Mỗi năm, hàng nghìn thanh niên Hàn Quốc cạnh tranh để gia nhập các đội thể thao điện tử chuyên nghiệp, nhưng chỉ một số ít được nhận vào.
- Giấc mơ thành công và nổi tiếng như các game thủ hàng đầu
- Học viện Thể thao điện tử Gen.G Elite tại Seoul được thành lập bởi Gen.G, một công ty thể thao điện tử có trụ sở tại California. Mục tiêu của trường là giúp các game thủ trẻ tìm được việc làm trong ngành thể thao điện tử đang phát triển.
Ở trường, bữa trưa diễn ra trong im lặng. Sau khi ăn xong, sinh viên tập trung trong một căn phòng thiếu ánh sáng được trang bị máy tính công suất lớn. Ở đó, các huấn luyện viên sẽ giúp sinh viên học cách vượt qua đối thủ trong một thế giới giả tưởng kỹ thuật số đầy rẫy những cuộc phục kích và quái vật.
Trường học kết thúc vào lúc 5 giờ chiều, nhưng việc luyện tập cá nhân vẫn tiếp tục diễn ra vào ban đêm.
“Tôi chỉ ngủ ba hoặc bốn tiếng mỗi ngày. Nhưng tôi muốn trở thành một ngôi sao. Tôi mơ về một đấu trường thể thao điện tử chật kín người hâm mộ đến vì tôi.” Kim Min-soo, 17 tuổi, một học sinh đeo nẹp quanh tay phải để bớt đau do chơi game quá nhiều, phát biểu.
Những sinh viên như Min-soo đã mang theo nguồn năng lượng cạnh tranh mãnh liệt thường thấy trong nền giáo dục Hàn Quốc vào quá trình đào tạo của họ tại các học viện thể thao điện tử.
- Hàn Quốc được coi là nơi sản sinh ra thể thao điện tử, nhưng ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la này vẫn bị nhiều người trong nước dè bỉu. Các học viện như Gen.G đang tìm cách để thay đổi hình ảnh đó và mang đến cho hàng nghìn người trẻ cơ hội theo đuổi sự nghiệp ở một nơi mà chơi game từ lâu đã được coi là một cách sống.
- “Ở Hàn Quốc, các game thủ phải luyện tập trò chơi rất nhiều lần trước khi thi đấu chính thức, vì nếu họ làm ảnh hưởng đến kết quả thi đấu của đội, họ có thể bị đuổi. Các game thủ Hàn Quốc rất nghiêm túc.” Jeon Dong-jin, người đứng đầu chi nhánh Hàn Quốc của nhà phát triển trò chơi điện tử Blizzard Entertainment, cho biết trong một diễn đàn gần đây ở Seoul.
- Thể thao điện tử hiện là công việc phổ biến thứ 5 trong tương lai của sinh viên Hàn Quốc, sau vận động viên, bác sĩ, giáo viên và người sáng tạo nội dung kỹ thuật số, theo một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục năm ngoái. Thể thao điện tử sẽ được đưa vào thi đâu tại Đại hội thể thao châu Á vào năm 2022.
- Những tuyển thủ hàng đầu như Lee Sang-hyeok, hay được biết nhiều hơn với tên gọi Faker, kiếm được danh tiếng và tài sản nhiều như các thần tượng K-pop hàng đầu. Hàng triệu người xem họ thi đấu qua livestream. Trước đại dịch, người hâm mộ tập trung tại các đấu trường thể thao điện tử để xem các trực tiếp các trận đấu. Cảnh tượng tại đây không khác gì tại một giải đấu vật chuyên nghiệp kết hợp với concert của một nhóm nhạc rock.
2. Cơ hội học hành và việc làm
- 10 đội thể thao điện tử chuyên nghiệp tại đang thi đấu trong Liên Minh Huyền Thoại, trò chơi phổ biến nhất ở đây, chỉ thuê tổng cộng 200 người chơi. Với những game thủ không được nhận, họ ít có cơ hội việc làm thay thế.
- Các game thủ thường chỉ có bằng tốt nghiệp trung học, do đó cơ hội việc làm của họ khá hạn chế. Và không giống như một số trường đại học Mỹ, các trường Hàn Quốc không tuyển sinh dựa trên kỹ năng thể thao điện tử.
Khi Gen.G, một công ty thể thao điện tử có trụ sở tại California, mở Học viện Thể thao điện tử Gen.G Elite tại Seoul vào năm 2019, họ muốn giải quyết một số thách thức cho các game thủ bởi vì “đây là nơi có nhiều tài năng trong lĩnh vực này. Hàn Quốc vẫn được coi là thánh địa của thể thao điện tử.” Joseph Baek, giám đốc chương trình tại học viện Gen.G cho biết.
- Trường đào tạo thanh niên Hàn Quốc và các sinh viên các nước khác cách trở thành người chuyên nghiệp trong lĩnh vực này và giúp những người yêu thích trò chơi tìm kiếm cơ hội trở thành streamers, nhà tiếp thị và nhà phân tích dữ liệu. Cùng với công ty giáo dục Elite Open School, Gen.G Elite đã mở một chương trình chỉ sử dụng tiếng Anh để học sinh có cơ hội lấy bằng tốt nghiệp trung học của Mỹ, sau đó các em có thể đăng ký học bổng thể thao điện tử vào các trường đại học ở Hoa Kỳ.
Anthony Bazire, một cựu học viên 22 tuổi của Học viện Gen.G đến từ Pháp, cho biết anh chọn Hàn Quốc là nơi tập luyện của mình vì anh biết đất nước này có nhiều game thủ hàng đầu. Hiện nay, những người đạt được vị trí cao nhất trong các giải đấu Liên Minh Huyền Thoại, Overwatch và StarCraft II chủ yếu là người Hàn Quốc.
“Khi bạn thấy mọi người làm việc chăm chỉ, điều đó sẽ thúc đẩy bạn làm việc chăm chỉ,” anh nói.
- Chương trình Gen.G, chương trình đầu tiên thuộc loại hình này ở Hàn Quốc, thậm chí đã giúp một số học sinh thuyết phục cha mẹ rằng họ đã có một bước đi thông minh trong sự nghiệp.
- Vào năm 2019, năm thứ hai ở trường trung học, Kim Hyeon-yeong đã chơi Liên Minh Huyền Thoại 10 giờ mỗi ngày. Kỹ năng của anh ngày càng được cải thiện khi lang thang trong thế giới giả tượng kỹ thuật số. Mùa hè năm đó, anh quyết định trở thành một tuyển thủ thể thao điện tử chuyên nghiệp và bỏ học.
“Cha mẹ tôi hoàn toàn phản đối điều đó. Tôi nói với họ rằng tôi sẽ không hối tiếc, bởi vì đây là điều tôi muốn thử trong đời, cho dù bỏ đi tất cả những gì tôi từng có.”
Mẹ của anh, bà Lee Ji-eun, 46 tuổi, đau khổ đến mức nằm trên giường và rên rỉ. Cuối cùng, bà quyết định ủng hộ con trai mình khi anh hỏi bà : “Mẹ ơi, mẹ đã ước mơ gì khi ở tuổi con? Mẹ đã sống trong giấc mơ đó chưa? ”
Kim đã nghiên cứu chương trình Gen.G có chi phí 25.000 đô la Mỹmột năm và dẫn mẹ anh đến học viện để thuyết phục bà rằng anh có thể tìm thấy thành công với tư cách là một chuyên gia thể thao điện tử. Anh ấy đã vượt qua rào cản lớn đối với ước mơ của mình trong năm nay bằng cách trúng tuyển vào Đại học Kentucky, dựa trên kỹ năng chơi game online của mình.
- Min-soo, cậu học sinh có ước mơ trở thành một ngôi sao thể thao điện tử, lần đầu tiên cảm nhận được ảnh hưởng mạnh mẽ của đấu trường thể thao điện tử khi cậu ấy còn học cấp hai. Kể từ năm 2019, anh thức dậy lúc 6 giờ sáng mỗi ngày, thực hiện chuyến đi kéo dài hai giờ bằng xe buýt và tàu điện ngầm đến học viện Gen.G. Anh trở về nhà lúc 11h30 tối và sau đó tập luyện nhiều hơn, hiếm khi đi ngủ trước 3h sáng.
Năm nay, Min-soo cuối cùng cũng được coi là đủ khả năng để bắt đầu tham gia các bài kiểm tra để trở thành thực tập sinh của một đội chuyên nghiệp.
“Đó là một cuộc sống khó khăn và cô đơn, bởi vì bạn phải từ bỏ mọi thứ khác, như bạn bè,” anh nói. “Nhưng tôi hạnh phúc nhất vì tôi đang làm những gì tôi thích nhất.”
(Theo: The New York Times)