ANIMAL TESTING, CRUELTY-FREE & VEGAN

Gần đây tôi có xem 1 video ngắn trên youtube nói về việc thử nghiệm trên động vật. Video mang tên Save Ralph làm bởi Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ và được lồng tiếng nhiều quốc gia. Chị H’Hen Nie là người lồng tiếng cho bản tiếng Việt.

Đây là link video: https://youtu.be/VpWtu04WfMo

Tôi là đứa ít dùng đồ mỹ phẩm hay skincare mà dùng thì cũng k chú tâm vào thành phần. Tôi lựa đồ theo kiểu thấy dùng hợp hay được mọi người recommend nhiều thì mua thôi. Nhưng video này đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn về cách nhìn nhận vấn đề. 

Jeremy Bentham, nhà khoa học xã hội sáng lập ra chủ nghĩa vị lợi, đưa ra quan điểm: Khi quyết định quyền của một loài sinh vật sống, câu hỏi không nên là “Chúng có thể suy luận không? ” hay “ Chúng biết nói không? ”, mà đáng ra phải là “Chúng có thể chịu đau đớn như con người không? ”. Có lẽ khi trả lời được câu hỏi này, xã hội loài người đã biết phải làm gì tiếp theo.

Cả ngày hôm qua tôi đã search về những vấn đề liên quan đến việc thử nghiệm trên động vật bởi các brands, companies và đây là những thông tin tôi chắt lọc được.

Có 2 từ khóa chính chúng ta cần phân biệt: Vegan vs Cruelty-free

• Vegan: (hay sản phẩm thuần chay) là những sản phẩm không chứa bất kỳ thành phần động vật nào (vd: mật ong, sáp ong, …).

• Cruelty-free: những sản phẩm không thử nghiệm trên động vật.

Vậy nên sẽ có sản phẩm là Vegan nhưng không phải Cruelty-free, là Cruelty-free nhưng không phải Vegan (vd: Milani Cosmetics), và có thể có cả 2 (vd: Pacifica Beauty).

2 mảng Vegan và Cruelty-free cũng có những logo riêng để phân biệt (xem phần hình ảnh).

Nguyên nhân, hệ quả & giải pháp:

Về mặt lý thuyết, thử nghiệm trên động vật nhằm kiểm tra độ an toàn của sản phẩm, nhưng theo báo cáo thực tế từ tổ chức Cruelty Free International, hành động này đã khiến ít nhất 192,1 triệu động vật bị giết vì mục đích khoa học trên toàn thế giới vào năm 2015. Như vậy, chưa xét đến hiệu quả thì những cuộc thí nghiệm này là vô cùng tàn nhẫn, đi ngược lại với những giá trị đạo đức của con người.

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công các phương pháp thay thế việc thử nghiệm trên động vật như: phân tích dữ liệu có sẵn (in-silico), kiểm tra trong phòng thí nghiệm (in-Vitro Test), kiểm tra trên tình nguyện viên (in-Vivo Test)… Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng của các sản phẩm mà còn đề cao tính nhân đạo trong nền khoa học nói chung.

Trên thế giới:

Vào năm 2009, Hội Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu thi hành chính sách cấm thử nghiệm trên động vật để sản xuất nguyên liệu mỹ phẩm. Nhưng một số hãng vẫn phải cân bằng giữa đạo đức và doanh thu. Cụ thể như khi muốn nhập khẩu vào thị trường khổng lồ Trung Quốc, các sản phẩm mỹ phẩm bắt buộc phải trải qua quy trình thử nghiệm trên động vật.

Để được cấp phép bán ở Trung Quốc, từng sản phẩm nhỏ đều phải trải qua rất nhiều quy trình xét duyệt với nhiều thủ tục hành chính phức tạp, nhiêu khê, kéo dài từ 6 tháng đến cả năm trời. Trong đó, chính phủ Trung Quốc yêu cầu phải có một giấy phép liên quan đến vệ sinh, và đây là bước mà các hãng sẽ vừa phải nộp sản phẩm mẫu, vừa phải nộp phí để sản phẩm này “được” đưa vào thử nghiệm trên động vật trong các phòng thí nghiệm của Trung Quốc. Chính phần “phí thí nghiệm” này là một nguồn thu lớn cho chính phủ Trung Quốc, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, trong khi các bước thí nghiệm thì rất dã man. Theo báo cáo của PETA thì động vật trong các phòng thí nghiệm này thường bị bắt ăn mẫu mỹ phẩm, bị bôi mỹ phẩm lên da, mắt, thường thì con nào cũng chết. Kiểu thử nghiệm như thế này rõ ràng là phản khoa học, thậm chí đã bị cấm ở châu Âu vì nó chẳng đem lại bằng chứng cụ thể về độ an toàn của mỹ phẩm. 

 Vẫn còn rất nhiều hãng mỹ phẩm khác đã quyết định từ bỏ món lợi ở Trung Quốc để giữ chân cộng đồng khách hàng yêu động vật của mình tại các quốc gia còn lại. Những cái tên “thân động vật” này bao gồm The Body Shop (thương hiệu quá nổi tiếng đã có mặt tại Việt Nam), Kat Von D (các chị em mê son kem lì hoặc các hộp phấn mắt lộng lẫy chắc đã quen với cái tên này), Wet n Wild (mỹ phẩm trang điểm siêu rẻ của Mỹ, đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc nhưng không bán tại Trung Quốc), Essence Cosmetics (hãng mỹ phẩm bình dân của Đức, nổi tiếng với hộp phấn tươi bị làm nhái rất nhiều ở Việt Nam), Urban Decay (hãng mỹ phẩm cao cấp, “trùm” của những khay phấn mắt tổng hợp) v.v… 

Tại Việt Nam:

Ở Việt Nam, chúng ta có nhiều nhãn hàng mà sản phẩm làm từ thiên nhiên như Naunau, Skinna và đặc biệt là Cocoon. Đây là nhãn hàng đầu tiên của VN vinh dự được quốc tế công nhận về cả 2 mặt Vegan và Cruelty-free. 

Danh sách một số brands Vegan /& Cruelty-free:

– Skincare: The Cocoon, Naunau, The Body shop

– Haircare: Sunsilk (Unilever), Leonor Greyl

– Makeup: Kat Von D, The Faceshop, E.L.F

Trang web để bạn check xem brands nào là Vegan, Cruelty-free: https://www.crueltyfreekitty.com/list-of-cruelty-free…/

Xin chia sẻ một bộ phim tài liệu liên quan đến vấn đề này: 

Dominion (2018) https://youtu.be/yEMddgXuSX4

Kết: Quyền của động vật không chỉ là thứ gì đó mang “màu sắc” triết học, nó còn là phong trào thách thức quan điểm truyền thống của xã hội. Động vật sinh ra không phải chịu đau đớn vì con người và chúng cũng cần được sống cuộc đời chúng xứng đáng.

Nguồn: Bảo Linh / Maybe You Could Live A Healthier Life

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *