy dừng tay. Viên không rõ người phụ nữ trẻ kia là ai, con bé trở nên khó xử.
Mặc dù còn rất mệt trong người, Viên vẫn cố bám thành ghế mà đứng dậy cúi đầu.
– …Dạ em chào chị ạ…
Bà Uyên cười nhếch miệng:
– Không biết ở nhà có được dạy dỗ đàng hoàng không, mà qua nhà người ta, lại chẳng biết tự thân đi chào hỏi. Con gái trong làng này hết đứa cho mày chọn rồi hả Đại?
Hai cô cậu trẻ tuổi chỉ biết cúi đầu mà chịu trận. Bác tôi vội lên tiếng khuyên ngăn:
– Thôi cô Uyên! Dù sao, con bé cũng đi đường xa nên nó mệt. Lại thấy mọi người nấu nướng dọn dẹp, nên không dám làm phiền. Đúng thật theo lễ nghĩa như vậy là sai. Nhưng mong cô dơ cao đánh khẽ giùm.
– Hai đứa! Xin lỗi chị đi!
– Dạ…Em xin lỗi chị ạ…Xin lỗi chị ạ…
Bà Uyên quay lưng.
– Hứm! Nể cậu Hoàng, nên tao không nói nữa. Con nhỏ kia! Theo tao vào trong bếp còn phụ giúp mọi người. Mày đến đây để chơi à!?
Giọng Đại run run:
– Nhưng mà chị ơi…Viên còn đang mệt…
– Không…Không sao đâu anh. Đừng lo, em làm được…
Bác tôi đá mắt với Đại, bảo anh ta bận gì thì đi đi, mọi việc đã có bác tôi “hậu thuẫn” rồi. Nghe thế, Đại thấy an tâm phần nào, vì vốn dĩ, cậu ta cũng rất sợ khi đối mặt với mẹ và các cô, các chị của mình.
Vào trong bếp, bác tôi lên tiếng ngay.
– Giới thiệu với mọi người. Đây là Viên, người yêu của cậu Đại.
Bác tôi nói nhỏ với Viên: “Người đeo nhiều vòng vàng là mẹ của anh Đại đấy, chào đi em. Kia là chị của Đại,…”
Viên ngoan ngoãn, khoanh tay, cúi đầu chào từng người trong bếp. Nhưng dường như, điều ấy không làm dịu đi những ánh mắt khó chịu của họ dành cho Viên.
Cụ Lành miệng nhai trầu bỏm bẻm, đôi mắt bà ta lườm lườm vào bàn tay trắng trẻo của Viên.
– Chẳng hay, cô đây là tiểu thư nhà ai? Cha mẹ thế nào? Công việc ra sao?
Tuy nói chỉ thành hơi, nhưng Viên vẫn cố gắng đáp lời.
– Dạ thưa bác. Con là con nhà bác Liêm ngoài thành phố ạ. Con sống cùng với cha mẹ. Từ nhỏ, con và gia đình ở Pháp. Nhưng sau thì về lại. Hiện mẹ con đang công tác ở lãnh sự quán ạ, còn con theo cha làm việc, cha con đang liên doanh với hợp tác xã của anh Đại ạ.
Nghe gia thế của Viên. Những người có mặt tại đây không khỏi e dè. Bà Hậu lắc đầu nhìn bà Uyên, như thể tỏ ý sẽ khá khó ức hiếp được con bé này.
Riêng Cụ Lành, bà ta khẽ cười, bà vốn thích sự môn đăng hộ đối, nên nghe vậy, bà cũng phần nào hài lòng.
Cụ Lành tiếp tục lên tiếng:
– Nhà ta thì vốn cũng có uy nhất cái vùng này. Cho nên, dẫu cô là tiểu thư nơi nào, nhưng nhập gia phải tùy tục. Còn đứng đấy làm gì? Biết nấu nướng không? Hay chờ người khác hầu?
– Dạ…Con biết ạ…
Nghe cụ Lành sai bảo cô bé kia, mấy bà chị cũng “bớt ngán”. Họ bắt đầu chỉ tay năm ngón cho Viên làm đủ việc.
– Cắt mỏng mỏng thôi! Nấu cho người ăn chứ không phải cho trâu cho bò!
– Này! Xách có xô nước xách cũng không xong!!?
– Lựa rau cẩn thận vào chứ, thấy con sâu bự bằng “bắp đùi” không?
Bác tôi vừa giúp phi hành, vừa nghĩ trong bụng; Thật tội nghiệp cho cô bé kia. Nhìn mồ hôi đầm đìa cả trán, tóc tai ám khói, môi thì nhợt nhạt. Chẳng biết liệu con bé có chịu nổi không nữa..