NHẬT BẢN VÀ VĂN MINH TÂY PHƯƠNG

Cách đây tròn 120 năm, Fukuzawa Yukichi, người có công mở đầu phong trào canh tân nước Nhật, đã cho rằng Nhật Bản thật sự may mắn khi bắt đầu tiếp xúc nền văn minh Tây phương qua cánh cửa khoa học.

Trung quốc và các quốc gia khác đã tiếp xúc lâu dài nền văn minh này nhưng đến nay (năm 1901) họ vẫn chưa có được tiến bộ thuận lợi. Fukuzawa cho rằng vì tầng lớp du nhập các yếu tố mới của văn minh Tây phương là giới thương mại, tầng cấp thấp của nước họ, nên từ đầu họ đã không xem trọng nền văn minh này.

Còn tại Nhật tầng lớp bắt đầu giao tiếp với văn minh Tây phương là tầng lớp trí thức có trình độ rất cao.

Do chính sách bế quan tỏa cảng, trừ việc ngoại giao, cho đến thời Tokugawa (1603-1867) Nhật Bản thật sự hoàn toàn không có ngoại giao với bên ngoài nên không có cách nào để biết tình hình của các nước khác.

Vào khoảng năm 1760s trong khi không trí thức nào ở Nhật Bản đọc sách Tây học thì một nhóm sáu bảy người đứng đầu là thầy thuốc Maeno Ryotaku lần đầu tiên quyết tâm đọc sách tiếng Hòa Lan. Họ bắt đầu đọc và tìm hiểu nội dung quyển sách về giải phẫu thân thể con người. Tên sách là “Ontleedkundige Tafelen” được xuất bản ở Hòa Lan.

Vừa cực khổ học tiếng Hòa Lan vừa tìm hiểu nội dung sách, và bắt đầu công việc dịch sách này khi đã hiểu được một ít. Bốn năm sau, với 11 lần tu sửa bản thảo sách được xuất bản sách dịch với tên là “Giải thể tân thư”.

Đây là công trình vĩ đại từ lúc Nhật Bản khai tịch (bắt đầu có lịch sử) đến nay. Nó đã mở cổng cho đất nước vào con đường văn minh sau này.

Fukuzawa kể lại, vào thời Kôka (1844~1847) và Kaei (1848~1855), trong các trường tư thục, trường tốt nhất lúc bấy giờ là Tekijuku của tiên sinh Ogata ở Osaka. Fukuzawa cũng học trường này. Vào lúc ấy sách tiếng Hòa Lan nguyên bản hầu hết là sách y học. Sách về khoa học chỉ có “School boek” (Giáo khoa thư), “Volks Natuurkunde” (Khoa học tự nhiên nhập môn) v.v. Các sách này có lẽ là sách để cho học sinh cấp tiểu học hay trung học ở Hòa Lan học nhưng ở trường Tekijuku mỗi thứ chỉ có được một quyển. Vì vậy, học sinh tuần tự chép sao lại, sau đó tụ hợp lại đọc chung và tìm hiểu ý nghĩa của sách.

Một ngày kia, Hầu tước Kurota Nagahiro của phiên Chikuzen Fukuoka ghé thăm Osaka. Ogata đến chào Kurota và mượn được quyển sách tiếng Hòa Lan nguyên bản mà Hầu tước vừa mua được ở Nagasaki. Khi về đến trường tiên sinh Ogata gọi Fukuzawa, lúc đó là hiệu trưởng, cho biết chuyện này.

Fukuzawa nhìn sơ qua biết được là sách khoa học do tác giả Pieter Van Der Burg (1808-1889) biên soạn vừa được xuất bản gần đây. Không có thời giờ để đọc phần chữ viết trong sách nhưng nhìn qua các hình vẽ trong sách chỉ biết ngạc nhiên kinh ngạc mà thôi.

Được biết quyển sách này được mua với giá rất đắt 80 lượng tiền vàng. Do đó Fukuzawa nhờ tiên sinh Ogata mượn quyển sách trong 3 ngày, đúng bằng số ngày mà Kurota ở Osaka.

Sau đó ông bàn thảo với các bạn thân trong trường chia phiên nhau sao chép lại quyển sách. Mỗi người phải tự mình chuẩn bị bút mực giấy. Người này mệt, người khác thay. Sau 2 ngày 3 đêm, khoảng 60 tiếng đồng hồ liên tục không phút nghỉ ngơi, việc sao chép phần chữ, hình vẽ đã hoàn thành. Đó là cuốn sách về “điện khí”.

Fukuzawa và đồng nghiệp rất hào hứng về vô số điều lạ trong cuốn sách quý này. Như học thuyết của Faraday, người có thể nói là tổ khai sáng ngành điện học của nước Anh. Các hình vẽ của Faraday giải thích cách phát sinh ra điện thật mới lạ làm cho các học sinh của trường say mê, ngơ ngẩn.

Bảng liệt kê 60 mấy nguyên tố vật chất và thứ tự phát sinh cực dương, cực âm của chúng thật quá sức tưởng tượng đối với Fukuzawa.

Tóm lại lý thuyết của Faraday về điện đã làm chấn động các học sinh trong trường. Xưa nay dù đọc sách khoa học cũng chỉ biết được nội dung của nhiệt và năng lượng. Quyển sách trên đã mở chân trời mới, nhờ đó mọi người bắt đầu quan tâm, có hứng thú về năng lượng của điện. Sau đó trong nhóm có người dịch lại quyển sách trên làm quà tặng cho bạn bè ở quê nhà, có người lấy bình đựng rượu, tộ đựng cơm, kẽm, than cây v.v. để làm thí nghiệm phát điện.

Vào thời điểm trên trên toàn Nhật chỉ có học sinh trường của Fukuzawa ở Osaka mới biết được lý thuyết mới này của điện học. Họ rất kiêu hãnh với niềm vui sướng của tuổi trẻ lúc bấy giờ.

Fukuzawa cho rằng nếu là người có kiến thức, óc phán đoán giỏi, họ sẽ hiểu ngay chân lý hay quy luật của khoa học là không sai và họ nhanh chóng trở thành những người bạn tốt của khoa học. Và một khi họ đã vào con đường văn minh bằng cổng khoa học, thì chí hướng về khoa học của họ không còn dao động.

Nền tảng du nhập văn minh Tây phương ở Nhật Bản có nền tảng kiên cố, và mục đích của nó cao thượng, là sự thật không thể nghi ngờ.

Vào thời Tướng quân Tokugawa, giả sử như muốn du nhập văn minh Tây phương vào Nhật Bản nhưng không qua cánh cửa khoa học, trái lại qua các lý thuyết xã hội vô hình như chính trị, thương mại, kinh tế đồng thời biên dịch sách vở thuộc lĩnh vực này để chủ xướng, truyền bá chúng. Hoặc như thông qua tiếp xúc, giao lưu của giới nghèo khó hạ lưu trong nước với ngoại quốc.

Nếu bằng hai phương pháp này thì chắc chắn từ đầu mọi người trong nước sẽ khinh thường văn minh Tây phương và không đoái hoài đến nó. Hai học thuyết cũ mới sẽ xung đột nhau và gây ra hỗn loạn to lớn. Kết cuộc Tây học chắc chắn sẽ không tránh khỏi vận mệnh là bị mọi người đoạn tuyệt.

Tuy nhiên, Nhật Bản đã tiếp cận bằng con đường khoa học, không những đã không gặp nhiều thù địch, trái lại đã được nhiều người bạn có thực lực giúp đỡ, hỗ trợ. Thật là may mắn. Mặc dù việc bắt đầu hành trình đến thế giới khoa học là do tiền nhân chúng ta ngẫu nhiên nghĩ ra nhưng phải nói sự may mắn nói trên là do công đức của khoa học.

PS: Bản gốc câu chuyện của Fukuzawa do cụ Nguyễn Sơn Hùng, cựu LSH tại Nhật Bản dịch, để cho dễ đọc, mình chỉnh sửa sắp xếp lại một chút.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *