Hàm Tiếu vùi đầu ăn cơm, từng hạt từng hạt vừa thơm lại vừa cay đắng. Tiếng nhai thức ăn càng tô đậm không khí yên tĩnh đang bao trùm bốn phía. Hàm Tiếu cúi đầu bất ngờ cất tiếng: “Có biết tại sao mẹ tôi không còn không?”
Tim Xảo Trân rung lên một nhịp. Hàm Tiếu đặt bát cơm xuống, đứng dậy nhìn Xảo Trân, đôi mắt như lòng biển sâu thẳm, ẩn dấu những nỗi niềm khó đoán được. Cô giơ tay chỉ về phía phòng của người cha đã mất, sắc mặt bình tĩnh tựa như chuyện cô đang nhắc tới chẳng liên quan gì đến mình: “Mẹ tôi chết vì uống thuốc sâu, ngay trên giường, là do bị bố tôi ép chết”
“Tôi không muốn dì sẽ giống như mẹ tôi, nên muốn đuổi dì đi càng sớm càng tốt, nhưng bố tôi giờ chết rồi, tôi cũng chẳng quản nữa, dì muốn ở lại thì tuỳ”. Hàm Tiếu kéo em trai trở về phòng, cánh cửa “két” một tiếng rồi đóng lại.
Xảo Trân thần người ra, nhìn chằm chằm căn phòng trống trơn kia, một lúc lâu sau mới bắt đầu thu dọn bát đũa.
Gia đình mất đi nguồn thu nhập chính, bí thư thôn đem người tới hỏi thăm tình hình, giúp Hàm Tiếu có cơ hội được đi học miễn phí tại một trường trung học trong thị trấn.
Hàm Tiếu đi học, quần áo, sách vở đều được cấp mới. Trên đường đi học về, Hàm Tiếu nghe được mấy người dân trong thôn thì thầm to nhỏ dưới gốc cây, họ nói Xảo Trân khi không lại phải rước hai cục nợ vào người.
Từ nhỏ đến lớn Hàm Tiếu đã nghe vô số lời đồn thổi nhưng chưa từng một lần để tâm. Cô ngâm nga khúc ca trở về nhà, vốn định nói với người mẹ kế kia, rằng Khang Hàm Tiếu cô toàn hoàn không cần mẹ kế cũng có thể nuôi lớn em trai của mình.
Thế nhưng vừa bước vào cửa, cô liền nhìn thấy một đàn gà con đang chiếp chiếp kêu vang và một chiếc xe ba bánh đã cũ mèm.
Xảo Trân đang cầm giẻ lau, cẩn thận lau sạch đi những vết bẩn bám trên thân xe.
Xảo Trân bắt đầu những tháng ngày làm lụng cần cù. Từ nuôi gà vịt lấy trứng đến việc dậy sớm mỗi sáng hấp bánh bao, nhào mì. Trời chưa sáng cô đã đạp xe ba bánh chở đầy đồ lên phố chợ bán. Tay nghề của cô vô cùng điêu luyện, có thể làm ra đủ kiểu bánh bao , bánh bao nhân hẹ, bánh bao nhân ngô, đều vô cùng thu hút người trong thành phố.
Nhà chỉ có Hàm Tiếu biết chữ thế nên cô bị Xảo Trân hết rắn lại mềm, nài nỉ đặt đủ các thể loại tên, còn làm một cái biển hiệu treo trên xe ba bánh. Xảo Trân không biết chữ, Hàm Tiếu liền kiên nhẫn dạy cô đọc hết các chữ cái một lượt.
Xảo Trân đạp xe ba bánh ba năm trời, cuối cùng cũng nuôi Hàm Tiếu học xong trung học. Suốt 3 năm, Hàm Tiếu luôn gọi thẳng tên của Xảo Trân, trước sau vẫn chưa từng gọi cô một tiếng “Mẹ”.
Thị trấn không có trường cấp 3, muốn tiếp tục học tiếp chỉ có thể vào thành phố. Để giúp Hàm Tiếu tiết kiệm tiền cơm, mỗi giờ chuẩn bị tan học, Xảo Trân đạp chiếc xe chở hàng ăn nhỏ của mình đến trước cửa trường cấp 3 của Hàm Tiếu. Mỗi buổi trưa Hàm Tiếu sẽ đến chỗ cô ăn, cơm trưa được nấu vào sáng sớm, để trong một chiếc hộp giữ ấm. Sau 2 tháng như vậy, dần dần bạn bè Hàm Tiếu đều biết cả.
Mỗi lần hai bên chào hỏi nhau, không khí đều vô cùng ngại ngùng. Bạn bè Hàm Tiếu đều rất tò mò, chỉ về Xảo Trân hỏi Hàm Tiếu, cô ấy với cậu có quan hệ gì. Mỗi lúc như vậy, Hàm Tiếu chỉ lắc đầu không trả lời.
Lại qua vài hôm, quán ăn vặt của Xảo Trân đã biến mất. Mỗi này sau khi bán hết thức ăn, cũng là giờ trưa, Xảo Trân sẽ đến làm thêm ở một quán sách nhỏ cạnh trường học, tiện thể đem cơm cho Hàm Tiếu. Cô không giải thích tại sao không đẩy xe hàng nữa, Hàm Tiếu cũng không hỏi.
Có điều đôi lần Hàm Tiếu ngồi trên bậc tam cấp của hiệu sách ngậm cơm, qua cửa kính trong suốt nhìn vào trong sẽ thấy hình ảnh Xảo Trân cong lưng di chuyển từng chồng từng chồng sách toán học, anh ngữ đủ các loại tài liệu, lại khó khăn nhận mặt chữ rồi sắp xếp chúng vào vị trí chính xác.
Cơm để lâu đến vữa nát, Hàm Tiếu chỉ cảm thầy sống mũi cay cay, vội vàng ăn xong cơm rồi nhanh chóng trở về trường học.